Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Trong nhiều
vụ xét xử, phần lớn các bị cáo nguyên là các cán bộ đảng hay lãnh đạo các các tập
đoàn nhà nước bị tuyên với tội danh 'cố ý làm trái các quy định pháp luật làm
thất thoát tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng'.
Câu hỏi đặt
ra là tại sao nhiều vụ việc đã diễn ra trong nhiều năm trước, nay mới bị khởi tố,
điều tra và xét xử? Phải chăng có sự 'chống lưng','bao che' từ các thế lực nào
đó?
Chủ nghĩa bảo trợ được cho là hiện tượng nội
sinh trong quá trình tiến đến nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay nó thách
thức sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Hiện tượng
này gọi là chủ nghĩa bảo trợ. Đó là sự trao đổi phiếu bầu và ủng hộ chính trị để
đổi lấy lợi ích cá nhân. Nghĩa là kiểu quan hệ trong đó những người có thế lực
bảo trợ cho những người dưới quyền hoặc có liên quan để có được ủng hộ chính trị,
chẳng hạn qua lá phiếu, còn người được bảo trợ nhận được lợi ích cho bản thân,
như ân huệ, hàng hóa, dịch vụ.
Chủ nghĩa bảo
trợ tạo ra các nhóm lợi ích và có liên hệ với tham nhũng. Tham nhũng do tha hóa
quyền lực bởi một số nguyên nhân cơ bản, trong đó có sự bảo trợ chính trị. Nhận
diện các hình thức bảo trợ và làm rõ bản chất của hiện tượng này, không những sẽ
giải nghĩa thực chất chiến dịch chống tham nhũng, mà còn gợi mở nhìn nhận về những
nỗ lực củng cổ tổ chức đảng và cải tổ bộ máy nhà nước hiện nay.
Chủ nghĩa bảo
trợ được cho là hiện tượng nội sinh trong quá trình tiến đến nhà nước hiện đại.
Tuy nhiên, hiện nay nó thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản (CS).
Đảng đang nỗ lực loại bỏ nó.
'Loại khỏi cuộc chơi?'
Nguyên tắc sống
còn trong hoạt động của Đảng CS là tập trung quyền lực. Ai thách đố nguyên tắc
này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Những lãnh đạo
vi phạm nguyên tắc này được xử lý nội bộ đảng, không công khai. Lịch sử đảng
ghi nhận những cá nhân như Hoàng Văn Hoan, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan là những
nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) bị xử lý kỷ luật đảng.
Tuy nhiên,
hiện nay nguyên ủy viên BCT Đinh La Thăng không chỉ bị đảng kỷ luật mà còn bị
đưa ra xét xử trước tòa ở hai vụ án với tội danh cố ý làm trái gây hậu quả
nghiêm trọng với hai bản án là 13 và 18 năm tù giam.
Tại sao không thể kỷ luật người mà Đảng
'phân công' 'phân quyền'? Truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã bị
thách thức? Sự đồn đoán về phe phái, phe đảng, phe chính phủ từ 'lề trái' có thể
chỉ là suy đoán?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Hai phiên
tòa xử sơ thẩm bị cáo Thăng tương đối công khai. Bị cáo nhiều lần kêu oan với
các lý do, trong đó cho rằng không thể thực hiện hành vi đó nếu không có chủ
trương, và tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp cao hơn.
Bốn năm trước,
năm 2014, tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11 của Đảng BCT nhất trí kỷ luật
Nguyên thủ tướng hai nhiệm kỳ 2006-2016, song hơn 70% số ủy viên Ban chấp hành
trung ương (BCHTƯ) không đồng ý.
Tại sao
không thể kỷ luật người mà Đảng 'phân công' 'phân quyền'? Truyền thống đoàn kết,
thống nhất trong Đảng đã bị thách thức? Sự đồn đoán về phe phái, phe đảng, phe
chính phủ từ 'lề trái' có thể chỉ là suy đoán?
Chủ nghĩa bảo
trợ đang lan rộng ở các cấp các ngành và lĩnh vực, gây nguy hại cho sự tồn vong
chế độ.
Những kết luật
kỷ luật đảng và các vụ án được khởi tố gần đây giải thích rõ hơn hiện tượng
này. Đằng sau các bản án đều có dấu ấn của 'sự bảo kê' dưới các hình thức khác
nhau của các cán bộ lãnh đạo:
Nguyên bộ
trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật do sai phạm trong quy trình bổ nhiệm cán bộ;
Trong 'vụ Mobifone mua AVG', theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã có nhiều
lãnh đạo tại một số bộ có sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước lên đến gần
7000 tỷ đồng;
Nguyên các
tướng công an như cựu tổng cục trưởng cảnh sát và cục trưởng Cục Cảnh sát phòng
chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… tổ chức, bảo kê cho mạng lưới đánh bạc lớn
online; Điều tra mở rộng vụ án 'Vũ nhôm' phát hiện đường dây bảo kê, trong đó
khởi tố cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, hai đời nguyên chủ tịch tỉnh
Đà Nẵng trong thời kỳ 2006 - 2014, và nguyên bí thư Đà Nẵng đã bị cách chức vào
cuối năm 2017;
Quy tắc cơ bản của chủ nghĩa bảo trợ là
'lòng tốt có đi có lại'. Lợi ích cá nhân vốn là bản chất của chủ nghĩa bảo trợ,
và trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường nó sẽ mạnh hơn và lấn át
các chính sách, quy định hiện hành của đảng và nhà nước
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Các lãnh đạo
cấp địa phương 'bảo trợ' cho các quan hệ thân hữu, con cháu, họ hàng, như Quảng
Nam, Hà Giang, Hà Nội, Đắc Lắc…; Cán bộ cấp phường bảo kê cho các hàng quán vỉa
hè, các bãi trông xe; Các lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, và đơn vị
công lập được bảo trợ vì lợi ích kinh tế…
Quy tắc cơ bản
của chủ nghĩa bảo trợ là 'lòng tốt có đi có lại'. Lợi ích cá nhân vốn là bản chất
của chủ nghĩa bảo trợ, và trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường nó sẽ
mạnh hơn và lấn át các chính sách, quy định hiện hành của đảng và nhà nước.
Sự bảo trợ
làm suy yếu năng lực nhà nước. Bộ máy công quyền đang phình to khiến Đảng cải
cách mạnh hơn bộ máy cán bộ, công chức. Những động thái tức thì, cấp thiết để tập
trung quyền lực đã được thực thi. Đảng đã kịp thời 'bịt' lỗ hổng này bằng việc
ban hành và thực hiện các quyết định định liên quan đến quy trình kỷ luật và bổ
nhiệm, giới thiệu cán bộ đảng ứng cử, … Các đề án về tổ chức, xây dựng đảng,
quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cải cách bộ máy đang được khởi động. Phải
chăng đề án cải tổ Bộ Công an đang là lựa chọn khởi đầu. Với những nỗ lực 'nhốt
quyền lực' trong 'lồng pháp luật, cơ chế' Đảng đang chủ trương cải cách theo
phương châm 'ổn định chính trị', xã hội và thay đổi từ từ.
Hệ thống
chính trị hiện hành có đặc trưng là quyền lực tập trung cao, thiếu cơ chế giám
sát hữu hiệu, các cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước chi phối các hoạt động phân phối
tài nguyên và nguồn lực công. Bởi vậy các quan hệ bảo trợ chính trị và kinh tế
dễ dàng xuất hiện ở cả hai phía: người bảo trợ và người được bảo trợ. Mỗi khi đạt
được quyền lực chính trị, người bảo trợ thích ứng với hệ thống thứ bậc để củng
cố địa vị của chính mình, gia đình và bạn bè. Những người được bảo trợ tìm được
lợi ích cá nhân để ủng hộ mối quan hệ này.
Đảng nỗ lực duy trì tính chính danh thông
qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường khi còn thiếu những nền tảng vận
hành của nó liệu có thể đưa đến một mô hình phát triển đất nước bền vững?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Dưới góc
nhìn xây dựng thể chế, chủ nghĩa bảo trợ được hình thành và củng cố bởi những
tư tưởng, lễ nghi, thậm chí là tôn giáo biện minh cho các đường dây bảo trợ hoặc
các nhóm lợi ích. Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 nhận định hiện tượng đó là 'sự thoái hóa
về tư tưởng và đạo đức' của một bộ phận cán bộ đảng viên.
Ngoài ra, chủ
nghĩa bảo trợ được coi là hình thức huy động chính trị hiệu quả trong những xã
hội có mức thu nhập và chất lượng giáo dục thấp, quan hệ thân hữu dựa vào gia
đình, bạn bè là khuynh hướng tự nhiên của con người không thể giải quyết triệt
để nếu thiếu một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy người ta hành động.
Độc tôn
chính trị sẽ loại bỏ mọi lực lượng xã hội mới, kể cả tổ chức xã hội dân sự có
ích cho việc tạo ra một nhà nước trong sạch, hiện đại. Đảng nỗ lực duy trì tính
chính danh thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường khi còn thiếu
những nền tảng vận hành của nó liệu có thể đưa đến một mô hình phát triển đất
nước bền vững?
Quan điểm
trong xây dựng thể chế rằng xã hội cần trật tự trước khi cần đến dân chủ, và sẽ
tốt hơn nếu xã hội từ một chính quyền chuyên chế quá độ lên một hệ thống chính
trị và kinh tế hiện đại, thay vì cố gắng thay đổi trực tiếp lên dân chủ liệu có
chỗ đứng nếu phải trả giá đắt vì mất dân chủ?
Bài viết thể
hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích về chính sách công, nguyên
Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế
hoạch & Đầu tư của Việt Nam.