27 février 2020

Tinh giản chính phủ


Thứ tư, 26/2/2020, 
Chuyên gia kinh tế

Lê Đăng Doanh: "Giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải cải cách thể chế, bao gồm cả thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của quan chức đối với chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công, trách nhiệm đối với dân và doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc đối với người dân và doanh nghiệp."


Trước đây, vấn đề an toàn thực phẩm, cái gì trên cạn thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, dưới nước là Bộ Thủy sản, đem ra chợ là của Bộ Thương mại, thuộc về sức khỏe con người là Bộ Y tế. Và nếu liên quan đến đo lường chất lượng, còn có Bộ Khoa học Công nghệ.

Kiểu quy định trách nhiệm như vậy dẫn đến điều nhiều người đã từng nói: "Thành công có rất nhiều cha nhưng thất bại là một đứa con rơi".

Gần đây nhất, chúng ta sắp xếp lại bộ máy chính phủ năm 2007. Chính phủ đã giảm đi bốn bộ và cơ quan ngang bộ. Khi đó, tôi đã không chỉ một lần nêu quan điểm ủng hộ sự ra đời của Bộ Công thương - sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Trước đây, công nghiệp và thương mại thường có chính sách ít thống nhất với nhau theo kiểu một bên là mở cửa, một bên bảo hộ. Nay, thị trường trong và ngoài nước đã thông thương với nhau, cần thông nhau trong cả cách điều hành sản xuất và thương mại. Người sản xuất cần có trách nhiệm với việc tiêu thụ.

Khi các nhà báo hỏi, tôi cũng khẳng định, việc sáp nhập Bộ Thủy sản và Nông nghiệp là hợp lý. Thủy sản và Nông nghiệp đều sử dụng tài nguyên đất và nước, nhiều công việc gần gũi nhau nên việc kết hợp đó có thể giúp hoạch định chính sách phát triển nông, lâm ngư nghiệp một cách tối ưu. Văn hóa - Thể thao - Du lịch là sự kết hợp được dự báo còn nhiều vất vả, bởi văn hóa là mảng rất phức tạp và rộng lớn. Bộ Tài nguyên - Môi trường dù giữ nguyên tên nhưng đảm nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển, đảo là một minh chứng rằng chúng ta đã nhớ lại vai trò quan trọng của kinh tế biển như một tầm nhìn dài hạn.

Nhưng người dân vẫn thấy nhiều quan chức nhà nước hàng ngày đi lại tất bật, họp hành triền miên chứ không biết họ đã làm gì. Đôi khi, đó chỉ là bộ máy này bày việc cho bộ máy kia, bộ này mời bộ khác đến, địa phương này giao lưu với địa phương kia mà người dân chẳng được cái gì cả. Tiến bộ của Chính phủ, thực chất còn là việc điều chỉnh lại chính bộ máy của mình.

Tôi mới nghe đề xuất về tinh giản bộ máy Chính phủ. Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, ông Lê Anh Tuấn cho rằng cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nên rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư thành Bộ Tài chính - Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.

Ông cũng đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số bộ, cơ quan ngang bộ; số phó thủ tướng từ năm xuống còn bốn người; từ 22 bộ trưởng xuống còn 20 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trước đó, Bộ Nội vụ từng đề xuất nên sáp nhập nhiều sở, ngành của các tỉnh và thành phố.

Tôi rất hoan nghênh thay đổi này. Thứ nhất, việc tinh gọn bộ máy giúp giảm bớt vị trí, bộ, ban, ngành không còn cần thiết; hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; tăng cường hiệu quả bộ máy, tinh hoa hóa đội ngũ nhân sự của chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện chỉ lo việc đầu tư từ vốn ngân sách và lập quy hoạch, kế hoạch, hoàn toàn có thể thống nhất với Bộ Tài chính. Cũng như vậy, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ nên rà soát lại nhiệm vụ, cắt đi những nhiệm vụ thuộc về thị trường, trùng lắp nhau.

Số phó thủ tướng bốn người cũng là thích hợp, trong đó có một người thường trực, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của các bộ trưởng. Ta có thể tham khảo mô hình chính phủ của một số nước khác như Anh, Pháp, thậm chí Mỹ cũng không có phó thủ tướng mà vẫn hoạt động rất hiệu quả. Tất nhiên ta phải nghiên cứu nghiêm túc và khoa học xem mô hình nào phù hợp với Việt Nam.

Thực tế, chúng ta đang có năm phó thủ tướng nhưng rất nhiều việc lớn nhỏ đều đợi Thủ tướng quyết. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng nói, một giờ sáng Thủ tướng còn gọi điện thoại. Nếu mọi việc đều đợi Thủ tướng thì sẽ bị tồn đọng. Khó khăn khi đó dồn cho dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, tinh giản bộ máy là tiết kiệm ngân sách quốc gia. Chi thường xuyên của ngân sách nhà nước nhiều năm lên đến 70 % tổng chi ngân sách: chi trả nợ mất 25 %, còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm rất nhỏ, dưới 10% và phải phát hành trái phiếu, đi vay để đầu tư phát triển. Nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được.

Mới đây, phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cải cách chính sách tiền lương phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hai giải pháp mang tính đột phá, căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Theo chỉ tiêu, đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10%. Ngân sách mấy năm qua rất căng thẳng nên phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, khắc phục lãng phí. Có lần Kiểm toán Nhà nước phát hiện các cơ quan công quyền "thừa" tới 57.000 nhân viên trong biên chế. Một số bộ như Bộ Công an gần đây đã giảm rất mạnh biên chế mà hiệu quả công việc chưa ảnh hưởng gì.

Thứ ba, mô hình chính phủ của các nước phát triển rất tinh gọn, thể hiện sự tiến bộ và văn minh của thế giới mà không có cớ gì chúng ta không học hỏi theo. Nhiều quốc gia có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng số bộ, cơ quan ngang bộ ít hơn hẳn. Ví dụ Trung Quốc và Malaysia có 25 bộ, Indonesia 24, Nga 21, Pháp 18, Singapore 16, Mỹ 15, Đức 14 bộ. Trong khi Việt Nam đang có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

Cuối cùng, mô hình chính phủ điện tử, số hóa nền kinh tế, vận dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong bộ máy sẽ giúp giảm nhiều nhân lực trong chính phủ song lại tăng cường khối lượng công việc. Công nghệ thông tin có nhiều ưu điểm, nhanh, gọn, tiện lợi, chống tham nhũng và minh bạch hóa cho dân. Từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử.

Đến nay, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử. Chính quyền điện tử vẫn còn những yếu tố dẫn tới hiệu quả chưa cao, nhưng hiện nay, hầu hết người dân đã có điện thoại di động có thể tiếp cận các cổng thông tin của chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử có bốn cấp độ, cấp độ cuối cùng là người dân có thể phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trình bày về những trường hợp tham nhũng và những trường hợp tiêu cực và ngay lập tức phản hồi lại tới người dân.

Tinh gọn chính phủ là đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ cải cách chính trị với cải cách kinh tế, cải cách thể chế, giúp thúc đẩy công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi. Đây cũng là cơ hội để sàng lọc cán bộ, tận dụng người tài, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong chính sách cán bộ, ưu tiên "con ông, cháu cha", "quan hệ", đưa những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy.

Những cố gắng thu gọn đầu mối này sẽ có kết quả tốt nếu như đó không chỉ là việc dồn một số cơ quan về ngồi chung trụ sở mà là điều chỉnh chức năng nhiệm vụ để tạo ra những bộ máy hoạt động theo nguyên tắc mới. Giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải cải cách thể chế, bao gồm cả thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của quan chức đối với chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công, trách nhiệm đối với dân và doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc đối với người dân và doanh nghiệp.

Với người dân, điều họ quan tâm hơn cả không phải là Chính phủ có thêm cái gì, bớt cái gì, mà là việc Chính phủ đã chuẩn bị và sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn thường ngày của họ.

Lê Đăng Doanh