16 février 2020

“Thay ngựa giữa dòng”


Thiện Tùng

14/2/2020



Chỉ còn khoảng 10 tháng nữa thôi là hết nhiệm kỳ Đại hội 12 chuyển sang Đại hội 13, nhưng Bộ Chính trị và Ban Bí thư  Đảng CSVN  không chờ được nữa, cử Vương Đình Huệ thay Hoàng Trung Hải giữ chức Bí thư đảng bộ Hà thành – Thế nhân gọi là “thay ngựa  giữa dòng”.

 
Từ phải sang trái: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao hoa chúc mừng ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội được phân công làm Phó trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII. Ảnh: Tiến Tuấn.

Nội tâm thường biểu hiện trên vẻ mặt, người viết  cảm nhận: Ông Chính nghiêm nghị hoan hỉ… / Ông Huệ đăm chiêu, băn khoăn lo nghĩ… / Ông Hải mỉm cười  trong đau khổ, thất vọng, ngao ngán, chán đời, cầm quyết định xuôi tay…


Kẻ “xuống ngựa”

 
Hoàng Trung Hải




Từ  một Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Hà Thành chuyển sang làm Phó Tiểu ban Văn kiện Đại hội 13 Đảng CSVN, coi như ông Hải bị buộc “xuống ngựa”.



Vì sao ông Hải phải xuống ngựa ? - Nhiều người cho rằng ông Hải bị kỷ luật Đảng về vụ chủ trương làm ăn thua lỗ ở khu gang thép Thái Nguyên. Dựa vào thực tế, người viết suy luận: đó chỉ là mặt nổi, mặt công khai, thầm kín, sâu xa hơn là vụ Đồng Tâm.



Xã Đồng tâm thuộc địa phận thủ đô Hà Nội, suốt hơn 2 năm, từ tháng 4/2017 đến 9/1/2020, diễn ra vụ tranh chấp đất giữa Chính quyền và Dân dẫn đến xung đột gây chết người. Như mọi người đã nghe thấy, trong khi Đảng và Chính quyền xem nhân dân Đồng Tâm nói chung, Tổ Đồng thuận nơi đây nói riêng là phiến loạn, khủng bố, thù địch…  thì ông Hải im hơi lặng tiếng, có lẽ ông không cho là như vậy, mà xem đây là mâu thuẫn nội bộ giữa Chính quyền và Dân, nên giải quyết bằng thương lượng, nếu thương lượng bế tắc thì đưa ra tòa là cùng, không thể giải quyết bằng bạo lực với dân?. Cũng có lẽ vì vậy,  cấp trên ngầm quy tội ông Hải hữu khuynh,  mất “lập trường”- không phần biệt “ta- bạn-thù”, giữa cai trị và bị trị. 



Người “Lên voi”

 
Vương Đình Huệ




Tôi làm ta chịu (1) chẳng nói làm chi 

Tiền làm Hậu chịu còn gì khổ hơn?!



Những thành phố trực thuộc Trung ương như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ  có khác chi Hà Nội, đều lâm cảnh Tiền làm Hậu chịu – “tiền căn báo hậu kiếp”. Xưa có câu “Muốn ăn lăn vào bếp, muốn chết lếch vào hòm”, ông Huê tự nguyện chịu lăn chịu lếch vào thì may nhờ rủi chịu?.

Khi nhậm chức bí thư Hà Nội, ông Vương Đình Huệ lo âu là phải, vì thủ đô Hà Nội đang có 3 bức xúc trước mắt cần phải giải quyết, không thề chần chờ được nữa:



1/ Giải quyết công trình đuờng cao tốc đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ, đội vốn, đang lâm vào bẫy nợ chồng chất đối với Trung Quốc?!.



2/ Khắc phục tình trạng quy hoạch hồ lốn, tắt nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường như: đã triệt hạ cây xanh gây oi bức; ô nhiễm rác thải, không khí, nước sông hồ ?!.  



3/ Phải giải quyết đạt lý thấu tình hậu biến cố Đồng Tâm, còn đang nóng như dầu sôi lửa phỏng?.



Bức xúc thứ 3 nầy dường như không có lối thoát: Đồng Tâm thuộc địa phận Hà Nội, vụ án xảy ra đêm 8 rạng 9/1/2020 gây chết người giữa dân và Nhà cầm quyền. Không có chuyện cả hai đều đúng,  ai cũng đang  giành phần phải về mình. Vụ án nầy trước sau gì cũng phải ra tòa vì nhà cầm quyền đang giữ 27 người bị xem là “can phạm”.  Là người đứng đầu Hà Nội, ông Huệ không thể im hơi lặng tiếng như tiền nhiệm Hải, phải tỏ rõ quan điểm của mình trong vụ nầy.



Thật lòng, tôi thông cảm cho người chưa nghe “tai tiếng” dơ bẩn như ông Huệ.  Ông đang lâm vào cảnh đàng nào cũng mất: Nếu ông Huệ đứng về phía dân Đồng Tâm thì Đảng của ông không thể cho ông tại vị (mất ghế); ngược lại, nếu ông đứng về  phía Đảng của mình thì ông sẽ mất lòng Dân Mất ghế thì về dân làm người tử tế / Làm lãnh đạo mà để mất lòng dân thì coi như mất tất cả, khác chi làm tướng mà không có quân, chỉ còn là hư vị?.



“Chết vinh hơn sống nhục”, người ta đang chờ xem ông Huệ chọn “cách chết” nào để khen ngợi hay chê cười.



Phàm là người dân, ai cũng đều có quyền “bàn luận chuyện nước non”, tôi là công dân, đã dành hết tuổi thanh xuân chung lo việc dân việc nước trong thời chiến.  Nay, dầu đã nghỉ hưu, tôi vẫn thấy còn có trách nhiệm và có quyền tham gia “bàn luận chuyện nước non”.    -/-





Chú thích
(1) Tôi hay ta đều là đại từ ngôi thứ nhứt – tự xưng mình.