Tác
giả chụp chung với ứng viên Lã Hân Khiết. |
Rất tiếc ngày 19-01 vừa qua đã
không ở Hà Nội để tham gia lễ kỉ niệm dâng hương các cán binh nghĩa sĩ VNCH trong
trận chống TQ xâm lược Hoàng Sa. Lúc đó tôi đang ở Đài Loan, cũng có cái may là
đã được tận mắt chứng kiến một cuộc bầu cử mà không khí cởi mở như vậy chưa bao
giờ được thấy ở nước mình. (Nhất là cuộc bầu cử đang chuẩn bị diễn ra, rất quan
trọng đối với vận mệnh của dân tộc mà nhân dân không có được một chút
thông tin chính thức nào về các ứng
viên.)
Đến được Đài Loan vào tối 14- 01- 2016 tức trước ngày bầu cử Tổng thống và các “Ủy viên lập pháp quốc dân” (tương đương Đại biểu Quốc hội ở ta) hơn một ngày; chúng tôi tranh thủ dạo quanh phố phường xem tình hình các đảng phái và các ứng viên Quốc hội vận động tranh cử ra sao. Khá nhiều hình thức phong phú, và dĩ nhiên là vận động công khai, bằng ô tô đi bán các hàng hóa nhỏ bao gói bằng các văn bản, tư liệu tuyên truyền, còn có nhiều ấn phẩm màu săc sinh động giới thiệu về nhân thân, xu hướng, chương trình hành động của ứng viên. Tất nhiên không thiếu các cuộc diễn thuyết, gặp gỡ giao lưu trực tiếp giữa các ứng viên và cử tri. Trong một phòng vận động, trông giống như gian quán nhỏ trên đường Hòa Bình Đông, có trang trí nhẹ nhàng với nhiều bàn ghế thuận tiện cho việc tiếp đón bất cứ ai quan tâm tìm hiểu tình hình. Chúng tôi được một ứng viên của Liên minh Đảng dân chủ xã hội và Đảng Xanh tiếp chuyện. Đó là một phụ nữ còn khá trẻ, tên là Lã Hân Khiết, cô cho biết cô là một người hoạt đông xã hội. cô đang vận động cho vấn đề bảo vệ môi trường. Cô cũng sẵn lòng cho biết kế hoạch hành động sắp tới khi trúng cử vào Nghị viện; cô có lòng tin là mình sẽ được nhiều phiếu bầu…Chúng tôi còn thấy một ứng viên nữ tên là Phạm Vân, người của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) với trang phục áo phông quần bò rất bình dân, dắt chiếc xe đạp mà trên giỏ xe có một tấm biển nhỏ đề dòng chữ “ các bạn cử tri, tôi muốn làm quen với các bạn”. Trông người bình dân như vậy, nhưng Phạm Vân là giáo sư tiến sĩ về Xã hội học, dạy ở trường Đại học Quốc gia Đài Loan. Phạm Vân tham gia chính trị vì bà quan niệm: Chính trị chính là để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Khi vận động cử tri, Phạm Vân nói thẳng thắn rõ lý do: vì mình còn trẻ, không vướng bận gia đình mới có thể hoạt động tích cực thúc đẩy cải cách; vì muốn trong Nghị viện có thêm Ủy viên lập pháp chuyên nghiệp; vì muốn công khai đối thoại về ký lẽ với các Ủy viên lập pháp của các đảng phái khác…Trên đường phố ở Đài Bắc, cũng đã thấy cả chiếc xe ô tô cắm cờ đỏ năm sao vàng của một đảng thân cộng sản, họ cũng được công khai đi vận động bầu cử, không có gì hạn chế.
Chúng tôi tới Hội
sở của hai đảng đang cạnh tranh quyết liệt chiếc ghế Tổng thống. Tại hội sở của
Đảng Quốc dân ( viết tắt là KMT) đang cầm quyền, thấy tình hình có vẻ không
đông vui nhộn nhịp bằng hội sở của DPP, mặc dù ai cũng có thể tự do đến các địa
điểm đó. Không khí như vậy cho thấy dường như ứng với phán đoán của nhiều người
dân Đài Loan và các nhà phân tích quốc tế về khả năng thắng cử của DPP trong
ngày mai.
Tối 15-01, vì
nghe có tin bà Thái Anh Văn và ông Trần Kiến Nhân, liên danh ứng cử Tổng thống
và phó tổng thống của DPP sẽ ra diễn thuyết trước công chúng lần cuối trước khi
bỏ phiếu, chúng tôi liền tới đó. Chúng tôi có mặt vào khoảng 8 giờ, khi đó trời
đang mưa khá nặng hạt nhưng dân chúng đã đến rất đông(sau này được biết là hơn
hai vạn người). Khi hai nhân vật chính chưa tới, người dân vẫn đội ô, mặc áo
mưa yên lặng lắng nghe phát biểu của các chức sắc của đảng DPP và các nhân vật liên quan nói chuyện về chương trình mục tiêu
của đảng và nhiều tư liệu về các ứng viên tổng thống cũng như các ứng viên Quốc
hội. Ở đây người ta đã dựng lên một sân khấu lớn có ca sĩ nổi tiếng đến giúp
vui, cũng có hai màn hình lớn như ở các sân bóng, rất nét khiến người đứng ở
góc nào cũng có thể nhìn rõ. Chúng tôi thấy trong đám đông có cả những ông bà
già 6- 7 mươi, người trẻ thì có người đem theo cả con cái. Trên tay mỗi người cầm
một lá cờ nhỏ in hình hoặc in tên hai ứng viên Tổng thống của DPP. Công chúng
phất cờ, hô hào hưởng ứng các diễn giả một cách thật lòng. Tôi đứng ở một góc
xa và hơi khuất nhưng vẫn thấy những người xung quanh mình hô hét và phất cờ rất
hăng hái. Rất đáng ngạc nhiên là dân chúng đến đông như vậy nhưng rất trật tư,
không thấy có hiện tượng trôm cắp hay quấy rối gì cả. Họ tự giác đến nghe và giữ
trật tự chứ có “ cán bộ phường khóm” nào đôn đốc hoặc ne nét đâu.( Vì cuộc diễn
thuyết này là của đảng đối lập, đâu phải của đảng cầm quyền mà được chính phủ
trợ giúp!)
Ngày 16 – 01, không
hiểu vì được “Trời phù hộ” hay do người chọn ngày bầu cử quá giỏi xem thiên văn
địa lý mà hôm đó trời cực đẹp. Từ sang đến tối khuya đều không có một giọt mưa,
lại không nóng không lạnh nên dân chúng được mặc áo quần đẹp tung tăng đi bỏ
phiếu (phải nói thêm là trước sau ngày bỏ phiếu, ở Đài Bắc đều có mưa rả rích).
Chiều hôm đó, chúng tôi đến một phòng phiếu đặt trong trường tiểu học công lập
Long An thuộc khu Đại An thành phố Đài Bắc, tự giới thiệu là từ Việt Nam tới,
muốn được vào quan sát việc kiểm phiếu. Người cảnh sát gác cổng không ngăn cản,
chỉ nói các vị chờ chút để sắp xếp lại bàn ghế, tạo điều kiện cho nhân viên kiểm
phiếu và người quan sát đều được thuận tiện. Ở đây có hai hòm phiếu, một hòm để
bỏ phiếu bầu Tông thống, hòm kia để bỏ phiếu bầu các Ủy viên lập pháp.
Tìm hiểu thêm mới
biết, bầu cử ở Đài Loan theo thể lệ là cử tri trực tiếp bầu chọn các liên danh
Tổng thống và Phó tổng thống của các đảng. Đài Loan có 18 chính đảng, lúc này
chốt lại còn 3 liên danh, nhưng liên danh của KMT và liên danh của DPP xem ra
có khả năng có thể giành nhiều phiếu hơn
liên danh thứ ba là của liên minh 2 đảng PFP+ RP. Ứng viên Nghị viện (tức các Ủy
viên lập pháp) thì có thể từ nhiều đảng, hoặc là ứng viên tự do không đảng
phái, không loại trừ ứng viên của đảng thân cộng sản. Như vậy, Tổng thống đắc cử
dù là người từ đảng nào cũng đều phải ‘đối mặt’ với các nghị sĩ không cùng đảng
phái trên các quan điểm chính trị bất đồng (nếu có).
Cuộc kiểm phiếu diễn
ra công khai trước mắt các đại biểu các đảng và các quan sát viên tự do, bất kể
họ từ đâu đến. Trong phòng kiểm phiếu này, chúng tôi nhìn thấy chồng phiếu bầu
cho liên danh của đảng DPP- tức bà Thái Anh Văn và ông Trần Kiến Nhân có vẻ dày
hơn cả. Và sự thực sau khi phiếu được kiểm xong thì biết kết quả là họ được nhiều
phiếu nhất. Kết quả đó lập tức được nối mạng báo về trung tâm điều hành bầu cử.
Tối 16-01, chúng
tôi lại đến chỗ quảng trường trước hội sở của DPP đón xem tình hình công bố kết
quả. Ở đây, những người ủng hộ DPP đã sớm tập họp, còn đông hơn cả hôm trước để
đón mừng thắng lợi của ‘Tân Tổng thống’(họ tin như vậy từ khi chưa có kêt quả
chính thức). Một màn hình rất lớn lại được dựng lên để hiển thị số phiếu mà ba
liên danh giành được. Trên màn hình, màu xanh lá thể hiện phiếu của DPP, màu
xanh dương thể hiện phiếu của KMT, màu vàng cam thể hiện phiếu của PFP+RP. Những
con số biến thiên từng phút một. Đến 10 giờ khuya, thì số phiếu của DPP đã là
646 vạn, gấp đôi số phiếu 323 vạn của KMT, còn phiếu của liên minh PFP+ RP chỉ
hơn 100 vạn. Lúc đó đã có người đốt pháo hoa ăn mừng, và reo hò vẫy cờ rối rít.
Sự phấn khích cứ dâng lên mãi cho đến khi muốn nổ tung quảng trường là lúc màn
hình hiển thị con số cuối cùng: liên danh của DPP- Thái Anh Văn và Trần Kiến
Nhân giành được 6894744 phiếu; thắng áp đảo liên danh của KMT- Chu Lập Luân và
Vương Như Huyền (chỉ có3813365 phiếu). Lúc đó các cử tri vẫn chưa chịu rời quảng
trường, họ còn cố đợi đến khi ứng viên
KMT chính thức thừa nhận thắng lợi của DPP và đến khi bà Thái Anh Văn cùng ông
Trần Kiến Nhân bước ra cảm ơn cử tri Đài Loan và bạn bè quốc tế. Vẫn có điều ngạc
nhiên là dù phấn khích như thế nhưng đám đông giải tán vẫn rất từ tốn và trật tự.
Trực tiếp chứng kiến
một phần cuộc bầu cử lớn và quan trọng ở Đài Loan lần này, chúng tôi cảm nhận
nó đúng là ngày hội của nhân dân, thực sự phải đánh giá là một sự kiện “thành
công tốt đẹp”, không cần bàn cãi.
Ngày hôm sau, tại
trường Đại học quốc gia Đài Loan, đã có ngay một cuộc hội thảo về “Ý nghĩa và ảnh
hưởng của cuộc bầu cử”, chúng tôi cũng được dự nghe. Các giáo sư ĐHQGĐL và một
số giáo sư từ các trường ĐH danh tiếng ở Mỹ cũng tham gia hội thảo. Các ý kiến
nói chung đều nhận định: đảng Dân chủ tiến bộ sở dĩ thắng áp đảo là do đa số
dân chúng Đài Loan ngày nay đồng tình ủng hộ quan điểm của bà Thái Anh Văn: đề cao hệ thống dân chủ, bản sắc dân tộc và
toàn vẹn lãnh thổ. Đảng DPP quan hệ chặt chẽ với giới trẻ, giới trí thức,
chuyên gia và xã hội dân sự. Thái Anh Văn hiểu rõ bản sắc dân tộc là rất quan
trọng đối với Đài Loan. Về nhân cách, Thái Anh Văn được đánh giá là một chính
khách chín chắn, có tầm hiểu biết và kinh nghiệm cả về chính trị, kinh tế, ngoại
giao; bà còn có tài diễn thuyết, có đức tính khiêm tốn không huyênh hoang. Vì vậy,
khi chọn hướng đi độc lập cho Đài loan trái với ý muốn của Bắc Kinh, vượt qua
những sự đe dọa trắng trợn gần đây của họ (cả trên lời nói lẫn trong hành động),
đâu phải là bà có sự bột phát, liều lĩnh. Đó chính là bản lĩnh chính trị trên
cơ sở đã chiêm nghiệm và hiểu rõ bản chất thực dụng của Bắc Kinh. Người ta còn
nói: nếu Đài Loan cứ vững vàng đi theo hướng độc lập thì đến một lúc nào đó,
khi TQ (Bắc Kinh) phải đối mặt với những thách thức chưa từng có thì vấn đề vị
thế độc lập của Đài Loan sẽ phải đưa ra trước thế giới để xem xét.
Trở về Việt Nam , sẵn
mang niềm phấn khích với cuộc bầu cử đáng mơ ước của xứ người, tôi có kể cho
người lái xe taxi câu chuyện Đài Loan. Anh lái xe nghe xong liền xuýt xoa: “Đài
Loan tuyệt thật! Bao giờ nước mình mới được bầu như thế ?”Tôi nói: “Đài Loan được
như thế là do dân người ta đấu tranh suốt mấy chục năm, có cả đổ máu nữa đấy. Ở
Việt Nam
ta, muốn dân chủ và độc lập chủ quyền thì cũng phải đấu tranh chứ. Có ai cho
không dân chủ bao giờ đâu. Đúng không?”
Ngày 23-01- 2016.
Nguyễn Nguyên Bình