Nguyễn Đình Cống : "Tôi không có điều kiện khảo sát tình hình thế giới, chỉ thông qua việc trao đổi ý kiến với vài chuyên gia về kinh tế trong nước, với con cháu và bạn bè ở nước ngoài mà biết rằng, ở các nước phát triển Chính phủ tác động vào nền kinh tế bằng chính sách thuế và sự khuyến khích, hàng năm có thống kê xem nền kinh tế tăng giảm mấy phần trăm chứ hình như chính phủ không đặt chỉ tiêu từ trước. Chính phủ đặt thế nào được khi nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn, các công ty tư nhân. Nếu cần đặt chỉ tiêu thì đó là việc của các công ty. "
Đảng và Chính phủ vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm, 5 năm cho GDP, cho các ngành nghề, các công việc. Rồi còn đặt mục tiêu đến năm nào đó đạt mức bao nhiêu để sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Mới nghe qua thì tưởng rằng việc này là cần thiết, đúng đắn, trách nhiệm, sáng suốt, mang lại hiệu quả to lớn. Nhưng xét kỹ ra thì phần lớn không những là chuyện tầm phào, gây lãng phí mà còn mang tính thiếu suy nghĩ, thiếu chân thật, rất nên hạn chế.
Vào khoảng năm 2007 tôi cùng vài giáo sư làm kế hoạch phát triền nhà trường trong 10 và 15 năm, tầm nhìn đến năm 2030 (còn có tầm ngắm đến 2045). Công việc đó làm theo chỉ thị của cấp trên, được Đảng ủy và Ban Giám hiệu chỉ đạo, chủ trì là GS Lê, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nguyên hiệu trưởng. Đã tiêu tốn một số tiền và công sức khá lớn để đi học tập cách làm của các cơ quan chuyên môn thuộc cấp trên, trao đổi và học kinh nghiệm các trường bạn, điều tra, khảo sát, soạn thảo, họp hành thảo luận, thông qua. Kế hoạch là kết tinh trí tuệ của các GS, các nhà lãnh đạo nổi tiếng một thời của trường, nó được nộp lên Bộ và lưu lại ở cơ sở, phổ biến cho các đơn vị. Kế hoạch phát triển đưa ra những chỉ tiêu rất cụ thể, được nhiều người cho là công trình có giá trị, có ý nghĩa, sẽ giúp nhà trường phát triển tốt, đúng hướng, được vỗ tay hoan hô nhiều lần ở các hội nghị.
Từ đó đến nay đã gần 15 năm, qua 3 nhiệm kỳ hiệu trưởng. Tôi hỏi các vị ở Ban Giám hiệu kế nhiệm xem họ quan tâm và thực hiện kế hoạch đó như thế nào. Họ nói rằng có biết nhưng chẳng quan tâm, chẳng xem đến. Gần đây tôi đọc lại thì thấy gần như toàn bộ kế hoạch với các chỉ tiêu là một mớ tầm phào. Phần nhiều dự đoán sai bét. Tại sao vậy?. Phải chăng chúng tôi là những thằng ngu và không biết cách làm. Không đến mức như thế mà chính vì sự phát triển của tình hình phức tạp không lường trước được.
Phải chăng việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu là yêu cầu bắt buộc của kế hoạch hóa cùng bao cấp mà một thời đã trùm lên Liên xô và các nước XHCN. Việt Nam đã xóa bỏ bao cấp, nhưng không biết từ đâu vẫn giữ lại việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu.
Việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu, nếu cần thì đó là việc của các cá nhân và các đơn vị cơ sở, chủ yếu là cơ sở sản xuất. Thế còn đối với nhà nước thì sao?.
Với nhà nước, khi kế hoạch được làm bởi người tài giỏi, có tầm nhìn xa và đúng thì có thể chấp nhận rồi vừa làm vừa điều chỉnh. Thà không có kế hoạch còn hơn là theo kế hoạch do những kẻ kém hiểu biết, hoang tưởng vạch ra. Không có kế hoạch chính là theo thị trường tự do. Khi thấy việc là cần, là đúng thì cứ cố làm theo khả năng và nhu cầu của thị trường.
Tôi không có điều kiện khảo sát tình hình thế giới, chỉ thông qua việc trao đổi ý kiến với vài chuyên gia về kinh tế trong nước, với con cháu và bạn bè ở nước ngoài mà biết rằng, ở các nước phát triển Chính phủ tác động vào nền kinh tế bằng chính sách thuế và sự khuyến khích, hàng năm có thống kê xem nền kinh tế tăng giảm mấy phần trăm chứ hình như chính phủ không đặt chỉ tiêu từ trước. Chính phủ đặt thế nào được khi nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn, các công ty tư nhân. Nếu cần đặt chỉ tiêu thì đó là việc của các công ty.
Tôi đã theo dõi xem ở VN người ta lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu như thế nào. Việc này được thực hiện ở hai bước chủ yếu: Lập ra và thảo luận để thông qua.
Lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu do một nhóm người thực hiện, giống như tôi và các bạn đã làm. Họ cũng vận dụng lý thuyết và thực tế, cũng bốc lên đặt xuống từng công việc, cũng cân đi nhấc lại từng con số, nhưng phần lớn là dựa vào dự đoán và cảm tính. Trong những cán bộ làm kế hoach chỉ vài người có trình độ và trách nhiệm, còn phần lớn là dựa dẫm, làm cho qua chuyện. Họ cũng lắm khi vất vả đấy, nhưng kết quả cũng gần như chúng tôi đã làm, nghĩa là được đánh giá cao nhưng trong thực tế không được mấy ai quan tâm đến.
Thảo luận và thông qua kế hoach cùng chỉ tiêu ở các đại hội Đảng hoặc ở Quốc hội, rồi biến chúng thành nghị quyết hoặc pháp lệnh. Việc đó chủ yếu là hình thức, là tầm phào. Phần lớn những người nghe, thảo luận và biểu quyết không biết gì về các con số của chỉ tiêu, họ bỏ phiếu như những cái máy với một niềm tin rằng đã có cấp trên chịu trách nhiệm.
Phải chăng ở VN việc làm nghị quyết, đặt chỉ tiêu đã thành thói quen, ngấm vào xương tủy. Thực chất đó chỉ là những thứ hình thức nhưng trở thành tấm lưới vô hình trói buộc người ta. Các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước không dám làm việc gì chưa có trong nghị quyết mặc dầu việc đó được pháp luật cho phép. Mỗi lần họp không phải để xem xét đã làm được gì ích nước lợi dân mà chủ yếu để kiểm điểm việc thực hành nghị quyết đến đâu, có đạt chỉ tiêu hay không.
Khi có một vài công việc nào đó vượt chỉ tiêu người ta vui mừng, phần khởi, ca ngợi rằng nhờ tài giỏi của lãnh đạo và nổ lực của người làm, có biết đâu rằng chủ yếu là vì đặt chỉ tiêu chưa đúng với năng lực hoặc nhờ một may mắn nào đó. Rồi thì phần lớn người ta lo chuyện ăn mừng mà không làm thêm. Họ để dành năng lực để năm sau đạt chỉ tiêu cao hơn, có thành tích lớn hơn.
Việc không đạt chỉ tiêu làm người này lo lắng, người kia bị khiển trách, người nọ tìm cách bịa đặt ra các số liệu, các thành tích dổm để tuyên truyền. Rồi tìm nguyên nhân này nọ để quy kết mà không chịu nhận ra rằng đã duy ý chí mà đặt ra chỉ tiêu quá sức thực hiện.
Một việc khá vô lý là đặt ra chỉ tiêu đạt bao nhiêu huy chương trong thi đấu thể thao ở khu vực và quốc tế. Chỉ có thể dựa vào thành tích các đội, xét tương quan mà dự đoán chứ sao có thể đặt chỉ tiêu khi mà việc này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan.
Có một loại chỉ tiêu mà chắc rằng ngoài Việt Nam ra từ cố chí kim, từ khắp mọi nơi không ai có thể nghĩ ra được chứ đừng nói đến thực hiện. Đó là chỉ tiêu thu tiền phạt vi phạm vào điều bị cấm. Người ta cấm và đặt ra mức phạt với mục đích ngăn ngừa, càng ít người vi phạm càng tốt. Thế nhưng đặt ra chỉ tiêu thu tiền phạt buộc công an, dân phòng thi hành thì khác gì tạo điều kiện cho họ, bắt buộc họ làm việc phi nhân tính. Phải chăng chỉ có những con người quá ngu, quá tham, quá đểu mới nghĩ ra được loại chỉ tiêu này.
Được tin Thủ tướng đưa ra chỉ tiêu tăng GDP năm 2022 là từ 6 đến 6,5%.
Căn cứ vào đâu để đề ra chỉ tiêu đó và đề ra để làm gì.
Phải chăng đây là câu hỏi quá ngớ ngẩn của một kẻ ngu đần hoặc của một tên đểu cáng. Thì năm nào mà chẳng phải đặt chỉ tiêu tăng GDP, để làm gì à, để biết mà phấn đấu, để có mức mà so sánh. Căn cứ vào đâu à, thì căn cứ vào nghị quyết của ĐH XIII chứ còn vào đâu nữa.
Sẽ có người hỏi, không viết nghị quyết, không đặt chỉ tiêu thì có còn cần họp đại hội Đảng nữa hay không và họp để làm gì. Thưa rằng vẫn cần họp đại hội, vẫn viết nghị quyết nhưng nên làm theo cách khác thiết thực hơn, có hiệu quả cao hơn. Nghị quyết cần tập trung vào một số việc then chốt, không nên dàn trải và hổ lốn như một cừa hàng bách hóa. Chỉ nên đặt chỉ tiêu cho một vài công việc có thể chủ động trong thực hiện, không cần việc gì cũng phải đưa vào nghị quyết và có chỉ tiêu. Đặt cho lắm chỉ tiêu thì hại nhiều mà lợi ít hoặc chẳng có lợi gì cả.
Nguyễn Đình Cống