Nguyễn
Quang A
Thể hiện sự phản đối của mình đối
với hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc hạ dàn khoan HD-981
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động chính đáng. Các cuộc biểu
tình lúc đầu còn ôn hòa vì mục đích trên của công nhân Bình Dương đã bị một số
ít người biến thành những cuộc đập phá nhà máy, hôi của đã làm cho việc biểu
tình chính đáng thành sự kiện bi thảm, rất đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nó đã lan
ra cả Hà Tĩnh và máu đã đổ. Việc đập phá không những làm mất ý nghĩa của biểu
tình mà còn có hại cho chính công nhân: việc làm của họ khó được đảm bảo. Nó
còn làm hại cho các chủ doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, hủy
hoại hình ảnh của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Bất luận nguyên nhân trực tiếp của
bạo động là gì và nguyên nhân sâu xa ra sao (mà dưới đây sẽ nêu sơ vài nguyên
nhân) những hành động bạo loạn như thế phải chấm dứt.
Có lẽ còn phải tốn nhiều công sức
để rút ra những bài học sao cho những việc tương tự không xảy ra trong tương
lai. Dưới đây chỉ nêu sơ bộ vài điều có thể dễ thấy.
Những người bị đè nén, bị áp bức,
cảm thấy mình bị thua thiệt, bị đối xử bất công là những người rất dễ bị kích động
để sử dụng bạo lực. Các cụ ta thường nói con giun xéo mãi cũng quằn, cũng phải
phản kháng chứ nói chi đến con người. Tâm lý bầy đàn, và đám đông hẳn không xa
lạ với những người chịu khó để ý. Các quan chức nhà nước và các nhà hoạt động
xã hội những người mà công việc của họ gắn với đám đông phải thấu hiểu điều đơn
giản đó.
Phòng cháy hơn chữa cháy. Để tránh
những bạo loạn như đã xảy ra ở Bình Dương phải tìm những nguyên nhân chính,
thúc đẩy, hay khiến người dân dễ bị kích động. Tất nhiên, tìm kẻ kích động và xử
lý thích đáng cũng rất cần thiết nhưng sẽ không giải quyết triệt để vấn đề.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra kích động là hết sức đa dạng, đôi khi rất vu vơ và
nhỏ, cũng có thể là âm mưu của kẻ xấu nhưng tất cả đều giống như một tia lửa nhỏ
có thể thiêu trụi cả một cơ ngơi lớn.
Đầu tiên, nếu làm cho người dân cảm
thấy hài lòng, không cảm thấy bị đè nén, áp bức hay bị bất công là giải pháp cơ
bản nhất. Quan trọng là họ tự cảm thấy như vậy chứ không phải được tuyên truyền
để cảm thấy thế, trong khi thực tế thì ngược lại.
Thứ hai, xung đột xã hội luôn tồn
tại chừng nào còn con người. Chỉ có kẻ điên hay hoang tưởng mới nghĩ rằng có thể
tạo ra một xã hội không có xung đột. Như thế cần tạo ra những cơ chế, những
công cụ, tập quán (mà người ta đôi khi cũng gọi là thể chế) để giúp người dân,
các nhóm người giải quyết xung đột một cách hữu hiệu.
Với công nhân, xung đột đễ thấy nhất
là về lương bổng, điều kiện làm việc, thái độ của những người quản lý và luôn là
giữa một đám đông với chủ sử dụng lao động hay các đại diện của họ. Đáng tiếc từng
người lao động ở vị thế rất bất đối xứng, bất lợi so với bên kia. Chính vì thế
họ cần được tổ chức để có tiếng nói chung, mạnh mẽ hơn trong quan hệ với giới
chủ. Nếu người lao động hiểu được quyền của mình và lập ra các tổ chức bảo vệ
quyền lợi của mình để mặc cả, thương thuyết, giải tỏa căng thẳng hay giải quyết
xung đột giữa họ và người sử dụng lao động, thì xung đột ít có khả năng biến
thành bạo loạn. Cái tia lửa đã đốt bùng kho xăng không được rào dậu kỹ, bị rò rỉ
liên miên và không có phương tiện chữa cháy phù hợp với những người không được
đào tạo về phòng cháy chữa cháy, lần này rất đáng tiếc trực tiếp hay gián tiếp,
có bị kẻ xấu lợi dụng hay không, lại là một tia lửa của “lòng yêu nước” hay
nhân danh lòng yêu nước.
Tạo ra môi trường, tạo điều kiện
cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh, để cho công nhân tự tổ chức
ra các tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình, để tự bảo vệ mình trước sự kích động
của bất kỳ ai, để trở thành người giác ngộ,...đó mới là những công cụ hữu hiệu để giải quyết xung đột và khó bị
kích động.
Chỉ có thế thì những sự kiện đáng
tiếc như vậy mới khó có thể xảy ra. Còn nếu chỉ hô hào hay dễ nhất chỉ trừng trị
những kẻ kích động dẫu đó là một việc rất cần, mà không giải quyết rốt ráo những
vấn đề căn bản thì vấn đề vẫn còn nguyên đó.