04 juillet 2014

Samsung được VN cấp phép dự án 1 tỷ đô

Theo BBC

Samsung còn có hai nhà máy sản xuất khác tại Việt Nam
Tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà máy thứ ba tại Việt Nam, với tổng số vốn 1 tỷ đôla.

Tại lễ ký kết thỏa thuận với UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 2/7, Ông Choi Kwon Yoing, Tổng giám đốc Công ty Samsung Display, được báo Dân Trí dẫn lời cho biết dự án sẽ được khởi công trong tháng Bảy năm nay và sẽ bắt đầu đi vào sản xuất trong năm 2015.Dự án 'Samsung Display', với chức năng nghiên cứu, phát triển và sản xuất màn hình cho điện thoại thông minh, sẽ được đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh và nằm dưới sự quản lý của Công ty TNHH Samsung Display.
Sau khi hoàn thành, nhà máy này dự kiến sẽ có năng suất 48 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động và có doanh thu hàng năm là 6 tỷ đôla, ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh được dẫn lời nói tại buổi lễ.
Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến quan trọng cho các nhà sản xuất linh kiện điện tử của Nam Hàn, tiêu biểu là Samsung và LG.
Năm 2009, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh với vốn đầu tư 2,5 tỷ đôla.
Đầu năm 2013, tập đoàn này cũng đã khởi công xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên trị giá 2 tỷ đôla.
Hồi đầu tháng Sáu, UBND TP.HCM thông báo với báo chí trong nước rằng cơ quan này đã chấp thuận cho Samsung đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử với tổng vốn trên 1 tỉ đôla tại Khu công nghệ cao TP. HCM.
Người phát ngôn của Samsung cho biết tập đoàn này đang "xem xét" kế hoạch trên, nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
Động thái mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam của Samsung diễn ra giữa lúc nước này đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, báo Wall Street Journal nhận định trong bài đăng ngày 2/7.
"Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện thoại thông minh và sản phẩm điện tử đạt 31,8 tỷ đôla năm ngoái, chiếm 25% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn 50% so với năm trước đó", theo số liệu của Wall Street Journal.
"Các sản phẩm điện thoại di động và linh kiện máy tính đang bắt đầu thay thế các sản phẩm cà phê và hàng may mặc".

Chuyển khỏi Trung Quốc

Giới chuyên gia nói các vụ bạo động hồi tháng Năm sẽ không ảnh hưởng dài hạn đến tâm lý nhà đầu tư ở Việt Nam
Hồi tháng Năm, các cuộc bạo động ở Bình Dương và Hà Tĩnh đã gây ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất có vốn từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và cả Hàn Quốc.
Giới quan sát đã lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang hoặc sắp có dự án tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng các vụ bạo động sẽ không gây ảnh hưởng dài hạn.
"Việt Nam hiện vẫn là một môi trường đầu tư tốt và Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn như chuẩn bị sửa đổi luật doanh nghiệp, luật đầu tư theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài," bà nói.
"Vả lại Việt Nam đang trong quá trình cùng các đối tác liên quan hoàn tất một loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng, từ đó tạo thuận lợi rất nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam."
Bà cũng cho rằng những dự án lớn của Samsung ở Việt Nam sẽ giúp nước này thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư khác.
"Sau khi đã có những dự án lớn của các công ty lớn như Intel, Samsung, LG hoặc một số công ty Nhật trong các lĩnh vực công nghệ cao thì điều đó cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm sức hút đối với các công ty khác," bà nói.
Hồi năm ngoái, hãng tin tài chính Bloomberg cho biết Samsung đang đưa dần các nhà máy sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam để đối phó với việc chi phí lao động ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Samsung cũng đang được hưởng khá nhiều ưu đãi tại Việt Nam.
Samsung hiện không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, chỉ phải trả một nửa thuế trong 12 năm tiếp theo và được hưởng hàng loạt ưu đãi thuế quan khác.