MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
SỐ 37
Với Đại sứ Anh
đến thăm |
Nhấp
chén trà tôi đưa mời, Giles tấm tắc “trà
của ông lúc nào cũng rất ngon, vị trà này thơm lắm”. Tôi cười cám ơn lời
khen chân tình của ông Đại sứ Vương quốc Anh “chỉ tiếc là e còn lâu lắm tôi lại mới được mời ông uống trà nếu trong một
dịp tình cờ nào đó ông trở lại Việt Nam”.
Giles Lever trả lời “Tháng 6 tôi mới
kết thúc nhiệm kỳ và rời Hà Nội, hy vọng từ nay đến đó sẽ có dịp lại ngồi với
nhau ở Hà Nôi uống trà hoặc uống cà phê trong bữa ăn sáng, bất cứ lúc nào ông
ra Hà Nôi thì gọi cho tôi. Lần này có quá ít thì giờ, vào Sài Gòn là tôi đến
thăm ông. Tháng trước đã định đến vì biết ông đã xuất viện, nhưng cô TH khuyên
nên để dịp khác vì chắc ông đang mệt nên lần này tôi đến thăm để có thể ngồi
trao đổi khi sức khỏe của ông đã hồi phục”.
Với Bruno Philip, phóng viên của Le Monde |
Trong cải rủi đôi khi lại có cái may! Do sức khỏe không cho
phép, tôi thường từ chối những lời mời của một số cơ quan ngoại giao tham dự những
cuộc gặp gỡ, và cũng tránh luôn những cuộc tiếp xúc có mặt nhiều người. Thông cảm
với sự trái khoáy của lão già cắc cớ, một số nhà báo nước ngoài, nhà ngoại
giao, một vài đại diện của các tổ chức quốc tế lại chịu khó mất thì giờ quý báu
của họ đến thăm tôi tại nhà hoặc đón đến gặp riêng tại một phòng trà trong
khách sạn như Đại sứ Mỹ Ted Osius, hay cũng đi dự một tối ca nhạc Trinh Công
Sơn như Đại sứ Canada David Devine. Nhờ
thế, tuy phải ngồi một chỗ, tôi vẫn có dịp tiếp xúc với nhiều người bạn nước
ngoài.
Với Thomas Fuller,
phóng viên của NYTimes
|
Có
người đến một, hai lần để thực hiện một cuộc phỏng vấn như Bruno Philip của Le
Monde, Thomas Fuller, phóng viên của The NewYork Times,Kyrstin Ha của Bloomberg
News, Kazuo Nagata của The Yomiuri Shimbun, Inoue Ayumi của The Newspaper
Akahata , tờ báo của đảng Cộng sản Nhât… Lại có những chuyên gia như Murray
Hiebert, cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương
trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại
Washington DC,Hoa Kỳ thì không chỉ để thực hiện một phỏng vấn, mà là một cuộc
trao đổi về những vấn đề thời cuộc sâu và rộng hơn mà qua đó tôi hiểu biết được
nhiều hơn. Chẳng hạn như môt buổi trao đổi với Murray mà nhớ lại tôi vẫn còn
ngượng về sự nôngcạn của mình.
Với Murray Hebiert,
Trung tâm
Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế
(CSIS) Washington |
Cứ như là muốn hỏi ý kiến tôi, Murray đưa ra một
câu hỏi khiến tôi giật mình. Tôi bộc lộ rõ chính kiến và phản ứng tức thì của
mình. Ông im lặng không nói gì thêm rồi lái sang chuyện khác. Thế rồi quãng hơn
tuần lễ sau, ông nhắn cho tôi biết rằng câu chuyện ông nói đã thu xếp xong và
chắc rồi báo chí sẽ đưa tin. Cuộc trò chuyện với Murray để lại trong tôi những
suy tư, dằn vặt về thế sự mà tôi không thể tự dấu mình mà không viết ra “để gió cuốn đi” trong những bài “mênh mông thế sự” sau đó. Những trao đổi
như vậy không nhiều. Mà nhiều hơn là những cuộc gặp các phóng viên quen thuộc
hoặc các quan chức của một vài Đại Sứ quán tại Hà Nôi hoặc Tổng Lãnh sự quán ở
tp Hồ Chí Minh.
Với các quan chức
ĐSQ và TLSQ
Australia |
Gặp
gỡ nhiều trở thành thân quen như Nobuhiro Okuma, trưởng đại diện của Kyodo
Newsv,hay Rose McNonnell, David Skowronski, Nadia Krivets ... những Bí thư
chính trị, Tham tán phụ trách báo chí của Đại sứ quán Australia ở Hà Nội và Tổng
Lãnh sự quán ở tpHCM, những người nhiều lần đến thăm tôi. Có lần họ đem tặng
tôi một gói trà Thái Nguyên với một hộp bánh đậu xanh: “đây là quà Hà Nôi, chúng tôi còn nhớ ông đã mời chúng tôi uống trà và
ăn bánh sen Huế, mà ông nói rằng đáng ra, phải bánh đậu xanh thì hợp hơn”.Chắc
là các nữ quan chức này tế nhị đã “lại quả” chủ nhà!Vì trong một dịp trò chuyện,
tôi đã tặng ba chị những bông sen ướp trà mà chị Phạm Chi Lan mang từ Hà Nôi
vào tặng tôi trong dịp Chi Lan vào công tác tại Sài Gòn.
Đại sứ Anh Antony
Stokes đến thăm
|
Để lại kỷ niệm đậm nét trong mối quan hệ bạn bè là hai ông Đại sứ
Vương quốc Anh, ông Giles Lever vừa nói ở trên và người tiền nhiệm là Đại sứ
Antony Stokes mà tôi đã nhiều dịp tiếp xúc. Khi mãn nhiệm, ông đến thăm và nói
sẽ giới thiệu với Đại sứ kế nhiệm.
Đại
sứ Anh Giles Lever mời ăn sáng tại tư dinh ở Hà Nội. |
Rồi đúng vậy, Giles trở thành người bạn quý
đã nhiều lần đến thăm tôi trong những dịp ông vào Sài Gòn và mấy lần mời tôi đến
tư dinh của ông ăn sáng nói chuyện khi tôi có dịp ra Hà Nội.
Tông Lãnh sự Pháp ở tp HCM, ông Fabrice Mauriès, rồi người kế
nhiệm, ông Emmanuel Ly-Batallan cũng vậy. Đến nhà tôi, Fabrice nói ngay “tôi đến thăm ông với tư cách bạn bè, tôi nhờ
bà Xuân Phượng, bạn của ông, dẫn đến thăm để thoải mái trao đổi những vấn đề mà
tôi biết rằng ông sẽ chia sẻ một cách thẳng thắn”.RồiEmmanuellcũng với cách
nói chân tình và thoải mái như vậy khi đến thăm tôi. Gần đây nhất có dịp trở lại
Sài Gòn nhưng không sắp xếp được thời gian đến chơi, Fabrice nhờ bà Phượngchuyển
lời thăm.
Tổng Lãnh sự Pháp
Fabrice
Mauriès
đến thăm
|
Còn Emmanuell thì hai lần mời tôi đến dùng bữa sáng tại tư dinh, để
quanh ly cà phê có thể nói nhiều chuyện hơn.Trước khi ngồi vào bàn, Emmanuell
hào hứng giới thiệu mấy bức tranh sơn mài của một danh họa Việt Nam được trang
trọng treo chính giữa gian phòng khách, báu vật mà ông tự hào được sở hữu, và
yêu cầu chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm.
Sau cà phê sáng, ông dẫn tôi đi thăm khu vườn của Tổng lãnh sự quán Pháp
mà ông thú vị nhắc đi nhắc lại “không có
cơ quan ngoại giao nào ở Sài Gòn có được một khuôn viên rộng và đẹp như thế”.
Ông lại yêu cầu chụp một tấm ảnh bên cây cổ thụ mà ông cho đây là “sư ưu ái của thiên nhiên dành cho sứ quán
Pháp”.
Tổng Lãnh sự Pháp
Emmanuell
mời ăn
sáng tại tư dinh
ở Sài Gòn
|
Đương nhiên, không phải mọi quan điểm
đều được đồng tình chia sẻ. Trao đổi thân mật song không phải tất cả đều được
nhất trí. Tôi nhớ có một câu hỏi liên quan đến vấn đề mà Murray Hiebert trao đổi
tôi vừa nói ở trên, sau đó mấy tháng tôi đưa ra một nhận định riêng từ góc độ của
một người nghiên cứu cứ tạm gọi là “trong cuộc” để hỏi ý kiến của một vài nhà
ngoại giao có quan hệ thân tình thì mỗi người có kiến giải riêng. Chẳng hạn như
Giles thì phân vân và nói thẳng rắng ông không cho là như vậy, song Emanuelle
thì lại khác. Ông đặt ly cà phê đang cầm trên tay xuống bàn và chìa sang bắt
tay tôi ngồi đối diện “tôi tán thành 100%
với cách lý giải của ông”, ánh mắt ông nhìn tôi rất hóm!
Với ông Nobuhiro Okuma
trưởng
đại diện của Kyodo
Newsv đến trao đổi.
|
Từ
những góc nhìn khác nhau ấy, là bè bạn nhưng những bạn đến thăm tôi là các nhà
ngoại giao, họ phải giữ đúng những nguyên tắc phát ngôn trong những vấn đề được
đề cập, mà tôi thì muốn nghe họ trình bày nhiều hơn là tôi nói, nên tôi đặt ra
khá nhiều câu hỏi. Có nhiều câu hỏi của tôi, họ cũng chỉ tế nhị mỉm cười tránh
né. Và tôi, đương nhiên cũng vậy thôi! Thắng thắn nói ra những suy nghĩ, những
nhận định cá nhân và chịu trách nhiệm về những điều mình nói nhằm mục đích làm
cho bạn hiểu thêm tình hình mà họ đã chứng kiến để có thể có những đóng góp
tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước mình, nhưng cũng không thể tùy
tiện nói ra những điều chưa thể nói hoặc không nên nói.Tôi hiểu họ đến với tôi
vì muốn nghe những nhận định có trách nhiệm của một người có chút ít hiểu biết
và cũng đã có nhiều dịp tiếp xúc với các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu hoặc
nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi của Pháp, của Mỹ, của Đức, của Australia, của
Nga, của Tiệp v.v…
Giáo sư Carl Thayer |
Có một chuyện vui vui cách đây cũng đã
20 năm mà mấy người bạn nước ngoài vừa cười vừa kể cho tôi nghe lời “nhắn nhủ”
của Carl Thayer,một người Mỹ sống ở Australia, giáo sư của Học Viện Quốc phòng
Ausralia, một chuyên gia am hiểu về Việt Nam: “Các anh đến Hà Nội muốn la cà đường phố để ăn món ngon lại rẻ thì cứ
tìm Tương Lai”. Duyên do là quãng năm 1989 tôi sang dự Hội thảo khoa học ở
ANU (Australian
National
University) tại Canbera, C.Thayer lúc đó là Chủ tịch Hội Úc-Việt Hữu nghị có mời
tôi về nhà ăn cơm với vợ chồng ông ấy.Sau đó chúng tôi hay gặp nhau, khi ở Hà Nội,
khi ở Sydney, khi ở Chicago trong những cuộc hội thảo. Mấy lần ông ấy đến Hà Nội
tôi đều mời ông ấy “la cà đường phố Hà Nội”
và ăn tối ở phố Tạ Hiền bên ngách Hàng Buồm rẽ vào. Tôi cũng dẫn ông ta đến ăn
“chí mà phù”, món chè vừng đen đậu xanh, để giới thiệu với chủ quán là anh Phạm
Bằng, một nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội. Thật ra, câu chuyện của Carl Thayer khởi
đầu từ tiến sĩ Terence H. Hull, giáo sư của ANU, một sáng chủ nhật dẫn tôi vào
rừng để ngắm Kangaroo. Sống và làm việc tại Canbera, Terry là người Mỹ đầu tiên
cộng tác với Viện Xã hội học trong một dự án nghiên cứu khoa học. Để “đáp lễ”
việc Terry đã đưa tôi vào rừng xem Kangaroo trong một ngày chủ nhật của anh,
khi anh sang Hà Nôi, tôi đã đưa Terry lên thăm chùa Tây Phương. Tại đây, chúng tôi đã hoàn thiện văn bản dự
án Nghiên cứu khoa học với sự tài trợ của UNDP và ANU tại sân chùa, sau khi đã vãn
cảnh chùa và giới thiệu với nhà khoa học Mỹ về những bức tượng gỗ rất đẹp tạc “các vị La hán”.Terry đặc biệt ấn tượng với
bức tượng “sư tổ La Hầu Đa Đa”, được
xem là bức tượng gỗ đẹp nhất trong 18 bức tượng ở đây, có “đôi tai rộng dài ngang gối, cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn” [Thơ
Huy Cận].
Với Terence H. Hull
giáo
sư của ANU
|
Tôi muốn qua chuyến vãn cảnh chùa mà giới thiệu
về đôi nét văn hóa Việt Nam, chắc Terry có kể lại với Thayer. Tôi rất biết ơn
Terry vì anh là nhà khoa học về dân số học đã có công đào tạo nhiều chuyên gia
về dân số học không chỉ của Ủy ban KHXHVN mà của Trường Đại học Kinh tế Quốc
dân Hà Nôi, Ủy ban Dân số, Bộ Lao Động.v.v…của Việt Nam, chắc các anh Trần Tiến
Đức, Nguyễn Đình Cử còn nhớ rõ. Tôi hết sức trân trọng phong cách làm việc, sự
chu đáo nhiệt tình và rất hiệu quả trong việc huấn luyện, từ lý thuyết đến đi
điền dã từ bắc vào nam với các cán bộ trẻ nay đã là nhữngchuyên gia hàng đầu về
dân số học, một bộ môn khoa họccòn khá mới nhưng hết sức cần thiết với Việt
Nam.
Ông bà Charles
Hirschman đến
thăm
|
Nhưng
đã nói về Terry, phải nói ngay đến giáo sư Charles Hirschman, người mở đường tiếp
nhận và giúp đỡ đào tạo nhiều tiến sĩ Xã hội học cho ngành khoa học còn non trẻ
này cho đến hôm nay vẫn còn tiếp tục. Tháng 6. 2017 hai ông bà Charly còn thân
tình đến nhà thăm tôi và vui mừng kể rằng anh ấy rất ngạc nhiên và thú vị đã đọc
bài “Vietnam’s
Angry Feet” của tôi trên The NewYork
Times ngày 6/6/2013. Charly xúc động khi nghe tôi gợi lại hình ảnh cụ
thân sinh của anh đã dành cho tôi tình cảm nồng ấm ra sao trong dịp tôi đến nhà
anh chị ở Seatle cách nay đã 20 năm. Tôi hỏi thăm và Charly nhắc đến nhiều nhà
khoa học Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Australia, Đức, Indonesia, Thailantừng đến làm
việc với Viện tôi và có nhắc đến tôi. Tôi hỏi Charly về Benedict Kerkvliet vì tôi nhiều lần nhận
được email của ông ấy, Charly cười mà rằng ông đã quên hết tiếng Việt chứ không
được như Ben. Và rồi anh tỏ ý tiếc do tôi thôi Viện trưởng mà kế hoạch thực hiện
cuộc khảo sát XHH [panel survey] cùng tiến hành với anh ở mấy tỉnh Đồng bằng
Sông Hồng dạo ấy bị bỏ dở vào năm 1998, một năm sau ngày tôi từ chức, “chứ nếu tiếp tục thì chắc tôi không quên tiếng
Việt như bây giờ”. Tôi hiểu rằng ông bạn tôi chẳng ngụ ý trách móc gì nhưng
cũng chỉ biết xin lỗi mà không thể nói gì khác về quyết định chẳng đặng đừng ấy
được.
Giáo sư Benedict
Kerkvliet
|
May
thay, dạo tháng 3 vừa rôi tôi nhận được email của giáo sư Benedict Kerkvliet.Qua thư,
tôi biết ông ấy đã biết, đã hiểu quyết định của tôi, điều ấy đem đến cho tôi một
niềm vui lớn. Trước đó, tôi đã vui mừng đọc được bài viết của Ben trên REFORM and DEVELOPMENT [Đổi mới và Phát
triển]về “Phong trào dân chủ hóa ở Việt
Nam”. Đặc biệt thú vị là trong Hội thảo “Vietnam Update 2013: Góc nhìn học thuật về xã hội Việt Nam đương đại”
tại Canbera, tôi thật mừng khi thấy trong tham luận của Benedict Kerkvliet những ý tưởngsâu sắc mà tôi
rất quan tâm từ góc nhìn học thuật về
xung đột quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam để“giải
thích vì sao người dân bị mất đất đứng dậy phản đối, khiếu kiện hàng loạt, dẫn
đến những cuộc trấn áp có tính bạo lực thời gian qua” như tác giả viết.Bằng
những trải nghiệm phong phú từ những nghiên cứu nghiêm túc tại nhiều nước Đông
Nam Á, trong đó có Việt Nam,vị giáo sư xã hội học từng trải này đã xây dựng
được một hệ thống khái niệm làm sáng tỏ những lực cản và những động lực
thúc đẩy của nông thôn và nông dân trong quá trình phát triển xã hội.
Đây là những vấn đề mà là người nghiên cứu, tôi đặc biệt quan tâm khi thực hiện
những công trình về nông thôn và người nông dân Việt Nam trước đây, nhất là
trong khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình năm 1997, và trước đó là những
nghiên cứu nông thôn đồng bằng sông Hồng với sự giúp đỡ của Charles Hirschman,rồi
gần đây là những suy ngẫm về sự kiện Đồng
Tâm , Mỹ Đức Hà Nôi, một bước ngoặt thật ngoạn mục của cuộc chiến đấu giữ đất,
dẫn tới những xung đột, những khiếu kiện kéo dài của dân oan trên khắp cả nước
trước bạo quyền.
Những công trình của Benedict
Kerkvliettừng
góp phần đặt nền móng cho ngành Việt Nam học ở Australia và các
nước trong vùng đã có nhiều gợi ý bổ ích cho ngành xã hội học còn non trẻ của
Việt Nam khi thực hiện những nghiên cứu về nông thôn. Thời điểm của những biến
động xã hội mà tâm điểm là những xung đột xoáy quanh cuộc chiến đấu giữ đất, vấn
đề sống còn của người nông dân trong trường kỳ lịch sử cũng chính là thời điểm
mà những người nghiên cứu về khoa học xã hội, đặc biệt là các nhà xã hội học
tâm huyết muốn góp phần vào sự phát triển xã hội phải biết vận dụng những tri
thức khoa học đích thực vào thực tiễn sống động đang diễn ra, chứ không phải là
những rao giảng lảm nhảm từ những giáo trình đã mốc meo với những giáo điều chắp
vá từng làm mụ mị đầu óc bao người. Đáng tiếc là còn quá hiếm những nghiên cứu
xã hội học như vậy nếu chưa muốn nói là chưa có và chưa dám có. Hay là có rồi
mà tôi quá lạc hậu không tiếp cận được chăng, mong là được như thế! Cái gọi là
“khoa học xã hội”, đặc biệt là “xã hội học” của ta còn tụt hậu quá xa so với
khu vực và thế giới. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân khiến đất nước
ta lâm vào tình thế đáng buồn như hiện nay?
Trong nỗi niềm day dứt đó, email của Benedict Kerkvliet giục giã
trong tôi nhiều suy tư. Bức thư viết bằng tiếng Việt Ben gửi từ
Honolulu ngày 19.2.2018 khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Xin chép nguyên
văn một đoạn: “Tôi hoàn toàn đồng ý là các bài của anh đã và đang đóng góp
cho cuộc chiến đấu. Nếu anh có thời gian gửi đến tôi chuyên mục
hàng tuần của anh thì rất quý. Xin anh cứ gửi đi nhé. Tôi nhìn
thấy trên blog Dân Quyền bài bình luận "Mênh Mông Thế Sự" của
anh. Bài này cũng có trên các blog khác không? Về cuốn sách tôi đang
làm thì khi nào nó được sản xuất tôi sẽ gửi cho anh”. Thì ra,
những suy tư của một người chỉ ngồi một chỗ đành phải viết ra “để gió cuốn đi” cũng có khi tình cờ rơi
xuống rồi đậu lại một nơi nào đó để gợi tí chút lưu tâm thì cũng đã quá quý!
Để lại ấn tượng sâu đậm mà đến hôm nay
viết lại, tôi vẫn còn bồi hồi về cuộc viếng thăm của Andrej Motyl, Đại sứ Thụy
Sĩ. Đến bằng taxi từ sân bay, ông nói chuyện rất cởi mở, thoải mái tư nhiên như
một người bạn thân quen từ lâu, mặc dầu đấy là lần đầu tiên tôi gặp Andrej.
Nghe tôi nói cũng đã có mấy lần đến Thụy Sĩ, ông hỏi ngay cảm tưởng của tôi về
hồ Genève mà tôi có đi thuyền trên đó, và rồi ông bắt ngay vào chuyện Hiệp định
Genève, Việt Nam bị mấy nước lớn là bạn của mình, ép phải ký chấp nhận vĩ tuyến
17 mà thật ra còn phải hơn thế. Từ chuyện đất nước bị chia cắt và cái giá của sự
nghiệp thống nhất mà Việt Nam phải trả bằng xương máu như thế nào, ông nói về
nước Đức thống nhất ra sao.
Đại sứ Thụy Sĩ Andrej
Motyl đến thăm
|
Nhìn thẳng vào mắt tôi, ông trầm giọng:
“Tôi hiểu nỗi đau và sự phẫn nộ trong
anh, tôi chia sẻ với cuộc đấu tranh không mệt mỏi của anh chống lại kẻ thù cướp
nước như
hàng ngàn năm cha ông của anh đã phải
làm”. Andrej hào hứng phát triển thêm ý
tưởng mà một vài người bạn trí thức Việt Nam ở nước ngoài am hiểu thời cuộc từng
gợi ra, nay tôi muốn biết ý kiến của ông. Ông trầm ngâm một lúc rồi thẳng thắn
trình bày: “Do vị thế địa chính trị gắn với
lịch sự hình thành của Liên bang Thụy Sĩ, nước chúng tôi có một vai trò nào đó
có thể nói là “trung gian” mà chúng tôi tự hào vì nó trong một thế giới dữ dằn
và đầy biến đông. Nhưng dân số Thụy Sĩ ít hơn Việt Nam đến mười mấy lần, lịch sử
hình thành của đất nước các bạn lại hết sức độc đáo.Trong đó, truyền thống quật
cường đã làm cho dân tộc của các bạn tồn tại và phát triển suốt mấy ngàn năm lịch
sử trước nanh vuốt của kẻ thù. Chính vì thế, với vị trí địa-chính trị đặc biệt
trong các nước Đông Nam Á nói riêng và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như
trong bối cảnh của thế giới hiện nay nói chung, có lẽ những người trí thức
trong nước như các anh, chứ không chỉ người đang ở nước ngoài, phải nghĩ đến một
vai trò của Việt Nam mà khó có nước nào trong ASEAN thuận lợi hơn....”.
Cuộc chuyện trò với vị Đại sứ Thụy Sĩ
gợi lên trong tôi những khắc khoải suy
tư về một tầm nhìn mới của những cái đầu biết vượt lên khỏi những luẩn quẩn, hạn
hẹp trong toan tính thực dụng, không chỉ tìm cách tồn tại đợi thời, mà dám đưa
ra những ý tưởng mới, cho dù biết cái giá phải trả.Để làm gì? Để chọc thủng lớp
sương mù dày đặc nhằm mở ra một hướng đột phá không phải là không thể. Dù rằng,
như ai đó đau đớn thốt ra, vận nước đang suy nên chỉ nảy nòi ra một lũ bất tài
vô tướng chỉ biết “ăn không chừa một thứ
gì” đang đẩy đất nước vào cái thế hiểm nghèo. Trong tai tôi như vẫn ong ong lời nói của chị H, giám đốc một Công ty có
nhiều mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài “trong bữa cơm thân mật, một bạn Pháp nói vui :“đất nước của các vị đẹp
tuyệt vời, cái gì cũng có, chỉ thiếu một cái đầu”, tôi nghẹn họng không nuốt được
thìa xúp!”. Mấy anh em chúng tôi đến thăm anh N, chồng chị H đang nằm viện,
mặt cứ thuỗng ra không nói được gì. Tôi cáo lỗi ra về trước, chị H sợ tôi mệt đứng
dậy đưa tôi ra xe. Nặng nề nhấc từng bước trong khắc khoải những niên man dằn vặt
về câu nói vô tình của người nước ngoài kia, tôi vừa giận vừa đau, mà thật ra họ
nói đâu có sai!
Đại sứ Thụy Sĩ Andrej
Motyl đến thăm
|
Thoáng
thấy tôi đột nhiên trở nên đăm chiêu, ông Đại sứ nhìn đồng hồ rồi đưa tay vỗ nhẹ
vào vai tôi đứng dậy: “thôi, tôi phải đi
không thì lỡ chuyến bay, mặc dầu trà của ông rất ngon, tôi còn muốn uống nữa”.
Ông kín đáo cười, lại ngồi xuống uống tiếp chén trà, vỗ vỗ vào cái ghế: “nếu trễ máy bay thì tôi sẽ quay lại và ngủ
trên cái ghế dài này, chắc ông không đuổi tôi chứ”. Ông cười hồn nhiên,
khoáng đạt. Đúng là nụ cười bè bạn. Tiễn ông xuống đường, đã mở cửa taxi ông
còn quay lại ôm chặt tôi “hy vọng còn có
dịp gặp lại để nói chuyện được nhiều hơn”.Rồi tôi sẽ nói với ông những gì
đây khi gặp lại sau những gợi ý chân thành của một nhà ngoại giao lịch lãm và
thẳng thắn. Còn quá nhiều điều để mà suy
nghĩ, để mà dằn vặt, để mà trĩu nặng suy tư về những gì đang
phải chứng kiến “Giữa mùa phản phúc, Tối
đen tù ngục, Suối đã đục dòng, Chỉ lệ còn trong”, để mà dồn hết sức tàn lực kiệt cho điều tôi ghi vào đầu trang như một
đề từ cho cuốn sách “Mênh mông thế sự để
gió cuốn đi 2017”của tôi gửi tặng bạn bè : “Những gì ta yêu phải cứu thoát ra
Tự mình ta, tự mình ta”.
[Louis Aragon]
Sài Gòn ngày 7.4.2018