Thủ tướng Úc, 11 bộ trưởng quốc phòng, Tổng thư ký ASEAN và nhiều quan chức cấp cao khác sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2017 - Ảnh: IISS |
TTO - Mọi sự
chú ý sẽ đổ dồn về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại
diễn đàn an ninh không chính thức quan trọng nhất châu Á-Thái Bình Dương.
Đây sẽ là
bài phát biểu quan trọng trong phiên thảo luận toàn thể đầu tiên tại đối thoại
ngày 3-6. Giới quan sát kỳ vọng đây sẽ là dịp quan trọng để Washington công bố
chính sách châu Á mới dưới thời chính quyền Donald Trump.
Sau khi
Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lấp
lửng về chính sách xoay trục sang châu Á, giờ đây người ta đang chờ xem
chính sách mới mang tính định hình các mối quan hệ giữa Mỹ và các nước
trong khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Các chuyên
gia nhận định phần lớn bài phát biểu của ông Mattis sẽ tập trung vào vấn đề hạt
nhân của Triều Tiên. Song châu Á không chỉ có riêng một điểm nóng này mà còn có
Biển Đông. Hơn bao giờ hết, các nước trong khu vực cần những tín hiệu rõ ràng
hơn từ Washington về các vấn đề như Biển Đông.
Chú Sam trở
thành tâm điểm
Khác với Đối
thoại Shangri-La năm trước, khi Trung Quốc trở thành tâm điểm với những công
trình nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, năm nay, “chú Sam” Mỹ sẽ ngồi vào ghế
nóng, đối mặt với những ánh mắt dò xét xem nước Mỹ sẽ nói gì về các cam kết đối
với khu vực.
Ngoại trưởng
Mỹ Rex Tillerson khi nói về quan hệ Mỹ - Trung đã đề cập đến khả năng hợp tác,
lặp đi lặp lại những câu chữ vốn được Bắc Kinh sử dụng như “không đối đầu”,
“tôn trọng lẫn nhau”, “hợp tác cùng có lợi”. Và còn nhiều nhiều những chỉ dấu
khác khiến người ta luôn đặt câu hỏi về các cam kết và trách nhiệm quốc tế của
nước Mỹ.
Việc hải quân
Mỹ đưa tàu chiến áp sát thực thể phi pháp, thách thức chủ quyền vô lý của Trung
Quốc trên Biển Đông hồi đầu tuần trước có thể làm dịu đi sự lo ngại về một cuộc
thoái lui của Mỹ. Nhưng hơn hết, Washington cần một chính sách toàn diện cho
Biển Đông nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung ngay từ đầu chứ
không thể xây dựng chính sách bằng cách gộp tất cả những biểu hiện “lắt nhắt”
trước đó.
Tất cả những
câu hỏi đó, đang được kỳ vọng sẽ được giải đáp trong bài phát biểu của ông
Mattis vào ngày mai.
Ông Abraham
Denmark - cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, nhận
định nhiều khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mattis sẽ tập trung vào vấn đề hạt
nhân của Triều Tiên - mối quan ngại an ninh lớn nhất của chính quyền Trump
ở thời điểm hiện tại.
Nhưng “các
nước trong khu vực sẽ đặc biệt lưu tâm về bài phát biểu của ngày mai và mục
tiêu của Bộ trưởng Mattis là phải làm sao truyền tải cho rõ ràng chính sách của
Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai là gì”, cựu quan chức
Mỹ nhận định với Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - Ảnh: Reuters |
Tiêu điểm nghị sự: Triều Tiên
Một ngày
trước bài phát biểu quan trọng, Bộ trưởng Mattis tiết lộ ông sẽ tiếp tục nhấn
mạnh các cam kết của nước Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái
Bình Dương. Đây là một tuyên bố mang tính trấn an được nước Mỹ lặp đi lặp
lại từ khi ông Trump nhậm chức.
Tuy nhiên,
trong thông điệp được ông Mattis đưa ra ngày hôm nay đã mang sẵn hàm ý: các
nước nên tự chịu trách nhiệm cho an ninh của chính mình!
“Bộ Quốc
phòng Mỹ sẽ tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của các đồng minh, cải thiện
năng lực để họ đủ khả năng tự đảm bảo an ninh cũng như tăng cường năng lực của
quân đội Mỹ để ngăn chặn chiến tranh”, Reuters dẫn lời ông Mattis.
Nhà lãnh đạo
quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ ông sẽ nói về cái gọi là “trật tự thế giới” cho một
châu Á hòa bình, ám chỉ đến việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của
Triều Tiên.
Đến đây,
không còn gì nghi ngờ rằng Triều Tiên sẽ trở thành đề tài nóng số 1 của cuộc
đối thoại năm nay.
Các báo
Trung Quốc ngay từ mấy ngày trước cũng đã nhận định tương tự song vẫn không
quên nhắc lại sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn
cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần thể hiện sự phản đối
trước việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Biển Đông
nóng thứ hai
Biển Đông là
vấn đề chưa bao giờ hết nóng ở khu vực và Đối thoại Shangri-La. Năm ngoái, đoàn
đại biểu Trung Quốc do Đô đốc Tôn Kiến Quốc dẫn đầu đã đối mặt với nhiều câu
hỏi về các hoạt động tôn tạo trái phép đảo nhân tạo và những động thái khác
trên Biển Đông.
Các vụ thử
tên lửa liên tiếp của Triều Tiên cũng những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên
đã đẩy Biển Đông xuống vị trí thứ hai trong chương trình nghị sự năm nay.
Đoàn đại
biểu Trung Quốc năm nay do Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân
sự Trung Quốc dẫn đầu. So với các năm trước, tính chính danh của đoàn Trung
Quốc đã hạ xuống bởi Viện khoa học Quân sự chi là một đơn vị nghiên cứu học
thuật, không thể đưa ra các tuyên bố mang hàm ý chính sách cao như thời Bắc
Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng năm 2011 hay như các năm 2007 -2009, 2013-2016 là
các sĩ quan tương đương phó tổng tham mưu trưởng quân đội.
Theo nhận
định của các chuyên gia, vấn đề Biển Đông năm nay vẫn sẽ được thảo luận nhiều
phiên thảo luận thứ 4: “Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên
biển".
Trung Quốc
và ASEAN năm nay đã tiến hành các vòng tham vấn về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng
xử giữa các bên trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên
gia, đây chỉ là cách để Bắc Kinh hướng sự chú ý của dư luận quốc tế sang vấn đề
khác sau khi đã đạt được mục đích là xây dựng các đảo nhân tạo và công sự trái
phép ở Trường Sa.
Phiên thảo
luận toàn “quý bà”
Một điểm
mới trong Đối thoại Shangri-La năm nay là sẽ có một phiên thảo luận toàn các
nữ bộ trưởng quốc phòng. Với chủ đề “Duy trì trật tự khu vực dựa trên quy
tắc”, phiên thảo luận thứ 2 sẽ chỉ có sự tham dự của 3 nữ bộ trưởng quốc
phòng Nhật, Úc và Pháp là bà Tomomi Inada, bà Marise Payne và bà Sylvie Goulard.
DUY LINH
Nguồn : Theo Tuổi Trẻ