-Nguyễn Đăng Quang-
Nguyễn Đăng Quang(*): "Thiết nghĩ, BQP nên dũng cảm nhận sai và xin lỗi người dân, và Chính phủ cũng
nên ngỏ lời xin người dân hai chữ “đại xá”! Nếu làm được vậy, tôi tin mọi sự sẽ
êm đẹp, vì nhân dân ta có truyền thống nhân đạo từ ngàn xưa là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”!"
Người dân cảm thấy bất
an khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tuyên bố về hướng
giải quyết vụ Đồng Tâm trong buổi họp báo chính phủ chiều 4/5/2017: “Các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào
cuộc với tinh thần minh bạch, công bằng. Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước
dân. Nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!”. Sau khi kiểm
tra kỹ lại thông tin, tôi mới tin câu trả lời trên của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
là có thật, đúng như các báo đã trích dẫn!
Thú thực, nghe câu nói
này, tôi và nhiều công dân có tuổi cứ thấy rờn rợn, ghê ghê thế nào ấy! Cứ như ngửi thấy mùi khét lẹt của súng đạn và
nghe tiếng bấm khóa của còng số 8 vậy! Phải chăng sắp diễn ra một cuộc đàn áp mới
ở Đồng Tâm? Khả năng sắp tới sẽ có hàng trăm bà con nông dân của “xã Anh hùng Đồng
Tâm” bị trừng phạt, bị bỏ tù về tội “Đã bắt
và giam giữ trái pháp luật (nhưng đối xử rất tử tế) đối với 38 cán bộ và CSCĐ của
huyện ủy Mỹ Đức và thành phố Hà Nội”?. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, tôi thấy có
thể loại bỏ ngay giả thiết này. Nỗi lo sẽ có khủng bố trắng là thiếu thực tế và
không có cơ sở!
Trong biến cố Đồng Tâm,
nhiều bạn đọc xa gần, phần lớn là cao tuổi, nêu khúc mắc hỏi người viết bài này:
Chẳng nhẽ ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, xuống tận thôn Hoành
xã Đồng Tâm đối thoại trực tiếp với người dân ở đây, rồi đích thân viết bản
“Cam kết 3 điểm” là làm trái chỉ đạo của cấp trên? Việc viết và ký bản “Cam kết
3 điểm” là việc làm của cá nhân Chủ tịch Thành phố Hà Nội, chứ đấy không phải
là ý kiến chỉ đạo và phương án giải quyết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước? Với vốn
kiến thức còn rất hạn chế của mình, tôi đã trả lời là: Không, không thể có chuyện
như vậy! Ông Nguyễn Đức Chung không thể tự ý làm điều đó, nhất thiết phải có
chuẩn thuận của lãnh đạo cấp cao! Tám ngày sau khi sự việc xảy ra, ông Chung mới
xuống tận nơi để giải quyết biến cố này sau khi TRÊN đã chốt được phương án!
(Thậm chí, 2 ngày trước đó, ông Chung còn được lệnh làm “phép thử thăm dò” là mời
người dân Đồng Tâm lên Trụ sở Huyện đường Mỹ Đức vào chiều tối 20/4/2017 để đối
thoại với ông như một “kịch bản nắn gân” cơ mà!). Trong 8 ngày này, hẳn là Bộ
Chính trị và Ban BÍ thư đã họp đi họp lại nhiều lần, mãi chiều tối hôm
21/4/2017 mới “chốt” được phương án giải quyết cuối cùng! Ông Nguyễn Đức Chung
là người may mắn được lĩnh sứ mệnh này, mà nhiều người nhận định là “chưa từng
có tiền lệ” từ ngày ĐCSVN giành được chính quyền! Ông Chung không thể đi Đồng
Tâm nếu không có lệnh của Bộ Chính trị và Ban Bí thư! Việc ông Chung về tận xã
Đồng Tâm đối thoại trực tiếp và ký “Bản cam kết 3 điểm” là nằm trong kịch bản
đã duyệt! Đây không chỉ là thắng lợi của người dân Đồng Tâm mà còn là thắng lợi
của cả phía chính quyền (Hà Nội và Trung ương) nữa! Nếu tôi không sai thì đây
là giải pháp “WIN-WIN” (tức đôi bên cùng thắng) đầu tiên dưới chính thể Nhà nước
CHXHCN Việt Nam! Trước đây thì chưa khi nào như thế, mà chỉ có duy nhất một bên
THẮNG. Bên THẮNG đó phải là CHÍNH QUYỀN vì đây hầu như là nguyên lý mặc định! Vụ
Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) là một minh chứng rõ ràng nhất cho nguyên
lý này!
Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý |
Cách đây 5 năm, vụ án “Người
nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn đánh dấu một “bước ngoặt lịch sử“ trong cuộc đấu
tranh giữ đất của giai cấp nông dân Việt Nam đương đại! Ngày 5/1/2012, chính
quyền huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tổ chức cưỡng chế thu hồi 19,3ha đất đầm của
gia đình ông Vươn để giao cho người khác sử dụng. Anh em ông Đoàn Văn Vươn
không đồng tình, kiên quyết phản đối, cho rằng việc thu hồi đất này là trái
pháp luật, và khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng. Tại phiên tòa sơ thẩm, công
lý đương nhiên không đứng về gia đình ông Vươn! Ông Vươn quyết định kháng án
lên tòa cấp trên. Trước phiên tòa phúc thẩm, chính quyền giả bộ nhân nhượng, áp
dụng kế “hòa giải”, thuyết phục nếu ông rút đơn kiện, huyện sẽ tiếp tục giao đất
cho ông! Tin tưởng vào lời hứa của chính quyền, ông đồng ý rút đơn kiện. Nhưng
chính quyền liền “bội ước”! Ngay sau khi ông Vươn rút đơn kiện, huyện Tiên Lãng
lập tức “trở mặt”. Họ tuyên bố giữ nguyên quyết định thu hồi 19,3ha đất đầm! Thế
là sáng ngày 5/1/2017 huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế để thực hiện quyết định
này! Gia đình ông Vươn vô cùng phẫn uất, tuyên bố cực lực phản đối cuộc cưỡng
chế. Khi lực lượng cưỡng chế xâm nhập trái phép vào khu vực có ngôi nhà 2 tầng của
gia đình người em ruột là Đoàn Văn Quý sinh sống (khu đất này không nằm trong
quyết định cưỡng chế), anh em ông Vươn-Quý đã bắn đạn hoa cải và cho nổ kíp mìn
cốt để vỏ bình ga tung lên tưởng là bom nhằm cảnh cáo lực lượng cưỡng chế dừng
lại, nhưng chỉ huy ra lệnh họ phải tiến lên, khiến 4 chiến sỹ công an và 2 quân
đội bị thương nhẹ!
Vụ Đoàn Văn Vươn bất ngờ
trở thành chuyện lớn, tạo ra sự phản ứng gay gắt trên phạm vi toàn quốc. Trong
suốt 1 tháng rưỡi, báo chí đồng loạt đưa tin, phê phán những sai trái của chính
quyền, ủng hộ anh em ông Vươn, lên án vụ cưỡng chế trái pháp luật! Điều này khiến
Trung ương phải đứng ra làm “Người phán xử”, nhằm bịt ngay ngòi nổ lại! Chiều
10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ, sau khi họp các bộ ngành liên quan, đưa ra
3phán xử sau:
1/. Quyết định thu hồi 19,3 ha đất đầm của
gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái luật.
2/.Việc cưỡng chế và
huy động quân đội tham gia cưỡng chế là sai luật.
3/.Việc phá hủy ngôi
nhà 2 tầng là có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương.
Nhưng 3 phán xử này của
Thủ tướng Chính phủ cũng không thể cứu được người dân! Bốn anh em Đoàn Văn Vươn
vẫn bị ngồi tù với tổng mức án là 15 năm tù giam vì tội “giết người” (mà chẳng
có người nào bị họ giết cả)! Hai người vợ ông Vươn và ông Quý chỉ đứng quan sát
vụ cưỡng chế này trên bờ đê cách hiện trường 400m, cũng phải chịu mức án 33
tháng tù treo vì tội “chống người thi hành công vụ”, mặc dù chính “lực lượng
công vụ” đã đánh đập dã man 2 người phụ nữ khi họ chỉ la hét phản đối vụ
cưỡng chế phi pháp này!
Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận như vậy,
nhưng chính quyền Hải Phòng và Huyện Tiên Lãng không hề nhận lỗi trước dân!
Không những vậy mà họ còn làm ngược lại! Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải
Phòng, mô tả cuộc cưỡng chế này là “một
trận đánh đẹp, hiệp đồng tác chiến giữa công an và quân đội cực kỳ hay, đáng
ghi vào sách giáo khoa quân sự”! Sáng 5/1/2012, lực lượng cưỡng chế phát hiện
trong ngôi nhà 2 tầng có 3 người (2 nam, 1 nữ) bắn đạn hoa cải ra, chính Đại tá
Ca đã ra lệnh dùng hỏa lực bắn xối xả vào ngôi nhà 2 tầng để tiêu diệt 3 kẻ “chống
đối” kia! Ngay hôm sau, nhằm xóa hết vết tích do đã sử dụng hỏa lực quá mức cần
thiết, chính quyền đã điều xe ủi đến san phẳng ngôi nhà 2 tầng để phi tang chứng
cứ! Nhưng khi bị các nhà báo vặn hỏi ai là thủ phạm phá sập ngôi nhà 2 tầng của
dân, Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng liền dựng đứng, vu tội
ngay cho người dân: “Do người dân bất
bình nên họ vào phá!”. Đại tá Đỗ Hữu Ca còn “hùng hồn” hơn: “Đấy không phải là nhà, chỉ là cái chòi
trông cá!”. Là “Tư lệnh trận đánh đẹp” sang hôm 5/1/2012, sau khi bắt sống
được 6 “tù binh” (có 2 phụ nữ), phá sập ngôi nhà 2 tầng, Đại tá Ca được tưởng
thưởng quân hàm Thiếu tướng do có công lao lớn! Còn ông Nguyễn Văn Thành (Bí
thư Thành ủy Hải Phòng giai đoạn từ 12/2010 đến 12/2014), người đã duyệt quyết
định thu hồi 19,3ha đất đầm và phê chuẩn kế hoạch cưỡng chế ngày 5/1/2012,
đã cố tình né báo chí và công luận trong gần 1 tháng rưỡi trời! Mãi đến hôm
17/2/2012, khi đến nói chuyện nội bộ tại CLB Bạch Đằng về vụ Tiên Lãng, ông liền
bị 3 cán bộ lão thành của CLB cướp diễn đàn phản đối, rồi gửi đơn tố cáo và kiến
nghị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng về tội xuyên tạc và phát
ngôn trái với kết luận của Thủ tướng! Có lẽ vì việc này nên tháng 12/2014, ông
Thành được tạm điều về Văn phòng Trung ương Đảng giữ chức Phó Chánh Văn phòng để
12 tháng sau (12/2015), được chuyển tiếp làm Thứ trưởng Bộ Công an. Không rõ
ông Thành trước đấy có được phong hàm Thiếu tướng và Trung tướng không, ai
phong và phong khi nào, nhưng sau khi về BCA được 3 tháng rưỡi, ngày 22/3/2016,
ông được thăng quân hàm vượt cấp, thẳng lên Thượng tướng. Kể cũng tài thật!
Tôi tóm lược lại vụ án
trên để minh chứng cho nguyên tắc đã thành văn: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật!”. Thông qua những thực tế phũ phàng và cay
đắng của vụ án “Người nông dân nổi dậy
Đoàn Văn Vươn” đầu thế kỷ XXI, chắc mỗi người chúng ta sẽ tự rút ra bài học
riêng cho mình!
Trở lại vụ việc Đồng Tâm nhân câu nói của
Bộ trưởng MTD, tôi hy vọng sẽ không lặp lại vụ Tiên Lãng năm 2012! Nhân đây,
tôi nghĩ nếu cụ Đỗ Mười còn tỉnh táo và minh mẫn, cụ nên nhận lỗi trước dân vì
37 năm trước, với danh nghĩa Phó Chủ tịch HĐBT, cụ đã vội thu hồi 208ha đất “bờ
xôi ruộng mật” của dân để giao cho BQP với mục đích mở rộng sân bay Miếu Môn,
song BQP không vâng lời cụ, việc mở rộng sân bay là bất khả thi, nhưng họ không
báo cáo lại cho cụ biết, cứ để hoang hóa mấy chục năm trời! Thay vì trả lại đất
cho dân sản xuất, BQP cứ “ôm” số đất này rồi chuyển giao lòng vòng trong nội bộ
quân đội không đúng quy định của pháp luật, trái với mục đích ban đầu khi được
Chính phủ giao đất! Đây chính là nguyên nhân làm cho việc tranh chấp đất đai
bùng phát, dẫn đến biến cố Đồng Tâm đáng tiếc như đã xảy ra! Để tình hình đến mức
như vậy, trách nhiệm thuộc về BQP, nhưng lỗi một phần cũng do tại Chính phủ.
Thiết nghĩ, BQP nên dũng cảm nhận sai và xin lỗi người dân, và Chính phủ cũng
nên ngỏ lời xin người dân hai chữ “đại xá”! Nếu làm được vậy, tôi tin mọi sự sẽ
êm đẹp, vì nhân dân ta có truyền thống nhân đạo từ ngàn xưa là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”!
Hẳn Bộ trưởng MTD sẽ là một trong những người hài lòng nhất nếu có trường hợp xảy
ra là chính quyền nhận lỗi trước dân.Mong sao mọi sự sẽ thật tốt lành!
Hà Nội, ngày 1/6/2017.
N.Đ.Q.