Ngô Nhân Dụng
Trong một cuộc họp mặt với các vị thống đốc và đại biểu Quốc Hội
thuộc đảng Cộng Hòa từ những tiểu bang nông nghiệp, Tổng Thống Donald Trump ra
lệnh cho ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc, và Robert Lighthizer,
người đứng đầu về ngoại thương trong chính phủ, hãy nghiên cứu việc chính phủ Mỹ
có thể trở lại tham dự vào thỏa ước Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương tức
TPP (Trans-Pacific Partnership).
Ông Trump thường hay nói những điều bất ngờ, vào những lúc bất
ngờ. Năm ngoái, ông tuyên bố Mỹ rút ra khỏi TPP ngay trong những ngày đầu tiên
bước vào Tòa Bạch Ốc. Năm nay, ông đưa ý kiến quay về với TPP trong cuộc họp để
trấn an các cử tri miền Trung Tây chuyên trồng bắp và đậu nành vì họ đang lo
chính quyền Trung Cộng sẽ đánh thuế trên nông sản do Mỹ xuất cảng, để trả đũa
chính phủ Trump đánh thuế trên hàng ngàn món hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
Các nhà nông ở Iowa, Wisconsin hay Illinois đang lo lắng, vì họ
sắp phải quyết định năm nay sẽ trồng bắp hay đậu nành. Nếu trồng đậu nành, cuối
năm đến mùa gặt họ có thể lỗ to nếu Bắc Kinh đánh thuế 25% trên đậu nhập cảng từ
Mỹ. Nếu họ trồng bắp, các nơi khác cũng trồng bắp, giá bắp trên thế giới sẽ tụt
xuống, cũng lỗ to!
Tổng Thống Trump muốn cất bỏ cho họ mối băn khoăn đó. Cho nên
ông nói với các đại biểu của họ rằng, sau cùng, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ chẳng
bên nào đánh thuế trên hàng xuất cảng của bên kia cả. Bởi vì, chỉ cần nghe ông
Trump đe dọa thôi cũng khiến Trung Cộng phải sợ rồi. Họ chịu thương thuyết và sẽ
đối xử công bằng với Mỹ trong việc mậu dịch!
Nhưng tại sao tổng thống Mỹ lại nhắc đến chuyện TPP trong khi tiết
lộ bí mật về cuộc đấu với nước Tàu để cắt bớt số thâm thủng mậu dịch $375 tỷ một
năm (ông Trump thường nói đến con số $500 tỷ). Có lẽ vì ông nhìn thấy một số
nghị sĩ ở các tiểu bang vùng Trung Tây ngồi họp với ông đã từng ký tên yêu cầu
ông quay trở về với thỏa ước TPP, có 25 nghị sĩ Cộng Hòa đã khuyến cáo ông như
vậy ngay sau khi ông rút ra khỏi cái “thỏa ước tệ hại nhất” đó.
Nhưng việc quay trở về với TPP không dễ dàng. Bởi vì sau khi nước
Mỹ rút ra khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục nuôi nó sống; đã ký kết lại và
nhân dịp đó đã xóa bỏ một số điều khoản mà trước đây vì phải nhượng bộ Mỹ nên họ
chịu chấp nhận. Nếu quay trở lại TPP, Mỹ sẽ yêu cầu tái lập những điều khoản
đó, việc này không dễ dàng. Chưa đủ, Tổng Thống Trump còn báo trước ông sẽ đòi
hỏi những điều nhượng bộ khác để chứng tỏ ông giỏi hơn người tiền nhiệm.
Thỏa ước TPP được ký giữa 12 nước lần vào Tháng Hai đầu năm 2016
ở New Zealand, sau năm năm bàn cãi, mặc cả gay go. Chính phủ Obama lúc đó đòi hỏi
11 nước kia chịu nhận một số điều mà lúc đầu nhiều nước không chấp nhận. Thí dụ,
các nước trong TPP phải tôn trọng độc quyền về dữ liệu khi sáng chế một số thuốc
dùng sinh học (data exclusivity for biologics) trong tám năm, điều mà nước Úc
phản đối, coi là thời gian dài quá. Một điều khác, quyền sở hữu các sản phẩm
văn nghệ kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời, thay vì 50 năm như thường lệ.
Điều này bị Canada và New Zealand chống; nhưng sau cùng chịu nhượng bộ. Sau khi
Mỹ bỏ cuộc, 11 nước còn lại đồng ý xóa bỏ những điều khoản trên, khi họ ký lại
bản văn TPP mới, gọi tên là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for
Trans-Pacific Partnership), tại Chile vào Tháng Ba. Chỉ còn chờ Quốc Hội sáu nước
thông qua là CPTPP sẽ được thi hành, có thể trong năm 2019.
Bây giờ, nếu chính phủ Mỹ muốn quay trở lại gia nhập CPTPP, chắc
chắn họ sẽ đòi phải tái lập các điều khoản trên, và đòi thêm nhiều điều kiện
khác. Họ có thể yêu cầu kéo dài thời hạn 12 năm cho bản quyền thuốc, điều mà chính
phủ Obama đã đòi lúc đầu, trước khi chấp nhận rút xuống tám năm. Họ cũng có thể
đòi Nhật Bản phải xóa bỏ thuế nhập cảng trên gạo, điều mà không chính quyền Nhật
Bản nào có thể chấp nhận vì lo mất phiếu của nông dân. Tổng Thống Donald Trump
không quên đả kích Nhật Bản trong bản văn “tuýt” của ông về TPP, nói rằng Nhật
đã lạm dụng Mỹ trong suốt bao nhiêu năm qua về thâm thủng mậu dịch.
Nhưng 11 nước trong CPTPP không chắc đã đồng ý với chính phủ
Trump. Họ sẽ coi nước Mỹ không khác gì các quốc gia khác, cũng đang ngỏ ý muốn
gia nhập khối mậu dịch này. Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Indonesia, Nam Hàn
đã ngỏ ý muốn gia nhập, Anh Quốc cũng cũng vậy. Chính phủ Mỹ có chịu bị coi
ngang hàng với các nước này không, khi biết rằng chính Mỹ là quốc gia sáng lập
và đóng vai lãnh đạo trong công việc thương thuyết để thành lập TPP ngay từ đầu?
Một khó khăn nữa cho các nước Á Châu và Châu Mỹ La Tinh khi bàn
lại về việc Mỹ quay trở lại, là họ không biết khi nào ông tổng thống Mỹ sẽ thay
đổi lập trường; khi tiến, khi lui, khi chiến, khi hòa, như khi ông nói chuyện mậu
dịch với Trung Quốc!
Bộ trưởng Thương Mại Australia, ông Steve Ciobo, lo ngại: “Chúng
tôi đã ký kết một thỏa ước. Một thỏa ước rất tốt. Mười một nước đã ký rồi và
không muốn thay đổi nữa. Khó nói chuyện xóa tất cả đi để bàn lại, để làm cho nước
Mỹ hài lòng.”
Ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ Nhật, cũng nói:
“Bây giờ rút một phần trong bản thỏa ước ra để thương thuyết lại, thật là khó
khăn!”
Nhưng các nước ký CPTPP cũng phải thấy rằng nếu có Mỹ tham dự
thì liên minh 12 nước sẽ mạnh hơn nhiều. Và nhiều nước sẽ được lợi gấp bội nếu
được vào thị trường tiêu thụ lớn ở Mỹ. Mười một nước còn lại chỉ đóng góp 13% tổng
sản lượng thế giới, trong khi riêng nước Mỹ đã chiếm 24.5%, gần gấp đôi. Một
bài nghiên cứu năm 2017 của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế Peterson ước tính rằng
nếu còn TPP với nước Mỹ trong đó, kinh tế các nước Việt Nam và Malaysia sẽ tăng
thêm 8% từ năm 2015 đến 2030, cao hơn khi không buôn bán tự do với Mỹ.
Hơn nữa, đối với nhiều nước Á Châu, một TPP có Mỹ tham dự có ý
nghĩa chính trị quan trọng, vì tạo thêm một lợi điểm trong lúc phải đối phó với
cuộc bành trướng của Trung Cộng trong vùng.
Trong lúc chính phủ Trump rút khỏi TPP, Trung Cộng đang mở cửa
cho các nước Á Châu tham dự vào dự án Nhất Đới Nhất Lộ và Hợp Tác Kinh Tế Vùng
Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership, tức RCEP). Với 16 nước
trong khuôn khổ RCEP, Trung Cộng sẽ đóng vai chủ động kinh tế ở miền Đông Nam
Á, và gồm những nước ASEAN, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhật Bản chắc chắn muốn có một TPP, với Mỹ trong đó hay không,
thay vì một RCEP. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ Tướng Australia Malcolm
Turnbull là hai người đã cố gắng thúc đẩy việc giữ gìn TPP sau khi Mỹ rút.
Nhưng các nước này có chịu nhượng bộ các đòi hỏi của chính phủ
Trump để lôi kéo Mỹ trở lại với TPP hay không?
Cũng chưa ai biết chắc cuối cùng Tổng Thống Trump có muốn trở lại
TPP thực sự hay không. Ông có quyết tâm hay không? Nhưng dù chính phủ Mỹ có muốn
trở lại, việc trở lại cũng không dễ dàng.