Nguồn: Lý quang Diệu (2013)
Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
HOA KỲ: Nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số 1
Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía
châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn
trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lí là điểm mấu
chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có
khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh
hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác. Sự bất bình đẳng về ý
chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ
người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ. Nhưng
sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc
của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng
vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay
với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của
Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều
chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.
Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng
Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới.
Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại
trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau:
“Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về
đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược,
việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày
càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ
tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc
Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước
lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã
được triển khai tới Darwin, Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện
của Hoa Kỳ trong khu vực.
Nhiều quốc gia Châu Á chào đón cam kết mới này
từ người Mỹ. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng
giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an
ninh. Kích thước của Trung Quốc có nghĩa là cuối cùng chỉ có Hoa Kỳ – kết hợp
với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN – mới có thể
đối trọng lại được nước này.
Tuy nhiên, chúng ta còn phải xem liệu người Mỹ
có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một
mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Hiện nay Hoa Kỳ có quân ở Úc, Nhật
Bản, Hàn Quốc và Guam. (Người Philippines đã không khôn ngoan khi mời người Mỹ
rời khỏi vịnh Subic vào năm 1992. Họ quên mất hậu quả về lâu dài của hành động
này và bây giờ họ bảo rằng “Hãy làm ơn quay lại.”) Người Mỹ tin rằng họ có sẵn
một dàn xếp quân sự trong khu vực cho phép họ cân bằng lại được với hải quân
Trung Quốc. Hơn nữa, vì các vùng nước trong khu vực tương đối nông, người Mỹ có
thể theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, kể cả tàu ngầm. Nhưng
liệu lợi thế này có thể kéo dài được bao lâu? Một trăm năm? Không thể nào. Năm
mươi năm? Không chắc. Hai mươi năm? Có thể. Rốt cuộc, cân bằng quyền lực có thể
thực hiện được hay không còn phải chờ vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong một vài thập
niên tới. Cần có một nền kinh tế vững mạnh thì mới có thể phô trương quyền lực
– đầu tư xây dựng tàu chiến, tàu sân bay và các căn cứ quân sự.
Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên
Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở
châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides đã từng viết rằng
“kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải
chịu đựng”. Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi
thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh
hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đều sẽ khiến các quốc gia phải điều
chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì
người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về
kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc
hoàn toàn thống trị. Cuối cùng, tôi không cho rằng viễn cảnh người Trung Quốc
hất cẳng hoàn toàn người Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương có thể diễn ra.
Ví dụ như Việt Nam, là một trong những quốc gia
không an tâm nhất về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ra
lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa việc Việt Nam can thiệp
vào Campuchia. Đặng phá hủy một vài làng mạc và thị trấn rồi sau đó rút lui,
chỉ nhằm đưa ra một lời cảnh cáo với người Việt: “Tôi có thể tiến thẳng vào và
tiếp quản Hà Nội.” Đây không phải là bài học mà người Việt có thể quên được.
Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có
thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ.
Tôi cũng cảm thấy rất tiếc rằng sự thay đổi cân
bằng quyền lực đang diễn ra vì tôi cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc hoà bình.
Họ chưa bao giờ tỏ ra hung hãn và họ không có ý đồ chiếm lãnh thổ mới. Họ đưa
quân đến Việt Nam không phải vì họ muốn chiếm Việt Nam. Họ đưa quân đến bán đảo
Triều Tiên không phải vì họ muốn chiếm bắc hay nam Triều Tiên. Mục tiêu của các
cuộc chiến tranh đó là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn ngăn chủ nghĩa
cộng sản lan tràn trên thế giới. Nếu như người Mỹ không can thiệp và tham chiến
ở Việt Nam lâu dài như họ đã làm, ý chí chống cộng ở các nước Đông Nam Á khác
chắc đã giảm sút, và Đông Nam Á có thể đã sụp đổ như một ván cờ domino dưới làn
sóng đỏ. Nixon đã giúp cho miền Nam Việt Nam có thời gian để xây dựng lực lượng
và tự chiến đấu. Nam Việt Nam đã không thành công, nhưng khoảng thời gian gia
tăng đó giúp Đông Nam Á phối hợp hành động với nhau và tạo dựng nền tảng cho sự
phát triển của ASEAN.
Singapore khá thoải mái với sự hiện diện của
người Mỹ. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ quyết đoán hay hung hăng như thế
nào. Vào năm 2009 khi tôi nói chúng ta phải cân bằng lực lượng với Trung Quốc,
họ dịch từ đó sang tiếng Trung thành “kìm hãm”. Điều này làm nổi lên một làn
sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Trung Quốc. Họ cho rằng làm sao tôi lại dám nói
như thế trong khi tôi là người Hoa. Họ quá là nhạy cảm. Thậm chí sau khi tôi
giải thích rằng tôi không hề sử dụng từ “kìm hãm”, họ vẫn không hài lòng. Đấy
là bề mặt của một thứ quyền lực thô và còn non trẻ.
Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược
chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng
thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế
giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm
ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không
thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Và mặc dù
chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản
chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh bền chặt với
Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam
Á thì các quốc gia này càng thân Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu
chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang
làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách
chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có
thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.
Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế
giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại
di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt,
chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế
giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore
giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp
tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ
rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch
sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một
trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore.
Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn
ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi
dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người
Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.
Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn,
Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh
của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung
Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung
Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng
ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn
20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được
thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người
Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng
Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng
Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà
chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại
học.
Cuộc cạnh tranh cuối cùng
Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy
tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại
Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng
những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì
trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ
đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái,
chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến
như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để
phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều
này một lần nữa.
Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng
động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ
với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một
mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng
khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở
Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài
so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ
thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ
thỉnh thoảng thể có sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn
đầu.
Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái
đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một
nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một
nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu
quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm
có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là
một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc
thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa
Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy
lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị
ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP,
nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất.
Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong
lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống
dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ
quên trên đỉnh cao.
Tại sao tôi lại tin vào thành công về dài hạn
của Hoa Kỳ?
Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ
mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng
và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong
nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu
không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn
ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức
sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến
như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân
tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người
Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể
dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt
được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại
Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.
Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải
tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh
của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc
cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân
sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ
là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.
Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được
nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số
lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như
Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa
Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du
học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn
không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có
ít công ăn việc làm hơn.
Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu
quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn
tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn
ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì
bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản
thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói
tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được
tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng.
Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là
tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở
lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành
những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn
ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế
giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những
cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ
có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết
nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công
việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.
Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho
Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông
có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở
miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung
tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình
có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã
cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New
York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của
tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất
trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên
cứu vấn đề này.
Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung
tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy
phải tuân theo Washington hay New York. Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng
một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh
thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài
lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng
khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng
nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải
hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh
tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện
đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học
Cambridge). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.
Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên
1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới
phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và
ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng
huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công
đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao
động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn
thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập
đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô,
giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có
công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp
mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là
Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn,
các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích
thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm
được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế
tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật,
kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được
vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi
thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.
Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này
đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ
có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm
điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất
nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất
nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới
hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York, bạn
cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì
ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả
nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo
ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.
Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể
nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những
quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn
có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà
Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa
tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới.
Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới
lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.
Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh
những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một
nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được
hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự
nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu
lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết
vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh
từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ
cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ
trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2
thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý
tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên
trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được
ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động
tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp.
Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một
động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty
của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được
định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.