Tương Lai
Rồi cũng phải có tin vui chứ! Từ Đồng Tâm, Nguyễn
Quang A điện thoại cho tôi “Anh nói chuyện với cụ Kình nhé”. Giọng
trầm ấm của vị lão nông cùng một tuổi Bính Tý khiến tôi có cảm giác là đã quen
nhau từ lâu lắm. Mới hôm nào nhận được tin vui từ anh Nguyễn
Đăng Quang: “bà con Đồng
Tâm vừa tổ chức ngày hội mừng chuyện đất đai đã sáng tỏ sau khi bộ đội đào hào
xây tường ngăn đất quốc phòng và đất Đồng Sênh của dân bấy nay bị một lớp mây mù
tráo trở bao phủ” nay lại được nghe chính người dẫn đầu
cuộc đấu tranh đi tới thắng lợi ấy nói qua điện thoại thì còn nỗi vui nào sánh bằng.
Hà Nội chính thức công bố thanh tra đất Đồng Tâm: “Kết luận thanh tra nêu rõ toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”. VTC News, VietNamNet 7.7.201 |
Cuộc họp của dân làng mừng thắng lợi bước đầu tại Đồng Tâm |
Trở lại với buổi người dân Đồng Tâm họp mặt tại thôn Hoành với những lời gan ruột của cụ Kình, lão nông 83 tuồi đời, 57 tuổi Đảng đã mở đầu bài
phát biểu bằng cách nhắc lại lịch sử ngôi đình thôn Hoành, nơi đây thờ “hai vị đại vương Cao Quý Minh, Cao Quý Sơn dẫn nghĩa binh từ
Thanh Hóa kéo ra dừng chân ở Thượng Lâm cách nay đã mấy trăm năm chuẩn bị vượt sông Ba Thá,
tuyển mộ thêm được 43 trai làng cùng hành quân ra Thăng Long đánh giặc”. Tiếp đó Cụ nhắc lại chặng đường bi hùng của dân
làng trong hai cuộc kháng chiến, kể rõ bao nhiêu liệt sĩ, bao nhiêu bà mẹ Việt
Nam anh hùng, có bao nhiêu huân chương được trao tặng như thế nào. Cụ kể tỉ mỉ và gẫy gọn
tiến trình dân làng chấp hành việc giao đất làm công trình quốc phòng và sân bay Miếu Môn ra
sao. Tiếp đó là kế hoạch cướp đất được những người nắm quyền trong tay dàn dựng bẩn thỉu như thế nào khiến dân Đồng Tâm phải quyết liệt chiến đấu
giữ đất, dẫn đến bản cam kết ba điểm có điểm chỉ của Chủ tinh UBNDTP Hà Nôi và
xác nhận đại biểu Quốc hội giữa thanh thiên bạch nhật trước bà con dân làng để rồi sau đó là sự lật lọng của ông Chủ thịch
Hà Nôi Nguyễn Đức Chung đáng xấu hổ ra sao. Vị lão nông 83 tuồi đời, 55 tuổi đảng đó nói
có sách mách có chứng, vanh vách kể ra từng sự kiện, từng con số, từng thước đất đã bị lấn chiếm
rồi dàn dựng để cướp trắng của dân ra sao. Mà là Cụ nói giữa bà con dân làng.
Người ta giở trò bẩn cắt điện để hạn chế bớt sức vang xa tiếng nói của
công lý và ý chí của dân làng, nhưng cũng đủ sợ để
không dám giở trò thô bạo tại đây như việc xua một lũ ngợm
ra “nhảy đầm” hay đem đá ra cưa trước tượng Lý Thải Tổ để phá cuộc tưởng niệm
các chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược dạo nào. Chiêu
bẩn cắt điện thì bị vô hiệu hóa ngay, bà con thôn Hoành
đã chuẩn bị đủ máy phát điện. Và tiếng nói của công lý, của ý dân, càng vang xa
hơn trên cái nền của
của sự ngu muội và quá lúng túng như gà mắc tóc của một chính quyền bất chính.
Thế là cái màn diễn chuyên nghiệp của những kẻ “đã đi làm đĩ lại toan cáo làng” phá sản hoàn toàn trước sức mạnh của dân Đồng Tâm biết
rõ chân lý
thuộc về mình.
Nhóm trí thức về thăm bà con Đồng Tâm đến tận
mép hào được đào để xây
tường làm mốc giới phân cách “đất quốc phòng” và “đất canh tác” tại Đồng Sênh của dân từng có. |
Cũng trong mạch ý ấy, tuy có dài dòng một chút nhưng để cố gắng lý giải chiều sâu của sự kiện, tôi đành phải mượn lời của Hegel khi bàn về biện chứng của lịch sử, trong đó đã đưa ra luận điểm độc đáo: “ác là hình thức, trong đó biểu hiện động lực của sự phát triển lịch sử”.
Tôi hiểu ý của nhà triết học Đức theo nghĩa lịch sử luôn là sự vận động
trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực thúc đẩy sự phát triển. Trong hợp lực đó luôn hàm chứa những
lực kìm hãm. Cuộc giằng co triền miên và gay gắt giữa đẩy tới và kéo lùi này xuyên suốt tiến trình
phát triển của lịch sử. Phải chăng đó là cái mà tôi tạm gọi là sự “trái khoáy”
của lịch sử trong tiến trình “cái biết đang trở thành”, luôn phải
trải qua những khúc khuỷu gập ghềnh, với ngập tràn bi thương, vô vàn tàn nhẫn
và đầy rẫy nghịch lý! Thì chẳng phải dòng sông cuộc sống
luôn phải trải qua biết bao thác ghềnh, thậm chí có quãng dường như chảy ngược,
trước khi xuôi về biển cả đó sao? Chẳng những thế, cũng theo Hegel, mỗi bước tiến
mới luôn là một sự lăng nhục đối với cái hiện tồn đang ngự trị, một cuộc nổi loạn
chống lại cái trật tự cũ đang suy đồi ấy nhưng được tập quán thần thánh hóa. Những
kẻ đang khát khao quyền lực sẽ bằng mọi thủ đoạn để khai thác và duy trì cái quán tính của thói quen ấy trong khối người ít hiểu biết mà sự tác động của “lây nhiễm” là thật khó lường, điều mà người viết bài này đã nhiều lần báo động: “chính bằng cơ chế lây nhiễm
[là chủ yếu] chứ không phải [chủ yếu] là cơ chế suy luận, mà
những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá”! “Mênh mông
thế sự để gió cuốn đi. 2017”, tr.158]. Trong bối cảnh hiện nay khi một bộ máy tuyên truyền được huy động tối đa, cho dù có lúc trống đánh xuôi kèn thổi ngược_ vì chủ trương, chỉ thị nghị
quyết đến cách chỉ đạo thực hiện đều rối như canh hẹ. Họ kêu ca là “trên
nóng dưới lạnh”, nhưng khi “nhà dột từ nóc”, “thượng bất chính hạ tắc loạn”
nóng lạnh từ trên hay ở dưới đều thì
có gì làm điều?
Tuy nhiên do các loa cài đặt sẵn được mở hết công suất nên cho dù đầu óc con người đã bị
bão hòa vẫn không thể không chịu tác động của cái gọi là “khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng”[nt].Có điều đó bởi vì, “đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng
ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị, đặc biệt là trong những biến động lớn, tiếng
kêu la của những kẻ vụ lợi, hoạt đầu thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước” [Alexander
Hamilton]. Không quá hiếm những kẻ xênh xang nơi “cửa quyền, nhiều hiểm hóc”, hay chọn “con đường lợi, cực quanh
co” mà Nguyễn Trãi từng điểm mặt chỉ tên [“Tỏ chí mình”, bài số 19] thường vẫn lúc nhúc chốn quan trường cuối cùng rồi cũng bị ném vào sọt rác của lịch sử, nhưng
trước lúc đó, chúng vẫn là thế lực
nguy hiểm đủ sức kìm hãm bước tiến của lịch sử. Đó là bi kịch mang tính quy luật trên con đường đi tới .
Cái giá phải trả cho việc nhận ra được quy luật tàn nhẫn
đó để biết vận dụng nó ra sao lại là cả một “đại vấn đề”, trong phạm vi bài viết này chưa thể nói thêm gì ngoài việc dẫn tiếp khuyến nghị của Hegel với giới trẻ “còn
đủ dũng khí để kêu đòi chân lý”, ông không yêu cầu gì nơi họ ngoài “lòng tin vào khoa học, lòng tin vào lý tính, lòng tin
vào chính mình”. Bởi vì, “cái bản chất khép kín của
vũ trụ không có lực nội tại nào để chống cự lại nỗi dũng khí của sự nhận thức: vũ trụ phải tự khai mở trước nhận thức…[ diễn văn ngày 22.10.1818 tại Berlin], để hướng
lời kêu gọi của mình đến giới trẻ, những người “còn có trái tim mạnh khỏe,
còn có đủ dũng khí để kêu đòi chân lý”[G.W.F. Hegel “Hiện tượng học tinh thần”. Bùi Văn Nam Sơn
dịch và chú giải. NXBVăn học.2006, tr XXIII, tr. LII]. Tôi muốn đặc biệt
lưu ý thêm rằng, không những phải có “lòng
tin vào chính mình”, có đủ dũng khí để kêu đòi chân lý mà
còn là dũng khí để tin chắc rằng chân lý sẽ chiến thắng. Đây cũng
là hiện tượng mang tính quy luật.
Thì chẳng phải chúng ta đang
chứng kiến một sự kiện nóng hổi, minh chứng
sống động về bà
con Đồng Tâm trong cuộc chiến
giữ đất đã làm cho chân lý sáng tỏ, những tráo trở, lừa mị bị vạch mặt đó sao. Có hiểu như vậy
mới cảm nhận được hết chiều sâu và sức lan tỏa của “sự kiện Đồng Tâm”
với một bước đột phá ngoạn mục mà bà con ta ở Đồng Tâm vừa có buổi họp mặt mừng
thắng lợi bước đầu. Trong bài phát biểu của mình không là ngẫu nhiên mà cụ Kình
nhắc lại sự tích “hai vị đại vương”
được thờ tại ngôi đình làng ở thôn Hoành,
nơi dự định tổ chức cuộc họp
nhưng bị cản phá, phải dời sang địa điểm khác. Thế lực hắc ám cản trở bước tiến
của lịch sử làm sao ngăn nổi dòng sông lịch
sử đang cuồn cuộn chảy. Trong dòng chảy ấy, một quá khứ xa với những bước đĩnh đạc khoan
thai đang hòa vào nhịp hối hả sống đông của cái quá
khứ gần chất chứa bao nhiêu uẩn khúc đang dần sáng tỏ trước ánh sáng chân lý.
Và nếu lịch sử là con người nhân với thời gian, thì bằng “sự kiện Đồng Tâm”, thời gian đang phát huy sức mạnh của nó. Cuộc chiến đấu bền bỉ không khoan
nhượng với một bản lĩnh can trường của những người từng “đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” [Nguyễn Đình Thi], người nông dân hiểu rằng, trận chiến giữ đất sẽ còn gian nan, lên thác xuồng ghềnh.
Những trải nghiệm mới trước nanh vuốt của một bộ máy quyền lực bị tha hóa vốn
đầy rẫy những mưu ma chước quỷ tàn độc, muốn giữ được mảnh đất ông cha để lại,
người nông dân không thể “hiền như xưa” được nữa. Dựa vào bạo lực
của thể chế toàn trị phản dân chủ, một thế lực có quyền nhưng bất chính, bất
liêm sẵn sàng lật lọng, trở mặt như những
gì đã diễn ra tại Đồng Tâm. Từ ve vuốt lừa mị nhằm tránh một cuộc
bùng nổ với những phản ứng dây chuyền khó kiểm soát đến hăm dọa, đe nẹt khi tưởng
đã có thể khuất phục được dân, điều mà người viết bài này đã nói đến ngay khi sự việc mới bùng nổ trong nôi dung trả lời một đài nước ngoài cách nay
đúng một năm, ngày 17.4.2017: “Đây là bước phát triển mới chứng tỏ rằng
người dân càng ngày càng hiểu rõ nếu họ gắn bó, quyết tâm đấu tranh thì có thể đẩy lùi bạo lực. Nhưng không phải lúc
nào diễn biến cũng sẽ đơn giản như thế đâu. Sẽ còn nhiều lươn lẹo, mưu mẹo trong chuyện này
lắm. Vì vậy, người dân thừa kinh nghiệm, thừa cảnh
giác để đối phó” [“Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2017”, tr.217].
Làm sao lại có thể “hiền” trong buổi nhiễu nhương này, khi những kẻ “cầm cân nảy mực”
chỉ chăm chăm chặt củi để đốt cho lò
ngày càng nóng lên trong cuộc thanh toán đối thủ. Với cái “lò cừ nung nấu
sự đời” [Nguyễn Gia Thiều] dưới triều đại toàn trị phản dân chủ học mót theo
khuôn mẫu của “Tập hoàng đế” nhằm thực hiện khát vọng quyền
lực, xã hội đang rối như mớ bòng bong. Dân
tình đảo điên trong guồng
máy của chế độ toàn trị phản dân chủ mà quyền
lực gọi quyền lực, quyền lực luôn đòi thêm quyền lực,
quyết mở rộng phạm vi quyền lực, độc chiếm quyền lực. Ai đó nói rằng cái “lò
cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” của thế kỷ
XXI với ông thợ đốt lò “vĩ đại” dở ông dở thằng đang nuôi mộng “trời con”
này có cái gì na ná với cái lò trong bài phú của Giả Nghị, một thi nhân cũng ở
bên Tàu mà trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 32” đã có nói đến :“Thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công” [trời đất như một cái lò,
ông trời như thợ đốt lò] tạm hiểu là: người đời là vật bị ném vào
trong lò tạo hóa tùy tay ông thợ trời nung nấu.
Chỉ có điều, cái ông thợ đốt lò mà cụ Ôn Như Hầu gọi là “trẻ tạo hóa” này lại “đành hanh quá đáng, chết đuối người trên cạn mà chơi”. Ông đốt lò hiện đại chắc chẳng biết Giả Nghị là ai, mà
chỉ biết ông quan thầy họ Tập đang cầm tay chỉ việc để làm cho đất nước tanh bành ra như thế
này khiến “bức tranh vân cẩu” được vẽ ra càng tang thương theo cấp
số nhân chừng nào ông đốt lò còn theo gương thầy Tập nuôi
mộng làm hoàng đế! Nhưng thôi, nói kỹ nữa có khi đổ oan cho “người đốt lò vĩ đại” vốn chỉ do ngẫu hứng mà văng ra chuyện “cái lò” với củi khô, củi tươi không
có trong bài viết sẵn, nào có biết “vi
lô, vi công” là cái chi chi! Vả chăng biết làm gì chỉ tổ làm cho đầu óc càng thêm lú lẫn! Riêng một
chuyện Đồng Tâm thôi cũng đã làm phá sản bao mưu ma chước quỷ mà với định hướng
của ông đốt lò, bao nhiêu quân tướng dưới trướng của ông đã dày công bày mưu tính kế để rồi cuối cũng “bừng con mắt dậy
thấy mình tay không” trước sức quật khởi của người nông dân trong thời đại
internet nối mạng toàn cầu!
Ác một nỗi là trong thời buổi văn minh kỹ thuật số
này, chỉ một trò vặt bẩn thỉu là sách nhiễu những người đến Đồng Tâm thăm cụ Kình nhằm ngăn cản ảnh hưởng của sự kiện Đồng Tâm
lan tỏa trên công luận trong và ngoài nước ngày 21.4.2018, thì ngay tối đó người dân đã đã phát live trên Facebook nêu rõ sự việc, rồi sáng ngày 22.4.2018 cả thế giới đều biết tin qua trả lời phỏng
vấn RFA của tiến sĩ Nguyễn Quang A! Đúng là không một thế lực hắc ám nào “chống
cự lại nỗi dũng khí của sự nhận thức”. Nhận thức ấy được nâng lên và
lan tỏa mạnh mẽ với thành tựu của của cách mạng khoa học, trước hết là công nghệ
thông tin được những người dân Đồng Tâm vận dụng thành thạo một cách đáng ngạc nhiên.
Đây là điều chưa thể có với “sự kiện Thái Bình”
trước đây, nên dù quy
mô bùng nổ đã bục
ra trong toàn tỉnh nhưng sức chấn động của nó thì chưa đủ rộng vì phạm vi lan tỏa của nó còn hạn chế. Với số dân đứng hàng thứ 9 của cả nước mà mật độ dân số thuộc vào loại
cao nhất của đồng bằng Sông Hồng, những cuộc khiếu kiện, biểu tình của nông dân Thái Bình lại diễn ra trên quy mô
toàn tỉnh so với “sự kiện Đồng Tâm” chỉ bùng phát trong một xã với
số dân xấp xỉ 8.647 người, ấy thế mà sức vẫy gọi
lại vang khắp cả nước và đánh động dư luận quốc tế.
Nhà thơ Hoàng Hưng và tiến sĩ Nguyễn Quang A bên méo đường hào vừa đào xong. |
Ts Nguyễn Quang A
trao đổi với cụ Kình tại Đồng Tâm ngày 21.4.2018 |
Đọc bài viết của nhà báo Nguyên Bình, “Đồng Tâm, yêu thương và cảm phục” xúc động kể lại diễn biến chuyến đi thăm bà con Đồng Tâm của nhóm trí thức ngày 21.4.2018, hài hước miêu tả “các ‘thể loại’ cùn lầy như các vị công quyền vẫn thường dùng đối phó với dân Đồng Tâm”, càng thấm thía vì sao người nông dân Đồng Tâm có thể rất mực kiên cường và hết sức thông minh trong việc đối phó với những thủ đoạn lừa mị, tráo trở, vừa trấn áp vừa mua chuộc của cả một bộ máy công quyền bất chính và vô sỉ. Dõi theo những tình tiết sống động miêu tả về những thủ đoạn bẩn thỉu và hết sức ấu trĩ cho thấy một sự hoảng loạn, dấu đầu hở đuôi. Ở đó đã bộc lộ sự bất lực của một bộ máy đàn áp vừa thô bạo vừa miễn cưỡng vì quá biết cái kết cục của những hành động phi pháp sẽ bị dân chửi rủa ra sao, nhưng vì đã trót “ăn cơm chúa phải múa tối ngày” cho dù biết miếng ăn là miếng nhục! Và nếu những rô bốt công cụ của một bộ máy công quyền bất chính vừa hèn hạ vừa ngô nghê bao nhiêu, thì người dân Đồng Tâm, trong đó rất nhiều các bà, các chị lại cực kỳ tinh nhuệ trong các ứng xử đối phó với bạo quyền, chu đáo tận tình với những người cần bảo vệ. Rõ ràng là với những gì đang diễn ra ở một làng quê Việt Nam, ý chí và bản lĩnh, nhận thức và hành động của người nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ngoại thành Hà Nội đánh dấu một bước ngoặt của nông thôn Việt Nam trong bối cảnh của thế kỷ XXI với nền văn minh kỹ thuật số mà lũy tre làng nếu còn phát huy tác dụng thì chỉ có thể là để nuôi dưỡng tinh thần quật khởi, chứ không còn là vật cản che lấp tầm nhìn của người nông dân Đồng Tâm.
Xin gợi lại đây một luận điểm tuyệt vời của nhà dân tộc học Nguyễn
Từ Chi mà tôi đã dùng
làm điểm tựa về mặt lý luận trong phân
tích “Sự kiện Thái Bình” diễn ra cách nay đúng 20 năm để viết trong báo cáo khảo sát gửi đến ông Sáu Dân: “Làng là tế bào của xã hội Việt Nam. Xã hội
Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt
trồng trọt. Hiểu được làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu xã hội Việt
nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động lịch sử của nó, trong
ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện
văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó” để từ luận điểm đó mà đưa
ra một khuyến cáo: “Chúng
ta đang chứng
kiến những phản ứng của làng “trước những hình thái mà
lịch sử đương đại đặt vào nó.
[ Nguyễn Từ Chi “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” – Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, 1996, trang 177].
Những “phản ứng của làng” được hiện diện
trong giai đoạn của “đô thị hóa” và “công nghiệp hóa” với sự nghiệp
“hiện đại hóa” đất nước bởi rất nhiều trạng huống đầy bi kịch. Cái giá
phải trả cho những bước đường chông gai của lịch sử mà từng quốc gia đều trải qua trong sự nghiệt ngã của quy luật vận động và phát
triển, với giai đoạn tích lũy sơ khai của tư bản đầy bùn và máu khỏi cần nhắc lại vì từ sự kiện Đồng Tâm, chúng ta đang chứng kiến “những phản ứng của người
nông dân trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào họ”.
Chuyện đáng nói có lẽ là sự thật trớ trêu về điều mà K. Marx đã từng chỉ ra “Chúng ta đau
khổ không phải vì sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mà đau khổ vì nó còn chưa phát triển đầy đủ” [Tư bản. Quyển 1, tập
1, NXBST. 1973, tr. 33]. Cái ảo tưởng “bỏ qua chủ nghĩa tư bản, tiến thẳng lên CHXH” với cái gọi là “thời
kỳ quá độ” mà những giáo điều mốc meo vẫn đang được rao giảng khắp nơi, từ chốn đô thị phồn
hoa cho đến thôn cùng xóm vắng ở nông thôn, đã dìm đất nước trong tăm tối để rồi xông thẳng vào thời kỳ hoang dã của tích
lũy tư bản! Nhằm đẩy nhanh sự tích lũy của chủ nghĩa tư
bản hoang dã ấy, người ta trắng trợn nhân danh nhà nước “của dân, do
dân và vì dân” để ăn cướp một cách hợp pháp trong một thể chế toàn trị phản dân chủ tồi tệ nhất. Đấy chính là điều mà cụ Marx chưa thể hình dung nổi! Cái “chủ nghĩa” của cụ khi vận vào Việt
Nam qua con đường của các ông Tàu “Maoít” thì với sự tha hóa quyền lực, chúng
đã tạo ra một “giai cấp mới …Hạt nhân vả cơ sở của giai cấp mới
đã hình thành ở bên trong cũng như trên quyền lực của
đảng và bộ máy nhà nước…đảng biến thành một vật trang trí, chỉ kéo vào mình những kẻ hãnh tiến muốn nhập vào giai cấp mới và đẩy
những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra” [“Milovan
Dijlas. “Giai cấp mới”].
Ăn cướp dễ dàng nhất và cũng trắng trợn nhất là ăn cướp đất! Theo số liệu chính thức được
công bố thì 2/3 số khiếu kiện đông người là khiếu kiện về đất đai. Tờ Economist ngày 15.6.2017 cho rằng “đất đai là vấn đề chính
trị lớn ở Việt Nam, nơi mà chính phủ cho phép dân sử dụng đất nhưng lại khẳng định
đất đai thuộc về nhà nước. Bồi thường cho các vụ thu hồi đất thấp hơn nhiều
so với giá thị trường. Các cuộc tham vấn có thể chỉ hời hợt, và tòa án hiếm khi giải quyết khiếu nại. Những
người dân bị mất đất thường khiếu nại về sự thông
đồng giữa các quan
chức địa phương và các nhà phát triển”.
Sự thông đồng ấy lại được bảo kê bởi điều được ghi vào
trong Hiến pháp 1980 “Đât đai thuộc sở hữu toàn dân”. Và rồi,
theo Nguyễn Đình Lộc, "hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất
đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra". Từ sau
1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã
được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn dậm
chân tại chỗ.Tại sao lại kỳ quặc làm vậy? Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp
tục phân tích: “nhiều người không dễ dàng "buông" quy định này,
bởi cơ chế "nhà nước quản lý" mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư”. Đây là điều tôi dẫn ra trong bài viết cách nay đã 10 năm “Người
nông dân và khát vọng đất”. Thế mà mới mấy ngày gần đây, trên mạng dồn
dập tin về chuyện “quan chức và nhà đầu tư” còn trắng trơn hơn gấp bội so với
chuyện mười năm trước. Chỉ liếc qua bài “Té
ra Căng thật” cũng đủ để thấy sự câu kết giữa chính quyền
và nhà đầu tư là trắng trợn cỡ
nào! Đây là chuyện
Trần Ngọc Căng, Chủ tịch Quảng Ngãi ký “công văn hỏa tốc” nhằm ưu ái tập đoàn FLC, thậm chí đã cho dừng cả dự án đồn biên phòng Bình Hải (huyện
Bình Sơn) và trước đó là chuyện Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn khi mà Công viên địa chất Toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu đang
trong quá trình chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO
công nhận sẽ diễn tiến ra sao. Lực hút của đất quả là ghê gớm.
Chẳng thế mà tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Giám đốc Viện Chính sách Pháp luật và Phát triển
trong trả lời BBC ngày 18.4.2018 cho rằng vấn đề đất đai ở Việt Nam ‘mang
tính chất thể chế’ và ‘có ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước”. Còn tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện
Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong một bài viết gửi cho
BBC thì vạch rõ: Quy tắc cơ bản của chủ nghĩa bảo trợ là 'lòng tốt có đi có
lại'. Lợi ích cá nhân vốn là bản chất
của chủ nghĩa bảo trợ, và trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường nó sẽ
mạnh hơn và lấn át các chính sách, quy định hiện hành của đảng và nhà nước. Các lãnh đạo cấp địa phương 'bảo trợ' cho các quan hệ thân
hữu, con cháu, họ hàng, …cán bộ cấp phường bảo kê cho các hàng quán vỉa
hè, các bãi trông xe; các lãnh đạo ngân hàng,
doanh nghiệp nhà nước, và đơn vị công lập được bảo trợ vì lợi ích kinh tế…
Nên chăng từ “sự kiện Đồng Tâm” mà nhớ lại
“sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng”, “sự kiện Đặng Ngọc Viết
ở Thái Bình”, “sự kiện bà Ba Sương ở Cần Thơ” và nhiều vụ việc
“chết đuối người trên cạn mà chơi” khác trong nanh vuốt của thể
chế toàn trị phản dân chủ. Nhớ lại
để mà hiểu thêm bước đột phá trong cuộc chiến giữ đất của người nông dân
xã Đồng Tâm với lão nông Lê Đình Kình, nữ bí thư Nguyễn Thị Lan
và những người nông dân can trường
khác. Xin chỉ dừng lại ở chuyện Thái Bình 1997 và chuyện bà Ba Sương năm 2000.
Trình bày bản “Báo cáo
Thái Bình” với Cố vấn Phạm Văn Đồng, tháng 9.1997. |
Biết tôi vừa hoàn thành bản báo cáo về “Khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình” theo đòi hỏi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cố vấn Phạm Văn Đồng yêu cầu tôi có buổi trình bày và trao đổi với ông. Không đồng tình với kết luận của tôi “chẳng có địch ta nào ở đây cả, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, ông dằn giọng “Không phải là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Phải nói rõ đó là mâu thuẫn giữa nhân dân và những người cầm quyền hư hỏng ức hiếp nhân dân. Nói đúng bản chất của sự việc
thì mới tìm ra giải pháp đúng, hợp lòng
dân. Một nhân dân tốt đến thế như anh
trình bày, thì phải khẳng định như vậy. Phải như vậy mới đề ra giải pháp đúng
được” [Tương
Lai. “Cảm nhận và Suy tư”. trang 90].
Cần nhớ rằng, sự kiện Thái Bình nổ ra vào tháng 6.1997 với quy mô lớn rộng hơn “sự kiện Đồng Tâm” năm 2017 nhiều:
đã có 5 huyện trên 7 huyện thị của tỉnh Thái Bình có khiếu kiện tập
thể, nhiều đoàn từ xã kéo lên trụ sở huyện, nhiều đoàn từ huyện kéo lên tỉnh, nhiều hành vi bạo động
đã bùng nổ và nguy hiểm thay, người ta đã tính đến chuyện điều động quân đội sẵn sàng dập tắt những “âm mưu và hành động phản
cách mạng” dẫn dụ theo bài học
Thiên An Môn mà những “người đồng chí cùng ý thức hệ” đang cổ vũ. Chính trong bối cảnh ấy mà một đầu óc tỉnh
táo như Võ Văn Kiệt cần gấp một cuộc nghiên cứu độc lập để đưa ra những kết luận khách quan. Thế rồi một khảo sát xã hội học được khẩn trương thực hiện. Xin trích ra đây nguyên văn một đoạn trong bản
báo cáo về cuộc khảo sát đó cách nay đúng 20
năm:
Trao đổi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cuộc “Khảo sát xã hội học về tình hình Thái Bình” tháng 6.1997 |
“Nếu khởi đầu từ cấp cơ sở đi lên, thì thật sẽ hết sức ngạc nhiên tại sao người nông dân lại có
thể chịu đựng lâu đến như thế sự mất dân chủ. Trước hết là vấn đề ruộng đất. Nếu việc trả lại ruộng đất cho người nông dân tự quản là nền tảng lớn nhất và sơ khởi cho bất cứ
loại hình dân chủ nào thì hiện thực ở Thái Bình là, người nông dân thường
không biết được thật chính xác số đất họ có và với số đất
đó họ phải nộp những khoản gì,
bao nhiêu và trên văn bản nào. Tất cả đã được tính sẵn trong một quyển sổ bởi ai đó và hộ gia đình ở nhiều nơi không được giữ quyển sổ đó, mà là do trưởng
xóm giữ. Chẳng thế mà sau những sự biến, ở nhiều nơi cán bộ xã (có thể dưới sự chỉ đạo của cấp trên) đã lẳng lặng đến tuyên bố hoặc gạch bỏ những khoản mục
mà dân phải đóng góp và đã được ghi vào sổ. Bà con kháo nhau, nếu cứ đà này thì vài năm là chúng ta có thể giàu! Bằng những chuyện thật mà cứ tưởng như đùa này,
quyền làm chủ đất đai, ước mơ nghìn đời của người nông dân trên thực tế đã bị vi phạm nghiêm trọng và khiến
cho mọi sự bàn cãi về thành tích dân chủ của một nông thôn mới quả là một điều
xa xỉ…”!
Tương Lai tại hiện trường giả do lãnh đạo xã An Ninh dựng lên để vu vạ cho dân. Người đứng giữa là Phó Chủ tịch xã, bên cạnh là một cán bộ khoa học của Viện Xã hội học tham gia cuộc khảo sát XHH. |
Di bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Sẽ càng hiểu rõ hơn những điều vừa trình bày nếu nhớ lại “sự
kiện bà Ba Sương” ở nông
trường Sông Hậu, Cần Thơ năm 2008. Trong bài “Lực hút của đất” viết
vào tháng 12 năm 2011, tôi đã dẫn ra ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
trong bức thư ông gửi cho thành ủy Cần Thơ một tháng trước khi ông qua đời cách đây đúng 10
năm: “Tôi biết đây là ý
của các đồng chí chứ không
phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]”. Ông chỉ rõ : “Bà đã có những đóng
góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”.
Bà Ba Sương trước
“vành móng ngựa” với tội danh biển thủ 9 tỷ đồng và lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. |
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
và anh hùng lao đông Trần Ngọc Hoằng, cha của bà Ba Sương, nguyên Chủ tịch Nông trường Sông Hậu |
Vậy là, chìm sâu bên dưới những hiện tượng về đụng độ
xoay quanh chuyện đất đai là cuộc giằng co quyết liệt
giữa tư duy đổi mới và thế lực bảo thủ kiên trì cái mô hình đã kìm hãm sự phát triển của đất nước mà cuộc “Đổi Mới” với Đại hội VI chỉ mới gióng lên hồi chuông giục giã nhưng rồi tiếng kèn
xung trận lại ngập ngừng tùy theo toan tính và tầm vóc của người nhạc trưởng.
Và cuối cùng thì tịt ngóm với câu chuyện Thành Đô, “mở
đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai” như Nguyễn Cơ Thạch, một đầu óc
sáng láng hiểu quá rõ âm mưu và thủ đoạn của người “đồng chí cũng ý thức hệ”
với Nguyễn Văn Linh và những người cũng hội cũng thuyền nối nghiệp.
Một khi cái mô hình đã phá sản với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu vẫn
còn được lải nhải rao giảng trong các tường đảng, các sách báo chính thống,
trên mạng lưới tuyên giáo và truyền thông đại chúng,
trong đó “đất đai là sở hữu toàn dân” được xem là một chỉ
báo của sự kiên định, thì vấn đề nông dân với ruộng đất, khát vọng bao đời của họ sẽ còn đối diện với
những thách đố gay gắt, tiềm ẩn những bùng nổ ngày càng gay gắt.
Điều cảnh báo của Phạm Văn Đồng,
sự nung nấu của bộ óc tỉnh táo Võ Văn
Kiệt, nỗi suy tư của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp vốn là tác giả của “Vấn đề dân cày” đều chìm vào trong
quên lãng. Đấy là tôi chỉ nhắc lại trong mối quan hệ hạn hẹp tôi có dịp tiếp
xúc để trình bày, trao đổi về vấn đề nông dân và nỗi khát vọng bao đời của họ. Còn biết bao những người khác vốn nặng
lòng với sự nghiệp
của đất nước đã dành mối ưu tư cho vấn đề
rộng lớn và bức xúc này đang phải
đương đầu với những thế lực hắc ám quyết bám chặt cái mô hình tệ hại từng dìm đất nước vào tăm tối,
lạc hậu và ngày càng bung bét, nhằm giữ bằng được cái ghế quyền lực vừa giành giật được trong cuộc tranh bá đồ vương tàn khốc.
Nhóm trí thức về thăm
bà con Đồng Tâm, công an phải trả lại tự do sau khi “thẩm vấn”. |
Dạo ấy, sau “Báo cáo khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình”, trong một lần tôi được mời
họp Chi ủy với tư cách
là một Viện trưởng và cũng là chi ủy viên. Thật bất
ngờ khi Bí thư Chi bô, môt Phó Viện trưởng và là bạn thân của
tôi, tuyên bố là tôi “phải kiểm điểm vì đã nói xấu Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh”. Duyên do là trong một sinh hoạt khoa học, tôi có phát biểu về một câu
nói thời thượng của ông Nguyễn Văn Linh đang được tung hô rất dữ: “phải tự
cứu mình trước khi trời cứu”. Theo tôi, câu đó
đúng là “cởi trói cho văn nghệ sĩ đang bị o ép và trói buộc, mất tự do
sáng tác, vì câu đó được nói trong cuộc gặp văn nghệ
sĩ. Thế nhưng, trên cương vị Tổng Bí thư, thì câu nói trên e không thật chuẩn vì nghĩ kỹ ra nó có
hơi hướng của “chủ
nghĩa dây túy”. Tranh luận khá gay gắt nhưng không bẻ gãy được lập luận tôi đưa ra. Cuối cũng, bí thư yêu cầu phải biểu quyết. Tôi
hỏi “biếu quyết về cái gì”. Được trả lời là biểu quyết là “Viện
trưởng chống lại tư
tưởng của Tổng Bí thư”! Mà biểu quyết thì
chắc chắn tôi là thiểu số. Quả như thế, 3/5 số phiếu. Thật ra, đây chỉ là “khúc dạo
đầu” [prélude] được thực hiện một cách ngô nghê.
Bản “giao hưởng” không êm ái tiếp theo là tôi bị
quy là gián điệp, là tay sai của thế lực nước ngoài vì đã bán bí mật quốc gia, cụ thể là bán bản “Báo
cáo Khảo sát Xã hội học về Thái Bình” cho CIA. Ông uy viên TƯ Đảng đang là thủ
trưởng cơ quan của tôi quay ngoắt 1800 , từ chỗ hứa sẽ làm sáng tỏ sự vu khống
bẩn thỉu đến chỗ “Án tại hồ sơ, em cũng chịu thôi bác ạ”. Câu chuyện
bi hài này chỉ chấm dứt khi cụ Phạm Văn Đồng tuyên bố công khai “cùng chịu trách
nhiệm với Tương Lai về bản Báo cáo Thái Bình và về việc tiếp tục thực hiện cuộc nghiên cứu này”
[Tương Lai. “Cảm nhận và Suy tư”,
tr.105]. Chán ngán trước những
toan tính bẩn thỉu và sự dàn dựng quá ngu xuẩn, tôi tuyên bố từ chức Viện trưởng vì “không thể và không đáng cộng tác với ĐHN,
một ủy viên trung ương đang là thủ trưởng trực tiếp của tôi”. Khi tôi đọc lời
tuyên bố thì câu trên được anh Việt Phương khuyên
là nên sửa mấy từ “không đáng để cộng tác” thành “để tránh
những đụng độ không cần thiết”. Có lẽ vì cử chỉ ôn hòa ấy mà một thời
gian sau, khi từ Hà Nội bay vào Sài Gòn trao tấm huân chương lao động hạng nhất cho tôi để
rồi tôi nhét dưới đáy ngăn kéo tủ cho đến tận nay, ĐHN tay bắt mặt mừng như
không hề có chuyện gì xảy ra! Còn chuyện “tiếp tục thực hiện cuộc nghiên
cứu này” theo yêu cầu của Phạm Văn Đồng thì lại là một chuyện bi hài khác mà tôi miễn kể ra đây vì nó dài dòng quá. Chỉ xin nhắc môt kỷ
niệm nhỏ để biểu tỏ sự trân trọng đối
với ông bạn đã quá cố, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nguyên là tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị giải quyết vụ Thái Bình do ông Phạm Thế Duyệt,
thường trực của Thường
vụ Bộ Chính trị lúc đó làm tổ trưởng.
Anh Nguyễn Công Tạn đã dành gần nửa buổi trao đổi và
kín đáo nhắc nhở tôi khi biết tôi hăng hái thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về khảo sát khoa học độc lập và đưa ra kết
luận trái với chiều hướng
kết luận của Bộ Chính trị. Nguyễn
Công Tạn lưu ý tôi nhiều điều nhưng
do “ngu lâu” nên tôi không chú ý đến những
khuyến cáo đầy thiện chí của anh, vì nếu làm như thế sẽ
khó có được cái “Báo cáo” khách quan và trung thực như tôi đã hoàn thành. Khi nghe tôi gặp nạn, anh Tạn đã gọi điện
động viên và cho biết sẽ làm những gì anh ấy có thể. Anh làm những gì, tôi
không được biết, nhưng câu chuyện giữa anh với tôi tại gian phòng hẹp phía sau
phòng làm việc của Phó Thủ tướng chỉ đủ kê một chiếc giường vải gấp lại được mở ra
khi nghỉ trưa, một chiếc nghế ngồi và chiếc bàn nhỏ đủ đặt một bộ ấm trà và chiếc
điếu cày hôm ấy mãi là một kỷ niệm đẹp, gợi nhớ trong tôi bài học đường đời với câu nói chân
thành của anh: “cậu chưa thấy hết và chưa đủ kinh nghiệm
đối phó với những toan tính của người ta đâu”.
Về sau này, nối kết những mảnh ghép của cuộc sống, tôi lờ mờ hiểu ra rằng tôi chỉ là con tốt
đen trên bàn cờ chính trị mà ông Sáu Dân là mục tiêu triệt hạ của người nắm quyền lực
cao nhất. Phải triệt hạ vì sau Lê
Duẩn, Võ Văn Kiệt là người quyết liệt và tỉnh táo vạch rõ tham vọng đen tối của ông bạn láng giềng “cùng
chung ý thức hệ” với những người gắn kết với mật ước Thành Đô. Và rồi Phạm Văn Đồng,
người cứu tôi khỏi những mưu toan đen tối cũng chính là người bị đưa vào cái bẫy tệ hại ấy từng công khai vạch rõ “đã
hớ, đã dại rồi mà còn nói đặt sự nhiệp cách mạng lên trênn hết...Người lãnh đạo không nên làm như vậy. Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị “phụ thuộc hóa” quan hệ”..[ “Đọc
lại Hồi ký Trần Quang Cơ”. Mênh mông thế sự in năm 2015, tr.20].
Điều tôi muốn lưu ý là buổi nói chuyện
thân tình với anh Nguyễn
Công Tạn dạo ấy khiến tôi
thấm thía lời của M.Gorki
tôi từng suy ngẫm: “chính trị là miếng
đất trên đó các loại cây gai của
sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn phát triển rậm
rạp và um tùm”. Đặc biệt là
khi mà “chúng ta phải sống trong cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một
cuộc chiến giành quyền lực, cuộc chiến này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt
đẹp còn cả những bản năng đen tối” [Nhục dân mệnh.7.11.2015. “Mênh
mông thế sự” in năm 2015,
tr.72]. Dù sao thì “các tình cảm tốt đẹp” vẫn
là điều chúng ta cần đánh thức để cho cuộc sống đỡ ngột ngạt hơn khi mà sự lừa mị, dối trá và hung bạo
đang trùm lấp trên môi trường sống của cả xã
hội ta hôm nay.
Tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện hài hước mà vì nó Voltaire bị tống vào ngục Bastille: “khi
quan phụ chính của vua Louis XV quyết định bán đi một nửa số ngựa trong các chuồng ngựa
của hoàng gia với lý do tiết kiệm, nhà Khai sáng Pháp đã bình rằng:
“Giá loại đi một nửa số
con lừa trong triều đình thì có lợi hơn nhiều”! Thật thế, nhưng hình như Voltaire quên rằng
“không thể chống lại những
thằng ngu vì chúng đông quá” bởi lẽ, cái sự thật nghiệt
ngã ấy được nói ra sau câu đùa chí lý của ông đến hai thế kỷ, câu ấy của Einstein.
Chúng đông quá thật! Mà cái
chế độ toàn trị phản dân chủ lại luôn muốn biến số đông ấy thành một đàn cừu ngoan ngoãn để chúng
tiện bề chăn dắt. Đó cũng lại là một bi hài của lịch sử. Vì rằng “một xã hội của loài cừu rồi
sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói”. Nhưng nếu chỉ thế thì làm gì có những
thành tựu của văn minh mà chỉ đầy rẫy tăm tối của địa
ngục. Chẳng phải những con sói độc ác cũng đã
bị mắc bẫy của người thợ săn, và rồi những người thợ săn ấy đã lột da cáo để đóng giầy, may túi đó sao?
Rồi có khi những người thợ săn ấy sẽ thực hiện thiên
chức của của người thợ trời, ném xác cáo vào cái “lò cừ nung nấu sự đời” mà những “thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công” nói ở trên đã biến thái trở thành cái lò của ông Trọng!
Cái lò “đã nóng lên” để cho củi tươi vào chỉ là sự cải biên một cách vụng về và ngớ ngẩn để thức dậy “những bản năng đen tối” chứ chẳng gì khác.
Thì đó, những lươn lẹo, lật lọng của giới công quyền,
sản phẩm tuyệt vời của thể chế toàn trị phản
dân chủ của “người đốt lò vĩ đại” được hiện diện tại Đồng Tâm vừa được miêu tả sống động chẳng
phải là khúc biến tấu quá ư hài hước đó sao?
Hài hước, đúng! Những
toan tính chính trị trở thành trò
hề điển hình, phải chăng là để cho người ta vui vẻ từ biệt cái quá khứ buồn thảm
mà cụ K.Marx đã từng nói rât chí lý!
Sài Gòn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 25.4.2018