29 février 2020

Vì sao Việt Nam bỏ lỡ nhiều thời cơ


Nguyễn Đình Cống


Điều kiện để thành công lớn là có đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Thời cơ thuộc Thiên thời. Có  thời cơ cho cá nhân và thời cơ cho dân tộc.

Có nhiều nhận xét  rằng trong thời gian trên dưới trăm năm gần đây Việt Nam chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ quý giá để dân chủ hóa và phát triển đất nước. Nhiều người đã kể ra các thời cơ đó, nhưng chưa thấy ai phân tích nguyên nhân. Tôi cố gắng làm việc này, mong có thể gợi ý cho những ai quan tâm và mong nhận được phản biện của các bậc thức giả.


Thời cơ bắt đầu bằng một tình huống mới lạ, chứa vài điều kiện đặc biệt.Tình huống đó là thời cơ đối với người này, nhưng có thể là nguy cơ với người khác. Khi có một tình huống mới, người phát hiện ra nó, tùy nhận thức và quan điểm mà xem  là thời cơ hay nguy cơ.hoặc không xem là gì cả. Khi có nhận định và hành động đúng sẽ thành công. Nếu nhận định sai và theo đó mà hành động  thì sẽ thất bại.

Với cá nhân, thời cơ đến cho nhiều người, nhưng chỉ có một số rất ít  phát hiện được và lợi dụng có kết quả..Những người này được cho là gặp may mắn. Thực ra đa số trong họ đã có chuẩn bị để đón nhận thời cơ hoặc có tham gia tạo ra nó. Một số tương đối ít biết  được tình huống, nhưng không lợi dụng được hoặc chống lại. Biết là thời cơ nhưng không lợi dung được vì không có điều kiện và thiếu quyết tâm. Chống lại vì cho đó là nguy cơ. Với số khác, đông hơn,  thời cơ đến rồi  qua đi, khi nó đã qua rồi, đã thấy người khác gặp may rồi  thì mới tiếc là không biết được sớm hơn. Đa số người không hề hay biết thời cơ đã đến và đã qua đi như thế nào.

Người biết được tình huống  là do  tự phát hiện  hoặc  ai đó mách bảo. Ngày xưa  người mách bảo thuộc loại  thuyết khách, nay gọi là cố vấn. Người biết được tình huống rồi, có lợi dụng được không lại tùy thuộc vào nhận thức. Khi người ta đã có sẵn, đã kiên trì một định kiến thì chỉ chấp nhận những tình huống phù hợp với định kiến đó, xem nó là thời cơ và chống lại những điều khác với định kiến.  Người như vậy là loại có trí tuệ khá thấp. Để nhận ra một tình huống có phải là thời cơ hay không cần loại bỏ các định kiến. Thời xa xưa đã từng có câu khuyên “Để lòng không mà nhận lời lời can ngăn hoặc lời mách bảo”. Trong “Thuyết nan” Hàn Phi viết rằng “Cái khó nhất của thuyết khách là đoán đúng, nói đùng với lòng mong ước của vua chúa”

Thời cơ có các mức từ bình thường, cao, đặc biệt. Thời cơ quý giá viết ở trên là thời cơ đặc biệt đối với quốc gia.

Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ để dân chủ hóa và phát triển đất nước. Chúng ta là ai ?. Không phải là toàn dân, càng không  phải là liên minh công nông hoặc đội tiền phong của họ. Đại đa số người dân không hề hay biết thời cơ nào cho dân tộc đã đến và đã đi qua. Người bỏ lỡ thời cơ ở đây là một số ít hoặc chỉ một hai  người lãnh đạo cao cấp. Tại vì chỉ họ mới có điều kiện biến tình huống thành thời cơ. Những người khác, thường là trong tầng lớp trí thức có thể phát hiện  thời cơ của dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ để mách bảo, góp ý. Sự mách bảo này chỉ  được chấp nhận khi trùng hợp với mong ước của lãnh đạo. Khi không có sự trùng hợp ấy thì lời mách bảo dù có hay, có đúng đến bao nhiêu cũng bị bỏ ngoài tai và nhiều khi người mách bảo còn bị kết tội.Thí dụ rõ ràng và sinh động nhất là LS Nguyễn Mạnh Tường, tháng 10 năm 1956.là Trần Xuân Bách năm 1990, Hà Sĩ Phu năm 1995 v.v..

Cho đến nay trong đầu nhiều vị  lãnh đạo cao cấp của VN đã đặc sệt Chủ nghĩa Mác Lê (CNML),đã chứa đầy mưu mô và tham vọng toàn trị của ĐCS. Cái thứ đó làm cho đầu óc tăm tối, hủ lậu. Cái thứ đó ngăn cản mọi nhận thức về thời cơ cho dân tộc khi nó có gì trái với CNML, ngược lại với lòng mong muốn củng cố sự toàn trị . Việc phát triển kinh tế từ năm 1986 mà người ta gọi là đổi mới, là vận dụng sáng tạo CNMLthực chất là sửa sai, là làm ngược với nó, nhưng bắt buộc phải làm, không thì sụp đổ.

Việt Nam bỏ lỡ nhiều thời cơ, đó là thời cơ cho dân tộc, cho đất nước, nhưng lại là nguy cơ cho một số khá đông lãnh đạo ĐCS. Thế thì làm sao mà họ chấp nhận.

Hỡi các vị tự cho là  trí thức, xin đừng nói chúng ta bỏ lỡ thời cơ mà phải nói là lãnh đạo đất nước đã bỏ lỡ nó vì thiếu trí tuệ, kiêu ngạo. và tham lam. Thiếu trí tuệ thể hiện rõ nhất ở đường lối cán bộ của ĐCS có những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Ngay như QĐ 214 vừa mới ban hành cũng mắc phải những sai lầm như thế. Với đường lối như vậy không thể nào dùng được người thực sự có tài năng mà chỉ  thu nhận vào hàng ngũ lãnh đạo chủ yếu là bọn cơ hội, lắm mưu ma chước quỷ mà kém trí tuệ, thiếu trung thực, để lập nên một hệ thống rất cồng kềnh, rất kém hiệu quả vói Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, Mặt trân thay dân làm chủ. Kiêu ngạo vì đã lợi dụng được lòng yêu nước của nhân dân mà đạt được thắng lợi trong đấu tranh vũ trang, mà cướp được quyền của nhân  dân để thiết lập nền thống trị. Tham lam nên  chỉ thấy lợi ích trước mắt cho cá nhân và phe nhóm mà không thấy những tác hại to lớn cho đất nước.

Cướp lấy vai trò  lãnh đạo và quản trị đất nước mà vì quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, bỏ lỡ thời cơ của dân tộc, sẽ bị lịch sử kết tội phản bội Tổ quốc. Hỡi các vị có quyền thế, hãy suy nghĩ để tỉnh ngộ ra. Nếu tự mình không tỉnh ngộ ra được thì hãy tổ chức mời một số trí thức phản biện đến đối thoại hoặc thuyết trình, để may ra có thể nhờ họ phá bỏ vòng kim cô CNML, nhờ họ gột rửa những u mê tăm tối. Thời cơ để dân chủ hóa và phát triển đất nước, để thóat cộng thoát Trung  sẽ vẫn còn, nhưng nếu  không thay đổi được đầu óc của lãnh đạo thì rồi họ sẽ tiếp tục bỏ lỡ, đất nước vẫn bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (Truyện Kiều-Nguyễn Du)..