12 mai 2014

SÀI GÒN SÁNG 11.5.2014

Phạm Đình Trọng

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê quận Ba. Kha Lương Ngãi. Tô Lê Sơn. Lê Thân. An Bình Minh. Ánh Hồng. Phạm Đình Trọng .  .  . Để xe máy lại chỗ uống cà phê chúng tôi lên taxi ra Nhà Hát Lớn.


Taxi vừa chạy được một đoạn thì hai cảnh sát giao thông trên chiếc mô tô từ phía sau vọt lên. Gậy cảnh sát giơ lên ép chiếc taxi vào lề đường. Mới đi được vài trăm mét, anh Tô Lê Sơn trả cho lái xe hai mươi ngàn đồng, chúng tôi rời taxi cuốc bộ trở về quán cà phê lấy xe máy. Về đến chỗ để xe máy sau cùng thì mũ bảo hiểm của tôi không còn ở xe nữa. Cuốc bộ nhằm hướng Nhà Hát Lớn nhưng mới đến Nhà Thờ Đức Bà, tôi gặp đoàn biểu tình rầm rộ, rùng rùng tuôn từ đường Đồng Khởi đến.

Nhận ra nhiều gương mặt thân quen trong đoàn biểu tình nhưng nhìn những người đi đầu, không thấy anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Lê Công Giàu, anh Kha Lương Ngãi, anh Tô Lê Sơn đâu, tôi biết đây là đoàn khác, không phải đoàn “của chúng tôi”. Anh Tô Lê Sơn mang cả bộ âm thanh điện và bài phát biểu của anh Mẫm để 9 giờ anh Mẫm đọc trước cuộc biểu tình mà bây giờ mới 8 giờ 30. Tôi đang lưỡng lự thì anh Huỳnh Ngọc Chênh kéo tôi đi theo đoàn biểu tình từ Nhà Thờ Đức Bà.


Đoàn biểu tình đông cả ngàn người, khí thế bừng bừng, sôi sục. Công an sắc xanh, sắc vàng, cảnh sát 113, thanh niên xung phong rải đầy đường nhưng không có một hành động nào cản trở đoàn biểu tình. Đi trước tôi là anh Hoàng Hưng, chị Nguyễn Thị Mười, chị Mai Oanh, chị Khánh Trâm. Trong những lớp sóng người dồn lên, tôi thấy anh Phan Đắc Lữ, anh Huy Đức, anh Bùi Hùng, anh Phạm Chí Dũng, anh Uyên Vũ, anh Paulo Thành Nguyễn, chị Vũ Hồng Ánh con gái cụ Vũ Đình Huỳnh, anh Bang Tran, chị Vũ Thị Phương Anh, chị Kim Hoa (Sương Quỳnh), chị Nguyễn Hoàng Vy .  .  . Anh Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt xuống. Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Nha Trang vào. Trên ngực áo và trên lưng áo sơ mi anh Bùi Minh Quốc có hàng chữ viết tay bằng mực tím Tổ Quốc Trên Hết, Quyền Dân Trên Hết.

Đường Phạm Ngọc Thạch. Đường Trần Cao Vân. Đường Hai Bà Trưng. Gần đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Hai Bà Trưng thì đoàn biểu tình bị hai hàng rào sắt chặn lại. Giữa hai hàng rào sắt vô tri là hàng rào người vô cảm: công an. Lúc đầu chỉ là khối công an sắc xanh, đầu trần, tay không. Đoàn biểu tình như những lớp sóng dồn dập xô đến, hàng rào sắt bị lay, đẩy. Lớp công an sắc xanh lùi lại phía sau. Lớp cảnh sát chiến đấu 113 trang phục xám đen, đầu mũ sắt đen bóng, tay khiên sáng loáng như bức tường thép dựng sừng sững trước đoàn biểu tình. Những tiếng thét “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Hoàng Sa – Việt Nam!” Trường Sa – Việt Nam!” như tiếng sóng dập vào đá đến đây càng ầm ầm vang lên.

Không thể đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn biểu tình đi lại con đường đã đi, trở về Nhà Hát Lớn. Những người biểu tình sững lại khi thấy trên những bậc thềm trước Nhà Hát Lớn, các bạn trẻ tuổi học sinh, sinh viên đã đứng kín, bên những khẩu hiệu nhẹ nhàng “Phản đối Trung Quốc xâm lược” “Phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam” còn có rất nhiều khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Các bạn trẻ đang say sưa hát những bài ca cách mạng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” .  .  . hồn nhiên vui vẻ như đang dự một hội trại của tuổi trẻ.

Nhìn các bạn trẻ đang làm chủ quảng trường Nhà Hát Lớn, những người biểu tình nhận ra ngay đây là cuộc mít tinh được chính quyền thành phố tổ chức để chiếm lĩnh một không gian chính trị rất quan trọng của Sài Gòn và họ gọi đó là cuộc mít tinh quốc doanh. Nhìn cuộc mít tinh quốc doanh, tôi lại nhớ đến hai sự cố trong cuộc biểu tình. Một sự cố với cuộc biểu tình và một sự cố với riêng tôi.

Đoàn biểu tình đang đi trên đường Phạm Ngọc Thạch, tôi thấy ở phía trước, chỗ chị Như Quỳnh bỗng nhốn nháo và có tiếng hốt hoảng “Cướp! Cướp!”. Tôi đi lên hỏi chuyện gì thì Như Quỳnh bảo có người cướp khẩu hiệu!

Tôi đứng bên hàng rào sắt ngăn không cho đoàn biểu tình tiến đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc thì một thanh niên đến trước tôi, hướng ống kính máy ảnh vào chỗ tôi bấm liên tục. Tôi đưa máy ảnh của tôi nhờ anh bấm cho tôi một kiểu ảnh. Nhận lại máy ảnh tôi tiếp tục chụp cuộc biểu tình thì máy không chụp được nữa. Kiểm tra máy thì ôi thôi, thẻ nhớ đã mất! Thế là trắng tay, tôi không còn được tấm ảnh nào về cuộc biểu tình sôi sục chống giặc Tàu xâm lược của người dân Sài Gòn!