06 décembre 2020

Nỗi lo khi Trung Quốc nhắm đòn trừng phạt Úc – một thành viên RCEP

Anh Tú

Trang ABC của Úc nhận xét Trung Quốc ra đòn với nước Úc là chủ đích có toan tính để vẽ lại bản đồ địa chính trị, ít nhất là khu vực Thái Bình Dương.

Quan hệ căng thẳng giữa hai thành viên RCEP Trung Quốc – Úc đã nhen nhóm trong suốt thời gian qua. Trong một động thái gần đây, Úc đã chìa tay ra trước để làm dịu đi tình hình.

 Trong bài phát biểu trước viện nghiên cứu Trao đổi chính sách của Anh ngày 23.11, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng Úc muốn một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và minh bạch với Trung Quốc. Thủ tướng Morrison thừa nhận quan hệ hai nước đang trong giai đoạn căng thẳng, nhưng cho rằng sự căng thẳng này là do hiểu lầm về mục đích cuối cùng của Úc, theo tờ The Sydney Morning Herald.


“Điều chúng tôi mong muốn là tồn tại hạnh phúc cùng nhau, tôn trọng chủ quyền và hệ thống của nhau”, ông Morrison nói đồng thời gửi gắm thêm một thông điệp đến Trung Quốc rằng điều này phụ thuộc vào việc tôn trọng những quy tắc và luật lệ của quốc tế.

Nhưng Trung Quốc trả lời cho cái chìa tay của Úc bằng một cái ảnh đau hơn tát. Chưa đầy một tuần sau đó, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng trên twitter tấm ảnh chế lính Úc cầm con dao vấy máu kề cổ thiếu niên Afganishtan dựa trên một sự kiện.

Thủ tướng Úc phẫn nộ và đòi Trung Quốc phải đưa ra lời xin lỗi. Nếu đây là một hành động sơ sót thì ông Triệu Lập Kiên sẽ rút ảnh và phía Trung Quốc chỉ cần đổ trách nhiệm cho cá nhân ông Triệu là xong. Nhưng Trung Quốc không muốn xích lại Úc lúc này và Bộ ngoại giao Trung Quốc thẳng thừng từ chối kèm theo lời bình luận: “Mạng người Afghanistan cũng đáng quý”, phỏng theo “Mạng người da đen cũng đáng quý” và xa hơn là muốn nhắc nhở người Úc về mạng người thổ dân bản địa từ xa xưa.

Cùng những lời dao găm là tiếng súng trên mặt trận kinh tế. Trung Quốc đã nhắm các đòn thương mại tới Canberra, cụ thể là việc ngừng nhập khẩu một số lô thịt bò, áp thuế nặng đối với lúa mạch và gần nhất là đánh thuế rượu vang.

Trang ABC của Úc nhận xét Trung Quốc ra đòn với nước Úc là chủ đích có toan tính để vẽ lại bản đồ địa chính trị, ít nhất là khu vực Thái Bình Dương. Ngoài ra, đây là đòn để thị uy cho các nước thấy cái giá của việc Úc chĩa mũi dùi vào Trung Quốc thời gian qua.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc trở nên xấu đi trong vài tháng gần đây khi Úc bị cuốn vào cuộc chiến Mỹ - Trung khi hưởng ứng chính quyền Donald Trump trong việc cấm Huawei phát triển mạng 5G, kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19, chỉ trích tình trạng nhân quyền... Tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra một danh sách 14 bất bình về các chính sách của Úc. Thủ tướng Morrison nói sẵn sàng bàn bạc về những vấn đề này nhưng Trung Quốc trước tiên phải khôi phục kênh liên lạc giữa hai bên. Nhưng khi kênh liên lạc chưa phát tín hiệu thì xuất hiện tấm ảnh của ông Triệu Lập Kiên. Chiến thuật ngoại giao Chiến lang đã được khởi động nhắm vào xứ Kangaroo.

Thậm chí ABC tin rằng trong mắt sói lang, Úc chỉ là quân tốt trên bàn cờ cho Bắc Kinh có thể tấn công mà không phải đối mặt với nhiều hậu quả - và làm gương cho phần còn lại của thế giới.

Bắc Kinh coi Úc là mắt xích yếu nhất trong số các đồng minh chặt chẽ với Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương khi chịu sự phụ thuộc kinh tế lớn vào Trung Quốc. Với gần một nửa tổng số hàng hóa xuất khẩu của Úc hiện nay là sang Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã sử dụng lợi thế này để buộc Canberra phải ngoan ngoãn cúi đầu.

Úc là nước to trên bản đồ và được nhắc nhiều trong các bản tin quốc tế. Chọn nhắm đòn vào Úc sẽ giúp Trung Quốc gây tiếng vang trong khi không chịu phản đòn nhiều. Thực vậy, thị trường Úc chỉ có 25 triệu dân nên không tác động nhiều đến kinh tế Trung Quốc. Về kinh tế, Úc chịu tác động mạnh từ Trung Quốc thay vì ngược lại. Ngoài xuất khẩu thì Úc còn hưởng nguồn thu nhập lớn từ Trung Quốc thông qua du học sinh và du khách.

Do vậy, Trung Quốc chọn Úc là mục tiêu hiệu quả nhất thay vì Nhật – một thị trường quan trọng hay một nước châu Âu được cả khối hậu thuẫn. Khi nước Mỹ còn trong giai đoạn như con rắn đang lột xác và không thể làm được nhiều điều thì Úc cô đơn giữa Thái Bình Dương. Úc cũng đâu muốn cô đơn.

Quay trở lại thời điểm Thủ tướng Úc chìa tay với Trung Quốc hôm 23.11. Đó là khoảng 1 tuần sau khi ký kết thành lập RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) mà cả Úc và Trung Quốc đều là thành viên. Tham gia một khối kinh tế mà Trung Quốc là thành viên lớn nhất với nhiều điều có lợi cho đặc thù của Trung Quốc (Hiệp định được hình thành nhằm để giảm thiểu thủ tục và thuế quan, gồm cả việc cấm các loại thuế quan nhất định. Hiệp định không tập trung vào công đoàn, bảo vệ môi trường, hoặc tiền trợ cấp chính phủ) thì Úc nghĩ rằng quan hệ hai nước sẽ nồng ấm hơn và rằng Úc có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Rất tiếc, các nhà ngoại giao chiến lang của Trung Quốc không nghĩ vậy.

 03/12/2020

https://1thegioi.vn/noi-lo-khi-trung-quoc-nham-don-trung-phat-uc-mot-thanh-vien-rcep-157239.html