Nắng nóng kỷ lục, khiến người đi đường bỗng
thèm cực độ bóng mát cây xanh. Và rồi, những vấn đề của cây xanh trong đô thị lại
trở thành chủ đề nóng.
"Sự chen lấn của con người với cây xanh, thật lạnh lùng và quyết liệt. Vì những lợi ích hết sức vị kỷ nhưng cũng thật rõ ràng. Những cái cây chết đi, để khoảng vỉa hè lại cho những con người đang say máu làm giàu."
"Sự chen lấn của con người với cây xanh, thật lạnh lùng và quyết liệt. Vì những lợi ích hết sức vị kỷ nhưng cũng thật rõ ràng. Những cái cây chết đi, để khoảng vỉa hè lại cho những con người đang say máu làm giàu."
Nắng làm tôi nhớ lại số phận của một cái cây. Ở khu Hoàn Kiếm
có hiệu ảnh rất nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức, có thời người Hà Nội thay động từ
“đi chụp ảnh” bằng tên cửa hiệu đó luôn. Trước hiệu ảnh này từng có một cây xà
cừ rất to, toả bóng rợp, nhưng cũng chiếm một diện tích vỉa hè đáng kể. Một
ngày kia, cây xà cừ bị chặt bỏ. Nó đã chết khô.
Người dân sống quanh đấy nghi ngờ, cây xà cừ bị "hạ
độc" bởi thuốc rửa ảnh. Thuốc rửa ảnh cực độc. Sau khi dùng hoá chất để
tách lấy bạc, thường những người thợ ảnh phải cho thuốc ấy vào những thùng nhựa
đóng kín, mang đi tiêu hủy ở nhiệt độ cao. Nếu loại hoá chất này đổ ra môi
trường, thì hậu quả không thể lường được.
Đó có lẽ là vụ "ám sát" cây xanh để tận dụng vỉa hè
đầu tiên ở Hà Nội.
Cho đến đầu những năm 1990, những đứa trẻ ở Hà Nội và có lẽ ở
nhiều đô thị lớn khác trên cả nước, vẫn còn thói quen chơi trên vỉa hè, dưới
những tán cây. Gần như mặc định, trước cửa mỗi ngôi nhà ở phố sẽ có một cây
xanh, thường là lâu năm và được chăm sóc tốt. Những hệ sinh thái nho nhỏ ấy
khiến thị dân vẫn được nghe chim hót, ve kêu, được thấy bọ ngựa, chuồn chuồn và
nhiều loài sâu bọ.
Những "tiếng chổi tre xao xác hàng me" của Tố Hữu,
hay "hoa sữa ngọt ngào đầu phố đêm đêm" của Hồng Đăng, chính là ký ức
tràn ngập bóng cây ngày ấy. Những hàng cây không chỉ đủ nhiều, mà còn đủ thân
thiện với con người.
Thân thiện đến mức, trong nội dung tổng vệ sinh khu phố chiều
thứ bảy, còn có hẳn hạng mục: tưới cây. Vào mùa hè khô hạn, việc tưới cây ấy
hẳn mang nhiều ý nghĩa. Cảnh tượng dễ nhận thấy là các gốc cây đều vun nhiều bã
chè, thay vì đổ vào thùng rác. Người ta coi việc chăm sóc những cái cây ấy là
niềm vui.
Tôi không biết từ khi nào, sự thân thiện Cây - Người không
còn. Có lẽ nó bắt đầu từ cái giai đoạn mở cửa, khi mà cái khái niệm “mặt tiền”
bao gồm quãng vỉa hè khả dụng bỗng có giá bạc tỷ.
Vậy là những cây xà cừ thân to rễ gộc, những cây nhội vỏ xù
xì bong tróc, những cây bàng nhiều sâu róm... bỗng trở nên khó ưa. Chúng chiếm
mặt tiền kinh doanh, chiếm chỗ để xe máy, làm mất tầm nhìn vào biển hiệu. Người
ta muốn loại bỏ chúng. Chặt cây thì phạm pháp. Nhưng "ám sát" thì
trăm phương nghìn kế.
Tôi biết một chủ quán phở nổi tiếng trong phố, đã
"giết" thành công một cây sao cổ thụ bằng chính lò than nấu nước
dùng. Ông ta làm một chiếc xích lớn, xích luôn cái lò than rừng rực suốt ngày
đêm vào gốc cây. Được chừng đôi tháng thì cái cây rụng lá dần, rồi chết, để lại
đôi mét vỉa hè trống trải.
Có lần, đang đi xe qua phố Quán Thánh, tôi giật mình thấy một
cây hoa sữa kỳ dị. Toàn bộ phần gốc của cây, cao lên đến 3m, đã bị lột sạch vỏ,
vuông vức, nhẵn nhụi. Cảnh tượng tương tự cũng lặp lại với hai cây hoa sữa lớn
khác trước cửa quán cà phê góc đường Điện Biên Phủ. Đem thắc mắc người ta làm
thế để làm gì tới một chuyên gia thực vật, tôi được giải đáp rằng, đó cũng là
cách làm chết cây. Hầu hết các loại cây đã bị lột vỏ ở gốc, sẽ không thể hút
nước lên ngọn nữa. Chúng cũng sẽ chết khô.
Sự chen lấn của con người với cây xanh, thật lạnh lùng và
quyết liệt. Vì những lợi ích hết sức vị kỷ nhưng cũng thật rõ ràng. Những cái
cây chết đi, để khoảng vỉa hè lại cho những con người đang say máu làm giàu.
Chuyện không chỉ ở Hà Nội. Mới đây thôi, báo đăng lại một
“nghi án” về một cây dầu lớn ở phường Tân Định, quận 1, TP HCM bỗng chết bất
thường. Người ta nghi nó bị giết bằng hóa chất. Những nghi án xuất hiện ở khắp
nơi ở Sài Gòn, Hà Nội hay Thanh Hóa... rồi chìm vào quên lãng, vì dù sao
nó cũng chỉ là số phận một cái cây.
Theo nhiều thống kê thì Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói
chung nằm vào nhóm “đội sổ” trên thế giới về tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu
người tại đô thị.
Trong các vấn đề của cây xanh đô thị, từ trước tới nay, mối
quan hệ được đề cập nhiều nhất là giữa các nhà quy hoạch/quản lý, và những cái
cây. Có một bên khác, rất quan trọng với đời sống của những cái cây trong đô
thị, chưa được nhắc tới, chính là người dân. Mối quan hệ đó đang như thế nào,
hãy thỉnh thoảng ra đường buổi tối, để chứng kiến những lò than quán nướng,
những dàn đèn LED quán cà phê, giấy bóng trang trí, biển hiệu, bao vây và bức
hại những cái cây đang tuổi lớn.
Nhưng quan hệ Cây - Người ấy sẽ không thể được điều chỉnh hoàn
toàn bằng chính sách hay luật pháp. Ngay cả khi có luật nặng nề về hủy hoại cây
xanh như Singapore (điều có lẽ rất cần lúc này), thì cũng chẳng ai giám sát
được 24/24 mối quan hệ của cái cây và người thân cận nhất với nó - chủ của căn
nhà mặt tiền.
Mối quan hệ Cây - Người ấy, đáng ra phải là một quan hệ của
lòng thương yêu.
Nguồn: Theo NB
Gia Hiền/ VNE