TT - Chủ đề phiên họp toàn thể của Quốc
hội ngày 2-6 là thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, nhưng những
lời nồng nàn, nhiệt huyết trong phần lớn các ý kiến phát biểu đều hướng
về biển Đông, nơi chủ quyền của Tổ quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi
các hành vi khiêu khích, bạo lực từ phía Trung Quốc.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ
đồng tình đặc biệt với sự thể hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn
đề biển Đông trong thời gian qua và nhấn mạnh: “Dứt khoát bảo vệ toàn
vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu
nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào
chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh”. Lời của ông Nam cũng là lời của nhiều
đại biểu khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội được truyền thanh,
truyền hình trực tiếp đến toàn dân.
Toàn dân tộc tạo thành một làn sóng
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng chúng ta phải
nhận thức sâu sắc là sự xâm lấn truyền kiếp của nước láng giềng thật khó
thay đổi. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước nồng nàn lại
kết dân ta thành làn sóng, sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc càng
nhiều thì chắc rằng lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ. Trước tình hình
đó, chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nâng cao cảnh giác, không mắc
bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc
chiếm biển Đông. Không để phần tử xấu lợi dụng tình hình kích động gây
rối, làm phức tạp an ninh chính trị, không để các loại tội phạm lợi dụng
khó khăn về kinh tế để đục nước béo cò.
“Quan tâm, lo lắng, phẫn nộ, bất bình và lên án hành vi
ngang ngược, bất chấp đạo lý, nhân nghĩa láng giềng, trắng trợn của
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” - đại biểu Nguyễn Thái
Học (Phú Yên) cho đó là mối quan tâm hằng ngày, hằng giờ trong hơn một
tháng qua của mọi người Việt Nam. Ông bày tỏ xúc động trước hình ảnh
những cựu chiến binh có nguyện vọng sẵn sàng ra Hoàng Sa sát cánh cùng
cảnh sát biển, kiểm ngư, những em nhỏ dành khoản tiết kiệm để đóng góp
cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” và đã có 850.000
tin nhắn góp sức bảo vệ biển đảo quê hương...
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta có một
lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến
nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết
thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm,
khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, đại biểu Học
đề nghị: “Đại biểu Quốc hội chúng tôi trân trọng và thiết tha đề nghị
Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác,
toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ,
Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong
tình hình mới”.
Thắt lưng buộc bụng cho “tuyến đầu”
“Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm
mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa
các đoàn ra nước ngoài. Tôi cũng hứa từ nay đến hết nhiệm kỳ này, nếu
trời để sống tôi cũng không đi nước ngoài nữa” - đại biểu Đỗ Văn Đương
bày tỏ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo đã gửi xin ý
kiến đại biểu về việc “dành 16.000 tỉ đồng cân đối trong ngân sách năm
2013 để chi cho cảnh sát biển, chi cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ
trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, đáp ứng được tình hình thực tế đặt ra
trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”. Đại biểu Trần Du Lịch
(TP.HCM) cho rằng cắt từ ngân sách 16.000 tỉ đồng dành cho tình hình
hiện nay trên biển Đông là chưa đủ, Quốc hội nên cắt phần lớn tất cả
khoản chi thường xuyên không nằm trong lương và trợ cấp xã hội, những
kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...
Theo ông Lê Nam, Chính phủ đã quyết định những chính
sách mới hỗ trợ ngư dân, đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong
tình hình hiện nay hằng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư
dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong khi còn khó khăn, Chính phủ đã dự
kiến dành ra 16.000 tỉ đồng để tăng cường khả năng chiến đấu của cảnh
sát biển, kiểm ngư. Dành 10.000 tỉ đồng cho ngư dân vay với lãi suất cực
kỳ ưu đãi 3%/năm và được mang chính con tàu ấy làm vật thế chấp. Những
ước mơ, khao khát của ngư dân đã lâu lắm rồi giờ mới có khả năng được
đáp ứng. Tuy nhiên, ông Nam đề nghị cùng với quyết sách mới thì công tác
chỉ đạo của Chính phủ phải quyết liệt. “Bóng ma của các dự án đánh bắt
xa bờ từ những năm 1990 vẫn còn lởn vởn” - đại biểu Nam nhắc lại và đề
nghị Chính phủ “theo dõi chặt chẽ việc thực hiện chính sách dành cho ngư
dân, ngăn chặn kịp thời việc ăn chặn của ngư dân”.
“Với quyết sách trên đây thì ngư dân sẽ có điều kiện
bám biển. Ngư dân ở nhiều tỉnh miền Trung đang cần những con tàu sắt,
tàu lớn để đánh bắt xa bờ, cần tàu lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá để
bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và vươn ra đại dương làm
giàu cho Tổ quốc” - đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) bày tỏ sự ủng hộ
tuyệt đối với các phát biểu của Thủ tướng và quyết sách của Chính phủ
về tình hình biển Đông.
Giảm bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), tổ tiên ta
hiểu rằng khi buộc phải thường xuyên đương đầu với tranh chấp, xung đột
lãnh thổ thì sự lệ thuộc về kinh tế sẽ là điểm yếu chí tử của đất nước.
“Đây là bài học lớn có tính nguyên tắc, nhưng hình như hiện nay chúng ta
chưa thuộc lòng bài học đó” - ông Đáng nói. Theo ông, trong thời đại
hội nhập kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế đương nhiên phụ thuộc vào
nhau để cùng chia sẻ các chuỗi giá trị, nhưng lệ thuộc kinh tế thì cực
kỳ nguy hiểm. Các số liệu chính thức lại cho thấy kinh tế nước ta đang
lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu, vật
tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông
sản. Lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác,
hoàn toàn bất lợi trong mọi tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và
tương lai gần hay xa.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay
Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ,
trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,
ASEAN và Trung Quốc. Trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỉ USD), nhập
khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu (hơn 30 tỉ
USD). “Xác định Trung Quốc là một đối tác quan trọng, tuy nhiên chúng ta
cũng đã nhận thức nhiều năm qua trong quan hệ thương mại với Trung Quốc
việc ta luôn nhập siêu là một quan tâm của tất cả các cấp, các ngành.
Từ nhiều năm trước đây, Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải
thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Gần đây nhất, trong năm 2013 đã
ký ba hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường
nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác
thương mại gạo” - ông Hoàng cho biết.
Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương
mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng các hiệp định thương mại
tự do không chỉ mở ra cơ hội phát triển, mà còn giúp Việt Nam giảm bớt
và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể như 50-60% nguyên phụ liệu “đầu vào” cho ngành dệt may nhập từ
thị trường Trung Quốc, 90% hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp
thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong các dự án
nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Ông Lộc phân tích: “Với các
cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ
thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại
hàng đầu trên thế giới, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có điều kiện
nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các nền kinh tế khác
các loại máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu
dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn
cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc”.
LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH
* Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN:
“Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc
và yêu cầu Trung Quốc không được xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thực
hiện đúng luật pháp quốc tế. Đồng thời thể hiện sự đồng tình cao với
những chủ trương, chính sách, giải pháp giải quyết vụ việc này của Đảng
và Nhà nước. Qua đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị trước tình hình khó
khăn, phức tạp, thử thách mà đất nước ta phải đối mặt hiện nay, việc
thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng với quyết tâm bảo vệ
chủ quyền đất nước là nhiệm vụ của tất cả những người Việt Nam yêu
nước”.
* Đại biểu ĐỖ VĂN DƯƠNG (TP.HCM):
Yên dân
“Do đâu Ukraine đứng bên bờ nội chiến, do đâu Thái Lan
chìm đắm trong biểu tình, quân đội đảo chính, mất chính phủ, dân không
yên ổn làm ăn, kinh tế suy thoái nghiêm trọng? Đây là bài toán khó mà
những nước nhỏ như nước ta phải hết sức quan tâm để giải quyết giữa nhu
cầu yên dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và bảo vệ chủ
quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế”.
* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp LÊ THỊ NGA:
“Liên quan đến một số hành động quá khích vừa qua, đến
nay hàng trăm người đã bị bắt giữ, khởi tố, chúng tôi đề nghị các cơ
quan tố tụng cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hình sự,
kịp thời phát hiện và nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu đặc biệt nguy hiểm,
kẻ lưu manh côn đồ. Khoan hồng đối với người lần đầu phạm tội, những
công nhân bị lợi dụng, lôi kéo, kích động mà hậu quả hành vi có mức độ.
Xử lý kịp thời nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhân
đạo và nhân văn là Nhà nước ta vừa đảm bảo được trật tự trị an, đảm bảo
môi trường đầu tư, vừa đảm bảo an dân, tránh việc làm người dân hiểu
nhầm chỉ vì thể hiện lòng yêu nước mà bị liên lụy”.
* Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương):
Kinh tế giàu mạnh, tự chủ
“Lịch sử cho thấy rằng khi nào Việt Nam ta suy yếu do
tầng lớp lãnh đạo chia rẽ, nhân dân chán ghét mất lòng tin, kinh tế đất
nước yếu kém, lúc đó cái gọi là hữu nghị với láng giềng phương Bắc nếu
có chỉ là hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Do vậy để tồn tại, người Việt
Nam có bài học lớn đoàn kết toàn dân và xây dựng nền kinh tế giàu mạnh,
tự chủ”.
|
Nhiều giải pháp giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc
Ngày 2-6, tại cuộc họp báo thường kỳ hằng tháng, Bộ
Công thương khẳng định thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn bình thường.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải công
nhận Trung Quốc đang là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn. Ít nhất
5-6 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu đang xuất rất nhiều
sang Trung Quốc, như hàng thủy sản, điều, cao su... Ngay cả những mặt
hàng xuất siêu sang nhiều nước như Mỹ, EU, Nhật nhưng cũng phụ thuộc
nhiều vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, như dệt may, da giày, cả thức
ăn chăn nuôi thủy sản...
Ông Hải khẳng định Chính phủ, Bộ Công thương đang triển
khai nhiều giải pháp để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, như tăng xuất
khẩu, tăng sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu... Ngoài ra, theo ông
Hải, biện pháp cần làm quyết liệt là tiếp tục thực hiện chương trình
người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đặc biệt, nhiều ngành hàng đã có
những động thái nhất định để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, Hiệp
hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp chủ động
tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, như xơ
có thể nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, sợi có thể nhập từ
Indonesia, Ấn Độ và vải thì từ Hàn Quốc, Malaysia...
Ông Hải cũng cho biết Bộ Công thương đã tham mưu để Thủ
tướng ra quyết định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với ngành ưu tiên
cụ thể hơn. Ngoài ra, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán hiệp định thương
mại tự do với nhiều nước như Hàn Quốc, hay Hiệp định đối tác xuyên Thái
Bình Dương, hiệp định với Liên minh thuế quan Nga - Belarus -
Kazakhstan... để mở rộng thị trường xuất cũng như nhập khẩu, tránh tập
trung quá nhiều vào một thị trường.
CẦM VĂN KÌNH
|