06 décembre 2020

Phương Phương: Nhà văn bị gọi là kẻ phản bội vì nhật ký Vũ Hán

  • Fan Wang - Grace Tsoi
  • BBC World Service, Hong Kong

 

Bà hứng chịu nhiều lời chỉ trích của những người dân tộc chủ nghĩa vì những bài nhật ký tả lại cuộc sống ở Vũ Hán trong những ngày đầu dịch virus corona. Nhưng nhà văn Trung Quốc Phương Phương nói bà sẽ không chịu im lặng.  -  Nguồn hình ảnh, Wu Baojian

 

"Khi đối mặt với một thảm họa, việc lên tiếng và đưa ra lời khuyên là hết sức quan trọng," bà nói với BBC Tiếng Trung trong một bài phỏng vấn hiếm có với truyền thông quốc tế qua email.


Hồi cuối tháng Một, khi Vũ Hán trở thành nơi đầu tiên trên thế giới bước vào phong tỏa tuyệt đối, nhiều người ở thành phố 11 triệu dân này tìm sự an ủi khi đọc những bài nhật ký online của Phương Phương.

Các bài viết cũng hé mở cho độc giả thấy tình hình ở thành phố nơi dịch Covid xuất hiện đầu tiên.

Những bài nhật ký hàng ngày được đăng trên tài khoản Weibo của nhà văn 65 tuổi ghi lại cuộc sống một mình với chú chó của bà trong phong tỏa, cũng như những điều bà mô tả như mặt trái trong phản ứng của chính quyền.

Lúc đầu, nhật ký của bà rất được yêu thích, nhưng sau đó, có một làn sóng chỉ trích từ những người coi những dòng nhật ký đó là không yêu nước.

Trong mùa 100 Phụ nữ của BBC, bà Phương Phương kể với BBC vì sao bà không ân hận đã lên tiếng, dù bà bị chỉ trích và quy kết.

Lời kể sinh động 

Để kiểm soát dịch, chính quyền Vũ Hán đã áp đặt các biện pháp chặt chẽ chưa từng thấy - Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhà văn Phương Phương nói bà viết nhật ký như một quá trình giúp bà "tập trung trí tuệ" và suy ngẫm lại những gì đang xảy ra trong phong tỏa.

Bà viết về chuyện sống cô lập với thế giới ra sao; nỗi đau và nỗi buồn chung khi chứng kiến nhiều mạng sống mất đi; và nỗi tức giận với quan chức địa phương vì đã xử lý kém cuộc khủng hoảng.

Lúc đầu, nhật ký online của bà được ca ngợi trong nước, khi kênh truyền thông nhà nước Tin tức Trung Hoa mô tả các bài nhật ký mang tính truyền cảm hứng, "với lời kể sinh động, cảm xúc chân thức và phong cách thẳng thắn."

Nhưng phản ứng đã thay đổi nhanh chóng khi nhật ký của bà được thế giới chú ý và những lời chỉ trích lên đỉnh điểm khi có tin nhật ký sẽ được dịch sang tiếng Anh và được nhà xuất bản Harper Collins của Mỹ in thành sách. 

Nhà văn Phương Phương đã được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Văn học Lỗ Tấn - Nguồn hình ảnh, Fang Fang

"Vì 60 bài nhật ký tôi viết trong đại dịch… Tôi bị chính quyền coi là kẻ thù," bà nói.

Các kênh truyền thông Trung Quốc, bà nói, được ra lệnh không đăng bất cứ bài báo nào của bà. Và sách của bà, cả những cuốn mới và những cuốn in lại, bị các nhà xuất bản Trung Quốc tẩy chay.

"Đối với một nhà văn, đó là một điều rất, rất nghiệt ngã," bà nói với BBC.

"Có lẽ vì tôi đã bày tỏ sự cảm thông với người dân thường hơn là ca ngợi chính phủ. Tôi đã không tâng bốc hay ca ngợi chính phủ, vì thế tôi có tội."

Làn sóng xúc phạm

 

Nhà văn Phương Phương viết về mọi chuyện, từ những thách thức của cuộc sống hàng ngày tới tác động tâm lý của việc sống cô lập trong phong tỏa  -
Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phương Phương, tên thật là Vương Phương (Wang Fang), cho biết phản ứng dữ dội không chỉ dừng lại ở sự phản đối của chính phủ.

Bà nói bà còn nhận được hàng chục ngàn tin nhắn nhục mạ, trong đó có cả những lời dọa giết.

Trên mạng xã hội, bà được dán nhãn là một kẻ phản bội, bị cáo buộc thông đồng với phương Tây để tấn công nhà nước Trung Quốc, và có người thậm chí còn cho rằng bà được Cơ quan Tình báo Mỹ CIA trả tiền để viết nhật ký.

Phương Phương nó bà ngạc nhiên và thấy khó hiểu vì mức độ độc ác của những lời tấn công xúc phạm.

"Tôi thấy rất khó hiểu được sự thù ghét của họ đối với tôi. Những bài tôi viết là khách quan và phải chăng," bà nói.

Những thông điệp tấn công làm bà nhớ lại Cách mạng Văn hóa những năm 1966-1967, một giai đoạn mà các đám đông bạo lực lộng hành, dẫn đến việc thanh trừng giới trí thức và "kẻ thù giai cấp", trong đó có những người có liên hệ với phương Tây.

Hồng Vệ binh của Cách mạng Văn hóa tìm cách tiêu diệt "bốn cũ": tập quán cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và lý tưởng cũ -
Nguồn hình ảnh, AFP

"Những từ được sử dụng trong Cách mạng Văn hóa, như 'đấu tranh giai cấp' hay 'chuyên chính vô sản' đã xuất hiện lại. Điều đó có nghĩa cải cách của Trung Quốc đang trên đường thất bại và giật lùi."

Sự cần thiết của phong tỏa

Sau khi chững kiến virus corona lây lân sang gần như mọi nơi trên thế giới, bà Phương Phương nói quyết định phong tỏa Vũ Hán trong 76 ngày của Trung Quốc là đúng đắn. Đây cũng là quan điểm được phản ánh trong nhật ký của bà khi đó.

"Phong tỏa là cái giá đắt mà chúng ta phải trả để giờ đây chúng tôi có thể sống tự do ở Vũ Hán mà không có virus," bà nói.

Vũ Hán không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào từ tháng Tư.

"Nếu các biện pháp nghiêm ngặt không được thực hiện, tình hình ở Vũ Hán đã có thể vượt khả năng kiểm soát. Vì thế tôi bày tỏ sự ủng hộ cho hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch bệnh."

Chính quyền ở Vũ Hán tiến hành xét nghiệm kỹ lưỡng để phát hiện các ca nhiễm virus conona - Nguồn hình ảnh, AFP

 

Và bà nói các nước khác có thể học tập một số khía cạnh từ cách chống dịch của Trung Quốc.

"Trong lúc có dịch, tụ tập đông người bị cấm hoàn toàn, tất cả mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang, và người dân phải xuất trình mã QR y tế để vào một tòa nhà. Tôi nghĩ các biện pháp rất tốt này đã giúp Trung Quốc kiểm soát virus."

Bài học thu được

Thế nhưng thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch trong nước không có nghĩa là không cần điều tra việc chính quyền xử lý dịch bệnh lúc đầu của chính quyền, theo bà Phương Phương.

"Vẫn chưa có điều tra kỹ lưỡng về lý do tại sao phải rất lâu chính quyền mới bắt đầu xử lý dịch," bà Phương Phương nói.

Bác sỹ Ai Fen là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch Covid-19 ở Vũ Hán - Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bà đặt câu hỏi vì sao lúc đầu Ủy ban Y tế Quốc gia lại nói virus là 'có thể ngăn ngừa được và kiểm soát được.'

Nhưng bà cho rằng cả thế giới, không chỉ Trung Quốc, cần rút ra bài học từ đại dịch này.

"Chính sự dốt nát và ngạo mạn của loài người đã giúp virus lây lân rộng rãi và lâu đến thế."

Giáo sư Michael Berry, người dịch nhật ký của bà sang tiếng Anh cho rằng "khả năng thích nghi của bà xuất phát từ việc bà biết mình đang làm điều đúng."

"Bà không phải là một người bất đồng chính kiến, bà không kêu gọi lật đổ chính quyền; bà là một cá nhân ghi lại những gì bà thấy, cảm nhận và trải qua trong phong tỏa ở Vũ Hán," ông nói. 

Phương Phương nói việc viết nhật ký trong phong tỏa giúp bà giữ tinh thần - Nguồn hình ảnh, Zhang Jinfan


Nhưng qua nhật ký, bà khám phá những câu hỏi lớn hơn "không chỉ về cách xử lý dịch bệnh, mà về xã hội mà các công dân Trung Quốc muốn xây dựng cho chính họ."

Ở Vũ Hán, đời tư của bà Phương Phương bị xáo trộn lớn khi chú chó 16 tuổi của bà, luôn đồng hành cùng bà trong phong tỏa, đã chết hồi tháng Tư. Nhưng bà là người dễ thích nghi.

Bà vẫn tiếp tục viết với hy vọng các tác phẩm của mình sẽ một lần nữa được xuất bản ở đất nước của bà, và bà nói bà không có điều gì ân hận.

"Tôi nhất định sẽ không thỏa hiệp, và không cần thiết phải giữ im lặng."

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55158949