19 janvier 2016

XIN PHÉP TS VŨ DUY PHÚ ĐƯỢC GÓP SỨC VÀO BỨC THƠ CỦA ÔNG

Trần Quí Cao



Lời nói đầu: Tôi đọc trong thư của TS. Vũ Duy Phú gởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng những thiện chí đáng trân trọng về đổi mới hoàn toàn thể chế chính trị của đất nước (trang anhbasam đăng ngày 18/1/2016). Tôi chỉ thấy đôi điều ông nói về “phản ứng mạnh mẽ của nhân dân đối với các sai lầm của Đảng và Chính phủ” và “Sự nổi dậy của thế lực ‘Việt nam Cộng hòa’ còn trụ lại” ở trong nước và nước ngoài” là chưa đủ thuyết phục.


Với tấm lòng muốn đóng góp vào sự nghiệp chung, tôi xin TS Vũ Duy Phú cho phép tôi góp thêm một vài đoạn vào bức thư của ông. Những chi tiết khác, thuộc về thủ pháp của ông, về phương cách thuyết phục của ông, tôi xin tôn trọng (chỉ có một ý nhỏ là thời 1990 ông Putin chưa có vai trò lớn).
Vậy, trong bức thư dưới đây, phần viết theo kiểu chữ Verdana, nghiêng, là phần tôi xin đề nghị thêm vào. Các phần còn lại là nguyên văn của TS Vũ Duy Phú.
Xin cám ơn ông Phú về bức thư đã gợi ý cho tôi, và xin được nghe ý kiến của tác giả.
Trân trọng, Trần Quí Cao (20/1/2016)
==================
Kính gửi Anh Nguyễn Phú Trọng
18-1-2016
Tôi rất thông cảm với khó khăn và suy tư của Anh. Tình hình Việt Nam hiện nay, về mặt giải quyết mâu thuẫn “ý thức hệ “, rất giống Ba Lan, Hung ga ri, Tiệp Khắc trước kia, và sau đó là Liên Xô của Gooc ba chốp ấy. Khi Hung ga ri và Tiệp khắc vùng lên đổi mới, đòi bỏ CN Mác – Lê, thì Liên Xô (chưa đổi mới) tràn ngay sang dẹp luôn, nhưng khi Liên Xô đổi mới thì vì chẳng có nước CS nào lớn hơn để có thể tràn sang dẹp được, nên En Shin và Pu tin đã thắng lợi. Ta hiện nay, cũng muốn đổi mới như Hung và Tiệp, nhưng vì bị – hay sợ – Trung Quốc đóng vai trò Liên Xô thủa trước tràn sang ngăn chặn. Đó là một lẽ. Ta còn khó hơn Hung và Tiệp, là ở chỗ lại rất dễ bị hai mũi tấn công khác. Đó là “sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân đối với các sai lầm của Đảng và Chính phủ” và “Sự nổi dậy của thế lực ‘Việt nam Cộng hòa’ còn trụ lại” ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy, tôi biết, Đảng ta, đứng đầu đang là chính Anh và Bộ Chính trị, đã và đang ở trong tình trạng rất khó khăn, là vì vậy.
Tôi nghĩ, cái tình trạng khó khăn đó thực ra không đáng lo ngại, vì nó không có. Sau 40 năm thống nhất, và trước các khó khăn cực kỳ nguy hiểm cho vận mệnh tổ quốc, lòng dân Việt Nam đang mong muốn hòa hợp. Mối nguy của tổ quốc là: bên trong, quyền tự do căn bản của dân chúng bị tước đi, bên ngoài, lãnh thổ bị xâm chiếm bởi Trung Cộng. Dân chúng đang mong muốn có một chính quyền đủ mạnh, đủ đức độ đoàn kết dân tộc đưa đất nước vượt hiểm nguy… Dân chúng quả thực đang phản ứng với các sai lầm của Đảng và Chính Phủ, nhưng những phản ứng ấy chưa mạnh và ác ý đâu, nếu Anh so sánh với phản ứng của dân chúng các nước khác đối với những sai lầm nhỏ hơn rất nhiều của chính phủ họ! Nên thấy tinh thần cộng tác, xây dựng, bao dung… trong các phản ứng đó. Khi nói dân Việt Nam, tôi cũng có ý muốn bao gồm thế lực “Việt Nam Cộng Hòa” còn trụ lại ở trong nước và nước ngoài. Thực ra, nói về pháp lý và thực thể thì không còn “Việt Nam Cộng Hòa” nữa. Nhưng chúng ta vẫn thấy, vẫn cảm nhận bàng bạc trên đất nước hiện nay tinh thần, văn hóa của Miền Nam xưa. Anh không nhận thấy những nét tích cực của tinh thần ấy, văn hóa ấy đã từng ngăn cản chúng ta phạm các sai lầm và đang thúc đẩy đất nước tiến về hướng văn minh, dân chủ, bình đẳng sao?
Nếu thực sự có tầm lãnh đạo nước Việt Nam, tất Anh phải thấy tinh thần bao dung, cộng tác, xây dựng, văn minh của dân chúng là thuận lợi chứ không phải gây khó khăn cho Việt Nam. Và Anh nên nương vào đó vạch ra một lộ trình đưa đất nước tiến về hướng dân chủ, tự do, bình đẳng. Đó là hướng đi đúng đắn nhất đưa Việt Nam thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm hiện nay, thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc trong độc đảng, độc nguyên và toàn trị. Đó cũng là lời xin lỗi chân thành của đảng CSVN về những sai lầm của đảng, và là bước thoát của đảng từ vị thế đối lập với lòng dân thành một chính đảng trong lòng dân tộc, trên đất nước Việt Nam tự do, dân chủ. Tôi tin chắc rằng dân chúng rất hoan nghênh động thái này của Đảng.
Nhìn toàn cục, theo phép biện chứng nổi tiếng của Chủ nghĩa Mác, mà Anh đương nhiên là GS.TS của CN Mác – Lê nên còn lạ gì, thì tiến hóa là một quá trình tất yếu, không thể chống lại được. Vì vậy, cuối cùng nước ta và TQ rồi cũng phải Cải cách như Liên Xô và Đông Âu thôi. (Thực ra Mao Trạch Đông đã quay về CN Đại Hán, TQ đã bỏ Mác – Lê từ lâu, còn Tập cần Bình đang xem xét khả năng giải thể Đảng CS) Do đó, nước ta nên chọn thời cơ thuận tiện nhất. Nếu theo cả LÒNG DÂN, LÒNG ĐẢNG, và cả “Kinh dịch” nữa, thì có lẽ THỜI CƠ THUẬN LỢI NHẤT ĐÃ ĐẾN, tức là ngay bây giờ, thông qua Đại hội XII này. Nếu thực sự có tầm lãnh đạo nước Việt Nam, tất Anh phải thấy thời cơ hiện nay là cực lớn cho đất nước. Cục diện hiện nay là nước ta thua Trung Cộng toàn diện. Chỉ có một cửa đưa Việt Nam ra khỏi sự thua kém toàn diện này là nhanh chóng dân chủ hóa đất nước. Thực hiện việc này càng sớm trước Trung Cộng, ta càng có cơ hội vượt họ.
Vấn đề là, liệu trong Đại hội XII này, ta Đổi mới hoàn toàn luôn cả về thể chế chính trị nữa, liệu TQ có dám tràn sang, nếu Đảng ta không yêu cẩu? Tôi cho rằng, Bố bảo, nếu Đảng ta không yêu cầu, thì TQ không dám tràn sang, vì họ cũng khó khăn mọi bề, mà còn khó khăn hơn ta gấp nhiều lần, ví dụ, TQ đang rất cô lập về chính trị, còn ta đang được cả thế giới văn minh ủng hộ.
Xin Anh, bằng ảnh hưởng của mình, góp sức cùng đảng đi theo con đường đổi mới hoàn toàn thể chế chính trị của nước ta. Ngay Đại hội này, Anh nên khéo léo tìm người có khuynh hướng, có ý chí đó mà bàn giao. Chỉ một việc đó thôi, là Tên Nguyễn Phú Trọng của Anh sẽ được nhân dân ghi vào sử sách của Việt Nam và lịch sử sự tiến hóa của thế giới. Làm cách nào, thì có lẽ tôi không cần lo, anh sẽ có cách. Nhưng cũng cứ nói thêm, rằng anh chỉ cần cho các đại biểu ở Đại hội ai muốn phát biểu trình bầy gì thêm, vì đây là tính chất Dân chủ ưu việt của Đảng ta, là mọi sự sẽ diễn ra theo cái ý mà chúng ta đã bàn ở trên thôi.
Kính chúc Anh sức khỏe và mọi sự tốt lành.

Vũ Duy Phú