BẠC PHÚC CHO DÂN - BẠC MỆNH CHO NƯỚC
PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Đội bóng đá U22 nam Việt Nam tại kì Sea Games 29 Malaysia 2017 là đội bóng
mạnh. Một dàn cầu thủ tài năng và rất đồng đều. Cả đội hình dự bị cũng không
chênh lệch bao nhiêu so với đội hình chính thức. Sức mạnh của kĩ thuật cá nhân,
những tài năng bóng đá Việt Nam được đào tạo, rèn luyện bài bản chính qui hiện
đại từ tuổi nhỏ với những ông thầy đến từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Sức mạnh kĩ thuật đồng đội của một đội hình nhiều năm tập luyện và thi đấu bên
nhau, cảm nhận được từng bước chạy, từng đường bóng của đồng đội như đọc được
suy nghĩ của nhau. Sức mạnh của sức trẻ được chăm bẵm đầy đủ và sức bền được
tích lũy như sức nén của chiếc lò so. Sức mạnh của những tài năng khát khao thể
hiện mình và khao khát chiến thắng.
Một vị trí duy nhất sút kém không tương xứng với toàn đội là người trấn giữ
khung thành. Nhìn dáng người thanh mảnh, nhẹ nhõm của cầu thủ mang găng
tay đứng trong khung thành đã thấy sự mong manh và thấy khung thành quá thênh
thang, chênh vênh, trống trải. Không hiểu sao, người trấn giữ khung thành mong
manh như vậy của đội U22 lại vừa được ông huấn luyện viên mới của đội tuyến
quốc gia gọi lên đội tuyển.
Bóng đá Thái Lan vẫn là đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam ở mọi kì Sea
Games. Những kì Sea Games trước, Thái Lan là đội bóng có sức mạnh vượt trội.
Nhưng kì này sức mạnh Thái Lan không còn đáng kể nữa. Trận ra quân quá cam go,
chật vật mới có được tỉ số hòa 1 – 1 trong may mắn của Thái Lan trước Indo là
một minh chứng.
Bóng đá Phi không còn những cầu thủ nòi từ những lò đào tạo khét tiếng trời
Âu nhập tịch dân Phi, khoác áo đội tuyển Phi. Bóng đá của xứ sở bóng chày, của
xứ sở đấm bốc lại trở về sàn sàn với nền bóng đá chưa có bóng dáng chuyên
nghiệp Căm Bốt, sàn sàn với nền bóng đá non trẻ Đông Timor.
Trong thế lực và trong tương quan đó, giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam ở
Sea Games 2017 hiển nhiên là trong tầm tay. Chỉ còn đợi người có tài cầm quân,
thấy được mạnh yếu của từng cá thể cầu thủ, sử dụng sắp xếp đội hình để triệt
tiêu cái yếu, khuyếch đại cái mạnh, giúp những cá thể cầu thủ bộc lộ được tài
năng và phối hợp nhịp nhàng trong đội hình, tạo được vẻ đẹp huy hoàng nhất và
tạo ra sức mạnh lớn nhất của đội bóng, chinh phục mọi trở ngại, thực hiện giấc
mơ vàng.
Nhưng
Bóng đá là thể thao nhưng bóng đá cũng là nghệ thuật. Nghệ thuật của sức
mạnh. Nghệ thuật của những tài năng cá thể kết hợp hài hòa, uyển chuyển với
đồng đội, biến hóa mau lẹ như những tia chớp tạo thành nghệ thuật của cả đội
hình, tạo ra cảm hứng về cái đẹp cho hàng vạn trái tin say đắm, hàng vạn tâm
hồn ngất ngây vây kín quanh sân vận động. Sức hấp dẫn của bóng đá là cái đẹp
của những tài năng cá thể kết hợp lại thành cái đẹp của cả đội hình. Đó chính
là nghệ thuật
Cái đẹp lộng lẫy nhất, huy hoàng nhất của bóng đá là bàn thắng. Bàn thắng
là sự thăng hoa, là sự phô diễn của những tài năng cá thể, những nghệ sĩ bóng
đá trên sân cỏ kết hợp với nhau tạo nên sự ngây ngất, huy hoàng, lộng lẫy của
cái đẹp bóng đá. Như sản phẩm công nghiệp là thành quả của cả một dây chuyền
sản xuất công nghệ cơ khí. Bóng đá vừa là thể thao, vừa là nghệ thuật của văn
minh công nghiệp. Khác hẳn với thể thao và nghệ thuật của nền sản xuất nông
nghiệp thô sơ chỉ là tài năng của những cá thể đơn lẻ
Sản xuất nông nghiệp thô sơ, tự cấp, tự túc là hoạt động của những cá thể
đơn độc và những gia đình riêng lẻ. Trong sản xuất là: Trên đồng cạn, dưới đồng
sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Trong thể thao là đấu vật, ném còn.
Trong nghệ thuật là những giọng chèo, giọng lí, giọng ví dặm giọng ca cải
lương. Trong thưởng thức nghệ thuật là: Trúc xinh trúc mọc đầu đình / Em xinh
em đứng một mình cũng xinh. Con người của nền văn minh nông nghiệp thủ công,
tâm hồn khép kín, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ chăm chăm nhìn xuống mảnh đất dưới chân
mình, chỉ biết lợi ích riêng tư, cục bộ, hẹp hòi của một cá thể, của một cộng
đồng nhỏ bé.
Thế giới đã đi qua nền văn minh công nghiệp rực rỡ ánh sáng, bước lên nền
văn minh tin học sán lạn, nền văn minh cho con người những năng lực kì diệu,
thần tiên. Đau khổ thay và cũng căm phẫn thay cho người dân Việt Nam, chế độ
độc đảng, độc tài đã níu giữ xã hội Việt Nam găm lại thời lãnh chúa phong kiến,
nối tiếp thời phong kiến trung cổ kéo dài đến tận hôm nay và sẽ còn tồn tại dài
dài cùng thể chế cộng sản. Chế độ độc đảng, độc tài cộng sản đã kéo xã hội Việt
Nam tụt lại sau văn minh loài người ba, bốn thế kỉ. Đã bước sang thế kỉ hai
mươi mốt, thiên niên kỉ thứ ba, đã là thời của văn minh tin học nhưng xã hội
Việt Nam vẫn là thời của lãnh chúa.
Lãnh chúa cộng sản còn đau khổ, tối tăm hơn cả lãnh chúa phong kiến. Trong
xã hội tăm tối đó, con người Việt Nam dù đang sử dụng laptop, smartphone vẫn là
con người của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, con người chỉ biết đến những lợi
ích riêng tư, hẹp hòi, cục bộ. Những nhóm lợi ích đang ngang nhiên thống trị
quyền lực nhà nước, thống trị cả nền kinh tế, thống trị đời sống xã hội là sự
hiển hiện của con người nông nghiệp manh mún, con người chỉ biết có lợi ích nhỏ
bé, riêng tư, cục bộ. Ở vị trí quốc gia, phải chăm lo lợi ích cho dân cho nước
nhưng trong xã hội lãnh chúa tăm tối, những con người của nền văn minh nông
nghiệp manh mún nắm quyền lực quốc gia chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư. Đặt
lợi ích của đảng cộng sản, lợi ích của những nhóm quyền lực mang danh đảng cộng
sản, mang danh nhà nước cộng sản lên trên lợi ích đất nước, lên trên lợi ích
toàn dân.
Sự thất bại thảm hại của đội bóng đá U22 Việt Nam đầy sức mạnh ở Malaysia tháng
8. 2017 này, một thất bại đau đớn ê chề, không vượt qua được vòng đấu bảng,
cũng do người nắm sức mạnh đội bóng là con người của nền văn minh nông nghiệp
manh mún, ở vị trí quốc gia nhưng chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư.
Với sức mạnh hiện nay của bóng đá Việt Nam, đấu với những đội bóng non trẻ,
còn ở đẳng cấp thấp, với đấu pháp và đội hình nào, sức mạnh đó cũng dễ dàng
chiến thắng. Và chúng ta đã thắng Đông Timor 4 – 0, thắng Campuchia 4 – 1,
thắng Philippines 4 – 0. Nhưng đấu với đối thủ của nền bóng đá đã trưởng thành,
dù bóng đá Việt Nam có sức mạnh vượt trội hơn nhưng đấu pháp sai và đội hình
khập khiễng do cách dùng người nhỏ nhen, cục bộ, sức mạnh đó sẽ bị triệt tiêu,
kết cục cay đắng sẽ đến. Chúng ta đã phải nhận sự cay đắng đó trong trận đấu
với đội bóng xứ vạn đảo Indonesia. Càng cay đắng ê chề hơn trong trận đấu với
đội bóng xứ Thái đang thời sa sút.
Qua diễn biến trận bóng đá Việt Nam – Indonesia, người xem bình thường cũng
nhận ra rằng người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo nhận thức được sức mạnh bóng đá
Việt Nam. So tương quan lực lượng, phần thắng không thể đến với họ. Nếu thua,
họ sẽ phải trắng tay về nước. Và người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo đã hóa giải
sức mạnh đối thủ bằng hai chiêu là. Một, cho cầu thủ thực hiện lối đá “tiều phu
đốn củi” chặn đứng đối thủ có kĩ thuật bằng áp sát dùng sức mạnh tiều phu đốn
gục đối thủ. Hai, đi đêm với trọng tài để trọng tài đứng về phía họ, bỏ qua
những lỗi thô bạo của họ. Những tiều phu xứ vạn đảo liên tục đốn hạ giò cẳng
cầu thủ Việt Nam đều được ông trọng tài xứ Oman Tây Á bỏ qua. Điển hình là cuối
trận đấu, cầu thủ Quang Hải Việt Nam đi bóng áp sát khung thành đối thủ, bị đối
thủ quét mũi giầy như người thợ cắt cỏ quét lưỡi hái. Quang Hải đổ gục. Một quả
penalty rành rành cho Việt Nam cũng bị ông trọng tài bỏ qua.
Dù áp đảo đối thủ suốt trận đấu nhưng người cầm quân đội bóng Việt Nam
không cơ mưu ứng phó, lại dùng người theo tình cảm nhỏ nhen, cục bộ làm cho đội
bóng Việt Nam mất đi sức mạnh của kĩ thuật cá nhân và kĩ thuật đồng đội, trận
đấu mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của những cầu thủ nghệ sĩ trình diễn tài năng trên
sân cỏ. Đội bóng phải chịu 90 phút hành hình, tra tấn của bạo lực và phải chấp
nhận tỉ số hòa 0 – 0 đầy bất lợi, đầy nguy hiểm vì đã bị đẩy ra mấp mé bên rìa
cuộc chơi.
Phải lấy tinh chống lại thô. Cần có những cầu thủ có kĩ thuật khéo léo và
nhạy cảm nghệ sĩ để chống lại lối chơi của sức mạnh cơ bắp tiều phu đốn củi.
Trong dàn cầu thù U 22 Việt Nam, mọi vị trí đều có những cầu thủ có phẩm chất
như vậy. Nhưng ở vị trí quan trọng nhất, vị trí mũi nhọn tấn công ghi bàn, cầu
thủ tài năng, có kĩ thuật khéo léo, có nhạy cảm nghệ sĩ để có cái duyên ghi bàn
thắng đã phải ngồi ghế chầu rìa và người cầm quân đã đưa một cầu thủ đệ tử đồng
hương, đá bóng chỉ bằng sức mạnh đôi chân, không có cái đầu tỉnh táo, càng
thiếu hụt cái hồn nhạy cảm nghệ sĩ. Để rồi những bàn thắng mười mươi mà đồng
đội bằng kĩ thuật khéo léo vượt qua sự truy cản thô bạo đưa bóng đến chân cầu
thủ có tên Tuấn Tài được người cầm quân ưu ái đưa vào sân đều bị Tuấn Tài vụng
về kết thúc hỏng. Xin hãy đọc những dòng của một chuyên gia bóng đá chỉ ra cái
sai trong dùng người dẫn đến một trận cầu cay đắng của bóng đá Việt Nam: “Từ
miếng đánh dọc biên, Văn Toàn tạt vừa tầm vào trước cầu môn nhưng Tuấn Tài quá
sức vụng về đẩy bóng thẳng vào tay thủ môn Tama” Và tiếng than của ông chuyên
gia bóng đá cũng là tiếng than của môn thể thao thời công nghiệp nằm trong tay
những con người còn mang nặng trĩu trong tư duy căn tính nông dân manh mún, nhỏ
nhen, hẹp hòi, cục bộ: “Làm nghề hơn 30 năm, tôi chưa khi nào thấy một tiền đạo
lại vô duyên với việc sút cầu môn như Tuấn Tài vào tối 22.8. Cả hai tình huống
ngàn vàng đều đi qua, phủi sạch mọi công sức của đồng đội trong một trận cầu mà
U 22 Việt Nam xứng đáng có ba điểm cùng chiếc vé sớm vào bán kết”. (Báo Tuổi
Trẻ 23.8.2017).
Tưởng rằng sau trận đấu cay đắng không ghi được bàn thắng trước đội bóng
tầm thường, thô thiển và ngọn đèn đỏ báo động bị loại khỏi cuộc chơi đang nhấp
nháy trước mặt buộc người cầm quân đội bóng đá U 22 Việt Nam phải nhận ra sai
lầm trong dụng quân, phải thoát ra khỏi cái hẹp hòi cục bộ, phải đứng ở vị trí
quốc gia mà hành xử. Nhưng không. Cầu thủ vụng về, đã mang công lao và tài năng
của cả đội đổ xuống sông xuống biển, đã làm mất chiến thắng của toàn đội trong
trận đấu mới diễn ra trước hai ngày lại được người cầm quân đưa vào sân trong
trận đấu phải ghi được bàn thắng, phải thắng đội Thái mới mở được đường đi
tiếp.
Trong trận đấu phải thắng mới tự cứu được mình nhưng với cách dụng quân của
người cầm quân nhỏ nhen, cục bộ, bàn thắng đã không có mà còn phải nhận ba bàn
thua. Không còn là cay đắng nữa mà là nhục nhã. Sự nhục nhã ở phương diện quốc
gia.
Con người công nghiệp là con người của lí, con người của sự nghiệp. Con
người nông nghiệp cổ lỗ là con người của tình. Tình yêu gia đình. Tình yêu quê
hương. Con người nông nghiệp là con người của gia đình. Cả cuộc đời người
nông dân chỉ là “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy ắt là phải lo”. Cuộc
đời của họ chỉ quanh quẩn từ túp lều tranh ra cánh đồng cạn, cánh đồng sâu, từ
chiếc cối xay cối giã của việc nhà đến mảnh sân đình của việc làng.
Tầm nhìn hạn hẹp. Tình cảm khép kín. Cả cuộc đời cầu thủ và cuộc đời cầm
quân của người cầm quân đội U 22 Việt Nam ở SEA Games 2017 cũng chỉ quanh quẩn
ở mảnh đất xứ Nghệ . Trong tầm nhìn của ông, ông chỉ thấy lứa cầu thủ đàn em Lê
Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến và lứa cầu thủ học trò Hồ Tuấn Tài.
Cái cay đắng nhục nhã mà bóng đá Việt Nam phải nhận vì đã giao môn thể thao
của văn minh công nghiệp cho một con người khá tiêu biểu cho nền văn minh nông
nghiệp cổ hủ. Khái quát hơn, bóng đá Việt Nam chỉ phát huy được hết sức mạnh
nội lực, rũ bỏ được cay đắng, tủi nhục, vươn lên ngang tầm thời đại khi những
người làm bóng đá là những con người đích thực của nền văn minh công nghiệp.
Nhưng thể chế lãnh chúa cộng sản đang và sẽ kìm hãm xã hội Việt Nam dừng lại
mãi mãi ở nền văn minh nông nghiệp lạc hậu thì không thể có con người của văn
minh công nghiệp. Vì vậy chỉ khi đất nước thực sự thoát khỏi thời lãnh chúa
cộng sản, bóng đá cùng các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật mới có thể
phát triển.
Từ nỗi đau của bóng đá Việt Nam vì một môn thể thao của văn minh công
nghiệp trong tay những con người còn mang nặng căn của nền nông nghiệp manh
mún, lại chạnh nghĩ đến nỗi đau của người dân Việt Nam ở thời văn minh tin học
vẫn phải sống trong thể chế lãnh chúa cộng sản còn nghiệt ngã hơn cả lãnh chúa
phong kiến.
Lãnh chúa cộng sản hiển hiện khi bà phó bí thư đảng của thành phố Phương
Nam lớn nhất nước vốn là con của ông bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền Đông Nam Bộ
thời chiến tranh, phủ dụ dân chúng rằng: Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo là hồng
phúc cho dân. Con vua thì lại nghiễm nhiên làm vua, lãnh đạo dân nhưng không
cần đến lá phiếu của người dân, người dân bị tước quyền công dân, tước quyền
làm chủ đất nước. Đó là cha truyền con nối của thời lãnh chúa phong kiến, thời
người dân chỉ là bầy nô lệ. Thời văn minh công nghiệp mà bà phó bí thư một
thành phố công nghiệp lớn nhất nước vẫn mang tư duy của thời lãnh chúa phong
kiến, tư duy của con người thời nông nghiệp cổ lỗ.
Những người cộng sản lứa đầu đã nhập khẩu học thuyết đấu tranh giai cấp máu
và nước mắt về đất nước của yêu thương, thương người như thể thương thân, hết
dìm đất nước trong tan hoang của chiến tranh cách mạng, lại dìm đất nước trong
xơ xác kiệt quệ của những nhóm lợi ích tham lam vơ vét cướp bóc mà nhóm lợi ích
lớn nhất là đảng cộng sản đã tham lam cướp đoạt cái quí giá nhất của người dân
là quyền lực của nhân dân. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã đưa giai cấp vô
sản, lớp người đói khổ, không tài sản, không trí tuệ, lớp người nuôi bản thân
chưa xong lên lãnh đạo đất nước, làm đất nước ngày càng xơ xác kiệt quệ.
Những lãnh chúa cộng sản cha truyền con nối đã truyền nối căn tính ích kỉ,
nhỏ nhen, hẹp hòi của nền sản xuất nông nghiệp manh mún cổ lỗ, kìm hãm xã hội
Việt Nam mãi mãi trong trì trệ, ngưng đọng, tăm tối, lạc lõng với loài người.
Đó là sự bạc phúc của dân, bạc phận của nước và càng bạc phận với những hoạt
động đòi hỏi những tài năng đỉnh cao như bóng đá, như văn học nghệ thuật!