Chung cư
tôi ở toàn người già. Hoạ hoằn mới nghe tiếng trẻ con. Gia đình có trẻ ở căn hộ
hai phòng là hiếm. Mà họ cũng chỉ ở tạm một thời gian ngắn rồi chuyển đi, chắc
hẳn do tính chất đặc thù không có tên của nơi ở.
một chung cư ở ngoại ô Paris |
Nhà mà tôi
nói đây có nghĩa là căn hộ, phần nhiều là loại phòng đơn, có bếp kiểu Mỹ trong
phòng ngủ, có toa-lét riêng. Người già ở phòng đơn bề ngoài có vẻ cô độc đấy,
nhưng ngó kỹ thì thấy họ chẳng hề cô đơn. Mỗi người đều việc của mình để bận rộn
- người thì giao tiếp với thế giới qua tivi, internet, người thì hằng ngày đến
cơ quan trợ giúp xã hội xem lịch chiếu bóng, tìm các chuyến du lịch giá rẻ, có
người đi bể bơi, đến phòng thể dục, lại có người bát phố dán mũi vào tủ kính mỗi
ngày vài giờ theo lời khuyên của bác sĩ. Bà hàng xóm cùng tầng tôi nuôi một con
chó nhỏ, nói chuyện với “con trai” bằng giọng ngọt xớt, dắt nó đi dạo ngày vài
buổi, đúng giờ như đồng hồ Thuỵ Sĩ. Sự tiếp xúc giữa cư dân gói gọn trong lời
chào lịch sự mà các dịch giả thường dịch sát nghĩa là “chào buổi sáng” với
“chào buổi tối”. Thường có sự lầm lẫn giữa chào sáng với chào tối ở những người
quá già yếu thảng hoặc mới gặp nhau ở hành lang và thang máy lúc nào điện cũng
sáng trưng.
Không cùng
tầng với tôi, có hai ông già cặp kè như hình với bóng: một nhà giáo Cuba có tên
khó nhớ là Ricardo Gonzalez del Monte, một nhà báo Iran có tên dễ nhớ hơn là
Bahar Mahdavi. Gặp nhau riết, chào nhau thường, tôi quen cả hai. Quen là quen
thế thôi, thân không thân, mà sơ cũng không sơ. Có nghĩa là năm thì mười hoạ bộ
đôi này kéo thêm tôi vào, cho nó vui. Nếu tình cờ gặp nhau ở cái công viên bé tẹo
gần nhà có tên trên biển là “Thiên đường nhỏ”, chúng tôi chuyện vãn về đủ mọi
thứ trên đời, từ thời tiết cho chí tin giờ chót trên ti vi. Trong cái thiên đường
này có nhiều ghế sắt, nhiều cây, nhiều hoa, nhiều trẻ con chạy lăng xăng chơi
đu, tụt cầu trượt, đánh đáo, vọc cát và la hét om sòm.
Nghe
Ricardo Gonzalez del Monte kể thì ông từng có một tuổi trẻ hào hùng - đã cùng
Fidel Castro và Che Guevara huyền thoại tấn công pháo đài Moncada năm 1953,
cùng lắc lư với họ trên con thuyền Granma lịch sử tiến vào Cuba năm 1956. Trong
bức ảnh được đăng trên các báo thế giới về sự sụp đổ của chính thể Batista năm
1959, có hình ông đứng bên Fidel Castro vẫy chào đoàn quân chiến thắng. Bức ảnh
này ông không có, nhưng Bahar Mahdavi nói đã được xem đâu đó. Khi Ricardo
Gonzalez del Monte bị tống vào trại Combinado del Este thì chính quyền cách mạng
cẩn thận đã ra lệnh xoá cho bằng hết hình ảnh của ông trong mọi thư viện, mọi
kho lưu trữ. .
Trại
Combinado del Este này có tên trong danh sách những trại giam nổi tiếng nhất thế
giới.
- Tôi ở đấy
9 năm – một hôm ông vui miệng kể. .
- Kinh khủng
là cái chắc, hả? - tôi hỏi.
Ông lắc đầu,
cười hiền:
- Nhiều người
ở lâu hơn, vẫn sống nhăn.
Tôi chộp lấy
dịp may:
- Ông kể
coi. Hẳn có nhiều chuyện thú vị.
- Có gì mà
kể chứ - ông nhún vai - Nhà tù nào chả là nhà tù. Có xà lim, có khám lớn khám
nhỏ. Có người nằm lại nghĩa trang tù, có người ra khỏi đó.
Ông ra tù với
một con mắt hỏng. Vì sao nó hỏng ông không kể. Theo Bahar Mahdavi thì đó là hậu
quả của tra tấn. Tra tấn là trò vui của những người được trao quyền đứng trên đồng
loại.
Từ những cuộc
trò chuyện hiếm hoi với Ricardo Gonzalez, tôi đoán quá khứ được giữ lại trong
trí nhớ của ông không phải những năm ở tù, mà là cái khác. Là thời gian trong
hàng ngũ nghĩa quân cách mạng. Là cuộc chiến đấu cho tự do. Là tình đồng chí
thân thiết trong gian khổ. Chỉ có những kỷ niệm ấy mới hằn sâu, rõ nét, mới làm
ông nhớ, hoặc muốn nhớ.
Ông không
thích kể về chuyện ông đã chống lại chế độ độc tài mới như thế nào. Cái đó có
lý của nó, chắc thế - chính ông là người chung tay làm ra nó mà. Bắt đầu bằng
những thiên thần, cuộc cách mạng lý tưởng của ông trượt dài trên dốc tha hoá để
trở thành lũ quỷ dữ. Mà cũng có thể ông bị dày vò bởi mặc cảm có tội. Hoặc ân hận
vì chưa kịp làm được gì để lôi cuộc cách mạng của ông trở về thời khắc thiên thần.
Khi cách mạng nổi giận, nó tống ông vào tù quá nhanh.
Tôi rất muốn
nghe ông kể về Combinado del Este. Nó là nhà tù lớn nhất, nghiêm nhặt nhất
Cuba, dành riêng cho những người thường được gọi là bất đồng chính kiến hoặc ly
khai. Bất đồng chính kiến hay ly khai là cách nói không đủ chính xác. Khi chính
kiến không giống nhau thì người ta tranh luận, người ta cãi nhau, khi người ta
không thích chung hàng thì người ta tách ra, chứ sao lại đi nhốt nhau vào tù.
Tôi gợi chuyện nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, không sao cậy miệng được người
không muốn nói.
- Ở các nước
Scandinave, người ta bảo, nhà tù có đủ tiện nghi như nhà ở, các ông ạ. Chỉ khác
đã là tù thì không được ra ngoài thôi – một hôm khác tôi mơi, bằng cách bâng
quơ chuyện khác, khá xa cái nhà tù của ông - Trong tù có phòng tập thể dục, có
thư viện...
- Ờ… -
Ricardo Gonzalez hờ hững.
- Nhiều tù
nhân theo học các khoá hàm thụ, ra tù thành thạc sĩ, tiến sĩ… Có người tự học vẽ,
sau thành hoạ sĩ nổi tiếng. Tranh của anh ta đẹp, cơ mà tôi quên béng cái tên
tay hoạ sĩ tài ba ấy. Tuổi già thật đáng nguyền rủa. Lúc định nhớ thì không sao
nhớ ra, lúc chẳng cần nhớ thì nó bật dậy. Không biết ở Cuba chế độ giam giữ nó
thế nào?
- Ờ…
- Ở Bắc Triều
Tiên nhà tù mới thật khủng khiếp - tôi tiếp - Đói đến nỗi tù nhân phải vặt cỏ
mà ăn. Có người bị quỳ ngoài sân trong đêm đông, sáng ngày ra biến thành một cột
băng…
- Tôi có
xem video một cô gái Triều Tiên vượt thoát khỏi đất nước cô ta kể về chuyện đời
sống ở đó. Không thể tưởng tượng nổi, các ông ạ. Khiếp lắm. - Bahar Mahdavi trầm
tư - Đặt Iliade và Odyssée của
Homère bên cuộc phiêu lưu kinh hoàng của cô này thì nó thành chuyện con nít. Ở
Trung Quốc của Mao Trạch Đông và bộ hạ chắc cũng vậy.
- Ở đấy họ
còn mổ sống tù nhân lấy nội tạng nữa kìa – Ricardo Gonzalez húng hắng ho, đột
ngột chêm vào - Để bán cho bọn nhà giàu thay thận, thay tim. Tàn bạo đến thế mới
là kỷ lục. Lịch sử nhân loại chưa từng ghi một cái gì tương tự - lấy nội tạng
ra ngoài khi con người đang sống. So với những nhà tù Trung Quốc thì Combinado
del Este ở Cuba nếu chưa phải thiên đường thì cũng là bán thiên đường.
Lại một
khía cạnh tâm lý lạ lùng – nếu ở nơi nào đó cuộc sống tù ngục còn tệ hơn so với
nơi mình đã trải qua thì người tù thở phào cảm thấy mình vẫn còn may.
Tôi giật
tay áo ông:
- Thế thì
ông kể đi. Xem cái bán thiên đường của ông nó thế nào?
Ricardo
Gonzalez vỗ vai tôi, giọng kẻ cả:
- Ông chúa là tò mò. Biết lắm chỉ tổ chóng già.
- Tụi mình đâu còn trẻ. Có già thêm một chút cũng chẳng sao.
Kể đi cái nào.
- Tôi nói rồi, có gì mà kể - ông lắc cái đầu bù xù, nheo con
mắt lành, trong khi con mắt đục vẫn mở - Ở mọi nhà tù xã hội chủ nghĩa, nơi nào
mà chả vậy, chúng cùng một kiểu …
- Nhưng cũng phải có những cái khác nhau chứ?
- Nhà tù xã hội chủ nghĩa đều có chung một mục đích duy nhất
- Bahar Mahdavi đỡ lời ông bạn già - bằng mọi cách làm thui chột đến cùng ý chí
chống đối chế độ trong kẻ ương bướng. Cách ở nơi này có thể khác nơi kia, nhưng
mục đích tựu trung là một.
- Là tôi muốn biết cái khác ở nơi ông Ricardo từng ở kìa -
tôi cãi - Chứ ai mà không biết ở đâu tù đâu chả là tù. Báo chí viết nhiều về
Combinado del Este, không biết trong thực tế nó thế nào. Nghe chứng nhân kể
chuyện vẫn thú hơn chứ.
- Bahar Mahdavi nói đúng đấy: mục đích của sự trấn áp mới là
cái quan trọng, mọi cái khác là chuyện vặt, chuyện râu ria - Ricardo Gonzalez
chậm rãi phán - Ông cứ đọc các hồi ký về cái sự ở tù sẽ thấy. Tôi tả không thể
bằng các nhà văn tả.
- Qua tay biên tập của các nhà xuất bản, cụ ơi, nó thành văn
chương mất rồi – tôi thất vọng - Người trong cuộc kể nghe thú hơn nhiều chứ. Nó
nóng hổi, nó sống động. Tôi đã đọc nhiều hồi ký tù. Có nhiều cuốn thú vị về sự
tường thuật thực thà. Nhưng có nhiều cuốn đọc thấy nản, trong đó cái tôi của
tác giả che phủ tuốt tuột mọi cái khác mà mình muốn biết.
Bahar
Mahdavi lẳng lặng nghe. Ông sống năm năm trong nhà tù Evin ở Teheran. Ông bị bắt
vì tội viết vẻn vẹn có hai bài báo phê phán những quyết định khắc nghiệt được
giải thích bằng kinh Quran của giáo chủ Ayatullah Khomeini.
Evin nổi tiếng
có phần còn hơn Combinado del Este. Nó không chỉ là nơi giam giữ những người chống
đối chế độ Hồi giáo, mà còn đủ mọi thứ tù lôm côm khác. Một anh nhà báo nước
ngoài lang thang tìm hình ảnh, dừng lại trước cửa nhà tù này mới bấm có vài pô
là đã bị lôi tuột vào trong. Không bị giam với thường phạm, anh ta bị đưa ngay
vào khu 29 đặc biệt hà khắc dành cho tù chính trị. Báo hại cả thế giới phải
nhao nhao phản đối mấy tháng liền mới cứu được anh ta.
Ricardo
Gonzalez vượt thoát Cuba bằng đường biển. Từ La Havana qua Mỹ gần xịch.
Cái khó là làm sao để không bị rơi vào tay tàu tuần duyên Cuba. Ông không ở lại
Mỹ vì ông trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn coi mình là một người cách mạng. Ông
không muốn chung đụng với những người Cuba căm thù cộng sản đến tận xương tuỷ sống
tụ bạ trong một Cuba Town nhộn nhịp ở Miami.
Thế là ông bỏ Miami, tìm đường sang Tây Ban Nha, nơi ông có
đứa cháu gái con người em ruột cũng tị nạn ở đó. Người em chết sớm, đứa cháu
gái cũng lại là kẻ ghét cay ghét đắng cộng sản, thế mới khổ. Hai bác cháu gấu ó
nhau suốt ngày về chủ nghĩa cộng sản, về chủ nghĩa phát-xít Franco, đến nỗi ông
phát chán, lại bỏ Madrid chạy sang Paris.
- Gia đình
ông vẫn ở Cuba?
- Vẫn. Ông
có nghe về phong trào “Những người đàn bà áo trắng” không?
- Không –
tôi nói.
- Đó là vợ
những tù nhân chính trị phản kháng bằng cách thầm lặng. Họ mặc áo trắng, đi lũ
lượt từng đoàn qua các phố La Havana. Không phát truyền đơn, không hô khẩu hiệu,
không giương băng-rôn, chỉ đi thôi, cứ thế, đi hết phố này qua phố khác. Có
cách đấu tranh bất bạo động thế đấy. Nó làm chính quyền lúng túng, không biết
nên trấn áp cách nào.
- Hay – tôi
nói.
- Rồi người
ta cũng bỏ tù vài người mà họ cho là khởi xướng. Bà nhà tôi ở trong số đó.
Nói đến vợ,
con mắt còn lại của Ricardo Gonzalez trở nên ướt.
- Ông vẫn
liên lạc được với gia đình?
- Không. Bà
nhà tôi chỉ bị giam vài tháng. Rồi mất trước khi tôi ra tù. Nghe đâu bị một chiếc
xe tải tông phải.
Tôi không hỏi
thêm. Tai nạn xe cộ thường xảy ra ở những nước độc tài với những người mà chính
quyền không ưa. Báo chí thế giới đăng nhiều vụ tương tự.
- Tôi còn đứa
con gái. Nó lấy chồng, một quan chức. Nó không liên lạc với bố nữa.
Ông thở
dài. Tôi hiểu. Chuyện đời mà.
Bahar Amir
may mắn hơn Ricardo Gonzalez. Cuối cùng rồi ông cũng được chính quyền Iran
phóng thích sau những cố gắng vận động của các hội nghề nghiệp. Lại cũng giống ở
các nước độc tài khác nhau ở màu cờ sắc áo, sự phóng thích có điều kiện – ông
phải bỏ xứ mà đi. Nghị hội Các Nhà văn Quốc tế mời ông đến ở Loire, một thành
phố Pháp. Sau một năm ở Loire, ông chuyển về Paris, đến ở chung cư này.
Là nhà báo,
Bahar Mahdavi, tất nhiên thích văn học. Qua trò chuyện, tôi biết ông là một một
độc giả khó tính.
- Ông cũng
không thích mấy cái hồi ký ấy à? - Bahar Mahdavi nói - Giống tôi đấy, tôi cũng
thế, nhiều cuốn đọc không nổi. Nhiều hồi ký tù không phải là tác phẩm được viết
ra cho cuộc đấu tranh vì đời sống, vì nhân phẩm. Cái quan trọng là phải miêu tả
cái xã hội không còn có thể chịu đựng nổi để con người hiền lành nhất cũng phải
dấn thân vào cuộc tranh đấu tìm đường sống thì các tác giả nọ quên bẵng, chỉ lo
kể lể: ối giời ơi, trong tù tôi khổ lắm, vợ con tôi ở ngoài cũng bị hành hạ khổ
lắm lắm, các ông các bà ơi...
Bahar
Mahdavi bao giờ cũng thế, dài giọng mỗi khi chê bai. May cho các nhà văn, ông
không viết phê bình.
- Nói thực
với ông, tôi rất ngán cái dòng văn học tố khổ - Bahar Mahdavi thêm - Là người
qua cầu, mọi chuyện các vị ấy tả mình biết cả, mình thấy hết. Nhưng câu hỏi được
đặt ra là: có cần tốn nhiều giấy mực cho những miêu tả như thế không?
- Tả cảnh
tù ở các nước độc tài cũng cần cho người đọc chứ.
- Một liều
lượng vừa đủ là được. Quá là hỏng. Chứ ai không hiểu trong chuyện này văn
chương bất lực. Không sách nào có thể tả hết những gì người tù nếm trải.
- Vậy cái gì mới là quan trọng?
- Ông vẫn chưa hiểu sao? Là cái này này: sự miêu tả đến nơi
đến chốn cái xã hội trong đó có sẵn, có đủ, mọi điều kiện để con người, kể cả
những người hiền lành nhất, dễ dàng đưa chân vào tù. Bằng đủ mọi đường, bằng đủ
mọi cách: lừa đảo, trộm cướp, giết người… Là nói về những tội hình sự thôi. Ở
đây ta không nói tới những người vào tù vì muốn xoá bỏ cái xã hội ấy. Họ là những
chiến sĩ tranh đấu cho tự do, cho con người được là con người chứ không phải những
tên nô lệ. Nhưng đồng thời họ cũng là sản phẩm tất yếu của cái xã hội mà họ muốn
xoá bỏ.
- Đúng vậy - Ricardo Gonzalez đồng ý – Cái môi trường sinh
ra tội lỗi mới là cái cần được lột tả. Ở trong tù chúng tôi cũng đã có những cuộc
tranh luận về đề tài này.
- Văn học tố khổ không phải là cái chúng ta cần. Bị cuốn
theo dòng hồi tưởng kinh hoàng của cuộc sống tù ngục, các tác giả của nó chết
chìm trong những chi tiết: trong tù có những kiểu tra tấn gì, cai tù hành hạ thế
nào, chế độ ăn uống thế này, chỗ ở thế kia, gia đình mình ở ngoài bị phân biệt
đối xử ra sao… Rất dài dòng. Mà vô ích. Ố là là, cái thứ ấy tôi ngấy đến tận cổ…
Người ít nói khi đã nói thì nói nhiều. Tôi phải lôi Bahar
Mahdavi trở lại với chuyện tôi muốn nghe:
- Tôi đồng ý với ông – khi tác giả sa đà vào chuyện cái tôi
quá nhiều ắt đi xa cái anh ta cần phải làm, cái mà người đọc muốn biết. Nhưng,
với tư cách nhân chứng của Evin, ông thấy cái nhà tù ấy thế nào? Nó có khác các
nhà tù khác từng được miêu tả trong các hồi ký không?
Bahar Mahdavi trân trân nhìn tôi:
- Ông đúng là cứng đầu. Cái gì cũng thích đi tới tận cùng.
Tôi chưa có ý định viết về Evin, cho nên tôi không muốn nói trước những gì tôi
sẽ viết. Có một điều ông thừa biết, chế độ độc tài nào thì cũng thế, nó coi những
người không ưa nó là kẻ thù…
- Trừ ở những nước theo thể chế dân chủ.
- Chúng ta đang nói về những nước độc tài cơ mà. Ở đó không
hề có pháp luật theo sự hiểu bình thường của nhân loại bình thường, là nơi chỉ
có pháp luật do những kẻ cai trị đặt ra, và chính chúng cũng chẳng thèm đếm xỉa
đến thứ pháp luật ấy. Ở những nước như thế lối giam giữ đều na ná nhau, với vài
dị bản nho nhỏ. Các ayatollah ở Iran cũng biết cách hành hạ kẻ thù không kém gì
các Fidel Castro. Những quốc gia độc tài và phần thế giới còn lại là hai thực
thể rất khác biệt.
- Ngay trong số các quốc gia độc tài cũng có sự khác biệt,
Iran của ông và Cuba của Ricardo Gonzalez. Chúng quyết không thể giống hệt nhau
– tôi nói.
- Chúng chỉ khác nhau về tôn giáo mà thôi – Bahar Mahdavi khẳng
định chắc nịch - Iran theo đạo Hồi, Cuba theo đạo cộng sản.
Ricardo Gonzalez nhăn nhó:
- Ông nói bậy rồi, chủ nghĩa cộng sản không bao giờ là một
tôn giáo. Nó là, và chỉ là, một lý thuyết.
Trong chuyện này Ricardo Gonzalez rất giống mấy ông bạn
trotskiste mà tôi quen. Họ kịch liệt chống chủ nghĩa cộng sản kiểu Stalin,
nhưng khăng khăng bảo vệ chủ nghĩa cộng sản kiểu Trotsky. Họ miêu tả thời
Stalin như một “cuộc cách mạng bị phản bội” so với thời Lenin, trong khi người
ta đã có đủ bằng chứng là cả hai đều phạm tội diệt chủng.
- Cái xã hội mà người cộng sản muốn dựng nên giống hệt một
tu viện, ông không thấy thế sao? - Bahar Amir phản bác - Họ muốn mọi người phải
sống theo cách mà chưởng quản tu viện, tức là là cái đảng của họ, hoặc một tay
tổ của cái đảng ấy đặt ra, bắt dân chúng phải tôn thờ Chúa mà cái đảng ấy tôn
thờ. Đúng thế không nào?
- Là tôi nói cái khác, cái chủ nghĩa cộng sản mà Marx và
Engels khởi xướng, với tư cách một kết luận lý thuyết từ những nghiên cứu xã hội
học – Gricardo Gonzalez càu nhàu - Gọi nó là tôn giáo sao được.
- Nhưng cái lý thuyết ấy được áp dụng trong đời sống ở các
nước cộng sản thì đúng là như vậy, bạn thân mến ạ - Bahar Mahdavi hiền lành khẳng
định – Người cộng sản cầm quyền cố tình quên phần dễ thương trong lý thuyết ấy,
như ảo vọng về một xã hội không có người bóc lột người, mà biến nó thành một
ban thờ bắt buộc cho mọi thần dân. Sau lưng đám thần dân bị tọng đầy thuốc lú
vào họng những tên đao phủ khoác áo thầy tu mặc sức kiếm chác - cả quyền lực, cả
tiền tài, cả danh vọng. Tôi biết chắc là như thế, cho dù tôi chưa từng sống ở một
nước được gọi là cộng sản nào. Mà thôi, tranh luận làm gì, về chuyện này hiểu
biết của ông hơn đứt tôi.
Ricardo Gonzalez ngả lưng vào tựa ghế, mắt lim dim nhìn trời.
Rõ ràng ông nén một tiếng thở dài. Hai người bạn già thỉnh thoảng lại có những
cuộc cãi vã nho nhỏ.
Y như ông bạn Cuba, Bahar Mahdavi cũng không muốn kể chuyện
tù. Ông nói nhiều về cái khác chỉ để đánh trống lảng. Tôi hiểu - cả hai đều
không muốn người nghe chuyện họ - những kẻ chiến bại trong cuộc chiến đấu cho tự
do. Nói nhẹ đi, họ là những người khốn khổ trong tâm trạng chiến bại, thấy mình
chẳng làm được cái gì, hoặc chưa làm được cái gì cho ra hồn. Ai là người muốn kể
về việc làm của mình với kết quả chẳng thành, hoặc chưa thành? Thất bại nào mà
chả cay đắng.
Ricardo Gonzalez đay:
- Ông cũng là cộng sản mà nói thế đấy nhá.
Bahar vặc lại:
- Bậy nào. Tôi cộng sản hồi nào? Tôi là ngòi bút tự do. Tôi
không công nhận bất kỳ chế độ độc tài nào, cộng sản hay kẻ thù của cộng sản.
Ông đừng tròng cái thòng lọng bất lương ấy vào cổ tôi. Ông ấy, ông mới là cộng
sản.
Tôi can:
- Ông ấy cũng bị nhà nước cộng sản bỏ tù mà.
- Thì thế! – Bahar Mahdavi sa sầm, quay đi.
Tôi là người kể chuyện không thích thêm mắm muối. Tôi tường
thuật một cuộc đối thoại mẫu của hai ông bạn già chỉ để diễn đạt điều khó hiểu
đối với tôi: hai người có hai quá khứ khác hẳn nhau về tư tưởng chính trị không
hiểu sao lại có thể trở thành bạn thân. Có phải vì cả hai đang phải ăn nhờ ở đậu
một nước thứ ba, nơi rộng lượng chứa cả hai - cả ông cộng sản bị cộng sản bỏ tù
lẫn ông không cộng sản bị nước ghét cộng sản bỏ tù?
Đấy mới thật sự là nghịch lý.
Cái chung cư của chúng tôi là một chung cư bình thường trong
rất nhiều chung cư bình thường ở thành phố. Người ngoài tinh ý thì thấy có sự
không bình thường – nó chỉ dành cho người rất già, phần nhiều là di dân. Số người
như hai ông bạn tôi, có căn cước tị nạn chính trị, không có bao nhiêu. Từ từ, từng
người một, hoặc hai người một, những cư dân cũ lặng lẽ ra đi, nhường chỗ cho
người mới. Tôi chỉ biết người nào đã ra đi khi thấy hòm thư của ai đó bị dỡ bỏ
tung toé vào một ngày nào đó và cái tên cũ trên hòm thư được thay thế bằng một
tên mới.
Một hôm tôi nghe tiếng chuông cửa. Nhòm qua lỗ kính thì thấy
Bahar Mahdavi.
Ông quệt mũi, nghẹn ngào:
- Ricardo Gonzalez đi rồi.
Tôi không ngạc nhiên. Nhưng giật mình. Tin về cái chết bao
giờ cũng bất ngờ. Người ta thường đinh ninh mọi việc dưới vòm trời hôm nay vẫn
là cái hôm qua. Tuần trước, tôi còn gặp Ricardo Gonzalez bá vai Bahar Mahdavi
đi về phía Thiên đường nhỏ.
- Ông tiễn ông ấy chứ?
- Nhất định rồi.
- Tôi sẽ gọi ông nhé?
- OK.
Những người không có thân nhân làm tang thì nhà nước làm
tang. Lệ ở nước Pháp là thế. Chi phí cho một tang lễ không rẻ. Nhà càng giàu
tang lễ càng lớn. Người ta đặt tang lễ cho mình trong khi còn đủ sức đi du hí
vòng quanh trái đất. Những công ty tang lễ rất tôn trọng hợp đồng, lo đến từng
chi tiết: chôn ở đâu hay hoả táng, người đặt hàng chọn quan tài nào, hoa gì, nhạc
sống hay nhạc máy, chơi bản nào trong đám tang, bản nào khi hạ huyệt… Tiền đất
chôn rất đắt. Giá một huyệt có khi bằng cả một căn hộ sang trọng. Cứ đặt hàng
là công ty lo tất. Rất chu đáo.
Tang lễ cho
Ricardo Gonzalez tất nhiên do nhà nước chi. Nó xuềnh xoàng, nhưng không vì thế
mà kém trang trọng.
Tôi ngỡ
ngàng thấy trong đám tang có mặt một linh mục Thiên Chúa giáo trẻ măng, đẹp
giai, giống một sinh viên hơn một thầy tu.
- Ricardo
Gonzalez mới đây đã nhập đạo – Bahar Mahdavi ghé vào tai tôi – Có lẽ đó là ước
muốn cuối cùng của ông ấy.
Tôi hiểu.
Khi không còn gì để tin thì người ta mới sực nhớ đến Chúa - đấng vô hình chỉ biết
yêu thương.
Người đi
đưa thưa thớt – vài người Cuba và Mỹ La-tinh, một bà đại diện cơ quan an sinh
xã hội quận, mấy nhà báo hay viết về Cuba có quen biết người chết, Mahar
Mahdavi đã từng gặp . Không có điếu văn. Quan tài lặng lẽ trôi vào phòng dẫn tới
crematorium trong tiếng nhạc buồn của bản Requiem phát ra từ một cái cát-xét
không hiện đại.
Về đến
chung cư, Bahar Mahdavi kéo tôi về phòng ông. Lần đầu tiên tôi bước vào căn
phòng bề bộn sách báo ám mùi thuốc lá rẻ tiền này. Bên cái desktop Dell cổ lỗ
chồng chất đủ thứ giấy má.
Thấy cái
nhìn tò mò của tôi, Bahar Mahdvi đưa mắt chỉ cái bàn viết bề bộn:
- Toàn bản
thảo cả.
Tôi ngó những
dòng chữ Ả Rập ngoằn ngoèo:
- Có về nhà
tù Evin chứ?
- Có, nhưng
rất ít. Về cuộc đời tôi là chính. Nó cũng là cuộc đời của thế hệ tôi.
- Bao giờ
nó sẽ được in?
- In ư? Có
khi chẳng bao giờ. Tôi viết rồi xé đi, viết lại - cứ thế mãi. Vẫn chưa thấy được
sự tạm bằng lòng.
Ông rót
Brandy mời tôi. Chúng tôi lặng lẽ cụng ly, lặng lẽ uống.
- Người quản
gia bảo tôi có thể đến lấy bất cứ thứ gì của Ricardo trước khi người ta dọn
phòng và đem mọi thứ đi tiêu huỷ. Anh ta đưa chìa khoá cho tôi đây. Ông xem có
thứ gì ông ấy để lại còn dùng được không?
- Không,
tôi không muốn có thứ gì gợi nhớ đến ông ấy.
Chúng tôi lấy
thang máy lên tầng trên cùng, tầng tám, mở cửa vào phòng người quá cố. Từ ban
công phòng ông có thể nhìn bao quát một vùng rộng nhấp nhô những mái bằng với
chi chít ống khói và ăng ten chảo. Thang máy mà hỏng bất ưng thì một ông già
leo từng bậc lên tới tầng này thật vất vả.
Hệt như
phòng của Bahar Mahdavi, căn phòng của Ricarso Gonzalez bề bộn sách báo.
- Ông ấy vẫn
viết hằng ngày. Viết gì, tôi không biết. Tôi không biết tiếng Tây Ban Nha. Tôi
tính sẽ tha về số bản thảo. Chúng có thể có ích cho ai đó. Hiềm nỗi phòng tôi
chật quá rồi. Tôi có thể gửi nhờ ông một ít không?
- Tất nhiên
được. Nhưng không nhiều quá.
- Ông ấy vẫn
cặm cụi làm việc hằng ngày. Cho cuộc đấu tranh chống lại cái ông ấy trót làm
ra. Ông không nói ra, nhưng tôi biết. Thỉnh thoảng vẫn có vài nhà báo đến thăm.
Họ mang đi những tài liệu gì đó, chắc để chuyển tiếp đi Cuba. Ông không thể
dùng phương tiện internet ở nơi nó bị kiểm duyệt quá chặt chẽ để trở thành vô dụng.
Chúng tôi bó những trang bản thảo lộn xộn rồi khệ nệ tha xuống
hai tầng dưới về phòng Bahar Mahdavi.
Bahar lại rót rượu. Chúng tôi uống trong im lặng, tưởng nhớ
người không còn ở với chúng tôi.
Đến khi tôi ra về, Bahar Mahdavi mới chìa cho tôi một mảnh
giấy. Đó là lá thư của Ricardo Gonzalez:
“Thư này không có ngày tháng. Tôi viết sẵn, người ta tìm thấy sẽ chuyển
cho ông.
Chuyến tàu của tôi đến rồi, Tôi đi đây. Lời cuối tôi muốn nói với ông
là đừng buồn khi thiếu tôi. Hãy đánh bạn với anh chàng châu Á dễ mến – người
cánh ta đấy.
Tôi đi nhẹ nhàng. Tôi đã sống như tôi muốn, được là chính mình. Được
là chính mình - ấy là phúc thật.
Ôm hôn bạn,
Ricardo Gonzalez del Monte”.
Tôi ôm
Bahar Mahdvi để ông có thể gục vào vai tôi mà khóc thầm. Tệ thế đấy: đàn ông
nào cũng xấu hổ khi để rơi nước mắt
Tất cả,
không trừ một ai, đều ở phòng đợi. Những người có phúc thật - được là mình. Và
những người có phúc giả - được làm nô cho kẻ khác.
Mỗi người đều
có chuyến tàu của mình.
2016