Tập Cận Bình lùi bước đúng lúc; vì trong tháng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp. Không thể để cho những tay đầu sỏ khác trong đảng nhân cơ hội tấn công “lãnh tụ hạt nhân” vì một chủ trương nguy hiểm!"
Ông Tập Cận Bình tỏ ý ghét những người mua nhà để làm giàu. Ông nói thẳng: “Xây nhà để ở chứ không phải để buôn bán!” Trước cảnh các công ty địa ốc đang lo vỡ nợ, nhiều người Trung Hoa chắc phải đồng ý.
Theo nhật báo Wall Street Journal, đầu tháng 10 năm 2021 các công ty xây dựng Trung Quốc mang một số nợ khổng lồ, tương đương với $5 ngàn tỉ mỹ kim; cao gấp đôi Tổng Sản Lượng Nội Địa của Nhật Bản năm ngoái, như Công ty tài chánh Nomura tính toán. Sau vụ công ty Hằng Đại (Evergrande) không trả được nợ, các ngân hàng ngưng bớt, không cho vay. Trong tháng Chín, số nhà cửa xây cất thêm đã giảm 13.5% so với năm ngoái, số nhà bán cũng giảm bớt như vậy.
Thị trường địa ốc đình trệ là một lý do khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng. Trong quý thứ ba năm nay, so với năm ngoái Tổng Sản Lượng Nội Địa Trung Quốc chỉ tăng thêm 4.9%; quý trước đã tăng 7.9%. Ngân hàng quốc tế Commerzbank AG dự đoán ba tháng cuối năm sẽ chỉ tăng được 3% đến 3.5%. Một con số đáng lo ngại là lượng sản xuất công nghiệp trong tháng Tám tăng 5.3%, tháng Chín chỉ còn tăng 3.1%. Số sản xuất xi măng đã giảm 13% và thép giảm 15%.
Tập Cận Bình đã tìm ra cách làm cho thị trường địa ốc phải nguội bớt. Bắt chủ nhà phải đóng thuế thì dân sẽ bớt mua nhà để đầu tư! Trong một bài đăng trên tạp chí “Cầu Thị” ngày 16 tháng 10, ông viết: “Chúng ta sẽ kiên trì cổ động làm luật cải tổ “thuế thổ trạch.”
Hàn Chính (Han Zheng), một trong bốn phó thủ tướng, được trao trách nhiệm chuẩn bị tung ra món thuế này! Hàn Chính đã chọn các thành phố lớn làm thí điểm. Thượng Hải và Trùng Khánh đã đặt ra thuế thổ trạch từ 10 năm trước, họ chỉ đánh trên căn hộ thứ nhì mà thôi.
Nhưng kinh tế Trung Quốc giảm tốc không phải chỉ vì thị trường địa ốc xuống mà còn vì hai lý do khác. Một là bệnh dịch Covid-19. Tháng 7 năm nay bệnh tái phát ở Nam Kinh và mấy thành phố khác. Chính quyền ra lệnh “cấm cung” khiến số tiêu thụ sụt theo. Các cửa hàng giảm số bán, các chuyến bay chỉ còn hoạt động một nửa trong tháng Tám và 2 phần 3 trong tháng Chín là hai tháng chót trong quý thứ ba.
Một nguyên nhân khác khiến kinh tế chậm lại là giá than đá tăng lên. Số than đá sản xuất trong tháng Chín đã giảm bớt gần 1% và “than cốc” đã chế biến giảm gần 10%. Hầu hết các nhà máy điện ở Trung Quốc dùng than đá. Giá điện tăng, các nhà sản xuất phải tăng giá bán gần 11% trong tháng Chín, theo tuần báo Economist.
Trung Quốc dùng than đá nhiều nhất thế giới. Nạn thiếu than một phần do bão lụt xảy ra tại các tỉnh Sơn Tây và Hà Nam trong tháng Bẩy khiến các mỏ than phải đóng cửa. Tại Nội Mông Cổ, là nơi cung xấp một phần tư số than cho cả nước, nhiều quan chức đang bị điều tra về tham nhũng, họ bận lo cho bản thân nên việc khai thác than bị đình trệ. Tại Thiểm Tây, tỉnh sản xuất than đứng hạng ba, chính quyền lại ra lệnh giảm hoạt động trong mấy tháng để không khí bớt ô nhiễm trước khi ông Tập Cận Bình tới dự một cuộc đại hội thể thao toàn quốc vào tháng Chín.
Nhưng nước Trung Quốc thiếu than còn vì cách quản lý kinh tế theo lối chỉ huy của đảng Cộng sản Trung Quốc. Thay vì để thị trường tự do, Trung Cộng đưa ra các quyết định giá cả từ trung ương. Bình thường, khi than khan hiếm, vì bão lụt hay vì các quan chức bị điều tra nên ngừng ký giấy tờ, thì giá than trên thị trường sẽ phải tăng. Khi đó nhà máy điện sử dụng than phải tăng giá điện, người sử dụng điện sẽ tiết kiệm, giảm bớt nhu cầu. Nhu cầu giảm đi, thị trường sẽ tiến tới một giá cả mới, ổn định, không tăng lên mãi.
Nhưng ở Trung Quốc, giá than và giá điện do nhà nước đặt ra, không thể thay đổi. Các nhà máy điện không thể tăng hơn 10% trên giá quy định. Giá điện tại địa phương cũng do nhà nước ấn định. Khi mua than đắt quá mà các nhà cung cấp điện không thể tăng giá thì họ phải bớt hoạt động, để tránh bị lỗ. Kết quả là vì mỏ than ở mấy tỉnh ngừng làm việc mà các cơ xưởng thiếu điện, hoạt động kinh tế ngừng theo.
Sau khi cả hệ thống sử dụng than, điện xáo trộn, nhà nước mới nới lỏng việc kiểm soát giá cả. Các nhà cung cấp điện được phép tính giá cao hơn đối với những khách hàng thuộc giới công nghiệp và thương mại. Hai bên mặc cả giá theo nhu cầu như mua, bán trong thị trường. Bắc Kinh trực tiếp ra lệnh các mỏ than ở Nội Mông tăng số sản xuất để bù cho Sơn Tây và Hà Nam.
Trong một nền kinh tế tự do thì nhà nước không phải can thiệp nhiều như vậy, vì thị trường tự điều chỉnh để cung và cầu ăn khớp với nhau. Chế độ cộng sản tự gây ra những khó khăn chỉ vì họ cần nắm độc quyền chỉ huy, cả chính trị lẫn kinh tế. Ông Tập Cận Bình luôn miệng đề cao hệ thống xã hội theo mô hình Trung Quốc. Mục đích chính là củng cố địa vị thống trị của đảng Cộng sản và quyền lực của cá nhân mình.
Tập Cận Bình đã sửa đổi hiến pháp và cương lĩnh đảng để có thể nắm chức chủ tịch suốt đời. Nhưng Trung Quốc đã thay đổi, không thể có một thứ Mao Trạch Đông mới. Bằng cớ là Tập Cận Bình vừa mới phải lùi một bước, sau khi đã viết bài cổ động cho các thí điểm đánh thuế thổ trạch.
Phó thủ tướng Hàn Chính được giao nhiệm vụ nghiên cứu tại 30 thành phố, bắt đầu từ mùa Xuân năm nay, sau rút lại chỉ còn 10 thí điểm. Mục tiêu là sẽ áp dụng thuế thổ trạch rộng rãi khắp nước.
Nhưng sau gần nửa năm, Hàn Chính chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực. Những ý kiến phản đối đã tràn ngập các bộ Tài chánh, bộ Thuế vụ và Bộ gia cư. Kế hoạch của Tập Cận Bình sẽ bị dẹp bỏ.
Nếu thi hành thuế thổ trạch, các người làm chủ ngôi nhà hay căn hộ sẽ phải đóng thuế hàng năm trên giá trị gia cư. Do đó, người ta sẽ ngần ngại trước khi mua một căn hộ mới; thị trường địa ốc sẽ không trương phình lên như mấy chục năm qua.
Nhưng các công ty xây cất và các công nghiệp liên hệ, như xi măng, thép, sản xuất đồ dùng trong nhà, chiếm một phần ba Tổng Sản Lượng Kinh tế (GDP). Nếu những ngành này bớt 10% hoạt động thì GDP sẽ mất 3 phần trăm.
Một hậu quả trước mắt là giá nhà sẽ tụt giảm. Tới 90% người Trung Hoa trong lục địa đang làm chủ nơi họ đang sống. Họ sẽ thấy mình “nghèo hơn;” cần tiết kiệm và giảm bớt tiêu thụ. Khối lượng tiêu thụ giảm bớt đó sẽ làm kinh tế ngưng trệ. Hơn nữa, nhà cửa chiếm 80% tài sản của các gia đình. Thị trường chứng khoán chỉ chiếm 20%. Nhà cửa là nơi “để dành tiền” quan trọng nhất, đề phòng lúc về già. Vì ai cũng biết hệ thống hưu bổng hiện nay không đủ sống. Giá nhà cửa tụt xuống sẽ khiến rất hàng trăm triệu người bất mãn, xã hội bất ổn hơn, điều mà đảng Cộng sản rất lo sợ.
Chính các cán bộ, quan chức cộng sản đã làm giàu nhờ thị trường bất động sản sẽ là các nạn nhân đầu tiên nếu thuế thổ trạch được thi hành. Không những thế, ngân sách chính quyền các địa phương sẽ thiếu hụt vì một phần ba số thu nhập dựa trên việc bán đất cho các công ty xây cất. Trong tháng Chín vừa qua Thành phố Quảng Châu bán 48 lô đất cho xây dựng nhà ở nhưng chưa bán được một nửa; trong đó chỉ có 5 lô bán trên giá yêu cầu. Năm ngoái, chính quyền các địa phương thu được hơn $1,000 tỷ đô la nhờ bán đất.
Cho nên cuối cùng, Tập Cận Bình phải lùi một bước. Vì không những dân chúng, giới trung lưu, mà cả các đảng viên cộng sản cũng bất bình. Ai cũng cảm thấy cơ nghiệp mình xây dựng mấy chục năm bỗng dưng tan biến.
Tập Cận Bình lùi bước đúng lúc; vì trong tháng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp. Không thể để cho những tay đầu sỏ khác trong đảng nhân cơ hội tấn công “lãnh tụ hạt nhân” vì một chủ trương nguy hiểm!
20/10/2021
Nguồn: NV