06 décembre 2020

Chính quyền đối thoại với nghệ sĩ độc lập Cuba: Một bước tiến hai bước lùi

Trọng Thành

04/12/2020

Dân chúng ở La Habana biểu tình tỏ đoàn kết với phòng trào nghệ sĩ đòi tự do ngôn luận và sáng tác. Ảnh 27/11/2020. REUTERS - ALEXANDRE MENEGHINI

Ngày 27/11/2020 được coi là một ngày lịch sử đối với giới văn nghệ sĩ độc lập Cuba. Hôm đó, đại diện của bộ Văn Hóa Cuba đã đối thoại trong hơn 4 giờ với một nhóm đại diện cho phong trào đòi tự do sáng tác, sau một cuộc biểu tình kéo dài trước trụ sở bộ.


Tuy nhiên, cánh cửa vừa hé mở dường như đã ngay lập tức khép lại. Cho đến ngày hôm qua, 03/12/2020, chưa có thông tin nào về cuộc họp được chính quyền hứa hẹn giữa bộ trưởng Văn Hóa với giới nghệ sĩ độc lập.

Suốt ngày thứ Sáu 27/11, hơn 200 văn nghệ sĩ trẻ đã tập hợp trước trụ sở bộ Văn Hóa đòi chính quyền tôn trọng tự do ngôn luận, tự do sáng tác.  Việc biểu tình kéo dài trước một trụ sở chính quyền là điều vô cùng hiếm khi xảy ra tại nước này. Lực lượng cảnh sát đã không can thiệp giải tán. Điều đặc biệt hy hữu là đến 21 giờ, giờ địa phương, bộ Văn Hóa Cuba chấp nhận đối thoại với nhóm đại diện cho các văn nghệ sĩ độc lập, một phái đoàn gồm 30 người biểu tình.

Trả lời AFP, nhà điện ảnh Cuba Juan Pin Vilar, 58 tuổi, tham gia vào phái đoàn với mục tiêu « giúp cho giới trẻ có một tương lai tốt hơn », nhận xét : « Việc bộ Văn Hóa của một quốc gia độc đảng tiếp một phái đoàn giới trẻ bất đồng chính kiến là một sự kiện lịch sử ». Theo lời ông Juan Pin Vilar, trong nhóm đối thoại với bộ Văn Hóa, có cả « các nhà đối lập thực sự », và « cuộc đối thoại này cho thấy người Cuba có thể cùng nhau xây dựng đất nước ».

Nhiều tên tuổi trong giới văn hóa Cuba đã tham gia phong trào San Isidro đòi tự do sáng tác, trong đó có nghệ sĩ tạo hình Camila Lobon, 25 tuổi. Nữ nghệ sĩ này nhấn mạnh đến sự kiện chưa từng có: trong số những người ủng hộ phong trào, có cả nhiều người thân cận với giới cầm quyền. Cô khẳng định « rõ ràng đã có sự thức tỉnh »

Publicité

Giới nghệ sĩ độc lập Cuba đòi quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thể hiện các bất đồng với chính quyền, và đòi hỏi chính quyền chấm dứt đàn áp, sách nhiễu, hành hung các nghệ sĩ độc lập. Ngày hôm sau, thứ Bảy 28/11, trên đài truyền hình Nhà nước Cuba, thứ trưởng bộ Văn Hóa Fernando Rojas, người trực tiếp đối thoại với phái đoàn các văn nghệ sĩ, khẳng định một môi trường đối thoại « mang tính xây dựng » đã hình thành, cho dù đối thoại đã diễn ra trong không khí căng thẳng, khi hai bên chỉ trích lẫn nhau. Theo kế hoạch, trong tuần này, giới văn nghệ sĩ độc lập sẽ gặp bộ trưởng Văn Hóa Cuba Alpidio Alonso.

Lên án chính quyền Trump can thiệp

Tuy nhiên, nỗ lực đối thoại từ phía chính quyền dường như đã không duy trì được lâu. Ngay trong ngày Chủ Nhật, 29/11, chính quyền tổ chức một cuộc mít tinh của hàng trăm thanh niên bảo vệ « cách mạng xã hội chủ nghĩa », với sự tham gia của chủ tịch Miguel Diaz-Canel.

Tại cuộc mít tinh đó, chủ tịch Cuba cảnh cáo : « Nếu có đối thoại (giữa chính quyền với các văn nghệ sĩ độc lập), nội dung chỉ có thể liên quan đến chủ nghĩa xã hội ».  Bình luận về phong trào đòi tự do ngôn luận của giới văn nghệ sĩ, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel khẳng định : « Họ đã giương bẫy với chúng ta, họ làm như vậy để thu hút truyền thông ». Theo ông Miguel Diaz-Canel, đây là « nỗ lực cuối cùng » của chính quyền Donald Trump nhằm « lật đổ chế độ cách mạng Cuba ». Truyền thông Nhà nước Cuba liên tục gọi phong trào San Isidro là một « trò hề ».

Đạo diễn Juan Pin Vilar, thành viên đoàn đàm phán với thứ trưởng bộ Văn Hóa đêm 27/11, cho biết « phản ứng từ phía chính quyền trên các phương tiện truyền thông Nhà nước là rất cứng rắn ». Theo nghệ sĩ tạo hình Camila Lobon, việc chính quyền đột ngột thay đổi giọng điệu « là một chiến thuật mà họ thường xuyên sử dụng, đơn giản là để phủ nhận việc họ đã phải nhân nhượng dưới áp lực của người dân ».

Về những động thái mới trong quan hệ giữa giới văn nghệ sĩ độc lập và chính quyền Cuba, giới quan sát chú ý đến việc bộ Ngoại Giao Cuba triệu đại diện ngoại giao Mỹ lên để phản đối các can thiệp « thô bạo và có tính khiêu khích », trong vụ phong trào San Isidro của các nghệ sĩ đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác, ngay hôm 28/11/2020.

Quan hệ Washington - La Habana ắt hẳn có ảnh hưởng lớn lên thái độ của chính quyền Cuba với xã hội dân sự trong nước. La Habana tỏ rõ thái độ không chấp nhận mọi can thiệp từ phía chính quyền Trump. Giáo sư Michael Bustamante, chuyên gia về xã hội Cuba đương đại, Đại học Quốc tế bang Florida, Hoa Kỳ, thừa nhận « từ lâu, chính phủ Mỹ đã rót tiền cho các hoạt động mà họ gọi là để thúc đẩy nền dân chủ Cuba », và « đây là những chương trình gây nhiều tranh cãi ». Tuy nhiên, chuyên gia Đại học Florida cũng chỉ trích việc gắn liền mọi hành động của xã hội dân sự Cuba với ảnh hưởng từ Mỹ: « Sẽ quá là đơn giản hóa khi nói rằng mọi yêu sách của xã hội dân sự Cuba đều là do Washington giật dây ».

Đối thoại trong bối cảnh Biden đắc cử

Đối thoại hé mở giữa chính quyền Cuba và giới nghệ sĩ độc lập Cuba diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa diễn ra đầu tháng 11. Việc ứng viên Dân Chủ Joe Biden đắc cử mang lại hy vọng là quan hệ giữa đảo quốc Mỹ Latinh với chính quyền Hoa Kỳ sẽ được cải thiện, sau 4 năm quan hệ đối đầu trong nhiệm kỳ Donald Trump. Ông Joe Biden từng là phó tổng thống dưới thời Barack Obama, người đã khởi sự việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba. Một số người hy vọng là một khi quan hệ Mỹ - Cuba hòa dịu, giới bất đồng chính kiến cũng phần nào dễ thở hơn.

Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden đã hứa, một khi nhậm chức, ông sẽ « chấm dứt các hạn chế » dưới thời Donald Trump, nhằm tạo điều kiện cho việc người Cuba sống ở Mỹ có cơ hội đoàn tụ với thân nhân. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Cuba thời hậu Donald Trump ắt hẳn không xuôi chèo mát mái. Tổng thống tân cử Joe Biden đã khẳng định sẽ đòi chính quyền Cuba trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, và tôn trọng nhân quyền. Ông Jorge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu Cuba, Đại học Quốc tế Florida, dự đoán chính quyền Biden vẫn sẽ duy trì cấm vận Cuba, bởi mục tiêu của tổng thống tân cử Mỹ là thúc đẩy dân chủ tại hòn đảo này.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201204-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-gi%E1%BB%9Bi-ngh%E1%BB%87-s%C4%A9-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp-cuba-m%E1%BB%99t-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ti%E1%BA%BFn-hai-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%B9i?fbclid=IwAR0X6q292rcO6A9n1o0feENoyluUMxtd7i671WXhYB3NHmcVArxBnkgDcLY