TS. Nguyễn Ngọc Chu
20/02/2020
Giấu mình chờ thời hay cúi mình chờ cơ hội tráo trở? |
Những cuốn sách tụng ca Đặng Tiểu Bình lặng lẽ xuất hiện nhiều
ấn bản tại Việt Nam. Không ai ngờ được, những nhà xuất bản nước ta,
từng có uy tín và chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt, lại liên tiếp
trong nhiều năm để lọt những ấn phẩm đồi bại nguy hại, tung hô một
tội đồ chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thay vì phải vạch mặt Đặng Tiểu Bình, một kẻ côn đồ nham hiểm vô
liêm sỷ, một tội phạm chiến tranh, một tội đồ thảm sát diệt chủng;
thì một số nhà xuất bản Việt Nam lại tiếp tay cho kẻ thù, phát tán
những cuốn sách do chính người của Đặng phóng tác, hoang tưởng khoác
cho Đặng chiếc áo vĩ nhân lỗi lạc.
Điều cực kỳ độc hại, là thế hệ trẻ Việt Nam trong suốt 30 năm
qua không được biết, rằng ngày 17-2-1979 chính Đặng Tiểu Bình xua 60
vạn quân Trung Quốc tấn công Việt Nam, rồi liên tục trong 10 năm tiếp
theo, tiến hành chiến tranh xâm lược suốt chiều dài biên giới Việt
Trung, gây cho nhân dân Việt Nam bao nhiêu tang thương mất mát; cũng chính
Đặng đã ra lệnh tấn công đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam ngày
14-3-1988; thế mà nay Đặng bỗng nhiên biến hình thành thần tượng “siêu
việt” ngợp ánh hào quang.
Bởi vậy, cần vạch rõ bộ mặt thật của Đặng Tiểu Bình, lột bỏ
những vai trò hoang tưởng mà cận thần đã tô vẽ thêu dệt cho Y.
1. BỘ HẠ HẠNG XOÀNG BẬC TRUNG
Cho đến thời điểm ra đời nước CHND Trung Hoa 1-10-1949, chức danh cao
nhất mà Đặng Tiểu Bình có được là tham gia chỉ huy sư đoàn 129 ở khu
vực miền trung Trung Quốc vào năm 1945, và tham gia chỉ huy chiến dịch
Hoài Hải năm 1948. Rõ ràng trong thời kỳ này, Đặng ngụp lặn ở hàng
ngũ sư đoàn, thua xa Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, Hạ Long, Trần Nghị, chưa
nói đến các thủ lĩnh bề trên Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Mao
Trạch Đông.
Sau đó Đặng giữ chức Phó chủ tịch quân ủy Tây Nam, rồi được cất
nhắc dần lên chức Phó Thủ Tướng năm 1952, và đỉnh cao là Ủy viên
thường vụ Bộ chính trị kiêm Tổng thư ký Ban Bí thư vào năm 1956. Tuy
nhiên vị trị của Đặng vẫn còn cách xa nhóm người cai trị là Mao
Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân lai.
2. CHUI LỦI ĐÀO THOÁT
Cuộc đời của Đặng Tiểu Bình, ngay cả khi đã ngoi lên được hàng
ngũ lãnh đạo bậc trung, là cuộc đời chui lủi, đào thoát.
Lần thứ nhất Đặng Tiểu Bình bị tước hết các chức vụ đảng là
tháng 10 năm 1933. đến nỗi người vợ thứ hai của Y là Kim Duy Ánh đã
yêu cầu ly dị để đi lấy chồng.
Tháng 5 năm 1966 Đặng Tiểu Bình bị tước bỏ mọi chức vụ lần thứ
hai, phải đội mũ tai lừa, bị áp tải diễu hành trên phố, rồi bị đày
về nông thôn làm việc tại xưởng máy kéo. Trong các năm 1969-1972 Đặng
bị đày về lao động ở Giang Tây.
Ngày 20-3-1973 Mao cho phép Đặng trở về Bắc Kinh, rồi sau đó phục
hồi chức vụ Phó Thủ tướng cho Đặng.
Tháng 4 năm 1976 lần thứ ba Đặng Tiểu Bình bị tước hết các chức
vụ, trừ đảng tịch.
Ngày 22-7- 1977, Hoa Quốc Phong phục hồi chức vụ Phó Thủ tướng cho
Đặng.
3. VẬN MAY
Đặng Tiểu Bình gặp những vận may đặc biệt.
Đáng kể nhất là Chu Ân Lai suốt trong thời kỳ cách mạng văn hóa
đã âm thầm bằng mọi cách bảo vệ mạng sống cho Đặng Tiểu Bình, không
để cho Đặng bị những cực hình khổ sai, và tìm cách phục hồi vị
trí cho Đặng.
Nhưng phải nói cái may lớn của Đặng là sự nhẹ tay từ Mao Trạch
Đông. Mao nhìn thấy sự xảo quyệt của Đặng. Nhưng biết Đặng còn ở vị
trí dưới trướng, chưa thể ảnh hưởng đến ngôi vị thống soái của Mao,
chưa lộ ý đồ lật Mao, nên đã mở cho Đặng một con đường sống. Còn Lâm
Bưu, người được Mao tuyên bố kế thừa, lại bị chính Mao diệt trước.
Điều may mắn lớn hơn tiếp theo của Đặng chính là thời cuộc.
Mao Trạch Đông đã tiêu diệt thanh trừng hết các đối thủ sừng sỏ
nguy hiểm của mình. Lưu Thiếu Kỳ (12-11-1969), Lâm Bưu (13-9-1971), Bành
Đức Hoài (29-11-1974), Hạ Long (9-6-1969) tất cả bị truy sát đến chết.
Chu Đức, Chu Ân Lai thì buộc phải nằm im.
Mao Trạch Đông không muốn ai trong số các công thần sống lâu hơn
mình. Đến Chu Ân Lai cũng bị Mao kiềm chế không cho cứu chữa bệnh
tật, để phải chết trước Mao. Bởi vậy khi Mao Trạch Đông lìa đời vào
ngày 9-9-1976, những người tài giỏi hơn Đặng bậc trên như Lưu Thiếu Kỳ
(12-11-1969), Chu Đức (6-7-1976), Chu Ân Lai (8-1-1976), Lâm Bưu (13-9-1971)
đều đã không còn nữa.
Bơỉ vậy, Đặng Tiểu Bình độc tôn trên chính trường, vì Hoa Quốc
Phong trẻ tuổi và nhóm 4 tên không phải là đối thủ của Đặng.
Không có hổ báo thì đến lượt ngựa lừa. Đây thực sự là cơ may
trời giúp cho Đặng trở thành kẻ làm mưa gió chính trường nước CHND
Trung Hoa những năm 1978-1990.
4. LẬT LỌNG TRÁO TRỞ
Đặng Tiểu Bình là kẻ lật lọng tột độ. Không kể những tiểu xảo
mưu mô trên con đường giành quyền lực trong nội bộ ĐCS Trung Quốc. Chỉ
nêu ra những lật lọng của Đặng trên trường quốc tế.
Thứ nhất là trở mặt chửi bới Liên Xô trong phong trào cộng sản
quốc tế để giành giật vai trò lãnh đạo. Đặng đã soạn thảo ra văn
bản 25 điểm lên án vu khống Liên Xô. Đặng cũng thẳng thừng đề nghị
Việt Nam từ bỏ Liên Xô để nhận vài tỷ viện trợ của Trung Quốc.
Đặng bí mật cho nội gián kích động người Hoa di tản khỏi Việt
Nam, rồi vu cáo cho Việt Nam phân biệt bài xích người Hoa.
Đặng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng lại dối trá
tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc là Việt Nam xâm lược Trung Quốc và
Trung Quốc buộc phải phản kích tự vệ.
Lật lọng vu cáo, bốc lửa bỏ tay người, là thuộc tính của Đặng
cũng như những kẻ cầm quyền nhiều thời ở Trung Quốc.
5. TỘI ÁC CHIẾN TRANH VÀ DIỆT CHỦNG
Với mục đích dần dần độc chiếm Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình xúi
dục bè lũ Pôn Pốt đánh phá Việt Nam, và thâm hiểm hơn, là làm cho
bè lũ Pôn Pốt tự hủy diệt dân tộc Campuchia.
Thất bại trong âm mưu nạn kiều, không khuất phục được Việt Nam,
Đặng Tiểu Bình đích thân phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi
dạy cho Việt Nam một bài học. Ngày 17-2-1979 Đặng đưa 60 vạn quân Trung
Quốc tấn công Việt Nam. Với lực lượng áp đảo 5,6,7 đánh 1 nhưng quân
xâm lược Trung Quốc đã bị thất bại thảm hại trước dân quân và bộ
đội địa phương Việt Nam, bị tiêu diệt và bị thương hơn 6 vạn tên, buộc
phải rút quân về nước ngày 16-3-1979.
Quân xâm lược Trung Quốc đã bắn phá hủy hoại làng mạc, phố xá,
nhà máy, sát hại dân thường; phạm tội ác chiến tranh tày trời đối
với nhân dân Việt Nam.
Không chỉ với Việt Nam, Đặng Tiểu Bình còn phạm tội sát hại đối
với chính nhân dân Trung Quốc. Vụ thảm sát hàng vạn người dân tại
quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989 là tội ác diệt chủng man rợ
của Đặng Tiểu Bình và thuộc cấp đối với nhân dân Trung Quốc.
6. THAM VỌNG QUYỀN LỰC
Ngày 1-10-1949 đánh dấu sự thắng lợi của Mao va bè cánh trước
Tưởng Giới Thạch trong cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Cộng Sản Đảng
và Quốc Dân Đảng giành quyền cai trị Trung Quốc. Đắng cay thay, hàng
triệu người Trung Quốc đã bỏ mạng trong lầm tưởng rằng họ hy sinh vì
một lý tưởng cao đẹp cho tổ quốc Trung Hoa của họ, nhưng trên thực tế
họ đã chết vô nghĩa vì quyền lực của Mao và Đặng.
Chui lủi luồn lách dưới nách Mao, Đặng chờ thời cơ và tìm cách
leo lên nấc thang quyền lực. Có được quyền lực, Đặng níu giữ quyền
lực bằng mọi phương tiện và mọi thủ đoạn.
Tham vọng quyền lực của Đặng Tiểu Bình, trên bình diện quốc tế -
là mở rộng lãnh thổ và bá quyền thế giới; trên bình diện quốc nội
- là duy trì quyền lãnh đạo của cộng sản để duy trì quyền lãnh đạo
cá nhân.
Để mở rộng lãnh thổ, Mao Đặng không ngần ngại phát động chiến
tranh lấn chiếm đất đai - ở biên giới Ấn Độ (1962), ở đảo Tran Châu
với Liên Xô (1969), ở Hoàng Sa (1974) Vị Xuyên (1984) Trường Sa (1988)
với Việt Nam. Để bá quyền, Đặng phát động chiến tranh xâm lược Việt
Nam tháng 2-1979 hòng “dạy cho Việt Nam một bài học”. Để bảo tồn
quyền lực, Đặng ra lệnh thảm sát ở Thiên An Môn.
7. KÌM HÃM DÂN CHỦ
Đặng Tiểu Bình có hai tội rất lớn đối với nhân dân Trung Quốc. Đó
là kìm hãm nền dân chủ và kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Đặng đã cùng với Mao tiến hành chiến tranh để giành quyền cai
trị Trung Quốc. Đảng Cộng Sản và “chuyên chính vô sản” cùng với “tập
trung dân chủ” là những công cụ vô cùng lợi hại phục vụ cho mục đích
thâu tóm quyền lực của Mao và Đặng.
Khi vu tội để kết án Lưu Thiếu Kỳ, Mao phải “biểu quyết dân chủ”
và thi hành “tập trung” tại BCH TƯ. Nhưng BCH có 99 thành viên thì 10
bị giết hại, 40 người bị đấu tố trong cách mạng văn hóa không đến.
Dự họp chỉ có 40 người. Để có “dân chủ quá bán” Mao tự quyết định
bổ sung ngay 10 UV BCH mới cho đủ 50 người quá bán. Cái gọi là “tập
trung dân chủ” trong tay Mao là như vậy.
Khi CNXH sụp đổ ở Đông Âu, phong trào dân chủ ở Trung Quốc bắt đầu
nhen nhóm bằng cuộc biểu tình hàng chục vạn sinh viên tại quảng
trường Thiên An Môn mùa xuân năm1989, Đặng Tiểu Bình đã thể hiện quyền
“tập trung” bằng cách điều xe tăng súng đạn đến nghiền nát và bắn
chết một lúc 12 500 nhân mạng trong đêm mồng 3 sáng ngày mồng 4 tháng
6 năm 1989.
Dùy trì và củng cố quyền lực cai trị độc tài, Đặng Tiểu Bình
đã bóp nghẹt nền dân chủ ở Trung Quốc mà hậu thế sẽ ngàn năm sỉ
vả.
8. NHẦM TƯỞNG VAI TRÒ
Những người ở Thâm Quyến hiện nay ca ngợi Đặng Tiểu Bình vì đã
mở cửa để họ được phát triển gần như Hong Kong.
Nhưng câu hỏi tự nhiên là: Tại sao Đặng Tiểu Bình lại không để cho
cả đất nước Trung Quốc được tự do phát triển như Hong Kong?
Quyền tự do phát triển kinh tế theo quy luật thị trường là quyền
đương nhiên. Quyền tự do sử hữu đất đai cũng là đương nhiên. Tại sao
Đặng lại tước đi những quyền tự do cơ bản đó của người dân Trung
Quốc?
Từ đó mới thấy rằng, cho “mở cửa he hé” của Đặng là công nhỏ,
tội không cho mở cửa hoàn toàn mới là tội lớn.
Có người nói rằng Đặng Tiểu Bình giỏi khi thu hồi Hong Kong Ma Cao
sáng nghĩ ra mưu kế “một đất nước hai chế độ”.
Những người đó đã không nhìn thấy, rằng cái chế độ ở Hong Kong
và Ma Cao ưu việt và có lợi cho dân hơn cái chế độ ở Bắc Kinh. Đặng
Tiểu Bình thì biết điều đó và Y đã để nguyên như vậy chứ không có
sáng kế gì cả. Đặng sẽ trở thành ngu muội nếu bắt Hong Kong và Ma
Cao phải chuyển đổi theo mô hình Bắc Kinh. Đặng đã không tối kiến
trong vấn đề giản đơn này.
Ai đó đương thời khoác cho Đặng chiếc áo công lao. Còn hậu thế sẽ
giáng cho Đặng đòn tội lỗi.
9. CHỦ NGHĨA ĐẠI HÁN
Người ta gán cho Đặng Tiểu Bình câu “ mèo trắng hay mèo đen, miễn
là bắt được chuột”. Thiết nghĩ câu này hay các thành ngữ tương tự
đã có từ xưa. Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ, Đặng dùng câu thành
ngữ này để biện minh cho việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu
sắc Trung Quốc”, mà thực chất là từ bỏ chủ nghiã xã hội của Marx -
Lenin để chuyển sang kinh tế thị trường.
Đặng cũng như Mao, chưa bao giờ theo Marx – Lenin cả. Họ lợi dụng
chủ nghĩa Marx – Lenin để giành quyền lực. Đối với Mao và Đặng chỉ
có một chủ nghĩa duy nhất - chủ nghĩa Đại Hán.
10. PHÁN XÉT LỊCH SỬ
Khi đứng gần núi thì thấy núi cao to. Muốn phán xét vị thế núi
thì phải đi thật xa núi.
Phán xét vai trò cá nhân hay chính thể cũng vậy. Phải rời xa
đương đại để thoát khỏi sự ảnh hưởng chủ quan và thời cuộc. Trên
trục thời gian càng xa bao nhiêu thì sự đánh giá càng khách quan bấy
nhiêu.
Nếu vào thời Mao Trạch Đông còn sống, người dân Trung Quốc xem Mao
là lãnh tụ vĩ đại, có công lớn, thì nay người ta nói Mao nhiều tội
hơn là công. Đến thời điểm người sau sẽ thấy Mao chỉ có tội. Càng
sau nữa thì sẽ thấy tội Mao càng vô cùng lớn. Bởi lẽ Mao đã thí đi
hàng triệu sinh mạng dân thường trong cuộc nội chiến với Tưởng để
giành chính quyền. Chừng ấy chưa đủ, Mao lại tiếp tục sát hại hàng
vạn người, và đày đọa hàng triệu người trong cách mạng văn hóa ngu
xuẩn tội lỗi, chỉ để củng cố quyền lực của chính Mao. Trong kinh
tế, chính sách công xã và đại nhảy vọt đã làm kiệt quệ mỗi gia
đình và tàn phá nền kinh tế quốc gia. Nếu chính thể Tưởng Giới
Thạch thắng thế thì Trung Quốc đã có những bước tiến dài hơn nhiều
so với thời cai trị của Mao và Đặng. Người đời sau chỉ nhìn thấy Mao
là tội đồ, không còn là vĩ nhân nữa.
Tương tự như Mao, nhưng ở mức độ thấp hơn là số phận của Đặng.
Thời của Mao quá hà khắc, quá nghèo khổ, nên khi Đặng hé mở nền
kinh tế thị trường, đời sống của người dân khấm khá, nền kinh tế
Trung Hoa bao nhiêu năm bị cùm gông thì nay được trở mình lớn mạnh.
Bởi thế người ta mới nghĩ là công của Đặng to, mà lờ đi tội lỗi
của Đặng.
Chỉ khi cách Đặng vài trăm năm người ta mới thấy tội của Đặng
lớn. Đặng đã không thoát khỏi Mao, từ bỏ quyền lực, để phá bỏ chế
độ độc đảng, giải thoát cho nền dân chủ. Đặng không đủ can đảm để
đoạn tuyệt quá khứ mà còn vấn vương “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc
Trung Quốc”. Đặng là vĩ nhân hay là tội đồ? Hãy hỏi những người ở
quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989.
Đặng không chuyển toàn bộ nền kinh tế quốc gia sang nền kinh tế
thị trường, mà chỉ tiến hành những biện pháp cải lương manh múm.
Những cải cách kinh tế của Đặng có gì là sáng kiến, có gì là
giỏi giang, vì nền kinh tế thị trường đã làm cho Đức Nhật Mỹ hùng
cường từ bao nhiêu năm, và nội trong Trung Quôc thì Hong Kong giàu có,
đâu phải nhờ đến sáng kiến “siêu việt” của Đặng. Càng về sau, người
đời càng kết án Đặng.
Tài năng chính trị của Đặng thua xa Mao, Lưu, Chu. Tính côn đồ độc
ác của Đặng vượt xa Lưu, Chu. Chính sách kinh tế thì ăn theo kinh tế
thị trường. Vậy tại sao vẫn có kẻ phóng tác khoác cho Đặng bộ áo
“trí tuệ siêu việt”, thổi cho Đặng lên tận mây xanh?
Dòng máu Đại Hán đòi bá tể thế giới và bản chất khoác lác
một tấc lên trời là đôi bút hoang tưởng vẽ nên con ngáo ộp họ Đặng.