19 février 2020

Kỷ niệm 75 năm vụ đánh bom Dresden

Nhìn xa để biết chuyện mình!
 
 Diễn văn của Tổng thống (TT) Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 13. 2. 2020 tại Dresden

Kỉ niệm 75 năm ngày ném bom Dresden vào ngày 13 tháng 2 năm 1945 - Bài phát biểu tại Cung Văn hóa


LGT: TT Đức F.W. Steinmeier đã đọc diễn văn quan trọng dưới đây trong dịp kỉ niệm 75 năm vụ ném bom của không quân Anh xuống thành phố Dresden ở Đức đã làm thiệt mạng 25.000 người. Dịp này TT Đức, như nhiều người tiền nhiệm của ông, đã công khai nhìn nhận trách nhiệm của Đức dưới chế độ Quốc xã của Hitler đã gây ra Thế chiến Thứ 2. Thế chiến Thứ hai kéo dài từ 1939-1945 Đức và các đối thủ của Đức đã làm 50 triệu người thiệt mạng cùng với tàn phá, chia rẽ và hận thù. Nhưng sau chiến tranh nhiều nước Tây Âu đã sáng suốt và có can đảm biết quên hận thù và chọn con đường hòa giải giữa các dân tộc để cùng nhau xây dựng để thành lập Liên minh Âu châu (EU) trong hòa bình, dân chủ, thịnh vượng và tôn trọng nhân quyền. Sứ mạng này thật không dễ, như TT Steinmeier xác nhận, nhưng nhiều chính trị gia EU đã cương quyết thực hiện. Không chỉ xóa bỏ hận thù giữa các dân tộc, mà còn hợp tác toàn diện trong mọi lãnh vực. Ngay cả những dịp lễ kỉ niệm 100 năm Thế chiến Thứ nhất và 75 năm sau Thế chiến Thứ hai, lãnh đạo nhiều nước đã cùng nhau tới tham dự để tưởng niệm và đồng thời để cùng cố sự hòa giải và hợp tác giữa nhiều dân tộc ở Âu châu. 


Còn ở VN thì ra sao, 45 năm sau chiến tranh đã có một người cầm đầu CSVN nào dám công khai nhìn nhận cuộc nội chiến đã giết hại bao nhiêu triệu người Việt hai miền? Từ mù quáng tôn thờ chủ nghĩa sai lầm và theo đuổi tham vọng điên rồ, họ đã dựng lên chế độ toàn trị chà đạp nhân quyền, đạo đức sa đọa, cán bộ mọi cấp tham nhũng như rươi, đất nước vẫn tụt hậu, nhân dân đói nghèo và chủ quyền đang bị phương Bắc đe dọa nghiêm trọng !

Mới đây nhất, từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc tới Nguyễn Thị Kim Ngân đã hoàn toàn im lặng không dám mở miệng nói một lời tới cuộc chiến xâm lược của chế độ toàn trị Bắc kinh 41 năm trước (17.2.1979 – 17.2.2020) đã làm cả trăm ngàn binh sĩ và thường dân VN bị giết và bị thương, nhà cửa các tỉnh biên giới bị tàn phá. Họ cũng không dám tới các nghĩa trang thắp hương tưởng niệm binh sĩ và thường dân bị giết hại! Nhưng giữa khi ấy họ vẫn không quên kỉ niệm „Tổng công kích Tết Mậu thân 1968“, „Đại thắng Mùa Xuân 1975“ và vỗ ngực là chiến thắng vinh quang và anh hùng! (**)

Trong khi giữa chính quyền và nhân dân các nước trong EU đã thực sự hòa giải và đang cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, tự do và phồn vinh. Nhưng trong khi đó ngay chính với nhân dân mình, đồng bào ruột thịt, những người cầm đầu chế độ toàn trị CSVN vẫn thẳng tay đàn áp và bỏ tù những ai dám lên tiếng phê bình, chống lại chà đạp nhân quyền! Lời thề „Hòa giải dân tộc“ suốt 45 năm qua đã bị những người cầm đầu phản bội, chỉ vì tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin sai lầm cổ súy bạo lực và chỉ chạy theo tham vọng quyền-tiền!

Chừng nào Ông Trọng dám có cam đảm công khai nhìn nhận, vì tôn thờ chủ nghĩa sai lầm nên đã dẫn tới cuộc nội chiến tàn khốc giết hại bao nhiêu triệu đồng bào, hận thù chống chất và đất nước tan hoang?





Âu Dương Thệ (lược dịch) *



„Vài tháng trước vào ngày 1 tháng 9, tôi đang đứng vào lúc bình minh tại quảng trường chợ của một thị trấn nhỏ ở Ba Lan: Wieluń, ít được người Đức biết đến. Cùng với Tổng thống Ba Lan, trước sự chứng kiến của những người dân đau buồn, chúng tôi đã tưởng niệm về vụ ném bom xuống thành phố tám mươi năm trước.

Khi đó vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, các máy bay ném bom của Không quân Đức đã mang đến cái chết và sự hủy diệt cho Wieluń - mà không có cảnh báo. Vụ ném bom đã tấn công một thành phố không báo trước, không phòng thủ và không có vai trò quân sự. Nó đã phá nát bệnh viện, tàn phá quảng trường chợ, thiêu rụi trung tâm thành phố, giết chết 1.200 người trong giờ đầu của cuộc chiến.

Những trái bom ném xuống Wieluń là tội ác đầu tiên trong cuộc chiến tranh mà Đức Quốc xã đã mở màn ra cả thế giới. Nó gây ra nỗi kinh hoàng về sự ngạo mạn của Đức, sự điên cuồng chủng tộc của Đức và ý chí hủy diệt của Đức đã mang lại cho châu Âu liên tiếp trong sáu năm. Chúng đánh dấu sự khởi đầu của hành động sử dung bạo lực vô giới hạn gây thiệt mạng cho hơn năm mươi triệu người trong Thế chiến Thứ hai. Chúng ta đã tưởng niệm sáu triệu người Do Thái bị sát hại, bị tra tấn và giết hại trong các trại tập trung vài tuần trước ở Yad Vashem, Auschwitz và Berlin.

Cuộc tấn công vào Wieluń cũng là khởi đầu của một cuộc chiến ném bom tàn khốc, trong đó thường dân ở các thành phố đã trở thành nạn nhân chính. Không quân Đức một bên và bên kia là máy bay ném bom của Anh và Mỹ đã phá hủy hàng trăm thành phố ở hầu hết các nước châu Âu trong chiến tranh. Nó để lại một dấu vết tàn phá chưa từng thấy kéo dài từ Anh sang Đức đến Nga. Khi cuộc chiến này kết thúc vào tháng 5 năm 1945 với việc giải phóng châu Âu khỏi Chủ nghĩa Quốc xã [Đức], phần lớn lục địa trở thành đống tro tàn và đổ nát.

Hôm nay chúng ta tập trung tại đây để kỷ niệm các cuộc không kích vào Dresden 75 năm trước. Chúng ta tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến ném bom xuống thành phố này, ở Đức và ở châu Âu. Và chúng ta tưởng niệm tất cả các nạn nhân của nạn diệt chủng, chiến tranh và bạo lực.

Các nhân chứng đã tường thuật cuộc tán phá vào thành phố Dresden vào đêm 13 – 14.2.1945. Máy bay Anh bắn phá thành phố trong hai đợt. Các bom lửa và chất nổ đã gây ra một cơn bão lửa tàn phá. Khi người Mỹ tiếp tục cuộc không kích vào Thứ Tư Lễ Tro [Aschermittwoch -ngày khởi đầu Mùa chay của Thiên chúa giáo], họ thấy một thành phố đang cháy.

Ngày nay chúng ta biết rằng, có tới 25.000 người đã thiệt mạng, phần lớn trung tâm thành phố lịch sử và các khu dân cư lân cận đã bị tàn phá. Trong vòng vài giờ, những quả bom đã phá hủy phần lớn những gì người dân ở Dresden đã xây dựng qua nhiều thế kỷ.

Bom trúng vào ai đều là tình cờ. Nó rơi xuống trẻ em, phụ nữ và đàn ông, người dân ở thành phố Dresdnen và những người tị nạn từ Đông Phổ và Schlesien. Nó rơi vào những người lính, những tù nhân chiến tranh; những người phát xít và Gestapo [mật vụ], cũng như những người kháng chiến, những người lao động bị cưỡng bức và những tù nhân trại tập trung. Và thật tình cờ khi những quả bom đã giết chết hàng chục ngàn sinh mạng. Nhưng cũng thật tình cờ  một ít người đã thoát: những người Do Thái như Henny Wolf hay Victor Klemperer đã xé ngôi sao vàng ra khỏi quần áo đêm đó và có thể ẩn náu hoặc chạy trốn trong cảnh hỗn loạn.

Những người sống sót sau cơn bão lửa thường  bị khó khăn về thể chất và tinh thần. Tiếng hú của còi báo động, tiếng gầm rú của những chiếc máy bay và ánh sáng đỏ rực trên bầu trời; nỗi sợ cái chết và sự chật chội trong hầm trú ẩn; tiếng bom rơi, kính vỡ và tường đổ; ngọn lửa gầm rú hút hết oxy từ đường phố, nhà cửa và những khu đổ nát; những người bị đốt cháy và bộ xương của thành phố - vô số nhân chứng là những hình ảnh, âm thanh và mùi khét của đêm khủng bố không bao giờ quên được. Sợ hãi và ngất xỉu đã ăn sâu vào tâm hồn họ. Và những người tình nguyện tham gia giúp đỡ trong những ngày tiếp theo hoặc những người lao động bị cưỡng bách phải lôi những xác chết đã bị biến dạng khỏi đống đổ nát thường không bao giờ quên được những nỗi kinh hoàng.

Nhiều người đã ghi lại kinh nghiệm của họ trong các ghi chú, thư hoặc nhật ký và bằng cách này họ hi vọng giảm bớt gánh nặng của những ám ảnh này. Nhiều người đã kể lại với con cháu của họ như thế. Mãi tới những năm sau  một số người mới tìm lại can đảm để nói về lịch sử của họ - được khuyến khích bởi dư luận muốn tìm hiểu về cuộc ném bom, do những cuộc tranh luận về sự đau khổ và cảm giác tội lỗi mà chúng ta đã thực hiện ở đất nước chúng ta từ cuối những năm 1990.

Ở đây tại Dresden, tiếng nói của Dora Baumgärtel và Liesbeth Flade, Günter Jäckel, Götz Bergander và nhiều người khác nói với chúng ta về đêm đó và những cực khổ tiếp theo. Nhiều người sống sót không bao giờ gặp lại người thân của họ; họ đã mất nhà và các kỷ vật cá nhân; họ chỉ còn mang được những gì họ đã có thể khi chuông báo động rú lên. Những người thoát chết thường tuyệt vọng tìm kiếm một điểm tựa trên đống đổ nát của quê hương.

Đôi khi nó chỉ là một vài chữ gần gủi với chúng ta. Giống như những chữ mà Lina Skoczowsky đã viết trên một tấm bưu thiếp ở đây tại Dresden vài ngày sau các cuộc tấn công:

"Ba thân yêu! 3 người của Ba còn ở cùng nhau. Mọi thứ khác đã mất!"

Chúng ta biết những tiếng nói như vậy không chỉ từ Dresden. Chúng ta biết nó từ tất cả các thành phố của Đức đã phải hứng chịu các cuộc không kích trong Thế thế Thứ hai, vẫn thường lặp đi lặp lại. Chúng ta biết nó từ Lübeck và Hamburg, từ Wuppertal và Köln, từ Pforzheim, Wurzburg, Darmstadt và Hanover, từ Berlin và Potsdam, Halberstadt và Magdeburg, từ Rostock, Chemnitz và nhiều nơi khác.

Chúng ta cũng biết tiếng nói tương tự từ các thành phố ở Ý và những khu bị chiếm đóng ở Pháp, từ Naples và Genua, Le Havre và Royan. Chúng ta biết như thế từ các thành phố của châu Âu đã bị Không quân Đức phá hủy - từ Warsaw và Rotterdam; từ London, Coventry và Liverpool; từ Belgrade, Leningrad và nhiều nơi khác. Và chúng ta  cũng biết như thế từ Guernica, thành phố Basque, nơi các máy bay chiến đấu "Legion Condor" của Đức năm 1937 đã phá hủy. Wolfram von Richthofen, người sau này cũng chỉ huy cuộc tấn công vào Wieluń, đã ghi chú ngắn gọn trong nhật ký của mình vào thời điểm đó:

"Guernica, thị trấn 5.000 cư dân, thực sự bị san bằng. [...] Các lỗ bom vẫn còn nhìn thấy trên đường phố, thật tuyệt."

Chính thái độ vô nhân đạo này đã dẫn đến thảm họa. Những bức ảnh lịch sử để lại cho thấy mức độ tàn phá trên khắp châu Âu. Nó cho chúng ta thấy những gì đã mất mãi mãi ở các thành phố của chúng ta hồi đó - cũng ở đây tại Dresden. Nó cho chúng ta thấy rõ những công lao to lớn như thế nào trong việc tái thiết lại sau chiến tranh, trong đó rất nhiều phụ nữ thường lao động chỉ với hai bàn tay trắng. Và tôi nghĩ, chúng ta nên, ngày hôm nay chúng ta phải cố gắng đo lường nỗi sợ hãi, đau đớn và tuyệt vọng của những nạn nhân và những người sống sót sau cuộc dội bom. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ không mệt mỏi ở đây tại Dresden và ở nhiều nơi khác để tưởng nhớ mãi mãi tới các nạn nhân - và đồng thời phản đối những người muốn lạm dụng sự tưởng nhớ này để kích động hận thù và oán giận.

Cũng nhờ những công dân tận tụy này mà ngày nay chúng ta có thể nói rằng, những nạn nhân của cuộc chiến bom không thể quên được. Cuộc đời và số phận của họ vẫn còn mãi mãi và được ghi vào ký ức tập thể của chúng ta.

Tôi tin rằng: Ngày nay những ai suy nghĩ về lịch sử của gia đình hoặc thành phố của họ trong cuộc chiến bom cũng có thể hiểu rõ hơn, những gì mà nhiều người khác phải chịu đựng ở những nơi khác. Tưởng niệm chân thành dạy chúng ta lòng cảm thông. Tưởng niệm chân thành giúp chúng ta thấy và hiểu rõ chính chúng ta cũng như những người khác. Nó cho phép chúng ta chia sẻ nỗi đau buồn về số phận tất cả các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, xuyên biên giới quốc gia. Tôi cảm ơn tất cả mọi người ở đây tại Dresden, những người đã mở rộng lòng tưởng niệm của họ trong nhiều năm và tìm kiếm một cuộc trao đổi với các thành phố trên khắp thế giới, từ Coventry đến Breslau và St. Petersburg.

Khi chúng ta hôm nay nhớ lại lịch sử về cuộc chiến ném bom ở nước ta, chúng ta nhớ lại cả hai bên: Sự đau khổ của người dân ở các thành phố của Đức và sự đau khổ mà người Đức gây ra cho những người khác. Chúng ta không quên. Chính người Đức đã bắt đầu cuộc chiến khủng khiếp này, và cuối cùng có hàng triệu người Đức đã tiến hành nó - không phải tất cả, nhưng nhiều người đã tôn thờ như thế. Chính các phần tử Quốc xã [Đức] và những kẻ chạy theo đã tạo ra những vụ giết người Do Thái hàng loạt ở châu Âu. Và chính chế độ Đức quốc xã đã không ngừng giết hại ngay cả khi nó đã thua cuộc chiến từ lâu. Chúng ta không quên tội lỗi của Đức. Và chúng ta nhận trách nhiệm mãi mãi.

Nếu chúng ta hôm nay nhớ cuộc chiến ném bom, thì chúng ta cũng biết: Ngay cả khi đó, câu hỏi đã được thảo luận ở nước Anh và giữa các nước Đồng minh, liệu cái gọi là những cuộc oanh tạc khu vực rộng lớn, trong đó hàng chục ngàn binh sĩ của "Bộ tư lệnh ném bom" đã bị giết, có được coi là hợp lý về mặt quân sự, được phép theo luật pháp quốc tế và là hợp pháp về mặt đạo đức? Câu hỏi này tới nay vẫn là đề tài suy nghĩ của các nhà sử học và triết gia, không chỉ ở nước Anh.

Chúng ta cần cái nhìn tỉnh táo này để hiểu vì đâu khiến bạo lực leo thang khi ấy. Chúng ta cần sự tỉnh táo này để tìm câu trả lời cho câu hỏi, ngày nay phương tiện nào có thể được phép sử dụng để chấm dứt tội ác nghiêm trọng. Nhưng câu hỏi về tội lỗi của Đồng minh dẫn đến sai lầm để  nhằm giảm tội lỗi của Đức. Nếu chúng ta hôm nay tưởng niệm các nạn nhân ở các thành phố của Đức, điều đó không có nghĩa là tìm cách trách móc, chỉ trích và chắc chắn không phải là trả thù.

Đã quá nhiều và quá lâu, lịch sử các cuộc không kích vào Dresden đã bị ý thức hệ và chính trị hóa làm sai lạc, đầu tiên là bởi các phần tử Quốc Xã, sau đó là chế độ SED [Cộng sản Đông Đức]. Và cũng trong năm kỷ niệm này, chúng ta phải trải nghiệm các lực lượng chính trị muốn bóp méo lịch sử, cố tình diễn tả sai và sử dụng như một vũ khí.

Đó là lý do tại sao ngày hôm nay tôi muốn nói rõ ràng: Nay ai vẫn còn cho cái chết của Dresden giống như với cái chết của Auschwitz [trại thiêu sống hàng triệu người Do thái]; ai tìm cách làm giảm sự bất công của Đức; ai cố tình làm sai lệch sự thật lịch sử và tự cho mình hiểu biết hơn, chúng ta là những người dân chủ phải đứng lên, chúng ta phải cương quyết dứt khoát phản đối họ!

Nhưng tôi cũng nói: Ai phớt lờ hoặc tầm thường hóa nỗi khổ của người dân, nạn nhân đánh bom ở thành phố này; bất cứ ai cho rằng, vụ đánh bom là "hình phạt công bằng", hoặc dùng lời chế giễu về sự đau buồn cũng không công bằng với lịch sử, và họ cũng giễu cợt các nạn nhân.

Xin Quí vị hãy cùng chúng tôi đứng lên tập trung tưởng niệm về sự đau khổ của các nạn nhân và những thân nhân của họ còn sống sót, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân  về sự đau khổ này. Và chúng ta hãy cùng nhau chống lại tất cả những ai muốn lợi dụng việc tưởng niệm làm vũ khí để gây ra những cuộc chiến ý thức hệ của họ!

Tôi hài lòng rằng, nhiều công dân hăng hái tại Dresden đã đi theo con đường này trong nhiều năm. Chuỗi người với hàng ngàn người sẽ lại tham gia vào tối nay tại thành phố này, đó là một dấu hiệu mạnh mẽ của lễ kỷ niệm như vậy trong tinh thần đồng cảm, và tôi rất biết ơn, chút nữa tôi có thể cùng tham gia với Quí vị.

Từ lâu tại thành phố Dresden, tại đây Quí vị không chỉ nhớ lại lịch sử của các cuộc không kích, mà cả lịch sử của thành phố của Quí vị dưới Chủ nghĩa Quốc xã - không phải để khơi dậy đau khổ, mà chính là học hỏi từ quá khứ cho hiện tại và tương lai.

Chúng ta biết rằng sự tàn phá của thành phố văn hóa Dresden đã không xảy ra trong một đêm và không chỉ trong tháng 2 năm 1945. Sự tàn phá của thành phố văn hóa Dresden đã bắt đầu vào năm 1933 - giống như sự tàn phá của nhiều thành phố văn hóa trên khắp nước Đức. Nó bắt đầu khi những cuốn sách bị đốt cháy trên đường phố chỉ vài tuần sau khi bàn giao quyền lực cho Hitler; khi nhạc trưởng Fritz Busch bị hét lên từ nhà hát Semperoper, vì ông đã làm việc với các nhạc sĩ Do Thái và các nước ngoài; khi Otto Dix và các nghệ sĩ đương đại khác bị xua đuổi và các nhà khoa học Do Thái bị trục xuất khỏi ghế giảng dậy của họ.

Sự tàn phá của thành phố văn hóa Dresden bắt đầu khi các đạo diễn, nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản và nhiều người khác bị đàn áp và xua đuổi vì nguồn gốc Do Thái hoặc niềm tin chính trị của họ. Nhiều người, như nữ ca sĩ Therese Elb và nữ diễn viên Jenny Schaffer-Bernstein, sau đó đã bị trục xuất và sát hại. Cũng tại thành phố này, đó là một chứng tích khi vào đêm 9 tháng 11 năm 1938 - nhiều năm trước khi Nhà hát Opera Semper - Giáo đường Do Thái bị ngọn lửa thiêu rụi.

Sự hủy diệt lý trí, hủy hoại văn hóa, hủy diệt xã hội dân sự cũng bắt đầu từ đây tại Dresden, khi những công dân bình thường tẩy chay các doanh nghiệp Do Thái; khi họ loại trừ hàng xóm của họ ra khỏi cuộc sống công cộng, trường học, công viên; khi nhiều người tuân thủ chế độ Đức quốc xã hoặc đơn giản là im lặng. Ở giữa thành phố này có vô số những người lao động bị cưỡng bức từ Dresden và châu Âu đã phải sản xuất đạn dược và vũ khí. Luật pháp Đức quốc xã đã để những người bất đồng chính trị bị sát hại tại Münchner Platz. Ở Pirna-Sonnenstein những người ốm yếu và tàn tật đã bị  hơi ngạt. Ở Zeithain gần Riesa hàng ngàn tù nhân chiến tranh của Liên Xô đã chết đói.

Ở đây tại Dresden cũng nhắc nhở chúng ta tới vực thẳm của Chủ nghĩa Quốc xã. Cuộc sống của con người đã bị coi thường ở đây trong thành phố này kể từ năm 1933, và nhân phẩm của con người đã bị chà đạp khủng khiếp.

Hôm nay chúng ta cũng tưởng niệm những nạn nhân này, chúng ta nhớ tới nỗi khổ của họ. Chúng ta không làm điều đó để biện minh cho những đau khổ khác. Nhưng chúng ta làm điều đó để nêu lên một câu hỏi vẫn còn liên hệ đến tất cả chúng ta ngày hôm nay. Câu hỏi đó là, làm thế nào mà một xã hội được coi là văn minh nhưng tất cả các con đập bị phá vỡ, tất cả các quy tắc về thương người và nhân đạo bị đạp bỏ và bạo lực dã man lại được bung ra?

Vụ đánh bom Dresden nhắc nhở chúng ta về sự phá hủy của một xã hội trọng pháp và dân chủ thời Cộng hòa Weimar [1918-1933];   nhắc nhở tới sự ngạo mạn dân tộc và khinh miệt con người; nhắc nhở tới chủ nghĩa bài Do Thái và sự điên rồ về chủng tộc. Và tôi sợ rằng, những nguy hiểm này ngày nay vẫn chưa được đẩy lùi.

Bởi vì chúng ta đang thấy, mong muốn cô lập và chính trị độc đoán đang gia tăng ở một số quốc gia. Chúng ta đang thấy các tự do báo chí, nghệ thuật và khoa học bị hạn chế ở giữa Châu Âu. Chúng ta đang chứng kiến chủ nghĩa bài Do Thái và bài ngoại ở nước ta lại bắt đầu đầu độc cuộc sống công cộng như thế nào, luật pháp và thể chế dân chủ bị khinh miệt và các đại diện của họ bị xúc phạm và tấn công. Nếu các nghị sĩ được bầu hôm nay coi thường và chế giễu các nghị viện mà họ đang ngồi, thì đó là một nỗ lực để tiêu diệt nền dân chủ từ bên trong.

Sẽ không đủ nếu những người dân chủ run rẩy và tránh né trước khó khăn. Ớ đất nước chúng ta không thể không chống lại những việc như thế. Tất cả chúng ta đều phải chống lại hận thù và kích động, chống lăng mạ, chống lại thành kiến. Ngay cả trong những tranh chấp chính trị căng thẳng đến đâu chăng nữa, nhưng tất cả chúng ta phải giữ các cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và đàng hoàng và bảo vệ các cơ cấu của nền dân chủ của chúng ta.

Có một ranh giới rõ ràng giữa một nền dân chủ tự do, bảo vệ phẩm giá của cá nhân, và một chính sách độc đoán - dân tộc quá khích, mà những người đại diện của nó muốn loại trừ những ai bất đồng chính kiến và những ai sống khác họ đều coi là kẻ thù của "Nhân dân". Chúng ta phải bảo vệ ranh giới này, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm như thế. Bởi vì tất cả chúng ta đều gánh vác trách nhiệm, tùy theo vị trí của mình, trong cuộc sống chung và vì dân chủ ở nước ta. Đây cũng là một bài học từ con đường sai lầm của người Đức đã dẫn đến sự hủy diệt của thành phố Dresden.

Vài tháng nữa chúng ta sẽ tưởng niệm sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới thứ hai và giải phóng khỏi Chủ nghĩa Quốc xã 75 năm trước. Vào thời điểm đó, tháng 5 năm 1945, được coi là mang lại một tương lai cho những nạn nhân còn sống sót và bị đàn áp của chế độ Quốc xã.  Nhưng đồng thời nhiều người trên lục địa chúng ta cảm thấy vô vọng, không chỉ riêng ở Đức. Trong đống đổ nát của các thành phố bị ném bom khó có ai dám tin rằng, châu Âu vẫn có thể có tương lai.

Nhưng trong núi đổ nát và trơ trịu đã nổi lên một điều ước mơ sâu xa: "Không bao giờ nữa!" Đối với nhiều người sống sót sau chiến tranh, đây là sứ mệnh cuộc sống, sứ mệnh cho tương lai. "Không bao giờ nữa!", đó là khởi đầu của một lịch sử hòa bình và hòa giải lâu dài ở châu Âu, mà vào thời điểm đó khó có ai có thể nghĩ là có thể.

Chúng ta đừng quên: Vào những năm 1950, phụ nữ và đàn ông ở Coventry [thành phố kĩ nghệ của Anh] đã tìm đến sự hòa giải tại thành phố mà Không quân Đức đã tàn phá vào năm 1940. Cây thánh giá của Coventry được tạo thành từ ba chiếc đinh từ Thánh đường bị phá hủy, vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ của hòa bình và sự thông cảm.

Và chúng ta không quên có bao nhiêu người Anh và người Mỹ đã quyên góp cho việc tái thiết nhà thờ Frauenkirche ở đây tại Dresden sau khi đất nước chúng ta thống nhất. Cây thánh giá mái vòm vàng, được thiết kế bởi con trai của một phi công máy bay ném bom của Anh, là một dấu hiệu của sự hòa giải tỏa vượt ra xa hơn thành phố này.

Tôi hài lòng rằng hôm nay, cùng với đại diện của các đối thủ cũ trong cuộc chiến, chúng ta đang cùng nhau kỷ niệm vụ đánh bom Dresden. Kỷ niệm chung kết nối chúng ta vượt qua biên giới. Thưa Hoàng thân và các Quý khách, tôi biết ơn Quý vị về cử chỉ của tình bạn này.

Con đường hòa giải đã đưa chúng ta đến một châu Âu thống nhất. Châu Âu này là bài học của nhiều thế kỷ chiến tranh và tàn phá, thù hận và bạo lực. Nó nổi lên từ tinh thần chống lại sự điên rồ chủng tộc và toàn trị, từ tinh thần tự do, dân chủ và công lý. Cùng nhau chúng ta đã đạt được nhiều thành quả đáng kinh ngạc. Người Đức chúng tôi rất tiếc rằng, nước Anh hiện đã rời Liên minh châu Âu. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, chúng ta vẫn là đối tác. Tình bạn của chúng ta rất sâu đậm. Những gì đoàn kết chúng ta mạnh hơn những gì ngăn cách chúng ta, gần đây nhất trong tranh chấp về EU.

Sau chiến tranh khủng khiếp, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra tiêu chuẩn cho một trật tự hòa bình dựa trên quyền con người và luật pháp quốc tế. Đặc biệt tại thời điểm hiện nay ý chí hợp tác hòa bình đang suy giảm ở một số nơi, người Đức chúng ta muốn đảm nhận trách nhiệm lịch sử của chúng ta, và bảo vệ trật tự hòa bình này cùng với các đối tác của chúng ta. Bởi vì chúng ta biết rằng, mọi nền hòa bình vẫn còn mong manh.

Vào tháng 11 năm 2018, tôi đã đứng ở Luân Đôn tại đài kỷ niệm, đài tưởng niệm của Whitehall và cùng với Hoàng tử Charles, tôi đã tưởng niệm những người chết trong Thế chiến Thứ nhất. Tôi đặt một vòng hoa với ghi chú ngắn gọn này được đính kèm:

"Tôi rất vinh dự được tưởng niệm ở đây cạnh nhau. Tôi rất biết ơn vì sự hòa giải và hy vọng cho một tương lai trong hòa bình và tình bạn."

Thưa quý vị, chúng ta hãy tiếp tục con đường hòa giải này. Chúng ta hãy cùng nhau nhận trách nhiệm gìn giữ hòa bình. Và hãy bảo vệ phẩm giá của mọi người. Ngoài ra và đặc biệt là ở đây tại Dresden.


Chân thành cảm ơn „

____________________________________________

Ghi chú:


** Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dám xác nhận một lần khi nhắc tới việc chế độ kỉ niệm những dịp như 30.4. là „Có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn!“. Nhưng ông Kiệt chỉ dám thành thực trải lòng  mình như thế sau khi đã trở về làm thường dân!

[...]: Bổ túc của người dịch