Bích Ngọc thực hiện
Cần hiểu rằng việc đi vay nợ về để trả nợ điều đó đang chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã nhận
định như vậy trước tình trạng Việt Nam phải đi vay nợ để đáo hạn các
khoản nợ trước kia. TS Cung cho rằng: "Một cách hiểu khác còn nợ mà phải
đi vay thêm nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ".
Không thể xem là bình thường!
PV: -Thưa
ông tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, các vị ĐBQH đã chỉ thẳng tình trạng, vay
nợ về để đáo nợ và lo ngại, điều này sẽ khiến vấn đề nợ công ngày càng
nặng nề và khó giải quyết.Theo ông, vấn đề đi vay về đề trả nợ có phải
là một vấn đề mới không và vì sao?
TS Nguyễn Đình Cung:
- Chuyện đi vay về trả nợ vừa được Quốc hội bàn thảo và Bộ trưởng Bộ
Tài chính từng giải trình việc này không có vấn đề gì, không làm phát
sinh thêm nợ mới. Cá nhân tôi thì không đồng ý với quan điểm này.
Cần
hiểu rằng việc đi vay về để trả nợ điều đó đang chứng tỏ khả năng tạo
ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm nghĩa
là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ.
Tình trạng như thế không thể nói là bình thường được.
Chỉ cần hiểu đơn giản theo mô hình của một gia đình, phải đi vay nợ
nhưng đến kỳ hạn trả lại không tích lũy được tiền để trả nợ, như vậy là
khả năng trả nợ kém đi. Trong trường hợp này phải đi vay về để đảo nợ.
Đáng
lẽ ra trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay rồi thì nguồn
vốn đó phải dùng để tạo ra năng lực để trả nợ. Đằng này vay về không
phải để đầu tư, cũng không tạo ra nguồn lực mà là vay nợ về trả nợ có
nghĩa là yêu cầu về trả nợ ngày càng tăng lên. Điều này kéo theo khả
năng trả nợ tiếp tục giảm đi.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện nay thì buộc phải áp dụng biện pháp trước đi vay về để đảo nợ trong giai đoạn ngắn hạn.
PV: - Đúng
là nguồn vốn vay đã không được đầu tư để sinh lời, trong khi đầu tư
công tràn lan lãng phí đã được nói đến nhiều lần; công trình vay ODA giá
cao và đội vốn gấp đôi đều đã được ghi nhận, nợ của các tập đoàn nhà
nước mà Chính phủ bảo lãnh ở mức rất cao… Với tình trạng hiện tại, liệu
Việt Nam còn kịp nhìn lại và điều chỉnh việc sử dụng các nguồn vốn vay?
Muốn như vậy thì phải làm gì? Tình trạng hiện nay nếu không được giải
quyết sẽ dẫn đến hệ lụy gì thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung:
- Thực ra vấn đề này hiện nay chúng ta đều đã biết và nhận ra. So với
trước đây thì nay chúng ta đang hy vọng nhiều vào Luật đầu tư công như
một công cụ để quản lý đầu tư công.
Rõ ràng việc
thắt chặt ngân sách đối với đầu tư công phải áp dụng một cơ chế, kỷ
cương kỷ luật tài chính hết sức chặt chẽ đối với đơn vị đầu tư nói chung
và từng dự án nói riêng.
Muốn thắt chặt thì cần
phải làm rõ trách nhiệm giải trình của từng cá nhân phụ trách đối với
từng dự án và cơ quan quản lý cũng phải rõ ràng, rành mạch. Ví dụ đối
với từng dự án không thể có chuyện điều chỉnh dự toán đầu tư một cách
tùy ý và tùy tiện như hiện nay.
Có thể phải coi kỷ
luật ngân sách đối với từng dự toán như một đạo luật, trong đó chính cơ
quan đầu tư phải xác định được rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực
hiện. Theo đó rủi ro nếu xảy ra sẽ có tác động đối với dự toán như thế
nào và chỉ khi xảy ra thì mới được điều chỉnh dự toán. Khi đó mức độ rủi
ro ở mức nào thì điều chỉnh dự toán đến mức đó.
Cũng
phải nói rằng phải xác định mức trần về rủi ro có thể xảy ra và được
điều chỉnh để từ đó thắt chặt ngân sách đối với dự án đầu tư.
Nếu
những thứ làm thay đổi dự án, tức là yếu tố khác ngoài rủi ro đã được
xác định trước dẫn tới việc làm tăng dự toán thì chủ đầu tư và các bên
khác phải chịu trách nhiệm chứ ngân sách sẽ không bỏ thêm một xu.
Nếu
không làm được điều này thì một nguy cơ rất lớn sẽ xảy ra là lúc đầu
xây dựng dự toán rất thấp để được thông qua. Khi có vốn rồi trong quá
trình thực hiện họ cứ tâng lên dần, điều chỉnh vốn lên mà không theo một
giới hạn nào. Đáng lẽ một dự án cần 10 tỷ đồng mới thực hiện xong nhưng
khi lập chỉ đề ra 5 tỷ rồi điều chỉnh lên không giới hạn.
Do
vậy buộc các bên phải tính toán dự toán thật chu đáo và cẩn trọng trước
khi phê duyệt. Khi thực hiện thì phải hết sức khắt khe và kỷ luật. Ngay
cả ngân sách quốc gia khi Quốc hội đã ban hành rồi thì tất cả các khoản
chỉ được chi trong dự toán. Những gì được xem là chi vượt dự toán chỉ
có thể duyệt khi xảy ra rủi ro đã được xác định từ khi lập dự toán.
Việc
này phải được thực hiện một cách nghiêm túc chứ không phải việc điều
chỉnh xảy ra thường xuyên như thời gian vừa qua. Trong khi đó việc tại
sao phải điều chỉnh nhiều như thế và ai là người chịu trách nhiệm trong
việc điều chỉnh thì không thấy được giải trình.
Chính câu chuyện này khiến cho tình trạng nợ càng nợ thêm như chúng ta đã thấy.
Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô
PV: - Chúng
ta nói sẽ thắt chặt chi tiêu nhưng việc xin đầu tư xây dựng cơ bản vẫn
đang tiếp tục tiếp diễn. Doanh nghiệp Nhà nước dù cổ phần hóa vẫn muốn
xin được Chính phủ bảo lãnh nợ.
Ông bình
luận như thế nào về thực trạng này? Nếu tiếp tục nuông chiều những đề
xuất không hợp lý, vấn đề nợ công của Việt Nam sẽ còn ở mức như thế nào?
Nhìn ra trên thế giới, bài học nào khiến Việt Nam phải xem xét và suy
nghĩ?
TS Nguyễn Đình Cung: - Vấn đề hiện nay chúng ta không chỉ có đầu tư mà là chi thường xuyên cũng tăng rất nhanh.
Có
lẽ chúng ta phải quay trở lại vai trò của nhà nước. Nhà nước thực hiện
vai trò đến đâu?. Nếu vai trò của nhà nước thu nhỏ lại thì hoạt động sẽ
ít đi. Còn hiện nay vai trò của nhà nước vẫn mở ra mà không nhìn thấy
giới hạn thì rõ ràng hoạt động của nhà nước đến đâu thì chi đến đó.
Cho
nên muốn thắt chặt được ngân sách thì gốc của nó là vai trò của nhà
nước và vai trò của thị trường, các bộ, ngành đến đâu. Tức là chúng ta
chỉ cần làm rõ vai trò của từng chủ thể đến đâu sẽ dễ dàng để nhìn thấy
các khoản chi cần thiết tới mức nào.
Ví dụ nhà nước
có cần đầu tư một hệ thống nhà hát hay không? Hay là một hệ thống bảo
tàng? Đây quả là những việc hoàn toàn không cần thiết nhà nước phải đầu
tư mà có thể để xã hội hóa.
Còn chuyện doanh
nghiệp xin ưu đãi thì phải tuyệt đối không có, kể cả với DNNN hay tư
nhân. Trong trường hợp buộc phải có ưu đãi thì chỉ có thể là dành cho
nhiệm vụ của nhà nước.
Vấn đề này lại quay lại
chức năng vai trò nhà nước ở mức độ nào và nhà nước tập trung ưu tiên
trong giai đoạn này vào lĩnh vực nào, mục tiêu nào rồi mới ưu tiên ưu
đãi để thu hút nguồn lực vào thực hiện. Chứ không thể thực hiện theo
kiểu dàn trải, chỗ nào cũng ưu ái thì rõ ràng là dẫn tới tình trạng
không có giới hạn của việc chi tiêu.
Còn nếu cứ
tiếp tục nuông chiều thì đến một lúc nào đó sẽ không thể cân đối được
nguồn vốn. Mọi thứ sẽ bị phá vỡ thì đương nhiên nhiều hệ lụy như khủng
hoảng nợ công, nợ thương mại và dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Bài
học khủng hoảng châu Á 1997 -1998, khủng hoảng 2008-2009 của Hoa
Kỳ chính là hệ lụy của sự bao bọc khi nhà nước làm không tròn vai.
PV: -
Hiện tại ở Việt Nam tồn tại hai thực tế: khai thác tài nguyên thô để
bán giá rẻ, vay nợ đầu tư mà không mang lại giá trị thặng dư (dẫn tới
tình trạng đi vay để tả nợ vay). Như vậy, phải nhìn nhận về nội lực của
nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: - Điều đó có thể thấy cách thức tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không có.
Nếu
việc kiểm soát hành vi hoạt động của doanh nghiệp mà chính quyền không
thật sự chặt chẽ thì đương nhiên các tổ chức, doanh nghiệp sẽ chỉ chạy
theo chỉ tiêu phát triển. Trong khi đó đồng vốn không được quay vòng để
tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thì chuyện phải đầu tư để có
tăng trưởng, phải bán than để tăng trưởng, bán đất để lấy tiền đầu tư.
Khi một nền kinh tế không có động lực để phát triển thì lợi ích nhóm, tham nhũng cũng sẽ xuất hiện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!