21-1-2016
(Cái note này là cho các bạn vẫn trông chờ mầu nhiệm cải cách từ Đại hội Đảng XII đang nhóm họp. Bài này đáng lẽ có tựa đề “Canh bạc 3”, tiếp theo hai bài “Canh bạc” đã viết từ Hội nghị Trung ương VI năm 2012.)
Tiếng Anh có một thành ngữ rất thú vị, “pick your poison”. Hãy chọn chén thuốc độc của bạn. Đứng trước hai chọn lựa tệ hại, và không còn lựa chọn nào khác, câu thành ngữ này gợi ý nên chọn cái ít tệ hại hơn.
Những đại biểu hôm nay về tham dự đại hội đảng của họ đang đứng trước những lựa chọn như thế. Và trong trường hợp này, cái ít tệ hại hơn không hiển nhiên.
Có vẻ như những người vẫn trông chờ một phép mầu nào đó từ Đại hội đưa đến những cố gắng cải cách cơ chế lờ đi điều này: Việt Nam đang ở trong một tình huống không thể có bất cứ một cải cách nào có thể mang lại lợi ích cho đất nước.
Lý do: tham nhũng.
Tham nhũng đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng của đời sống kinh tế chính trị Việt Nam. Căn nhà “Đảng” cũng đã rệu rã do tham nhũng làm mục ruỗng từ bên trong. Bất cứ một ngọn gió cải cách nào đều có thể làm sập căn nhà rệu rã đó. Bất cứ một cố gắng cải cách nào ở thời điểm này đều có nguy cơ định chế hóa và củng cố các thế lực tham nhũng trong Đảng. (Ví dụ: ngay lúc này mà Đảng xóa bỏ cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai thì ngay lập tức phần lớn những khu đất quan trọng mà Đảng đã tước đoạt được nhân danh “sở hữu toàn dân” sẽ rơi ngay vào quyền sở hữu cá nhân của thế lực tham nhũng đang cầm quyền.) Quyền lực thật sự của Đảng, từ đó, sẽ bị chuyển dần sang các thế lực tham nhũng đội-lốt-đảng. Đây là điều mà những người trung thành với sự tồn vong của Đảng lo lắng nhất.
Và đây cũng là điều lo lắng đối với những ai quan tâm đến tương lai quốc gia. Sự chán ghét đối với một đảng đang cầm quyền hung bạo có khuynh hướng đẩy người ta đến gần với bất cứ giải pháp nào, ngay cả giải pháp ảo tưởng, hứa hẹn sự giải thể đối với đảng cầm quyền này sớm nhất. Người ta trông chờ vào cải cách, bất cứ cải cách nào, đến từ bất cứ ai. Và đó chính là cái bẫy nguy hiểm: nếu việc cải cách hệ thống kinh tế chính trị đưa đến việc củng cố quyền lực của thế lực tham nhũng thì kết quả của cải cách sẽ rất bi đát. Tham nhũng sẽ được thế lực này định chế hóa trong cơ chế mới. Thế giới có rất nhiều bằng chứng cho chúng ta thấy sự bế tắc của những cố gắng cải cách được khởi xướng bởi các thế lực tham nhũng. Một cuộc cải cách như thế chỉ có lợi cho thế lực tiến hành cải cách mà không đem lại lợi ích cho ai khác.
Nói ngắn gọn: Nếu không ngăn chặn được tham nhũng thì sẽ không thể nào tiến hành một cuộc cải cách kinh tế chính trị có ý nghĩa. Nếu một cá nhân, một nhóm quyền lực nào đó không ngăn chặn được tham nhũng, chưa nói đến tạo nên nó, thì cá nhân đó, nhóm quyền lực đó không có khả năng tiến hành bất cứ cuộc cải cách kinh tế chính trị nào mang lại lợi ích cho quốc gia.
Và đây là hai chén thuốc độc mà các đại biểu đại hội sẽ phải chọn: 1) một bên là thế lực tham nhũng nhưng có hứa hẹn cải cách, và 2) bên kia là thế lực bảo thủ nhưng có hứa hẹn ngăn chặn tham nhũng. Chọn bên nào thì ít tệ hại hơn?
Nếu không phải vì những ràng buộc của quyền lợi cá nhân gắn liền với tham nhũng thì, vì những lý do trên, có vẻ như câu trả lời cho họ khá đơn giản: chọn ngăn chặn tham nhũng.
Đứng trước những đổ nát của cơ chế chính trị và sự tuyệt vọng đối với nó, trông mong cải cách là một trông mong chính đáng. Nhưng câu hỏi này phải được trả lời: ai cải cách? Ở thời điểm này, không có một gương mặt nào trong hàng ngũ những người lãnh đạo cao cấp của Đảng gây ấn tượng hứa hẹn nào về khả năng cải cách. Như đã nói, kinh nghiệm thế giới cho thấy các thế lực tham nhũng chưa bao giờ có khả năng thực hiện một cuộc cải cách nào đem lại lợi ích cho quốc gia ngoài việc củng cố thêm quyền lợi và quyền lực của chúng. Các thế lực bảo thủ thì đương nhiên không cần bàn đến nữa, có muốn cải cách họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Với tất cả những hứa hẹn của nó trong đời sống kinh tế và chính trị, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra những thử thách lớn về nguy cơ tham nhũng và phân hóa trầm trọng hơn nữa trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng. Định chế chính trị xã hội, ngay khi ý chí chính trị đã có và tiến trình cải cách được thực hiện, là cái mất nhiều thời gian để xây dựng. Trong vài năm tới đây, các định chế chính trị và xã hội nhằm thực tiển hóa và hỗ trợ cho TPP chưa tồn tại. Cái khoảng trống định chế này, một lần nữa, là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiếp tục tham nhũng. Những người trung thành với sự tồn vong của Đảng có thể hình dung ra một tương lai bi đát cho đảng của họ nếu thế lực tham nhũng trong Đảng tiếp tục cầm cân nảy mực đời sống quốc gia trong giai đoạn tới. Những người lo lắng cho tương lai quốc gia cũng có thể hình dung ra một tương lai bi đát tương tự như thế cho đất nước. Hãy nhìn sang Mexico: Với một chính quyền tham nhũng thì tự do thương mại chỉ có lợi cho thế lực thân cận của những người lãnh đạo chính quyền đó mà thôi.
Muốn hay không muốn thì TPP vẫn lừng lững đến. Vấn đề của Đảng lúc này không phải là có tiến hành cải cách hay không. Đảng đã tự dồn nó vào góc tường: Đảng không có lựa chọn nào ngoài cải cách. Vấn đề còn lại của Đảng lúc này là thực hiện cải cách với nhân sự nào, cải cách ở mức độ nào, và cải cách lúc nào để tiếp tục duy trì quyền lực? Ai thực hiện cải cách thì đem đến sự an toàn cao nhất cho quyền lực của Đảng? Nói lại điều ở trên: Đảng không thể thực hiện cải cách với nhân sự hiện nay. Đảng cũng không thể thực hiện cải cách với tình trạng tham nhũng như hiện nay. Hy vọng duy nhất của Đảng từ đại hội này là Đảng có thể loại thế lực tham nhũng ra khỏi vị trí quyền lực. Phải tẩy rửa cơ chế quyền lực trước khi cải cách. Sau khi tẩy rửa rồi thì phải tìm ra người “đủ sạch” và có bản lĩnh để thực hiện cải cách. Đảng không có nhiều thời giờ nữa. Muốn hay không muốn thì TPP vẫn lừng lững đến.
Nhưng sự lựa chọn này cũng sẽ đặt Đảng trước một nguy cơ khác: thanh trừng nội bộ. Để chống tham nhũng thì cần có các định chế kiểm soát quyền lực. Nhưng các định chế kiểm soát quyền lực này không tồn tại trong cơ cấu của Đảng. Chống tham nhũng sẽ chủ yếu dựa vào ý chí cá nhân. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cho chúng ta thấy, khi thiếu vắng những định chế kiểm soát quyền lực thì chống tham nhũng dễ dàng trở thành công cụ thanh trừng nội bộ. Đảng sẽ phân hóa trầm trọng thêm nữa.
Ngay cả trong cái viễn cảnh thanh trừng và phân hóa đó, chén thuốc độc thứ hai này rõ ràng là ít tệ hại hơn. Nhưng vẫn có khả năng đại biểu đại hội sẽ chọn chén thuốc độc thứ nhất. Quyền lợi cá nhân là yếu tố quyết định đầu tiên của lá phiếu. Vì quyền lợi cá nhân gắn liền với tham nhũng, đại biểu đại hội có thể sẽ bỏ mặc sự tồn vong của Đảng để chọn thế lực tham nhũng bảo kê cho quyền lợi của mình. Nếu điều này xảy ra thì trong vài thập niên tới đây đất nước sẽ đối diện với một tương lai bất định. Chúng ta sẽ chứng kiến sự băng hoại cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng sẽ trở thành cái hình nộm và thế lực tham nhũng đội-lốt-đảng sẽ trở thành thế lực cầm quyền thực sự và sẽ cầm quyền trong một thời gian rất dài. Để làm điều đó, thế lực này sẽ chấp nhận vài nhượng bộ tình thế để tạo ấn tượng về sự tồn tại của các quyền tự do mà xã hội đòi hỏi, ngay cả quyền tự do bầu cử – nghĩa là có “dân chủ”. Nhưng đất nước sẽ quằn quại trong một thời gian dài trong tình trạng bất công nhầy nhụa do tham nhũng và bạo quyền tạo nên. Nhìn sang Nam Mỹ: Một chính quyền tham nhũng không cộng sản (hoặc nửa cộng sản) cũng tệ hại như một chính quyền toàn trị cộng sản.
Và chúng ta tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa.