21 avril 2018

Tất Thành Cang có ‘nhúng chàm’ vụ ‘bán như cho’ 30 ha đất? (phần 1)


Thiền Lâm



Vietnam – Cali Today News – Không còn nghi ngờ gì nữa, sau Đà Nẵng, “lò” của Nguyễn Phú Trọng đang lan cháy đến đất Sài Gòn.



           Tất Thành Cang
Đinh La Thăng

Chỉ chưa đầy một ngày sau khi Người Tiêu Dùng – tờ báo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đăng bài “Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại TP.HCM ?”, vào ngày 18/4/2018 giới chóp bu của TP.HCM đã họp khẩn theo cách “Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe lãnh đạo Văn phòng Thành ủy báo cáo về vụ việc chuyển nhượng phần đất đã nêu trên”. Sau đó, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã vội phát đi thông tin “Nhận thấy việc chuyển nhượng này vi phạm Quy chế quản lý tài sản công, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng”.

Đáng chú ý, Người Tiêu Dùng được xem là một tờ báo nhỏ trong hệ thống hơn 800 báo nhà nước. Vậy vì sao bài điều tra của một tờ báo nhỏ như thế lại khiến “Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM” phải họp gấp và quyết định hủy hợp đồng?

Trước hết, Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận là một doanh nghiệp 100% vốn của Ban Tài chính quản trị thành ủy TP.HCM (trước đây) và Văn phòng thành ủy TP.HCM (hiện nay) – tức thuộc dạng “doanh nghiệp đảng”.

Ban Tài chính quản trị thành ủy TP.HCM hay Văn phòng thành ủy TP.HCM lại là cơ quan đại diện phần vốn của Thành ủy TP.HCM tại một số “doanh nghiệp đảng”, mà bằng chứng lộ diện nhất là tỷ lệ sở hữu vốn lên đến hơn 7% và là phần sở hữu hữu vốn cao nhất tại Ngân hàng Đông Á so với các cổ đông khác.

Chỉ đến năm 2016 khi Ngân hàng Đông Á bị Ngân hàng nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, còn tổng giám đốc của ngân hàng này là Trần Phương Bình bị khởi tố và bắt giam vì tội làm thất thoát tài chính, lúc đó tỷ lệ hơn 7% “góp vốn” của Thành ủy TP.HCM mới được chính thức công khai cho báo chí và dư luận xã hội.

Vụ Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2. lại khá giống với một vụ án vừa kinh tế vừa chính trị đang bùng nổ trong thương trường và chính trường Việt Nam: cả hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh đã ký phần lớn các quyết định bán “giá bèo” 9 dự án và 31 nhà, đất công sản của Đà Nẵng cho đại gia Vũ “Nhôm” – tức Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ.

Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM có diện tích hơn 30 ha. Công ty Tân Thuận đã chuyển quyền chủ sở mảnh đất hơn 30ha này cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Tổng Giám đốc).

Điều đáng nói, phần đất công sản “siêu lớn” này có giá thị trường từ 2.400  – 3.000 tỷ đồng (giá đất tại khu vực xã Phước Kiển hiện nay dao động từ 8,5 – 11 triệu đồng/m2. ) nhưng lại được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai – một công ty tư nhân theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5/6/2017 với giá chỉ 1.290.000 đồng/m2.Sau thương vụ này, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng.

Tức từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng khác đã “bốc hơi’.

Vào tháng 12/2017, trong một văn bản gửi Thành ủy TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, dù tính toán trên mức giá đất nông nghiệp thấp nhất để bồi thường cho lô đất công sản diện tích 30ha thì mức giá đất này không thể dưới mức 1.768.000 đồng/m2. Tính ở mức giá Nhà nước quy định (không phải giá thị trường) thì giá trị mỗi m2 đất tại dự án Khu Dân cư Phước Kiển phải cao hơn 478.000 đồng/m2 so với giá mà Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai trước đó.

Do Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn của Thành ủy TP.HCM nên thương vụ bán 30 đất công sản trên đương nhiên phải được sự đồng ý bằng văn bản, hoặc phải lưu lại dấu vết bút phê, của một “lãnh đạo Thành ủy TP.HCM” nào đó.


Ai?


Vào tháng Sáu năm 2017, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang là người trực tiếp xử lý văn thư gửi đến hàng ngày. Ảnh: Vietnamnet

Vài tờ báo nhà nước cũng đặt dấu hỏi: “Đằng sau thương vụ này, liệu có cái bắt tay của nhóm lợi ích để “ăn chia tham nhũng” số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng hay không? Những lãnh đạo nào thuộc Thành ủy TP.HCM đã ngang nhiên bất chấp pháp luật, quyết định “số phận” của khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, biến công sản thành đất tư nhân ? Có hay không sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất công sản và trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo Thành ủy TP.HCM trong vụ việc siêu nghiêm trọng này?” 

Một chi tiết cần mổ xẻ là vụ Công ty Tân Thuận bán 30 ha đất cho Quốc Cường Gia Lai theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5 tháng 6 năm 2017.

Khoảng thời gian tháng Sáu năm 2017 lại là giai đoạn “chuyển giao quyền lực” giữa nhân vật vừa bị loại khỏi Bộ Chính trị là cựu bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho bí thư mới là Nguyễn Thiện Nhân. Đây cũng có thể được xem là giai đoạn “tranh tối tranh sáng” để những âm mưu trục lợi dễ dàng được trót lọt.

Vào tháng Sáu năm 2017, Nguyễn Thiện Nhân mới chân ướt chân ráo từ Mặt trận Tổ quốc về Sài Gòn, lẽ đương nhiên đang phải “học việc”.

Còn Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM khi đó là Tất Thành Cang, người trực tiếp xử lý văn thư gửi đến hàng ngày.




(còn tiếp)