21 juin 2017

Nhà cầm quyền cộng sản gia tăng đàn áp, bắt bớ người dân vô tội



GNsP (20.06.2017) – Chỉ vì bày tỏ quan điểm khác với nhà cầm quyền trên facebook, một phụ nữ sống ở Bình Dương có hai con nhỏ, bị giới chức tỉnh Bình Dương bắt giam trái pháp luật khi bà đang trên đường đi chợ.

Vào ngày 28.04.2017, bà Nguyễn Thị Chung, SN 1982, ngụ tại Thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương bị công an bắt tạm giam không đúng trình tự thủ tục Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định.
 
Bà Nguyễn Thị Chung, có hai đứa con nhỏ – một cháu 4 tuổi, cháu còn lại chưa đầy 3 tuổi, bị công an tỉnh Bình Dương bắt giam trái pháp luật vào ngày 28.04.2017.



Ông Lưu Quang Minh, chồng bà Chung tường thuật lại: “Vợ tôi xem ở trên facebook thấy nhiều người đi biểu tình bị đánh đập, bà xã tôi thương xót họ nên cũng muốn giúp đỡ những người này, chia sẻ tình cảm với họ. Trong thời gian đó, bà xã tôi quen một em tên Thiện, em này lên nhà tôi chơi ba lần.Thời gian sau, gia đình tôi nghe tin em bị bắt.”

“Vào ngày 28.04.2017, bà xã tôi đi chợ, ghé nhà bà nội tôi, rồi bị bắt ở đó.Tôi không có mặt ở đó, cháu tôi chạy qua nhà tôi báo vợ tôi bị bắt, họ lôi kéo vợ tôi, em tôi có quay lại cảnh bị bắt nhưng [công an] uýnh nó và lấy luôn điện thoại của nó ở trong nhà [bà nội tôi].Tôi cảm thấy bối rối, đau lòng, không suy nghĩ được chuyện gì cả.”

Sau đó ba ngày, công an đến gia đình bà Chung và ông Minh yêu cầu khám xét nhà. Ông Minh kể tiếp: “Công an đến nhà tôi làm việc với tôi nhưng họ không mặc sắc phục, họ đòi làm việc với tôi nhưng tôi từ chối. Em vợ tôi năn nỉ tôi cho công an vào khám xét nhà cho lẹ làng, tôi mệt mỏi quá nên cho họ khám xét nhà.”




Trường hợp bà Chung, không rõ công an thực hiện bắt bà theo biện pháp nào? Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định, trong mọi trường hợp bắt người, người thi hành lệnh bắt đều phải lập biên bản.

“Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản.

Ngoài những điểm đã quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận”. Và “Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay” (Đ 84 và Đ 85).

Cũng vậy, để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Điều 8 BLTTHS qui định: “Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Việc khám xét phải có đủ căn cứ qui định tại Điều 141 BLTTHS và phải có lệnh của người có thẩm quyền (Điều 142 BLTTHS).

“Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến…. ”.(Điều 143 BLTTHS).

Được biết, trước khi bà Chung bị bắt, công an đã từng vào tư gia của bà để trấn áp, lấy điện thoại, máy tính của gia đình mà không theo bất cứ thủ tục tố tụng nào.

Ông Minh nói trong nước mắt: “Trả lại tự do cho vợ tôi, vợ tôi rất tốt không hại ai.”

Hiện nay, bà Chung có hai đứa con nhỏ dại, cháu lớn mới 4 tuổi, cháu nhỏ chưa đầy 3 tuổi.

Theo qui định tại Điều 88 BLTTHS, do bà Chung đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, công an không được quyền bắt giam bà, việc công an Bình Dương bắt giam bà Chung cho thấy công an đã đề cao bà mẹ đang nuôi 2 con nhỏ dại này là “có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Một người đàn bà tay không vũ khí, đang nuôi hai con nhỏ, có nơi ở, nghề nghiệp rõ ràng, chỉ vì có tiếng nói khác với nhà cầm quyền mà bị bắt giam, bị đánh giá là “gây nguy hiểm an ninh quốc gia” thì rõ là nhà cầm quyền cs đang gia tăng đàn áp, bắt bớ nhằm đe dọa những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống lại áp bức bất công, bảo vệ môi trường. Nhưng như bài học mà do chính cs đúc kết “ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh”, mà đã là đấu tranh thì tù tội, người tham gia đấu tranh đã lường trước.


Huyền Trang, GNsP



Nguồn: Theo TMCNN