Nhã Duy
Cali Today News – Với vài chục vụ kiện thất bại kể từ sau ngày bầu cử cho đến nay, các luật sư của TT Donald Trump chắc chắn cũng biết rất rõ ràng là các đơn kiện tại tòa tiểu bang và liên bang sẽ lại bị bác bỏ. Nhưng việc kiện tụng này sẽ còn tiếp diễn bởi chúng giúp Donald Trump thu về một khoản lợi tài chính khổng lồ qua các vận động quyên góp từ những người ủng hộ, theo báo cáo đã ngoài 200 triệu đô la cho đến nay.
Photo Credit: AP |
Tuy nhiên, với người ủng hộ Trump, đặc biệt
trong cộng đồng Việt thì không ít người đã hay vẫn còn tin rằng Tối Cao Pháp
Viện (TCPV) sẽ là chiếc bùa hộ mệnh cuối cùng có thể giúp hay bảo vệ Donald
Trump đảo ngược kết quả bầu cử. Hay đúng hơn là có thể đảo ngược hiến pháp, hệ
thống pháp quyền và nền dân chủ lâu đời của Hoa Kỳ. Có phải như vậy
không?
Khi các sắc lịnh, đơn kiện của mình bị bác bỏ,
Donald Trump và người ủng hộ vẫn thường bảo vì “thẩm phán của Obama”.
Chánh Án TCPV John Roberts hồi tháng Sáu năm nay
đã nhắc lại điều căn bản trong hệ thống pháp quyền Hoa Kỳ rằng, “Chúng ta không
có các thẩm phán của Obama, của Trump, của Bush hay Clinton. Chúng ta chỉ có
một nhóm thẩm phán danh giá đầy tận tâm đang làm hết sức mình để giữ quyền bình
đẳng cho những ai ra trước án đường”.
Hồi tuần trước, tòa thượng thẩm liên bang số ba
với nhóm thẩm phán được các tổng thống Cộng Hòa và chính Trump bổ nhiệm bác đơn
kiện từ nhóm luật sư của Trump đã tái xác nhận lời của thẩm phán Roberts và cho
thấy hệ thống pháp quyền Hoa Kỳ hoạt động ra sao.
Hệ thống toà án tại Hoa Kỳ khá phức tạp, bao gồm
các tòa liên bang và tòa tiểu bang. Chúng độc lập và hoạt động song song với
vai trò và chức năng khác nhau khi hầu hết các vụ phân xử là được diễn ra tại
toà tiểu bang, chỉ các vụ án liên quan luật liên bang, hiến pháp hay vấn đề
tranh chấp giữa các tiểu bang, quốc tế mới dẫn đến việc phân xử tại toà liên
bang hay TCPV.
Cả hai hệ thống đều có những căn bản chung là
dựa trên nền tảng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ. Về mặt hành chính thì cả hai
có cùng cấu trúc kim tự tháp với các tòa sơ thẩm, phúc thẩm và tòa tối cao, mà
với tòa liên bang là Tối Cao Pháp Viện. Về mặt thủ tục thì cả hai hệ thống đều
phân xử các vụ án qua tranh tụng dựa theo quan niệm rằng, sự thật sẽ có nhiều
khả năng được phơi bày khi tạo cơ hội cho cả hai bên được quyền đưa ra những lý
lẽ của mình trước một bồi thẩm đoàn hay các thẩm phán công tâm, phán xét dựa
trên chứng cứ rõ ràng.
Một yếu tố quan trọng khác trong hệ thống pháp
quyền Hoa Kỳ là thông luật hay luật do quan tòa xác lập qua các phán quyết của
các tòa cấp cao sẽ tạo ra nền tảng pháp lý cho các vụ kiện tương tự về sau.
Điều này khác với hệ thống luật pháp của đa số các quốc gia khác, chỉ xét xử
dựa theo những bộ luật đã được soạn sẳn.
Tòa án Liên bang Hoa Kỳ là một hệ thống hợp nhất
được phân chia theo địa lý và hành chính tư pháp, bao gồm một số tòa chuyên
biệt, 94 Tòa Sơ Thẩm khu vực (US District Court), 13 toà Phúc Thẩm vùng (US
Court of Appeals) và cao nhất là Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court). Bất cứ tòa
nào cũng có thẩm quyền tuyên bố sắc lịnh, luật lệ hay hành động của tổng thống
và cơ quan hành pháp, lập pháp là hợp hiến hay vi hiến.
Các tòa Sơ Thẩm là những tòa án sơ khởi để xử
các vụ án trong khu vực tài phán mình phụ trách, với số thẩm phán tùy thuộc vào
diện tích và dân số của mỗi tiểu bang. Tòa Phúc Thẩm là những tòa trung gian,
nơi phần lớn các vụ án được giải quyết tại đây nếu các bên không đồng ý với
phán quyết của tòa Sơ Thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ do ba thẩm phán được chọn
lựa ngẫu nhiên, xét xử và đưa ra chung thẩm, dựa trên các văn bản biện hộ hay
tranh luận, bằng chứng nơi công đường. Phán quyết cuối cùng này dựa trên quan
điểm đa số của nhóm thẩm phán, tức hai trong ba người đồng ý với nhau. Thẩm
phán không đồng ý với phán quyết đa số có thể đưa ra quan điểm của mình về vụ
án để giải thích tại sao có sự khác biệt, tuy nhiên không có giá trị pháp lý
trong vụ xét xử.
Nếu bên thua không đồng ý với phán quyết này thì
có thể khiếu nại lên đến Tối Cao Pháp Viện, bao gồm chín thẩm phán để được phân
xử và có phán quyết cuối cùng. Thông thường chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ các vụ án
là có thể được Tối Cao Pháp Viện chấp thuận sẽ phân xử. Tương tự như tòa phúc
thẩm, chung thẩm dựa theo sự đồng thuận đa số, tức năm thẩm phán có cùng
quan điểm trở lên.
Các thẩm phán liên bang do tổng thống đương
nhiệm bổ nhiệm và được Thượng Viện chuẩn thuận. Họ thường là những thẩm phán
cấp thấp, công tố viên, luật sư thâm niên trong hệ thống tư pháp liên bang,
tiểu bang cùng các cấp địa phương hay cũng có thể là những luật sư, giáo sư
luật uy tín, am hiểu luật pháp. Nếu không bị bãi nhiệm vì đạo đức chức nghiệp
hay hình tội, công việc của một thẩm phán liên bang là trọn đời.
Một khi đã được bổ nhiệm, các tổng thống không
còn thẩm quyền nào với các thẩm phán liên bang nhưng ngược lại, các thẩm phán
lại có quyền bác bỏ các luật, sắc lịnh, hành động của Tổng thống và Quốc Hội
nếu chúng bị xem là vi hiến như nói trên.
Cho dù diễn giải luật pháp và hiến pháp trên
quan điểm cấp tiến hay bảo thủ, các thẩm phán đặt sự công tâm, tính chuyên
nghiệp và phi đảng phái như là phẩm cách và tuyên hứa trọn đời của họ nhằm bảo
đảm tính độc lập và trung lập của tòa án. Tòa án sẽ là nơi để bảo vệ công lý
cùng sự thật, không phải nơi hay công cụ bảo vệ lãnh tụ, chính phủ và trấn áp
người dân.
Khi hiểu cách tổ chức và vận hành của hệ thống
pháp quyền Hoa Kỳ như vừa trình bày thì quay trở lại cùng các vụ kiện của nhóm
luật sư tổng thống Donald Trump, người ta có thể thấy rằng, một khi các vụ kiện
này bị các tòa án liên bang bác đơn ngay từ đầu thì không thể nào có cơ hội lên
được đến Tối Cao Pháp Viện.
Bất kể những gì đang xảy ra, một điều mà người
dân Mỹ vẫn luôn đặt niềm tin là, hiến pháp Hoa Kỳ không phải được tạo lập cho
những lãnh tụ và thể chế độc tài mà nó được thiết lập và duy trì để phục vụ lợi
ích người dân và quốc gia.
Nhã Duy