Dư luận xã hội đang xôn xao phản ứng về việc ban hành những Nghị quyết rất
thiển cận như “Tổng Bí thư phải là người miền bắc, phải là người có lý luận”
thì ngày 4/1/2016 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ký ban hành chỉ thị số
51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa 14, trong đó có nội
dung yêu cầu “không đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền
lực” gây nhiều tranh cãi. Xin gửi đến quý độc giả bài viết của tác giả
Thuận An về chủ đề này để cùng thảo luận.
Ngày 4/1/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW
về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa 14. Trong chỉ thị có nêu “không
đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền lực”. Nếu chỉ
đọc lướt qua thì thấy câu này rất chặt chẽ trong việc lựa chọn nhân sự nhưng
suy nghĩ kỹ thì thấy câu này là không đúng, thậm chí là một sai lầm rất nghiêm
trọng.
Trọn cuộc đời của một con người ai cũng có một mong ước, khát vọng đạt được một vấn đề gì đó cũng có thể coi đó là một tham vọng. Có người tham vọng trở thành triệu phú, trở thành bác sĩ, luật sư, bác học,... có người làm việc trong cơ quan công quyền có tham vọng giữ một cương vị gì đó theo khả năng của mình. Nói như vậy để thấy trong cuộc sống không ai lại không có tham vọng, đó là thuộc tính của con người, nhờ có tham vọng con người mới trở nên mạnh mẽ, là động lực để vượt qua khó khăn thử thách, chính nhờ nó mà xã hội loài người mới tiến bộ, phát triển. Điều này chứng minh ở các nước tiên tiến, quyền lực là mục tiêu của chạy đua chính trị, chúng ta chứng kiến những cuộc tranh cử tổng thống, thủ tướng của các nước rất quyết liệt. Trước hết những nhân vật đó phải là người có tham vọng quyền lực, thậm chí là đỉnh cao tham vọng của họ. Mục tiêu để giành được chức tổng thống hoặc thủ tướng không chỉ là vinh quang bản thân mà hơn thế, họ đều là những người muốn cống hiến, muốn thay đổi để phát triển đất nước họ. Vì vậy đạt được tham vọng quyền lực ấy họ phải vượt qua bao nhiêu chặng đường trong cuộc đua. Họ phải dùng mọi khả năng của mình vượt qua đối thủ, kể cả việc công khai chỉ trích lẫn nhau. Kết cục những người đạt được tham vọng quyền lực đều là những người tài ba hơn người khác. Tôi rất tâm đắc với câu nói bất hủ của Napoleon - nhà quân sự và chính trị kiệt xuất của nước Pháp: “Người lính mà không ước mơ trở thành tướng là một người lính tồi”.
Ở nước ta, không hẳn đã có chạy đua
quyền lực, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, các thế hệ tiền bối đã chiến
đấu vì lý tưởng, vì sự cống hiến là trên hết. Việc sắp xếp vào những cương vị
lãnh đạo là do tổ chức lựa chọn trong những người ưu tú nhất. Những người đó là
những người có năng lực, có bảnh lĩnh, dũng cảm hy sinh. Họ là những người xứng
đáng cho các vị trí lãnh đạo mà hiếm có trường hợp ganh đua nào.
Nhưng thời đại ngày nay đã khác trước
rất nhiều, tâm lý chung những người làm việc trong hệ thống của Đảng và chính
quyền không ai lại không ham muốn có được một chức vụ nào đó ở cấp này hoặc cấp
khác. Họ luôn tỏ ra là những người có năng lực, muốn có quyền lực để được cống
hiến, thực hiện mục tiêu của tổ chức cũng như cá nhân. Người ở trung ương thì
muốn có chức vụ cao ở trung ương, người ở địa phương thì muốn có chức vụ đứng
đầu địa phương, đó là lẽ thường tình của con người. Bản chất của vấn đề đó là
ham muốn quyền lực. Chúng ta phải khuyến khích những người có khát vọng cống
hiến và họ mong muốn ở một cương vị lãnh đạo nào đó để họ thực hiện khát vọng.
Tất nhiên chúng ta phải phản đối những người mong muốn có quyền lực để tham
nhũng hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân.
Ở nước ta chưa có những cuộc tranh cử để
đạt được quyền lực như các nước tiên tiến mà diễn ra âm thầm dưới hình thức
phấn đấu, hoặc theo quy hoạch của tổ chức. Muốn hơn người khác thì phải nép
mình, gọi là “khiêm tốn, đi nhẹ nói khẽ” để thể hiện là người không ham muốn
quyền lực, luôn tỏ ra thờ ơ với những chức vụ đặt ra trước mắt; nếu làm được
điều đó sẽ đạt được điểm cao nhất, rồi họ phải thể hiện mọi cách để được tín
nhiệm của thủ trưởng cấp trên không chỉ bằng công việc mà còn là sự “chăm sóc”
chu đáo với thủ trưởng. Rồi lại phải thể hiện sao cho không mất lòng ai trong
cơ quan đơn vị. Kể ra thì còn nhiều chuyện nữa. Qua đây có thấy cuộc chạy đua
vào quyền lực ở nước ta còn khó khăn gian khổ hơn rất nhiều so với nước khác.
Nội dung “không đưa vào danh sách ứng cử những người tham vọng quyền lực”
trong chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng lại càng khích lệ những hoạt động như
trên của người có tham vọng quyền lực. Đặc biệt họ phải bằng mọi cách để giấu
được ý nguyện (tham vọng) của mình để cơ quan, tổ chức và thủ trưởng không nhận
xét mình là người có tham vọng quyền lực.
Nếu thực hiện theo chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng thì đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta gồm những loại người nào? |
- Loại người thứ nhất toàn là người nói
dối.
- Loại người thứ hai là thờ ơ, không
thiết tha gì với chức vụ mà họ được đề cử.
Nhìn vào đội ngũ của một quốc gia toàn
những người như vậy thì làm sao đất nước phát triển được?
Cuối cùng, tạm nêu một câu hỏi: Ông
Nguyễn Phú Trọng là loại người nào?
Thuận An
Nguồn: Theo Ý Kiến Đảng Viên