01 décembre 2020

Từ vụ án Hồ Duy Hải tới sự ... hợp lý, hợp lệ của Thủ Thiêm

canhco

Nếu ai theo dõi vụ án của từ tù Hồ Duy Hải đều thấy rõ điểm đặc biệt nhất của vụ án là tấm thớt và con dao gây án được mua từ chợ về nhằm chứng minh Hồ Duy Hải có tội. Từ tòa án địa phương tới cấp cao nhất đều tảng lờ nhân chứng, vật chứng cũng như đòi hỏi từ dư luận đến các bài viết điều tra của báo chí không ngưng nghỉ trong nhiều năm qua, để cuối cùng bị một tòa án gồm tới 17 thẩm phán đồng thanh gõ búa cho rằng Hồ Duy Hải có tội.


Vụ án thứ hai: người dân Thủ Thiêm chứng minh rằng tấm bản đồ quy hoạch từ quyết định 367/QĐ-TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là cơ sở pháp lý quan trọng nhất chứng minh việc họ bị thu hồi đất một cách trái phép phải được dựa vào nó như một bằng chứng pháp lý để áp dụng trong mọi quyết định khiếu nại của họ. Tuy nhiên tấm bản đồ này đã bị UBND thành phố báo cáo là không tìm thấy để buộc người dân Thủ Thiêm phải theo quyết định sai trái của họ vào những tấm bản đồ xuất hiện từ sau quyết định 6565/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ký ngày 27.12.2005.

Hai vụ án, một vấn đề.

Nếu tòa tối cao gõ búa cho rằng Hồ Duy Hải có tội thì tại Thủ Thiêm sau nhiều lần họp dân đến lần thứ tư này thì thanh tra chính phủ hợp lực với đại diện quốc hội lại gõ búa cho rằng những tấm bản đồ “vẽ lại” sau quyết định 367 của thủ tướng Võ Văn Kiệt là hợp lệ, hợp lý không khác gì tiếng búa gõ vào khiếu nại của người dân là sai trái và…giải tán.

Chiều ngày 27/11 khi Thanh tra Chính phủ có 3 giờ đối thoại với đại diện 50 hộ dân ở 5 khu phố, thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh của quận 2 về ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong cuộc đối thoại phía chính quyền thành phố đưa ra bản đồ của nguyên chủ tịch Võ Viết Thanh cung cấp để chứng minh việc thu hồi đất là hợp lệ.

Ông Nguyễn Văn Khương, một dân oan mất đất phát biểu rằng bản đồ của ông Võ Viết Thanh cung cấp và hai bản đồ của UBND TP HCM đều không có giá trị pháp lý. "Tôi yêu cầu chứng minh tính pháp lý của hai hệ thống bản đồ. Nếu chứng minh được, người dân sẽ chấp thuận, nhận tiền đền bù ngay"

Sở dĩ ông Khương nói như thế vì ông và những người khiếu kiện hôm nay tin rằng nếu chính quyền thực hiện đúng như bản đồ gốc thì không có cảnh tượng người dân chống đối và khiếu kiện trong hơn hai mươi năm qua. Chính việc ông Nguyễn Văn Đua điều chỉnh, hay nói đúng hơn là sửa lại quyết định 367 của Thủ tướng chính phủ mới mở đầu một chiến dịch thủ tiêu bản đồ quy hoạch, vẽ lại nhiều bản đồ sai trái nhằm tung hỏa mù dư luận.

Báo chí loan tin: Ông Đinh Đăng Lập, thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ thay mặt Tổ kiểm tra liên ngành công bố dự thảo báo cáo kiểm tra cho rằng có thể xác định “4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị phù hợp quy định và thực tế"

Báo chí không loan tin nhưng một video clip được người dân tung ra cho thấy ông Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân Nguyện Quốc Hội phát biểu: “Qua ý kiến trao đổi với bà con thì tôi thấy rõ việc này, trong cái gốc của nó là cái bản đồ. Mà bản đồ ở đây thì với các cơ quan đã sử dụng theo tôi thấy nó có tính hợp lệ, hợp lý. Tuy nhiên bà con không đồng ý. Nhưng bà con cũng không trưng ra được cái bản đồ để mà căn cứ vào đó để gửi cho tổ công tác để qua đó người ta có thể làm cơ sở so sánh.....”

Phát biểu của ông Hoàng Anh Công hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc pháp lý mà bản thân ông phải tuân thủ trước tiên. Là người đại diện cho dân nhưng toa rập với thế lực phản dân bằng cách chấp nhận các tấm bản đồ “vẽ lại” là hợp lý, hợp lệ và bắt người dân phải trưng ra tấm bản đồ đã bị thủ tiêu không khác nào tòa án tối cao chấp nhận tấm thớt và con dao mua ngoài chợ là bằng chứng kết tội Hồ Duy Hải.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong vụ án Hồ Duy Hải và đại biểu quốc hội Hoàng Anh Công trong vụ án Thủ Thiêm liệu có khác gì nhau?

Chủ Nhật, 11/29/2020

*  canhco's blog