21 mai 2014

Khủng hoảng biển Đông đòi hỏi sự đột phá của lãnh đạo Việt Nam

Theo BVN

Jonathan D. London
Nguyễn Khoa Thái Anh dịch
clip_image002
Mặc dù có ảnh hưởng tai hại cho bộ mặt và ổn định của Việt Nam, đối với Hà Nội các cuộc bạo loạn chết người tại Việt Nam tuần trước chỉ mang tầm quan trọng thứ yếu so với sự thách đố lớn mà nhà nước phải đối đầu: bế tắc chính trị dai dẳng của họ. Như Adam Fforde, một chuyên gia về Việt Nam lâu năm, đã quan sát, cho đến nay Việt Nam vẫn chứng tỏ “thiếu một trật tự và lãnh đạo không đủ bản lãnh cho những nỗ lực cần phải có”. Thật vậy, Việt Nam hầu như sẽ không có cơ hội thoát khỏi cơn biến động Biển Đông một cách an lành nếu họ không giải quyết được sự bế tắc chính trị của mình.


Nói một cách thật giản tiện, sự bế tắc liên quan đến hai nhóm gồm có bốn cá nhân. Nhóm thứ nhất xoay quanh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật dù bị hoen ố vì tham nhũng, có sự hỗ trợ của một nhóm các nhà kinh doanh ưu tú của địa phương và quốc doanh cũng như Bộ An ninh, trong số những người khác. Mặc dù có thể coi như một chính khách mưu mô lão luyện hàng đầu của đất nước, những người có đầu óc cải cách nhìn ông như một nhân vật thiếu thành tín trong chuyện cải cách, không có khả năng cung ứng các cải cách về định chế mà Việt Nam cần có.
Nhóm thứ hai hướng tới bộ ba của Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Họ thuộc thành phần thủ cựu của Việt Nam, gọi nôm na là người bảo vệ nguyên trạng thế lực của nhà nước. Ở quốc nội, họ đa phần chỉ biết trung thành với nhau, Đảng, và quân đội. Đối với quốc tế, sự trung thành của họ đã được đầu tư lâu dài trong ý tưởng cho rằng Bắc Kinh là một "đồng chí tốt”.
Sự bế tắc không làm tê liệt chính phủ nhưng có tác hại nghiêm trọng vào năng lực của guồng máy nhà nước. Thay vì giao tiếp với thế giới bằng sự tự tin, bên ngoài đã được chào đón với sự im lặng kéo dài. Sự kết thúc gần đây của Hội nghị Trung ương chỉ được ám chỉ qua loa về cuộc khủng hoảng hiện tại. Thảo luận kín của Bộ Chính trị của Việt Nam vẫn mờ nhạt.
Chuyện gì đã xảy ra? Một số bộ phận của nhà nước đã phản ứng với những thách thức một cách hăng hái. Động thái này, đáng chú ý nhất, 1) gồm các lực lượng tuần dương khập khiểng, không cân xứng, thua kém về số lượng cũng như thiết bị vũ khí, và 2) phương tiện truyền thông lề phải của Việt Nam đã được bật đèn xanh, cho phép họ tha hồ và tự do công kích Trung Quốc. Nhà nước đã đặc biệt là ít có khả năng trong các lĩnh vực khác. Thiếu vắng những đồng minh thân cận, Hà Nội đã tìm cách truyền đạt cho thế giới chuyện bất bình của mình bằng cách thúc đẩy quần chúng biểu lộ lòng yêu nước của họ. Mặc dù không đồng bộ, những nỗ lực của nhà nước phần lớn vẫn còn yếu kém, do sự hạn chế của quyền lực độc tôn.
Một trong những khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc là cuộc tranh luận chính trị cởi mở hơn của Việt-Nam (mặc dù vẫn còn áp chế). Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, không gian mạng Việt Nam đã bốc lửa. Và người Việt qua nhiều quan điểm và chính kiến đa dạng của mình đã đòi hỏi quyền được biểu tình một cách ôn hòa. Mặc dù các cuộc biểu tình đầu tiên được cho phép, một phần họ vẫn còn bị áp chế. Thay vì xuống đường ầm ĩ và náo nhiệt, nhà nước đã chặt chẽ tổ chức những "cuộc mít-tinh phản đối" theo kịch bản tại các hội trường khác nhau, với những bài hát yêu nước. Người ta đã chụp được hình ảnh một số người ngủ gật.
Kế hoạch biểu tình chống Trung Quốc của nhà nước với công nhân các công nghiệp đã nhanh chóng trở thành quá độ. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên. Cho đến sau khi các cuộc bạo loạn xảy ra, nhân dân Việt Nam đã không nghe được bất kỳ một tuyên bố nào của bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Trật tự xã hội đòi hỏi phải có sự phối hợp và hợp tác, không chỉ đơn thuần là chuyện mở cổng cho làn sóng nước lũ của đám đông quần chúng khi họ thực sự không có một khái niệm hay kinh nghiệm nào về chính trị và tác phong xã hội. Chúng ta không cần đi sâu vào các hậu quả tiêu cực ở đây, mà đã được sự chú ý rộng rãi của quốc tế.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, những bước đi táo bạo phải được thực hiện. Đặc biệt, sự phát triển sau đây cần phải xảy ra:
1. Càng sớm càng tốt Hà Nội phải có một tuyên bố chính thức. Chuyện này cần một nhân vật lãnh đạo trình bày trực tuyến trên truyền hình. Chính phủ nên chuẩn bị hai bản tường trình, một bằng tiếng Việt trực tiếp nói với người dân bởi một lãnh tụ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và một bản bằng tiếng Anh, do một quan chức cao cấp thông thạo tiếng Anh phát ngôn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người có một sự hiểu biết tinh tường về ngoại giao của phương Tây, có thể là một ứng viên thích hợp. Các phát biểu này phải nói lên tầm vóc quốc tế và trong nước về tình thế khẩn trương, giải thích thật tường tận và rõ ràng các điều khoản nói lên vị thế và ý định của Việt Nam nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các phương tiện ngoại giao và pháp lý, thay vì sử dụng vũ lực. Nếu Bắc Kinh cho ra một tối hậu thư trong những ngày tới, Hà Nội phải đưa ra một phản ứng rõ ràng và công khai.
2 . Thực hiện ngay lập tức những nỗ lực nhằm phục hồi niềm tin kinh tế. Bổ nhiệm một ủy ban gồm có những cố vấn quốc tế đáng tin cậy để giải quyết các vấn đề hư hại của nhà máy, những người bị thương tích, và những thách thức mà các nhà quản lý và người lao động của các công ty nước ngoài bị thiệt hại. Khôi phục sự tự tin một cách nhanh chóng là vấn đề rất hệ trọng. Công việc phải được thực hiện theo một quy trình vượt quá mức mong đợi.
3 . Lãnh tụ nhà nước và các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự đang phát triển tại Việt Nam, bao gồm các nhân tố cả trong lẫn ngoài chính phủ, cần phải nhập cuộc thảo luận về các điều khoản của sự tham gia sinh hoạt chính trị của quốc gia để đối phó với cơn biến động. Kế hoạch này nên bao gồm các quan chức hàng đầu của chính phủ, đại diện của Tập đoàn 72 nguyên đơn (một cơ cấu lỏng lẻo của các trí thức tên tuổi có tinh thần cải cách, có nhiều liên hệ lâu năm với Đảng), và các thành viên thâm niên của các tổ chức xã hội dân sự hàng đầu. Đây là triển vọng đáng kể nhất và thực sự chính là chiến lược duy nhất cho Hà Nội nhằm phục hồi cả tiếng nói quốc nội lẫn tinh thần đoàn kết cần thiết để Việt Nam tham gia vào chính trường quốc tế một cách hiệu quả. Phóng thích các tù nhân lương tâm và thực thi nghĩa cử với người Việt hải ngoại sẽ gửi thông điệp rằng Việt Nam đang thay đổi và rằng Việt Nam là một quốc gia đáng được quốc tế ủng hộ.
4 . Việt Nam phải thoát khỏi chuyện ăn cả-về-không trên chính trường cũng như trong luận điệu. Việt Nam và các quốc gia trong khu vực không thể kham nổi một cuộc xung đột quân sự, và ứng xử bằng sử dụng quân sự phải được tránh bằng mọi giá.
Về lâu dài, Việt Nam nên theo đuổi các ứng xử hòa bình và chiến lược, cả hai thông qua các kênh ngoại giao và quốc phòng, nhắm cho Bắc Kinh thấy vi phạm công pháp quốc tế và không tôn trọng các nước láng giềng sẽ chỉ chống lại lợi ích lâu dài của họ. Hà Nội cần đẩy mạnh sự tham gia trọng yếu cùng với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Các cuộc thảo luận không nên chú trọng về việc chế tài Trung Quốc nhưng cố đạt được và duy trì một trật tự khu vực thịnh vượng.
N.K.T.A.
Tiến sĩ Jonathan D. London là Giáo sư Phân khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông và Thành viên Cốt lõi của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á. Ấn phẩm gần đây của ông gồm Chính trị ở Việt Nam Đương đại ( Palgrave MacMillan 2014). Theo ông ta trên twitter @jdlondon1.
Nguồn văn bản gốc: cogitasia.com