14 octobre 2021

Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ông là ai?

Nông Văn Tiềm

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về gốc gác của ông Nông Đức Mạnh, là người từng giữ vị trí lãnh đạo số một của đảng CSVN. Trước đó, ông Nông Đức Mạnh từng trả lời báo chí nước ngoài, khẳng định rằng cha mẹ của ông là Nông Văn Lại và Hoàng Thị Nhị, dù không ai xác nhận điều này ngoại trừ ông Mạnh. Ông Mạnh luôn bác bỏ thông tin rằng mình là con trai của ông Hồ Chí Minh với một phụ nữ người Tày, bà Nông Thị Bảy.


Bà Nông Thị Bảy là ai?

Nông Thị Bảy còn có tên khác là Nông Thị Ngác, dân tộc Tày, sinh năm 1920 tại Phù Ngọc, Hà Quảng, Cao Bằng. Vốn là cô gái trắng trẻo, xinh đẹp với đôi mắt sắc sảo, Nông Thị Bảy tham gia làm liên lạc cho cách mạng từ năm 19 tuổi và lấy chồng sớm. Chồng bà là ông Hoàng Văn Thạch, tức Hoàng Hồng Tiến (1918-1983) một đảng viên cộng sản mồ côi cả cha lẫn mẹ, họ cưới nhau vào cuối năm 1939. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ vỏn vẹn vài tháng, đầu năm 1941, ông Thạch bị Pháp bắt và đày đi nhà tù Sơn La, mãi đến năm 1945 mới được ra tù.

Cũng năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, thành lập Đội du kích Pắc Bó, gồm có 12 đội viên, Nông Thị Bảy tham gia đội du kích này và là đội viên nữ duy nhất. Người đội trưởng du kích, trực tiếp huấn luyện là Lê Quảng Ba (1914-1988), sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Uỷ viên Trung ương khoá 3.

Hình ảnh ông Hồ ở Pắc Bó. Nguồn: Bảo tàng HCM

Trong hồi ký “Những ngày sống gần Bác” do Nhà xuất bản Dân tộc Việt Bắc và “Một lòng theo Bác” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1966, Nông Thị Bảy kể lại kỷ niệm về cuộc sống của mình trong những tháng ngày sống ở Pắc Bó.

Tháng 7/1941, Dương Đại Lâm sinh năm 1914, sau này là đại tá, Phó chính uỷ Quân khu Việt Bắc, lúc đó là cận vệ của nhân vật “ông Ké”, đã đưa Nông Thị Bảy đến để làm nhiệm vụ phục vụ, kiêm bảo vệ cho “ông Ké” tại hang Pắc Bó. Tại đây, “ông Ké” khuyên Nông Thị Bảy đừng lo nghĩ, buồn rầu về chuyện gia đình, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác. “Ông Ké” cũng đặt tên cho Bảy là Nông Thị Trưng, tức “cháu Trưng” và xưng mình là già Thu, tức “chú Thu”.

Hàng ngày, “cháu Trưng” được “chú Thu” trực tiếp dạy bảo về cách viết, cách đọc rồi các kiến thức chính trị, xã hội đơn giản. Trong hồi ký, Nông Thị Trưng cho biết “Từ lúc gặp chú Thu, tôi lại cảm thấy như hươu non lạc rừng gặp mẹ, cá lạc xa lại về vực cũ. Chú Thu đã trút giúp tôi hết gánh buồn phiền…”.

Nông Thị Trưng bế con chụp lưu niệm với ông Hồ tại đại hội đảng khoá 3, năm 1960. Nguồn: Hội LHPN    


  Chân dung Nông Thị Trưng. Nguồn: Hội LHPN

 

Tháng 12/1941, Nông Thị Trưng được kết nạp vào đảng cộng sản Đông Dương ngay tại hang động Ngườm Vải, Pắc Bó, nơi hằng ngày “chú Thu” dạy “cháu Trưng” học suốt gần tám tháng trời. Người giới thiệu và chủ trì lễ kết nạp không ai khác, chính là ông Ké “chú Thu”.

Trong bài viết “Chú Thu”, in trong tác phẩm Avoóc Hồ, do nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội ấn hành năm 1977, bà Nông Thị Trưng có thuật lại rằng, sau khi được kết nạp Đảng vài tháng, vào ngày 15/2/1942, trước khi Nông Thị Trưng được điều công tác khác, “chú Thu” đã tặng Nông Thị Trưng một khăn mùi xoa màu đỏ và một chiếc còng hình gà luộc (theo phong tục Tày), xem như kỷ vật chia tay đầy luyến lưu.

Nông Thị Trưng đi rồi, ông Hồ cũng thu dọn hành lý, rời khỏi hang Pắc Bó vào cuối tháng 3/1942.

Chính sử không đề cập, nhưng nhiều người cùng thời cho biết rằng, Nông Thị Trưng sau khi rời Pắc Bó đã bụng mang, dạ chửa và sinh một bé trai vào tháng 6/1942. Để ém nhẹm sự việc và an toàn cho Nông Thị Trưng tiếp tục hoạt động, tổ chức đã giao đứa bé cho vợ chồng đội viên du kích Nông Văn Lại (1919-1981) nuôi nấng. Nông Văn Lại là giao liên của ông Ké trong thời gian ở Pắc Bó và cũng là người bạn, hoạt động cùng Nông Thị Trưng.



Một số hình ảnh hang Pắc Bó, nơi ông Hồ sống trong giai đoạn 1940-1942

Tháng 2/1944, ông Ké bị mất liên lạc với Trung Hoa Cộng sản đảng và bị quân Tưởng Giới Thạch bắt tại Quảng Tây. Tháng 9/1944, ông Ké được thả về nước. Tháng 10/1944, ông Ké chưa đặt chân trở lại vùng Pắc Bó, mà vẫn ở nơi cách biên giới Trung – Việt và cột mốc 108 khoảng 40 km về phía đất Trung Hoa. Tại đây, ông Ké, tức “chú Thu” đã gặp lại “cháu Trưng”.

Nông Thị Trưng kể lại “Sung sướng biết nhường nào. Chú đã chuẩn bị cho tôi món quà vô cùng quý giá. Đó là cuốn ‘Binh pháp Tôn Tử’ do chú dịch, chú thích và đề thơ vào ngoài bìa:

Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà…”

Sau năm 1945, Nông Thị Trưng mới biết ông Ké, “chú Thu” ngày nào đã trở thành lãnh tụ tối cao, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh.

Một số kỷ vật khác sau này “chú Thu” tặng cho “cháu Trưng”, trong đó có một cái mền vải và sợi dây chuyền có chân dung Hồ Chí Minh, được Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông Hồ mang lên tận Cao Bằng trao tận tay cho Nông Thị Trưng, theo thông tin từ báo “lề đảng”.

Được sự giúp đỡ của ông Hồ, bà Nông Thị Trưng đã giữ chức Chánh án Toà án tỉnh Cao Bằng suốt 16 năm (1964-1980). Phần bà, bà cũng tái hợp với chồng sau khi ông Hoàng Hồng Tiến ra tù. Sau này, Hoàng Hồng Tiến cũng leo lên chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Vợ chồng ông Tiến, bà Trưng có với nhau 5 đứa con, bốn trai và một gái. Con gái bà Nông Thị Trưng tên là Hoàng Thị Kim Oanh, cựu Phó Chánh toà Hình sự Toà án Tối cao.

Trong hồi ký của Nông Thị Trưng, cũng như lời kể của Hoàng Thị Kim Oanh, năm 1969 khi ông Hồ Chí Minh qua đời, vì tình cảm sâu nặng nên bà Nông Thị Trưng là trường hợp hiếm hoi được sắp xếp túc trực bên linh cữu ông Hồ hai lần. Bà Trưng muốn mặc quần áo đại tang nhưng sợ bị phê bình là “phong kiến” nên chỉ dám cuốn khăn trắng trên đầu.

Tại sao Nông Thị Trưng lại muốn mặc quần áo đại tang, trang phục thường chỉ dùng cho con chịu tang cha, vợ chịu tang chồng, trong khi bà “không phải là con nuôi” mà chỉ mãi mãi là “cháu Trưng” của “chú Thu” như lời bà quả quyết?

Câu hỏi khó quá, vì Nông Thị Trưng đã ôm theo mọi bí mật liên quan đến ông Hồ Chí Minh xuống mồ. Nông Thị Trưng qua đời vào 26/1/2003, thọ 83 tuổi. Thông tấn xã Việt Nam và báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCS Việt Nam, đều đăng tin buồn.

***

Trở lại câu chuyện bé trai mà ông Nông Văn Lại nhận nuôi. Ông đặt tên cho cậu bé là Nông Đức Mạnh, khai sinh được khai lùi lại ngày 11/9/1940 để người đời khỏi gán ghép, suy diễn hay thêu dệt chuyện nọ kia liên quan đến câu chuyện huyền bí ở hang Pắc Bó.

Năm 1991, khi Nông Đức Mạnh được bầu vào Bộ Chính trị khoá 7 và nắm chức Chủ tịch Quốc hội khoá 9, nhiệm kỳ 1992-1997, thì trong và ngoài nước rộ lên thông tin rằng, Nông Đức Mạnh chính là con trai của ông Hồ Chí Minh với một nữ du kích quân.

Tại đại hội khoá 9 của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001, Nông Đức Mạnh được bầu vào chức Tổng Bí thư, vị trí lãnh đạo tối cao quyền lực. Chỉ một tuần sau, thật bất ngờ khi tờ Tạp chí Thế Giới Mới, cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số 434 ra ngày 30/4/2001, đã đăng bài “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy”. Thông qua chuyện kể của của thầy giáo La Văn Ngâm, không biết vô tình hay cố ý, người thầy giáo cũ của ngài tân Tổng Bí thư đã tiết lộ sự thật thân mẫu của Nông Đức Mạnh chính là bà Nông Thị Trưng. Thầy La Văn Ngâm còn cho biết thêm rằng thầy cũng đã nhiều lần ghé qua thăm nhà bà Nông Thị Trưng.

Lúc đó, không thấy Tuyên giáo Trung ương hay bất kỳ ai, kể cả Nông Đức Mạnh phản ứng nội dung bài báo nêu trên và báo Thế Giới Mới cũng không hề đính chính. Tuy nhiên, đến năm 2002 khi bị báo chí nước ngoài truy vấn việc dư luận đồn đoán ông là con trai của Hồ Chí Minh và Nông Thị Trưng, thì Nông Đức Mạnh chối bay chối biến. Nông Đức Mạnh chỉ thừa nhận những gì đã công bố công khai trong lý lịch. Theo hồ sơ đảng viên, Mạnh sinh ngày 11/9/1940, dân tộc Tày, quê quán Cường Lợi, Na Rì, tỉnh Bắc Cạn, cha tên là Nông Văn Lại và mẹ là Hoàng Thị Nhị, còn có tên khác là Hoàng Thị Gái.

Đến đây, rất dễ thấy Nông Đức Mạnh dối trá, không dám nhìn mẹ ruột khi mà mẹ ông vẫn đang sống sờ sờ ra đó ở Cao Bằng.

***

Mặc dù tiếp cận được nhiều thông tin đáng tin cậy, nhưng chúng tôi vẫn không hề kết luận Nông Đức Mạnh là con trai ông Hồ Chí Minh. Việc “chấn động” đó xin để dành cho lịch sử và hậu thế phán xét về nhà nước cộng sản.

Nhiều lão thành cách mạng đánh giá Nông Đức Mạnh bất tài và họ tỏ ra thất vọng khi “đảng ta chọn nhầm Tổng Bí thư”. Dân chúng thì râm ran, xì xầm, đáng tiếc cho Nông Đức Mạnh, một nhân vật đã leo đến ghế tột đỉnh quyền lực, với bốn khoá là Uỷ viên Bộ Chính trị (từ khoá 7 đến khoá 10), bốn nhiệm kỳ ngồi ghế “tứ trụ”, nhưng lại tỏ ra hèn nhát, bất hiếu và bất nghĩa.

Trên các trang “lề dân”, người ta bình luận rất nhiều, rằng Nông Đức Mạnh khác xa với Nguyễn Tất Trung, mặc dù cả hai có lai lịch giống nhau, đều là những đứa con có cha ruột là lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, nhưng mãi mãi không được phép nhận cha. Tuy nhiên, trong khi Nguyễn Tất Trung khát khao, thèm hai chữ “tình mẹ”, công khai tìm về cội nguồn, thì Nông Đức Mạnh lại trốn tránh mọi thứ, đan tâm từ chối gọi người phụ nữ rứt ruột đẻ ra mình là mẹ.

Cho đến tận bây giờ, Nông Đức Mạnh chưa hề gặp gỡ hay thăm hỏi Nguyễn Tất Trung và cũng chưa bao giờ giao lưu với con cháu của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với người vợ họ Mai ở Đồng Tháp. Chỉ những năm gần đây, cựu Tổng Bí thư họ Nông thỉnh thoảng có dắt người vợ trẻ Đỗ Thị Huyền Tâm về Nam Đàn, Nghệ An để dâng hương tại nhà thờ gia tộc ông Hồ, viếng mộ bà Hoàng Thị Loan… như một hành động sám hối quá đỗi muộn màng.




Chùm ảnh Nông Đức Mạnh đưa vợ trẻ Đỗ Thị Huyền Tâm về dâng hương tại nhà thờ gia tộc ông Hồ và mộ bà Hoàng Thị Loan ở Nghệ An năm 2015. Nguồn: Nông Văn Tiềm/ Nghệ An

Việt Nam là xứ sở kỳ lạ, nơi đó, giới lãnh đạo cộng sản không cần biết đến cội nguồn, ông bà, cha mẹ, tổ tông, để tôn thờ một thứ chủ nghĩa Mác Lê lạ hoắc mà suốt ngày họ cứ ngợi ca là “nền tảng tư tưởng”.

Dù lãnh đạo CSVN không quan tâm tới nguồn cội, tổ tiên, nhưng họ lại tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ để xây dựng những công trình, tượng đài, lăng mộ… vô tri vô giác, trong khi dân chúng hình hài bằng xương, bằng thịt lại chịu đói vì không còn đồng bạc nào trong tay, phải thất thểu bồng bế nhau rời bỏ thị thành, xin ăn trên đường trốn chạy đại dịch, tìm về làng quê, nơi cắt rốn, chôn nhau.

6-10-2021