14 mai 2015

Chống ai, ai chống, bây giờ chống ai?




Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 12.05.2015

Đó là câu hỏi của người dân đối với chính phủ trong vấn đề chống tham nhũng ở VN. Trong cái vòng loanh quanh, luẩn quẩn ấy, người dân lúc này chẳng biết chống ai và chống như thế nào.

Đó cũng lại là câu hỏi của chính những nhà cầm quyền ở VN. Bởi từ bao nhiêu năm nay, chính sách kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng, nhưng không người dân nào dám đứng ra tố cáo hết. Chẳng lẽ “anh em mình” lại tố nhau? Chính vì lẽ đó nên nhà nước bèn lấy tiền ra “dụ” nhân dân chống tham nhũng.



Thật ra câu chuyện chống tham nhũng ở VN nói hoài, nói mãi cũng chưa hết, nhưng nó vẫn có những “nét chấm phá” mới vì các quan tham có bao giờ chịu ngừng tay móc túi dân đâu. Và để chứng tỏ nhà nước vẫn có quyết tâm chống tham nhũng, dân không dám tố cáo, Thanh tra chính phủ phải vào cuộc, tuy nhiên kết quả cũng chỉ rất “hạn chế” .

Theo báo cáo trong 3 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ được công bố ngày 2/4 vừa quathanh tra các bộ, ngành trung ương đã thực hiện 66 cuộc thanh tra hành chính và 8.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 3,1 nghìn tỷ đồng, 18 ha đất.

Con số ấy chưa thấm vào đâu với nạn tham nhũng đang xảy ra.

Tăng tiền thưởng 3.000 lần để “dụ dân”

Vì thế các nhà nghiên cứu làm “quân sư quạt mo” cho chính phủ đã nghĩ ra tăng số tiền thưởng gấp hàng ngàn lần để “dụ dân”.

Ngày 1/5 vừa qua, Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng chính thức có hiệu lực.

Trả lời phóng viên báo chí, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết trong quy định trước đây, mức thưởng cao nhất cho người có thành tích xuất sắc nhất tối đa là 34,5 lần lương cơ sở (tương đương với khoảng gần 40 triệu đồng nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay) thì theo quy định mới, mức thưởng tối đa đã được nâng lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, ngoài các phần thưởng như huân chương, bằng khen của Thủ tướng, của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương… Người tố cáo tham nhũng còn có thể được thưởng cao nhất tới 3,45 tỉ đồng.

Chuyện trên trời cuộc đời dưới đất

Nghe phát sướng, số tiền ba tỉ đồng đối với 90% người dân Việt là cả một gia tài quá lớn có nằm mơ cũng không dám với tới. Lo đủ ăn đã là quá khó giữa cái thời buổi cái gì cũng tăng, chỉ có đạo đức là mất giá này. Nói chi đến tiền dư. Đấy là chưa nói đến chuyện tiền thưởng bao giờ mới đến tay người được nhận. Muốn nhận được tiền thưởng, không phải anh chỉ tố cáo vài ba vụ lèm nhèm cỡ chục tỉ là được. Ít ra số tiền đó cũng phải là con số hơn thế rất nhiều. Và lại phải đợi đến khi nhà nước thu lại được số tiền tham nhũng đó, anh mới có quyền được hưởng. Vẫn chưa có quy định nào rõ ràng cho việc này.

Hãy nhìn những vụ án oan sai được tòa bồi thường thiệt hại có khi ngồi tù oan cả mười năm, khi được minh oan, chờ được bồi thường dài người ra mà chưa thấy đâu.

Cụ thể như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, người đi tù oan hơn 10 năm đã từ Bắc Giang về Hà Nội làm việc lần thứ hai với Tòa phúc thẩm Tối cao về việc đòi bồi thường. Ông cho hay trong buổi làm việc kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, gia đình phải trình cho Tòa phúc thẩm khoảng 100 loại giấy tờ liên quan như hóa đơn chuyển phát nhanh, chứng từ thuê xe… Gần một năm qua, gia đình ông Chấn đã 4 lần nộp bổ sung tài liệu để hoàn tất hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường khoảng 9,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Chấn
bị tù oan 10 năm, đòi
 bồi thường phải nộp đủ
loại 100 loại giấy tờ.
Vậy thì những ông tố cáo chắc cũng sẽ phải nộp nhiều loại giấy tờ khác nhau, chưa biết là loại gì, có thể lên đến 100 loại giấy như ông Chấn, và có chắc bổ sung đầy đủ không và lại phải đợi nơi nào có tiền bồi thường hay không. 

 

Lại có thể bị ông thi hành án muốn chấm mút đòi “bôi trơn” mới mệt. Có khi chờ từ tuổi trẻ đến dài râu cũng đi không lại về không.  Thế nên “cái mồi” hơn 3 tỉ đồng chỉ là chuyện trên trời, cuộc đời dưới đất. Người dân ăn nhiều “trái đắng” quá nên bây giờ khôn rồi.

Như chuyện đột ngột tăng giá xăng, vậy mà trước đó, tại phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, khi điều chỉnh hai loại thuế này sẽ không làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Các quan chức thì cứ “dạo đờn ỡm ờ”, báo chí cũng lơ mơ tăng hay không tăng, nhưng người dân đã thừa biết kiểu này thì trước sau giá xăng sẽ tăng. Quả đúng như vậy, ngày từ 21h ngày 5-5 vừa qua xăng các loại tăng kỷ lục từ 17.000 đồng một lít lên 19.000 đông một lít (tăng 2.000 đồng một lít). Khó lòng “đánh úp dân” trong thời buổi người khôn của khó này được nũa.

Người ta tố tham nhũng không phải vì tiền

Có lẽ ông ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng đã hiểu rõ người dân nghĩ gì nên ông nói tiếp:  “Nguyên nhân họ thường đưa ra để lý giải là người tố cáo không được bảo vệ, không được khen thưởng xứng đáng, hoặc tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ thiệt thân người tố cáo…”. Như trong bài trước tôi đã nêu 4 lý do người dân không tố cáo vì: 1- tố cáo không mang lại lợi ích gì. 2- Sợ bị trả thù. 3- Thủ tục tố cáo rườm rà. 4- Không biết tố cáo bằng cách nào.

Đây là một ý kiến rất chính xác bởi người tố cáo tham nhũng không bao giờ chỉ vì tiền và thậm chí trong nhiều trường hợp, họ không cần tiền mà chỉ cần sự công bằng xã hội. Họ không thể chấp nhận một số người có quyền có chức sống xa hoa, nhởn nhơ trên mồ hôi của người khác. Đã từng có rất nhiều vụ tố cáo tham nhũng trước đây không nhận được tiền dù chỉ rất ít ỏi. Thí dụ phần thưởng 320 ngàn đồng và tấm giấy khen trao “chiếu lệ” trong vụ việc nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức.

Ngày 17/4 vừa qua, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết “đến thời điểm này vụ Vinashin đến nay đã thi hành án được khoảng mấy chục tỷ đồng”.

Vinashin đã trút lên vai đồng bào VN món nợ khổng lồ, không dưới 100.000 tỉ đồng. Nếu một tỉnh có thu nhập 1.000 tỉ đồng/năm thì phải làm quần quật mà không được chi, sau một thế kỷ mới trả nổi nợ của Vinashin”. Nhưng riêng ông Phạm Thanh Bình nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị phải bồi thường hàng chục tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thi hành án được đồng nào cả”. Thế thì tiền thưởng cho người tố cáo đợi đến “tết Congo” mới có.

Điều người tố cáo tham nhũng cần hơn tiền là những kẻ tham ô, tham nhũng, ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân phải bị trừng trị thích đáng, tài sản tham nhũng phải được thu hồi triệt để.

Đầu voi đuôi chuột”

Khi nào mà những vụ án tham nhũng còn “đầu voi, đuôi chuột”, những kẻ bị phát hiện tham nhũng chưa được xử lý nghiêm, các bản án tham nhũng hầu hết là án treo, người tố cáo chưa được bảo vệ thì dù mức tiền thưởng có bao nhiêu cũng không còn giá trị.

Ông Lê Đức Hoàn,
Phó Công an TP Tuy Hòa
chỉ bị án treo, trong khi
cấp dưới thấp nhất bị tù
nặng nhất.
Điển hình là vụ án “nổi tiếng” gần đây. Vụ 5 công an Phú Yên đánh chết người dân vô tội. Hai lần tòa xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm đều mang tai tiếng khiến cả nước chán chường cho cái gọi là “công lý” ở VN. Trong khi anh lính CA có cấp bậc thấp nhất là Nguyễn Thân Thảo Thành bị tù nặng nhất 7-8 năm tù thì “sếp lớn” là ông Lê Đức Hoàn là Trưởng ban chuyên án điều tra lại được bình an vô sự. Mãi đến phiên tòa thứ hai, tòa sợ tai tiếng nên gượng gạo kết án ông “sếp lớn” này bị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo!


Tội nghiệp chú lính
Nguyễn Thân Thảo Thành,
 cấp thấp nhất bị tù nặng nhất
.

Luật sư Võ An Đôn đã nói thẳng: “Hội đồng xét xử đã liều lĩnh, đạp lên dư luận, pháp luật để ra bản án trái pháp luật”. Có dư luận cho rằng tòa án Tuy Hòa thách thức công luận và lương tri loài người. Xót xa ở chỗ kẻ nhân danh bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật, đạo lý, chà đạp lên phẩm giá của người khác. Gọi những kẻ ấy là côn đồ được hợp pháp hóa chắc cũng chẳng quá đáng.

Biệt thự của ông Trần Văn Truyền (nguyên Phó Tổng Thanh Tra chính phủ) ở Bến Tre, to như cung điện nhưng vẫn tham nhũng chiếm thêm nhà ở nhiều nơi khác.

Đến Phó Tổng Thanh Tra nhà nước Trần Văn Truyền luôn miệng hô hào “toàn dân diệt trừ tham nhũng” nhà cửa lúc nhúc to đùng như cung điện cũng tham ô tài sản thì còn gì để nói. Cho nên người dân hỏi nhau và nhà nước cũng hỏi nhau: “Chống ai, ai chống, bây giớ chống ai?

Mời bạn đọc vài hàng tâm tư của người dân trong hàng trăm lời phát biểu trên các phương tiện thông tin tại VN.

Hết thuốc chữa

- Bạn nguyenhanh (e-mail: hanhhaiduong@yahoo.com) viết:
Người tham nhũng là người có chức có quyền, mạnh vì gạo bạo vì tiền. Người tố cáo tham nhũng là người dân thấp cổ bé họng thì chỉ có lấy trứng chọi đá mà thôi khi cơ chế bảo vệ người tố cáo không có, luật pháp thiên lệch, khi kẻ tham nhũng thường bị xử theo kiểu chiếu lệ thì tham nhũng ngày càng phát triển thành cả một tập đoàn tham nhũng. Hết thuốc chữa rồi”.

- Bạn Lê Ngọc Anh (e-mail: lengocanh42@yahoo.com.vn) 
“… Khi nào mà những vụ án tham nhũng còn “đầu voi, đuôi chuột”, những kẻ bị phát hiện tham nhũng chưa được xử lý nghiêm, các bản án tham nhũng chủ yếu là án treo, người tố cáo chưa được bảo vệ thì dù mức tiền thưởng có bao nhiêu cũng không nhiều giá trị. Các bác hết sức thông cảm....: Chống làm sao được...? vì... Chống ai, ai chống, bây giờ chống ai...?"

- Bạn Bùi Cao Hậu (e-mail: buicaohau@yahoo.com) nêu nhận định:
Tham nhũng ở Việt nam cũng giống như một loại dây leo kinh khủng nào đó, thế nên muốn chặt phá nó không hề dễ dàng và có lẽ là không thể phá bởi nó ăn quá sâu và quá xa tới tận các ngõ ngách nơi nào cũng có, người dân ai cũng biết và ai cũng thấy, nhưng chẳng làm gì được, mọi người chỉ biết sống chung với nó và riết thành như quen (Kẻ tham nhũng lớn mỗi khi bị phanh phui thì hay bị KHÙNG rồi thả về, kết thúc vụ án???). Cho nên chống tham nhũng e là bất khả thi và không còn lòng tin nữa, chỉ mong có phép mầu thôi???”.

Tác giả bài này xin phép không phải bình luận gì thêm./-


Văn Quang