Bùi Tín
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang Bắc Kinh
trong chuyến đi thăm chính thức theo lời mời của ông Tập Cận Bình. Chuyến đi cập
rập không được chuẩn bị từ trước, vội vã chỉ để đi trước cuộc sang Hoa K ỳ để gặp Tổng thống Obama đã
được ấn định trong tháng 6 này. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 tháng
4, 2015.
Đi cùng ông Trọng có đến 4 ủy viên Bộ Chính trị
phụ trách ngành Tuyên giáo, ngành Công an, Quân đội và một phó Chủ tịch Quốc Hội,
thêm ủy viên Trung ương Phạm Bình Minh, phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Đủ
thấy tầm quan trọng ra sao.
Một Tuyên bố chung 9 điểm được đưa ra ngày 8/4.
Đây là bản Tuyên bố chung dài nhất trong quan hệ Việt – Trung từ trước đến nay.
Cũng là bản Tuyên bố đậm đà nhất về « tình nghĩa hữu nghị Trung – Việt sâu
đậm do 2 lãnh tụ vỹ đại Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh vun đắp nên ».
Bản Tuyên bố nhắc đi nhắc lại 16 chữ vàng và Bốn
Tốt tiêu biểu cho tình anh em và tình đồng chí chí thiết gắn bó 2 đảng và nhân
dân 2 nước cùng chung lý tưởng XHCN cao đẹp. Bản Tuyên bố kể lại sự chi viện to
lớn của Đảng CS và nhân dân TQ cho Đảng CS và nhân dân VN trong « các cuộc
chiến tranh chống xâm lược của nhân dân VN».
Điều đặc biệt nổi bật là bản Tuyên bố chung kể lể
nhiều nhất đến những cam kết về hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 đảng, 2 Nhà
nước, 2 Chính phủ, 2 Quốc hội, 2 Mặt Trận, về mọi mặt: chính trị, quốc phòng,
quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, tài chính, thương mại, tiền tệ, tuyên huấn,
đào tạo cán bộ, văn hóa, văn nghệ, truyền thanh truyền hình. Hai bên cam kết sẽ
tăng thêm trao đổi hàng hóa qua biên giới, tạo điều kiện tăng đầu tư, nâng cao
kỹ thuật công nghiệp, rồi hợp tác giao thông trên biển, trong biển Nam Hải, ở cửa
ngõ Vịnh Bắc bộ. Tất cả đều phát triển mạnh trong kế hoạch hiện tại 2011-2016
và trong kế hoạch hợp tác 2016-2020 sắp tới.
Điều đặc biệt nổi bật là trong bản Tuyên bố
chung không hề nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung đầu năm 1979, về
sự kiện dàn khoan HD 981 từng gây sóng gió dữ dội trong quan hệ Việt – Trung,
không hề nhắc đến những hoạt động phi pháp ngang ngược hiện tại trên vùng biển
nước ta của phiá TQ, mở rộng củng cố các khu vực, các hòn đảo, bãi đá bị họ lấn
chiếm.
Có những điểm mới rất quan trọng, khác hẳn với
những Tuyên bố chung Việt – Trung trước đây. Đó là 2 bên cam kết sẽ hợp tác chặt
chẽ trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng, trong lĩnh vực thuế và thanh
toán, có hẳn một văn kiện ký riêng về vấn đề này. Đây có thể là một ràng buộc
thâm hiểm nhằm gắn liền đồng tiền VN với đồng Nhân dân tệ TQ chặt chẽ hơn các
ngoại tệ khác, nâng cao thanh thế của Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á BIIA -
Bank Investment Infrastructure of Asia - do Trung Quốc lập nên. Tuyên bố chung
cũng nhiều lần nói đến hợp tác giữa hai Bộ tài chính và hai Ngân hàng Nhà nước.
Tuyên bố chung nhiều lần nhắc đến quan điểm lấy
« đại cục làm trọng » nhằm tăng cường tình hữu nghị truyền thống, thắt
chặt thêm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, 2 đảng theo 16 chữ
vàng : láng giềng hữu nghị - hợp tác toàn diện - ổn định lâu dài - hướng tới
tương lai, và quan hệ 4 tốt : láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối
tác tốt. Đây là một ràng buộc nữa để bỏ qua mọi sự kiện được coi là tiểu tiết
như phía TQ ráo riết xây dựng sân bay, pháo đài, trạm Ra-Đa trên các đảo bị lấn
chiếm.
Thế nhưng những thiếu sót, sơ hở trên của ông
Nguyễn Phú Trọng và tùy tùng chuyên gia đi theo chưa phải là nghiêm trọng nhất.
Báo Nhật bản Nikkei Asian Review ngày 9/4 cho biết « Trong bản Tuyên bố
chung Trung – Việt phía VN đồng ý đưa cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng
Con Đường Tơ Lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng ». ( theo bài viết « Về
Tuyên bố chung Việt – Trung, trên Diễn đàn – Forum của Hải Vân và Vũ Quang Việt
– 15/4).
Chủ trương xây dựng Vành đai kinh tế Tơ lụa –
Silk Road Economic Belt, từ TQ qua các nước Trung Á đến Trung Đông sang tận
châu Âu, với đường sắt, ống dẫn dầu và khí, dài hàng chục ngàn kilômét và xây dựng
Đường Tơ lụa trên biển - Maritime Silk Road từ TQ ra biển Đông VN, xuống Ấn Độ Dương,
vào Biển Đỏ rồi sang Địa Trung Hải cập các bến châu Âu và châu Phi. Đây là 2
công trình đồ sộ nhất, ban đầu chi phí hơn 50 tỷ đôla, liên hệ đến 65 nước có
hơn 4 tỷ dân, được coi là tham vọng kinh tế trọng điểm rộng lớn chưa từng có
trong 10 năm tới, cũng là mối quan tâm kinh tế hàng đầu của Tập Cận Bình trong
giấc mơ Trung Hoa to lớn Bình thiên hạ của ông ta.
Tham vọng này cực lớn, nhưng đang vấp phải sự cản
phá mạnh mẽ của Ấn Độ, Nhật Bản, các nước Trung Á thân Nga, các nước Trung Đông
cũng như của Hoa Kỳ và châu Âu. TQ đang rất vất vả tìm kiếm đối tác đồng thuận
cho « 2 công trình thế kỷ » này.
Nếu quả thật như trên, ông Trọng đã nhẹ dạ bị sập
bẫy của ông anh Cả của mình.
Có thể ông đã bị loáng mắt inh tai mất tỉnh táo
do sự tiếp đón linh đình của ông tổng Tập, có duyệt đoàn quân danh dự, có 21
phát đại bác, có Đại Yến tiệc, quên mất rằng chưa có đồng thuận của Bộ chính trị,
chưa có ý kiến của Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ, các quan chức
chóp bu này bị đặt trước việc đã rồi. Nhân dân không ai bỏ phiếu bàu ông Trọng
làm Tổng bí thư. Ông chỉ là Tổng bí thư của đảng ông ta. Ai cho ông cái quyền đứng
đầu nước ta ?
Nếu quả thật như trên thì cái sơ hở sai lầm cực
kỳ nghiêm trọng của ông Trọng và cả đoàn VN nên gọi chính xác là gì ? Có
thể gọi là bán nước cho thế lực bành trướng ? Ông và đoàn của ông ăn nói
ra sao với toàn dân ? Tuyên bố chung có nên đưa ra trưng cầu dân ý của
toàn dân ?
Thì ra « cái tròng Bắc thuộc mới » mà
nguyên Bộ trưỏng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sớm cảnh báo đã được Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh mở đầu năm 1990, tiếp nối bởi Tổng bí thư Đỗ Mười, rồi bị thắt
chặt hơn dưới thời Tổng bí thư tham quyền Lê Khả Phiêu, để rồi tiếp nối mạnh
hơn nữa bởi tổng bí thư Nông Đức Mạnh, còn rước họa bô-xít vào vùng chiến lược
Tây Nguyên, và nay lại được ông tổng Trọng làm cho cái tròng Bắc Thuộc thêm chặt
hơn, ngẹt thở thêm, dân ta không còn chịu nổi.
Năm đời Tổng bí thư làm tôi đòi cho ngoại bang
phương Bắc chưa đủ sao? Đại Hội Đảng CS thứ XII hãy trả lời rõ cho toàn đảng và
toàn dân nước ta.