14 octobre 2021

Về Việt Nam chống Dịch chẳng khác mấy Mỹ chống Việt Cộng.


Thiện Tùng

10/10/2021

 

Mỹ chống Việt Cộng

Mỹ bày binh bố trận chống du kích Việt Nam  bằng kế hoạch Staley-Taylor.

 

Kế hoạch Staley-Taylor là chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1) của Hoa Kỳ áp dụng ở Nam Việt Nam, được công bố tháng 5/1961, mang tên 2 người soạn thảo là nhà kinh tế học Staley và đại tướng Taylor chỉ huy quân đội Mỹ tại Nam VN.

Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu


Kế hoạch nầy triển khai trong vòng 4 năm từ 1961 đến 1965. Nội dung là bình định Nam VN trong vòng 18 tháng, bảo đảm cho Quân đội Việt Nam Cộng hoà (VNCH) chủ động trên chiến trường Nam VN, gồm 3 giải pháp:

 

1/ Tăng cường sức mạnh cho Quân đội VNCH sử dụng vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhứt là máy bay và xe tăng, có sự kềm cặp của cố vấn Mỹ, nhầm tiêu diệt Quân Giải phóng Miền Nam.

 

2/ Giữ vững thành thị, dập tắt phong trào Cách mạng bằng lập “Ấp chiến lược” “bình định” ở nông thôn.

 

3/ Ngăn chận biên giới và kiểm soát ven biển… nhầm cắt đứt nguồn chi viện từ Bắc VN cho Quân Giải phóng Miền Nam.

 

Kế hoạch Staley-Taylor tiến hành 3 giai đoạn:

 

1/  Giai đoạn 1: Thực hiện từ giữa năm 1961, nội dung chủ yếu là “Bình định” bằng biện pháp “Ấp chiến lược”.

 

2/ Giai đoạn 2: Bắt đầu thực hiện từ đầu năm 1963 là khôi phục nền kinh tế, tăng cường lực lương quân đội, hoàn thành công cuộc “Bình định”.

 

3/ Giai đoạn 3: Thực hiện đến cuối năm 1965 là phát triển kinh tế, ổn định tình hình Nam VN và kết thúc cuộc nội chiến ở Nam VN.

 

Kế hoạch mở đầu (giai đoạn 1) có ý nghĩa quyết định. Tổ chức thực hiện nó với 2 biện pháp chiến lược:

 

1/ Tăng nhanh lực lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội VNCH, coi đó là xương sống của cuộc chiến tranh theo công thức: “Quân đội VNCH +  Vũ khí, trang bị của Mỹ + Cố vấn Mỹ”.

 

2/ Thực hiện cho kỳ được quốc sách “Ấp chiến lược”, nó vừa là mục tiêu cơ bản, biện pháp chiến lược; vừa là kế hoạch trước mắt và lâu dài để giành thắng lợi trong chiến tranh ở cả Việt Nam. Quốc sách “Áp chiến lược” nầy bị huỷ bỏ sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết, Dương văn Minh lên làm tổng thống.

 

Ngày 18/10/1961, Chính phủ Mỹ cử Taylor và Tostaw, 2 thành viên thuộc “Hội đồng An ninh Quốc gia”, dẫn đầu một phái đoàn gồm những chuyên gia Quân sự, Dân sự sang Nam VN nghiên cứu đánh giá lại tình hình, đề ra phương án hành động. Qua thị sát, phái đoàn nầy đề ra 3 phương án:

 

1/ Đưa vào Nam VN 3 sư đoàn quân Mỹ để “đánh bại Việt Cộng” (2).

 

2/ Đưa tượng trưng một số quân chiến đấu Mỹ “cốt nhầm mục đích xác lập sự có mặt của quân Mỹ ở Nam VN” để nâng đỡ tinh thần Quân đội VNCH đang sa sút và để làm cơ sở tăng viện quân Mỹ khi cần.

 

3/ Tăng thêm viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh… và đẩy mạnh việc huấn luyện cho Quân đội VNCH để nâng cao sức chiến đấu.

..v.v…

 

Việt Nam chống dịch COVID-19 

 

Nếu Mỹ chống Việt Cộng bằng kế hoạch Staley-Taylor thì Việt Nam chống Dịch COVID-19 bằng chủ trương của Đảng cộng với biện pháp của Chính phủ (Nhà nước).

 

Phạm Minh Chính, Thủ tướng kiêm trưởng Ban phòng chống dịch.


Để chủ động giành thắng lợi, Kế hoạch Staley-Taylor tiến hành 3 giải pháp thì Việt Nam chống Dịch tiến hành theo 3 bước: 

 

1/ Tổng Bí thư Đảng cầm quyền xuống lịnh: “Chống dịch như chống giặc”. Phải xem đây là chiếu chỉ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và dựa vào đó thi hành. 

 

2/ Kế hoạch chống Cộng của Staley-Taylor thực hiện trong thời gian 4 năm thì Thủ tướng VN ra Chỉ thị 16 chống Dịch, áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 với nội dung: Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”. 

 

3/ Kế hoạch Staley-Taylor thành lập “Hội đồng An ninh Quốc gia chống Cộng” thì Việt Nam thành lập “Ban chỉ đạo phòng chống Dịch” theo hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Mặt trận và các Đoàn thể làm nồng cốt. 

 

Kế hoạch chống Cộng của Staley-Taylor tiến hành 3 giai đoạn, Việt Nam chống  Dịch cũng y thế:

 

1/ Giai đoạn 1, Kế hoạch “bình định” bằng biện pháp Ấp chiến lực loại Việt cộng ra khỏi vòng chiến của Staley-Taylor trong vòng 18 tháng từ giữa năm 1961 đến hết năm 1962 thì, Kế hoạch “Bao vây phong toả” loại Dịch ra khỏi cộng đồng của Việt Nam chỉ trong vòng 15 ngày từ 1 đến 15/4/2020. 

 

2/ Giai đoạn 2, theo kế hoạch Staley-Taylor, từ đầu năm 1963, VNCH bắt đầu  khôi phục nền kinh tế, tăng cường lực lương quân đội, hoàn thành công cuộc “Bình định” thì, sau khi Dịch lắng xuống, từ giữa năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu kép”, xua Quân đội ra trấn giữ biên cương phòng ngừa Dịch xâm nhập, đẩy mạnh phát triền kinh tế.

 

3/ Giai đoạn 3, theo kế hoạch Staley-Taylor, đến cuối năm 1965, VNCH chuyển sang phát triển  kinh tế, ổn định tình hình Nam VN và kết thúc cuộc nội chiến ở Nam VN. Nhưng kế hoạch “Bình định” bằng biện pháp “Ấp chiến lược” bị đỗ vỡ khi Mỹ chủ trương “thay ngựa giữa dòng” họ Ngô bị phái Quân đội đảo chánh, dựng lên Đệ nhị VNCH. Khi lên làm Tổng thống, Dương văn Minh huỷ bỏ quái thai “Ấp chiến lược” mà Tổng Diệm đổi tên gọi tân kỳ, đượm mùi mị dân là “Áp dân sinh”. Thế còn Việt Nam chống Dịch thì sao? – Khi Dịch đổ bộ vào TP HCM và càc tỉnh Nam bộ, Trung ương Đảng CSVN cũng chủ trương “thay ngựa giữa dòng”, cử Thủ tướng Phạm Minh Chính thay phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng “Ban phòng chống dịch”.Theo lịnh Đảng cầm quyền, ông Chính kết hơp với các bộ như Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng xua áo trắng, áo vàng, áo rằn ri vào chi viện cho Nam bộ “bình định” dịch bịnh. Ông Chính tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nâng cao (16+): ra lịnh phong toả gắt gao hơn cả VNCH gom dân vào “Ấm chiến lược” khi xưa, nào là “cấm chợ, ngăn sông rào đường, lấp ngõ”…, Hết định kỳ nầy đến định kỳ khác, suốt hơn 2 tháng trời  mà vẫn không “bình định” được dịch, lòng dân ly tán, kinh tế lụn bại. Không còn cách nào khác, mặc cho dịch tiếp tục hoành hành, ông Chính buộc phải xuống thang: xoá lịnh phong toả, lần lượt cho rút quân đàng ngoài trong danh dự, giao quyền chống dịch cho các địa phương tự xử.

 

Việc chống dịch của Việt Nam vừa qua khiến người ta liên tưởng đến việc Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, không còn cách nào khác phải “Việt Nam hoá chiến tranh” và tìm cách “rút quân trong danh dự”.

 

..v.v…

 

Tôi không hề phủ nhận công lao của lực lượng đàng ngoài, bất chất hiểm nguy, vào chi viện cho đàng trong. Điều tôi muốn nói là chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của thượng cấp không thiết thực, không có hiệu mà ngược lại . Rõ nhứt là khi xoá những hàng rào phong toả, như chim sổ lồng, nhiều ngàn người dân tạm cư ở các đô thị lớn hoảng loạn, bất kể sống chết, đùm túm tìm đường về quê. Trông thảm cảnh những cuộc di tản, là người, ai mà chẳng chạnh lòng thương . -/-

 

------

 

Chú thích:

 

(1) “Chiến tranh đặc biệt” là cuộc chiến tranh “dùng người tại chỗ đánh người tại chỗ” - “củi đậu nấu đậu” do người ngoài đun lửa.

 

(2) Trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ và VNCH gọi phía Mặt trận Dân tộc Giải phong Miền Nam là “Việt Cộng”, còn gọi lực lượng Bắc Việt Nam chi viện cho miền Nam là “Cộng sản Bắc Việt”. Phía Mặt trận và Bắc VN gọi Mỹ là “Quân xâm lược Mỹ”, gọi VNCH là “Ngụy quân, ngụy quyền tay sai Mỹ ”.