Thiện Tùng
23/12/2020
Về quê cúng giỗ ông già, sáng sớm phái nữ đang lo nấu nướng, tôi tranh thủ đến thăm người bạn đồng niên. Đến nơi thấy nhà vắng tanh, tôi đang ngó dáo dác, bỗng từ sau nhà phát ra câu:“Ai đi ai ở mặc ai, thân ta dầu đượm thắp hoài năm canh!”.
Ông Dậu đắc ý khi nhìn gốc dừa Xiêm trồng thử nghiệm vừa có trái chiến - Ảnh minh họa |
Tôi lớn tiếng vói ra:
- Làm gì đó, bộ vợ bỏ sao mà tự trấn an thế?
- Kiểm tra mấy cây dừa mới có trái chiến, cây dưỡng lão ấy mà. Anh về đám giỗ ông Mười hả? Vô nhà đi, tôi vô ngay.
Tay pha trà, miệng ông nói: “Hôm qua chú Chín nói anh sẽ về đám giỗ ông Mười, có mời tôi nữa. Hai ta uống trà, chuyện chơi một lát rồi tôi cùng đi với anh”.
- Ai đi ai ở mà tự than thân trách phận như thế – tôi hỏi
Rót và đẩy ly trà sang tôi, ông nói: “lũ trẻ chán nghề nông, lần lượt rời bỏ ruộng vườn ra thành tìm kế sinh nhai, già như tôi chỉ còn bám trụ”.
- Sao tuổi trẻ lại bỏ xứ ra đi vậy? – tôi hỏi.
- Cái chính là thiếu nước ngọt phù sa, nước mặm xâm nhập mùa màng thất bát / Sản xuất nông nghiệp đầu vào quá cao, đầu ra thấp do thương lái chèn ép giá / Cầu đường sình lên sộp xuống đi lại, vận chuyển khó khăn / Cầu đường như vậy chỉ có khùng mới vào nông thôn đầu tư sản xuất chế biến nông sản / Nông sản làm ra chủ yếu là bán thô, đôi khi thu không bù được chi..v.v… Đó là nguyên nhân chính khiến người dân đồng bằng sông Cửu Long rời bỏ ruộng vườn, tha phương kiếm sống.
- Trước cảnh tình, anh trụ lại sống bằng cách nào? – tôi hỏi.
- Bọn già chúng tôi đã tính nát nước hết rồi, già cúp bình thiết, không tay nghề ra thành ai mà thuê mướn, rốt cuộc khổ cũng hoàn khổ mà thôi, chi bằng cứ bám trụ, dựa vào tư nhiên “liệu cơm gắp mắm”.
- “Dựa vào tự nhiên liệu cơm gấp mắm” bằng cách nào nói sơ nghe coi? – tôi vặn hỏi.
- Thiếu lao động thì chọn giống cây trồng ít tốn công chăm sóc. Nếu làm vườn thì chọn các loại cây ít tốn công chăm sóc như cây dừa chẳng hạn. Nếu làm lúa thì không làm nhiều vụ mà chì làm một vụ vào lúc nào thời tiết thuận lợi nhứt trong năm.
- Báo, đài quảng bá sản xuất nông nghiệp hiện nay tăng cả năng suất và sản lượng kia mà?
- Đúng là như vậy, nghe qua có vẻ xôm tụ lắm. Làm lúa nhiều vụ trong năm năng suất tuy có cao nhưng hao tốn công sức và tiền bạc cho đầu vào quá lớn, sản phẩm làm ra “chia năm xẻ bảy”. Rốt cuộc hộ nông dân bị thiệt nhiều mặt.
- Chia năm xẻ bảy là sao?
- Chi cho giống má, người hướng dẫn kỹ thuật, bơm nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả lãi tiền vay vốn ngân hàng…. Đó là chưa nói còn phải trân mình cho thương nhân nhân ép giá, lột da.
- Hộ nông dân thiệt những gì?
- Nhiều thứ lắm, chẳng hạn: Thu nhập của hộ nông dân thấp hơn nhiều so với làm một vụ lúa mùa trước kia / Đất bị khai thác cố mạng bạc màu / Làm lúa nhiều vụ, suốt tháng quanh năm người nông dân đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, không thanh thơi, an nhàn như làm lúa 1 vụ trước kia / Hơn nữa, người nông dân thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhứt là thuốc trừ sâu, sẽ giảm tuổi tho.
- Nếu làm một vụ, anh chọn lúa giống ngắn ngày hay lúa mùa?
- Trước mắt vẫn chọn giống ngắn ngày, nếu nó thoái hóa hay “đèo bồng” quá thì “Ta về ta tắm ao ta, dầu trong dầu đục ao nhà đã quen”.
- Chưa hiểu, nói rõ hơn xem? - tội vặn hỏi
- Đối đế bổn cũ soạn lại, chọn giống lúa mùa mang tên những nàng như: Nàng Keo, Nàng Quớt, Nàng Tây, Nang Tri, Nàng Rừng hoặc Trường Hưng…Chúng là những giống lúa cứng cây, có khả năng chống sâu bịnh và vượt nước bực thầy.
- Giống các nàng năng suất thấp, hơn nữa, người tiêu dùng không ưa chuộng thì tính sao?
- Năng suất thấp thì đầu vào cũng thấp, bù qua chế lại gẫm có hai gì đâu?; không ưa chuộng rồi cũng phải chuộng ưa chớ chẳng lẽ nhịn chết đói?.
- Năng Suất thấp làm sao đủ lương thực cung cấp cho xã hội?
- Đó là chuyện của Nhà nước, lo chi cho sớm bạc đầu?.
- Nhà Nước đang phát động phong trào thi đua yêu nước, anh không nghe sao?
- Nói rùm beng trên đài sao lại không nghe. Nhưng ai khỏe thì yêu nước, mình mệt thì lo yêu bản thân, lo tự cấp tự túc cho mình để Nhà nước khỏi cứu đói là được rồi.
- Gạo chất lượng thấp làm sao cạnh tranh với các nước trong việc xuất khẩu gạo ra thế giới?
- Chuyện mua bán, đổi chát gì đó với thế giới bên ngoài, đó là công việc của ngành ngoại thương chớ đâu phải của những già nông dân cù lần nầy?.
- Cầu đường không phát triển, chở nông sản đi tiêu thụ bằng cách nào?
- Chúng tôi cũng đã tính rồi, không đi đường bộ được thì sắm ghe chở đường sông. Đó là chưa nói, khi thiếu lương thực, thực phẩm, người ta sẽ tìm đến “sào huyệt” mà mua hoặc đổi chát hàng công nghệ với nông sản chớ việc gì phải lo cho mệt cái thân. Dầu sao người nông dân cũng nắm đàng cán chớ đâu phải nắm đàng lưỡi – thiếu hàng công nghệ còn có thể chịu được nhiều ngày chớ thiều lương thực, thực phảm chỉ vài ngày thôi là sụm bà chè? Thời bao cấp của những năm 80 đã là như vậy bộ anh quên rồi sao?.
- Ai ép giá nông sản như anh vừa nói? – tôi hỏi
- Thương lái chớ “ai trồng khoai đất nầy”.
- Vậy thì đừng bán cho thương láí mà bán cho các Công ty Lương thực Quốc doanh và mách cho Nhà cầm quyền sở tại xử trị thương lái?
- Bộ anh từ trên trời mới rơi xuống sao mà biết quá ít chuyện thế gian?!. Tôi nói sự thật về thương lái ở nông thôn ngày nay cho anh nghe:“Thương lái tư nhân chỉ là hột cát trong bãi cát, họ chỉ là những người hàng xáo, chỉ mua một ít lúa xay bán kiếm lời sống qua ngày, giá lúa họ mua bao giờ cũng cao hơn đôi chút so với thương lái những Công ty Lương thực Quốc doanh. Thương lái Quốc doanh ác lắm chớ không phải chơi đâu, họ có toa rập với Ngân hàng hay không tôi chẳng biết, chi biết là các Công ty Lương thực Quốc doanh thường đến mùa thu hoạch lúa họ vắng bóng, đợi đến khi Ngân hàng níu đầu Nông dân đòi nợ vay họ mới xuất hiện, hết chê lên chê xuống về chất lượng lúa rồi mới chịu mua với giá thấp chẹt. Nông dân buộc cha cũng phải bán cho họ để trả nợ ngân hàng không thì ra tòa, ngồi tù chớ bộ chơi sao anh?! .
Thôi đi ! . Để tôi đi thay đồ cùng anh đến dự giỗ ông Mười. Ở đây anh cứ cạch hoài, tôi bực mình nói búa xua ra người ta sẽ còng đầu tôi về tội “nói xấu chế độ”!.
Thì thôi. Đi thay đồ để cùng đi ! ... Dù sao tôi cũng cám ơn anh đã nói cho tôi nghe những điều mà mình cần biết. -/-