CTV Danlambao - Trái với không khí nhàm chán trong phiên khai mạc, ngày thứ hai của đại hội đảng 12 đã thu hút sự chú ý với bài phát biểu gây tiếng vang của bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh.
Lời kêu gọi cải cách của ông Vinh nhanh chóng được các cơ quan truyền thông đăng tải rộng rãi, khiến cho những tham luận sặc mùi giáo điều của ông Trần Đại Quang, Ngô Xuân Lịch, Mai Văn Ninh… bị rơi vào quên lãng.
Ông Bùi Quang Vinh là một quan chức hiếm hoi trong đảng cộng sản được đánh giá là người có năng lực.
Dù vẫn còn né tránh khi chỉ ra nguyên nhân gốc rễ khiến đất nước tụt hậu, nhưng những kêu gọi cải cách mạnh mẽ của ông Vinh vẫn là điểm nhấn quan trọng trong ngày thứ hai của đại hội, 22/1/2015
Đảng cần nghiêm khắc đánh giá chính mình
Mở đầu bài phát biểu, vị bộ trưởng kế hoạch đầu tư nêu ra dẫn chứng:
“Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới.”
“Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan.”
“Chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.”
Thực tế trên cho thấy, yêu cầu đổi mới và phát triển đối với đất nước đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Kết quả đổi mới trong 5 năm qua, bắt đầu từ đại hội 11 đến nay được được đánh giá là “chưa đem lại hiệu quả như mong muốn”. Nền chính trị lỗi thời thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Nguyên nhân chính là do đảng cộng sản chỉ đổi mới về thể chế kinh tế nhưng không chịu đổi mới về hệ thống chính trị.
“Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách”.
Ông Vinh kêu gọi đảng CSVN cần chủ động chịu trách nhiệm, đồng thời phải “nghiêm khắc đánh giá lại chính mình”.
3 trụ cột, 6 mũi chuyển đổi
Trình bày về những giải pháp cải cách, ông Vinh nêu ra những mục tiêu đổi mới về kinh tế đến năm 2013, trong đó đặt trọng tâm dựa trên 3 trụ cột chính:
1. Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường. Đến năm 2035, đạt thu nhập bình quân đầu người từ 15 đến 18 ngàn USD. (Hiện nay khoảng 2 ngàn USD)
2. Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người. Xây dựng chính sách đảm bảo công bằng xã hội và cơ hội được tiếp cận phúc lợi xã hội.
3. Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước
Đồng thời, vị bộ trưởng kế hoạch đầu tư cũng nêu ra 6 mũi chuyển đổi lớn để phát triển, hướng Việt Nam đạt mức “thu nhập cao hoặc cân trên của các các nước công nghiệp trung bình cao đến năm 2013”.
Ông Vinh kỳ vọng những kiến nghị như trên sẽ được ban chấp hành trung ương khoá 12 áp dụng trong quá trình cải cách hệ thống.
“Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách ở các vấn đề nêu trên”.
“Không thực hiện những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi”.
Ngay sau khi kết thúc bài phát biểu, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá những ý kiến đóng góp này là “tâm huyết và thẳng thắn”.
Bên cạnh đó, qua báo chí và các mạng xã hội, dư luận dành cho ông Vinh nhiều ý kiến khen ngợi và tán thưởng.
Tuy nhiên, giữa hơn 1500 đại biểu chỉ biết gật gù theo lệnh đảng, sẽ chẳng ai còn quan tâm đến những phát biểu của ông Vinh khi tất cả đang đổ dồn tâm trí vào cuộc chiến quyền lực đang diễn ra.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, vị bộ trưởng kế hoạch đầu tư này cho biết nhiệm kỳ sau ông sẽ “về hưu để làm ruộng”.
Thực tế đã chứng minh, không có chế độ tham nhũng nào có thể cải cách được. Những lời kêu gọi cải cách của ông Vinh tỏ ra vô vọng, cũng giống như một que diêm kịp bùng cháy, tạo nên ánh sáng le lói trước khi tắt lịm.