03 juin 2014

Vì lợi ích, danh dự của nhân dân, đất nước

Hồ Ngọc Thắng (CHLB Đức)
Theo Nhân Dân
Dân Quyền: Mong bà con bên Đức và châu Âu nhắn ông Hồ Ngọc Thắng rằng chúng tôi, những người ký tên Thư ngỏ mà ông nhắc tới trong bài được cho là của ông dưới đây, sẵn sàng tranh luận với ông trên báo, trên mạng, thậm chí gặp đích thân ông trong những buổi tranh luận công khai với ông cùng bà con ở bên Đức, nếu ông cho chúng tôi biết thông tin để liên hệ
 
Vì lợi ích, danh dự của nhân dân, đất nước
Với gần 90 triệu người con nước Việt dù sinh sống trong nước hay hải ngoại, dù già hay trẻ, dù quan niệm xã hội và tín ngưỡng - tôn giáo có khác nhau,... thì Hoàng Sa và Trường Sa luôn là vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế theo tác giả Hồ Ngọc Thắng - một người Ðức gốc Việt, khi chủ quyền của Tổ quốc bị xâm phạm, mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều rất bức xúc và tự thấy phải có trách nhiệm.

Xem - nghe - đọc từ hệ thống truyền thông Việt Nam và các nước trên thế giới về các tin tức, bình luận, phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, là người sống xa Tổ quốc, tôi hết sức phẫn nộ. Tôi càng phẫn nộ khi nhớ tới những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Mao Trạch Ðông đã nói: "700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, đất nước Trung Quốc bao la là hậu phương vững chắc của nhân dân Việt Nam". Thế mà hơn một tháng qua, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động có tính gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ðiều này làm tôi nhớ đến hai câu lục bát đã thuộc nằm lòng: "Lòng sông lòng biển dễ dò - Ai từng bẻ thước mà đo lòng người"! Sống xa quê hương gần nửa vòng trái đất, tôi thấy mình vẫn có trách nhiệm với Tổ quốc, nơi đã nuôi dưỡng tôi nên người, nơi dạy cho tôi nhiều điều hay lẽ phải, để dù mấy chục năm sống xa Tổ quốc, dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản. Vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ đường lối của Ðảng và Nhà nước Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế,... Bởi tôi biết rằng, đường lối đúng đắn đó đã kết tinh cùng lịch sử đau thương nhưng vinh quang của cha ông chúng ta, được làm nên từ mồ hôi, nước mắt và máu xương của nhiều thế hệ, trong đó có các đồng đội đã cùng tôi vượt Trường Sơn, đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị.

Phần vì quan tâm đến tình hình ở quê nhà, phần vì đặc thù công việc của tôi ở cơ quan, trong thời gian gần đây tôi có đọc một số bài viết trên mạng. Ðọc và tự phân tích tôi nhận ra, trong đó có không ít bài viết của người xấu, họ muốn lợi dụng hoàn cảnh đất nước lúc này để "đục nước béo cò". Họ viết nhân danh lòng yêu nước, nhưng đọc kỹ lại thấy họ không yêu nước. Họ coi sự kiện chủ quyền đất nước bị xâm phạm là cơ hội để tuyên truyền các luận điệu xằng bậy, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Ðảng, Nhà nước. Họ không quan tâm gì đến việc mỗi người dân cần đóng góp công sức làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức đương đầu với khó khăn, mà họ bới móc, xuyên tạc phục vụ mưu đồ gây hoang mang trong dân chúng, gây nghi ngờ đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Chúng ta cần hết sức cảnh giác với các bài viết như vậy. 

Những ngày này ở CHLB Ðức và các khu vực sử dụng tiếng Ðức, các báo hằng ngày, đài truyền hình, truyền thanh thường xuyên đưa tin về tình hình trên Biển Ðông. Các tạp chí danh tiếng cũng đăng các bài viết cụ thể, thí dụ Tạp chí Spiegel Online (Tấm gương) ngày 16-5-2014 viết: Việt Nam đồng loạt cho gửi SMS đến hàng chục triệu thuê bao điện thoại di động; nội dung SMS là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "kêu gọi mọi người Việt Nam góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế", "không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất kinh doanh". Ngày 27-5-2014, tạp chí Spiegel Online cũng tường thuật, lên án hành động của Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá đóng bằng gỗ số hiệu ÐNa 90152 của ngư dân Ðà Nẵng, bài viết cho biết rất cụ thể: Lúc tàu chìm có 10 ngư dân trên tàu đang đánh bắt cá. Họ trích dẫn để bạn đọc hiểu đây là "hành động khủng bố" của phía Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Nhờ những bản tin như vậy, bạn bè Việt Nam và bạn bè người Ðức của tôi đều hiểu tình hình Biển Ðông trở nên căng thẳng do phía Trung Quốc qua những hoạt động phi pháp, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Một điều thú vị là một số bạn bè người Ðức của tôi rất hiểu Việt Nam. Họ có kiến thức về lịch sử Việt Nam, biết từ rất lâu và rất nhiều lần, nước Việt Nam của tôi là nạn nhân của các cuộc xâm lăng từ phương bắc; và cha ông của chúng ta đã thành công trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi như thế nào. Họ biết về các sự kiện như Trung Quốc đã tiến công, chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, chiếm đảo chìm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Một đồng nghiệp của tôi đặt câu hỏi: Trung Quốc nói là yêu hòa bình nhưng tại sao lại xung đột với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines. Không thể tin Việt Nam và Philippines nhỏ bé như thế mà lại gây sự với Trung Quốc? Một người khác rất am hiểu tình hình thì cho rằng, thời đại đã khác trước, không dễ lừa dối được thế giới, loài người tiến bộ sẽ không để "cá lớn nuốt cá bé"; ngày trước khi Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, nhiều người, nhiều nước trên thế giới không đủ thông tin đã có những nhận thức sai lệch; rồi thời gian và thực tế đã chứng minh cho thế giới thấy, Việt Nam có chính nghĩa, và chính nghĩa đã giúp nhân dân Campuchia giành lại quyền sống như hôm nay. Và tôi đồng tình. 

Mấy chục năm trước, vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và hòa bình, chúng tôi đã ra trận. Sau này, tới nhiều nơi trên thế giới, biết tôi là người Việt Nam và từng là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều người hỏi chúng tôi: Ðiều gì đã giúp các anh "Bộ đội Cụ Hồ" vượt qua mọi gian khổ trên đường Hồ Chí Minh, không chùn bước trên các chiến trường ác liệt? Câu trả lời là: Lòng yêu nước vô bờ bến, niềm tin rằng sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc sẽ chiến thắng. Chúng tôi luôn tin, bản lĩnh đó sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay vẫn tiếp tục là thế hệ ưu tú của dân tộc, không đánh mất mình vì lợi ích cá nhân hẹp hòi, yêu hòa bình và sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần. Nhiệt huyết, ý chí đã và sẽ làm cho chúng ta có thêm sức mạnh. 

Chúng tôi rất buồn sau khi nghe bạn bè thân thiết và một số đồng nghiệp người Ðức ở cơ quan nơi tôi làm việc kể lại rằng họ đã xem những hình ảnh về hậu quả các hành vi quá khích mà một số người đã gây ra ở các tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh. Các hình ảnh đó ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam, làm vơi hụt thiện cảm, thiện chí bè bạn vẫn dành cho chúng ta. Ðể chứng minh cho các chính phủ, cho nhân dân thế giới thấy chúng ta có chính nghĩa, chúng ta bị xâm phạm chủ quyền thì không thể có hành vi đáng phê phán đó. Chính vì vậy, tôi thật sự yên tâm sau khi một số người bột phát có hành vi tiêu cực, được Nhà nước tuyên truyền chỉ rõ sự sai trái, mọi người đã tỉnh táo. Tôi nghĩ, nếu là người có lương tri, nếu coi lợi ích và danh dự dân tộc là các tiêu chí để xác lập vị trí, xây dựng uy tín của đất nước trong quan hệ quốc tế, thì chính lúc này lòng yêu nước sâu sắc, tập hợp thành khối đoàn kết của toàn dân phải là suy nghĩ chủ đạo chi phối mọi hành động. Không có ý muốn dạy dỗ ai, nhưng tôi nghĩ khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, người yêu nước là người biết suy nghĩ, hành động vì lợi ích dân tộc, đặt quyền lợi, danh dự dân tộc lên trên hết. Dù sống xa Tổ quốc, tôi đã và sẽ tiếp tục thể hiện lòng yêu nước theo cách của mình. Tôi tin đồng bào của tôi ở trong nước cũng sẽ thể hiện lòng yêu nước chân chính qua ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với công việc của bản thân. Tuần hành tự phát, gây rối, kích động bạo lực, bình luận và phát tán lời nói, hình ảnh thô tục trên internet,... không phải là tính cách của người Việt Nam, không phải là hình thức thể hiện tinh thần yêu nước của người Việt Nam, mà đi ngược lại những giá trị nhân văn được cha ông xây dựng, giữ gìn, trao lại. 

Nhân đây, xin viết đôi dòng về những người mới công bố "Thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước". Ðọc bài Trí thức Việt Nam gửi thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước trên VOA ngày 30-5, tôi tìm đọc văn bản đó, và gặp lại một số tên tuổi quen thuộc mấy năm nay vẫn ký dưới đủ loại "tuyên bố, thư ngỏ" đưa lên internet. Tôi nghĩ, là người dân bình thường cũng đã hiểu: Nếu lãnh đạo Ðảng và Nhà nước "buông lơi trách nhiệm của mình với nước, với dân" thì làm sao hôm nay Việt Nam có bản lĩnh mềm dẻo nhưng kiên quyết trong khi bảo vệ chủ quyền? Làm sao cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư có phương tiện cần thiết, hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ? Thiết nghĩ, lực lượng nòng cốt trong đội ngũ những người Việt Nam đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nơi khó khăn nhất hiện nay là các đảng viên cộng sản. Ở đó, người ta không cần tới cái "lòng yêu nước" như của các vị vẫn trưng bày trên internet, trình diễn trong mấy cuộc biểu tình. Nếu thật sự là người yêu nước, là trí thức, các vị nên đi cùng nhân dân, đóng góp trí tuệ và thống nhất thành một khối với nhân dân. Ðó mới thật sự là những người yêu nước chân chính.
HỒ NGỌC THẮNG
(CHLB Ðức)