Cao Nguyên
Các nghệ sĩ tham gia từ thiện giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung năm 2020 bị công an điều tra: Ca sĩ Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành |
Điều tra nghệ sĩ bị tố chiếm đoạt tiền từ thiện để “lấy lại danh dự cho Mặt Trận Tổ Quốc” hay còn gì khác?
Sau hàng loạt livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, tố cáo các nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện của mạnh thường quân trong đợt bão lũ ở Miền Trung hồi năm 2020, Bộ Công an đã gởi văn bản yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát tài khoản của các ca sĩ, nghệ sĩ tại các tài khoản trong và ngoài nước.
Hôm 15/10, công an đã làm việc với ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng. MC Trấn Thành, Đại Nghĩa… nằm trong danh sách yêu cầu rà soát, sao kê các hoạt động từ thiện, nhằm xác minh theo nội dung của một số đơn tố cáo rằng các nghệ sỹ này đã lợi dụng bão lũ miền Trung để quyên góp tiền, nhưng không minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Báo chí trong nước dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, nói rằng “Cơ quan công an rà soát số tiền từ thiện để giúp giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận trước thông tin cáo buộc một số cá nhân lợi dụng việc kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi. Đây là việc làm rất kịp thời.”
Trong khi đó theo quan điểm của một số người cũng hoạt động thiện nguyện trong nước từ nhiều năm nay thì chính quyền còn có một số “động cơ” khác đằng sau cuộc điều tra ăn chặn tiền từ thiện trong thời điểm này.
Lấy lại danh dự cho Mặt trận Tổ quốc
Bà P, hiện đang ở Sài Gòn, có nhiều hoạt động thiện nguyện trong thời gian vừa qua, cho biết bà ủng hộ việc phải điều tra cho rõ có hay không chuyện nghệ sỹ đã chiếm đoạt tiền tiền từ thiện. Để từ nay về sau, những ai kêu gọi quyên góp tiền tự biết trách nhiệm giải trình, minh bạch với người đóng góp.
Tuy nhiên, bà P nói Chính quyền làm mạnh tay vụ này còn vì muốn “lấy lại danh dự” cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), cũng như các tổ chức từ thiện do Nhà nước quản lý. Bởi vì trong đợt bão lũ vừa qua, người dân không còn tin tưởng vào các tổ chức của Nhà nước nữa nên mới gửi tiền cho những người khác, đặc biệt là Thủy Tiên:
“Mình biết là không có bên nào hoàn toàn tốt. Mình nghĩ là một cá nhân khi nhận một khoản tiền nào đó thì họ phải có trách nhiệm đứng ra báo cáo minh bạch. Minh bạch cũng có nghĩa là bảo vệ danh dự cho người đứng ra làm từ thiện.
Về tính minh bạch trong chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên thì mình không dám bàn tới. Tuy nhiên mình tin rằng là đây là một cú “vỗ mặt” rất lớn đối với Nhà nước, bên Ủy ban MTTQ cũng như là Hội Chữ thập đỏ vì họ không còn nhận được tiền của người dân gửi vào ủng hộ, cho nên bắt buộc họ phải có một động thái “dằn mặt”, nếu không thì họ cũng thất thu.
Theo kinh nghiệm làm từ thiện thì mình biết rằng là tai họa của người dân luôn luôn là cơ hội của người có chức quyền trong khu vực địa phương. Trong thiên tai hay dịch bệnh, người dân họ luôn ứng cứu nhau hơn rất nhiều so với Nhà nước.
Phải “dằn mặt” như thế thì nhân dân sau này nó mới gửi tiền cho các cơ quan của Nhà nước, chứ người dân cứ gửi cho cá nhân như thế thì các cơ quan ăn hại kia ăn cám à! Đó là suy nghĩ của mình.”
Hình minh hoạ: phân phát mì gói cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Quảng Trị hôm 16/10/2020. AFP
Ông H, người cũng đã ‘chạy ngược xuôi’ trao quà cho bà con nghèo trong suốt bốn tháng phong toả do dịch bệnh, nói với RFA rằng ông nhìn thấy rõ ràng chính quyền hiện không muốn cho tư nhân đứng ra làm từ thiện nữa, tất cả phải quy về một mối là MTTQ Việt Nam:
“Vấn đề là họ không muốn cho tư nhân làm về thiện nguyện nữa. Tất cả mọi thứ tập trung vào MTTQ Việt Nam. Bởi vì MTTQ Việt Nam đã bị mất tiếng từ lâu rồi.
Thiện nguyện tư nhân trong những đợt vừa rồi người ta làm quá tốt. Bây giờ nó muốn vực dậy MTTQ thì bắt buộc nó phải dập từ thiện tư nhân. Đương nhiên trong 100 hay 1.000 người làm từ thiện thì cũng có những người “nhúng chàm”. Nó chỉ việc kiếm những đứa đó rồi nó đẩy lên làm trọng điểm.
Họ biết chắc chắn là có thì họ mới điều tra, nhưng mục đích làm không phải để truy thu nguồn tiền đó, mà làm là để dập cái thiện nguyện tư nhân. Tất cả mọi thứ là để lấy lại danh tiếng cho bên các tổ chức Nhà nước”
Hồi tháng 10/2020, ca sỹ Thuỷ Tiên kêu gọi quyên góp tiền để cứu trợ cho đồng bao bốn tỉnh miền Trung đang gặp bão lũ. Chỉ trong chưa đầy một tháng, Thuỷ Tiên đã nhận được 178 tỷ đồng. Con số này do cô giải trình ngay sau khi kết thúc đợt cứu trợ.
Trong khi đó, MTTQ Việt Nam thông báo số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đạt trên 265 tỷ đồng. Đến nay, MTTQ chưa sao kê công khai sao kê các khoản giải ngân từ số tiền nêu trên.
Định hướng dư luận, che lấp yếu kém xử lý dịch bệnh
Một nguyên do khác khiến Bộ Công an vào cuộc điều tra ngay trong thời điểm này, theo bà P, là do muốn định hướng dư luận. Chính quyền muốn tập trung sự chú ý của dân chúng vào vụ lùm xùm “ăn chặn tiền từ thiện” của nghệ sỹ, mà bỏ qua những yếu kém, thất bại của lãnh đạo trong đợt bùng phát dịch COVID vừa qua ở các tỉnh phía Nam:
“Mình phải thừa nhận là xưa nay nhà cầm quyền rất thành công trong việc thao túng dư luận. Họ dùng những scandal (vụ bê bối - PV) này để nhận chìm những scandal khác, và mình nghĩ rằng vụ từ thiện này cũng không nằm ngoài mục đích “nhận chìm” những cái sự quan tâm của người dân về vấn đề tiêm vắc-xin và dịch bệnh, cũng giống như là sự tắc trách, phản ứng yếu kém của Nhà cầm quyền khi hỗ trợ người dân trước vấn đề dịch bệnh.
Tại sao khi bầu cử lại có thể làm cái trò mang thùng phiếu đến tận giường bệnh, nhưng mà hỗ trợ thì lại thiếu lên thiếu xuống suốt bốn tháng trời? Trong khi đó nếu không có những nhóm từ thiện tự phát thì mình tin rằng ở Sài Gòn này số người chết phải nhiều hơn rất nhiều.
Những ngày này cũng có thông tin lố bịch là ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội nói rằng không có người dân nào bị bỏ lại, đói khổ vì dịch bệnh. Cho đến bây giờ mình sẵn sàng mời ông Tấn bỏ thời gian đi cùng với mình để thấy rằng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người khốn khổ.”
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TPHCM phát biểu hôm 18/10 trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân dân TP. HCM, rằng chưa có ai ở thành phố bị đói, hay thiếu mặc, lâm vào cảnh khốn khổ vì đại dịch.
Bà P, cho rằng đây cũng là một phát biểu nhằm khuấy động, điều chỉnh dư luận, nhưng theo bà đây là “một câu nói dối thô bỉ nhất mà tôi từng nghe.”
2021-10-20