09 décembre 2020

Tài xế GrabBike đình công phản đối tăng thuế giữa lúc dịch bệnh

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng để phản đối việc GrabBike áp dụng tỉ lệ khấu trừ thuế VAT với mức gần 10% tính trên doanh thu cuốc xe, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, gây khó khăn cho cuộc sống.

Hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ tập trung trước trụ sở công ty GrabBike. (Hình: Anh Định/Tuổi Trẻ)


Theo báo Người Lao Động, từ sáng đến chiều tối 7 Tháng Mười Hai, nhiều tài xế xe gắn máy công nghệ GrabBike ở Hà Nội và Sài Gòn đã đồng loạt tắt ứng dụng (app) không nhận khách để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27.2%.

Tại Hà Nội, tới đầu giờ chiều lượng tài xế kéo về khu vực phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), nơi có văn phòng của GrabBike tại Hà Nội ngày càng đông. Họ bấm còi xe, căng băng rôn, hô hào nhau phản đối chạy qua nhiều tuyến phố cho đến lúc bị lực lượng hữu trách giải tán.

Phần lớn các tài xế đều cho rằng mức thu thuế này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo anh Lý Văn Thắng, một tài xế GrabBike cho hay lý do các tài xế phản ứng là từ ngày 5 Tháng Mười Hai, Grab áp dụng mức khấu trừ 30% doanh thu và 1.5% thu nhập cá nhân cho tài xế nào thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Mức 30% doanh thu phải nộp cho Grab gồm: mức trừ phí ứng dụng là 20%, thuế Giá Trị Gia Tăng (VAT) 10% (trước đây chỉ 3%). Với mức thu này thì tài xế không có thu nhập.

“Mong muốn của anh em tài xế là Grab giữ mức ăn chia 20% doanh thu như cũ để có cơ hội tồn tại, còn phần thuế VAT thì khách đi xe sẽ chịu,” anh Thắng bày tỏ với báo Tuổi Trẻ.

Một tài xế khác cho biết nếu chạy cả ngày chỉ kiếm được khoảng 300,000 đồng ($12), tài xế phải trả cho Grab 90,000 đồng ($3), còn 210,000 đồng ($9) tài xế nhận được chưa bao gồm tiền xăng, tiền khấu hao xe thì khó đủ sống. Vì vậy, họ mong muốn Grab tính mức khấu trừ như trước, tiền thuế tăng Grab chịu chứ không bắt tài xế chịu.

Phản hồi về việc này, đại diện công ty GrabBike cho rằng là do phải “tuân thủ quy định của Nghị Định 126/2020,” có hiệu lực từ 5 Tháng Mười Hai. Theo đó “Thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.”

Do đó, Grab đã khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người đi xe hiện đang chi trả. Còn phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Toàn bộ phần thuế thu hộ cho nhà nước đều được GrabBike “nộp về Kho Bạc Nhà Nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.”

Về việc tài xế phản ảnh bị khấu trừ thuế VAT 10% trước ngày 5 Tháng Mười Hai, khiến tổng mức khấu trừ lên gần 30%, trước đó Grab cũng giải thích là “do sự cố hiển thị đối với một số tài khoản tài xế Grab Express chứ không phải toàn bộ.”

Trong khi đó, nói với báo Người Lao Động đại diện Gojek Việt Nam, một hãng xe công nghệ cũng thuộc “đối tượng điều chỉnh của Nghị Định126,” thì cho rằng việc thu thuế đối với loại hình xe công nghệ vẫn chưa rõ ràng.

Các tài xế GrabBike tạm nghỉ việc, tụ tập phản đối hãng tăng chiết khấu. (Hình: Thế Hưng/Giao Thông)

Cụ thể, Luật Giao Thông Đường Bộ không quy định “dịch vụ xe công nghệ hai bánh là dịch vụ kinh doanh vận tải,” trong khi Gojek Việt Nam hoạt động theo mô hình công nghệ kết nối chứ không phải đơn vị vận tải.

Với nền tảng công nghệ kết nối người dùng với người cung cấp dịch vụ, Gojek Việt Nam đóng thuế VAT 10% trên phần doanh thu được chia sẻ, còn đối tác (tài xế) nộp trực tiếp 3% trên phần thu nhập của họ. Trong khi đó, Nghị Định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản Lý Thuế lại yêu cầu các tổ chức “có trách nhiệm khai báo thuế VAT trên toàn bộ doanh thu.” (Tr.N)

Dec 8, 2020

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tai-xe-grabbike-dinh-cong-phan-doi-tang-thue-giua-luc-dich-benh/