Nhật Minh
thực hiện
(Báo Khoa học & đời sống, ngày 13-4-2018)
Trước sự việc cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt uống
nước giặt giẻ lau, chúng ta bức xúc vì cô giáo, nhưng việc em học sinh đó không
có phản ứng gì, chấp nhận uống nước bẩn, cũng là điều đáng lo ngại. KH&ĐS
có cuộc trao đổi với nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện
Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vấn đề này.
Lấy sự phục
tùng để đánh giá con người
Là người có nhiều bài viết về giáo dục, đặc biệt là
triết lý giáo dục, ông suy nghĩ gì trước sự việc cô giáo phạt học sinh bằng
cách bắt uống nước giặt giẻ lau?
Nói thực là tôi thấy quá quen với những chuyện trên
thế giới không đâu có như thế rồi. Nào là cô giáo bắt học sinh liếm ghế, nói
những lời khiến trẻ con phải tự tử…nên cũng không quá ngạc nhiên. Nhưng ngẫm
nghĩ kỹ thì thấy vẫn kinh khủng. Tuy chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng lại cho
thấy những yếu kém của giáo dục. Tại sao những người như thế vẫn đứng trong
hàng ngũ người làm giáo dục.
Theo ông, tại sao cô giáo lại có cách hành xử phản
giáo dục như vậy?
Khi tuyển vào ngành cả những người điểm thấp, nhiều
khi chỉ vì không phải trả học phí mà chen nhau vào thì ngay từ đầu vào đã có
vấn đề. Một đội ngũ đáng lẽ phải là những người mẫu mực, được tôn trọng.. lại
có một số người thực sự không yêu học trò mà chỉ lo kiếm ăn nên mới sinh ra
những lệch lạc về đạo đức như thế. Đó cũng là tâm lý chung của xã hội, nhiều
stress quá, khắp nơi, từ chỗ làm việc, ra đường, ngoài chợ, trong nhà… khiến
người lớn đổ tức giận lên đầu trẻ con. Công bằng mà nói, chính thầy cô cũng bị
ảnh hưởng từ môi trường sống.
Vậy còn cô bé học sinh kia, tại sao cô giáo bắt làm
một việc vô lý như thế mà không phản ứng gì?
Đó cũng là điều đáng lo ngại, đáng lẽ ra phải phản ứng
chứ. Ở các nước văn minh thì trẻ con nó sẽ không uống đâu, nhưng ở mình 10 đứa
thì chắc 9 đứa uống, vì nó được giáo dục là phải nghe lời, ở nhà thì nghe lời
ông bà bố mẹ, đến trường thì cô giáo như là thay Trời hành đạo. Hết đời này
sang đời khác chúng ta tôn vinh những đứa vâng lời. Ngoan ngoãn, biết vâng lời
là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá giá trị của đứa bé. Cái suy nghĩ đó nhiễm
vào trong người rồi nên không có lý do gì để nó phản đối. Khổ ở chỗ đó.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy, thưa ông?
Do nguồn gốc văn hóa. Văn hóa phương Tây tôn trọng giá
trị của mỗi cá thể. Mỗi cá nhân phải có ý thức về phẩm giá, giá trị của chính
mình cho nên họ luôn có một thái độ tự trọng, không để ai xúc phạm. Còn văn hóa
phương Đông theo Nho giáo, theo Khổng Tử thì ngược lại, lại lấy sự phục tùng,
cái chữ Lễ, tức là trên ra trên dưới ra dưới, làm tiêu chí cao nhất để đánh giá
con người. Trong nhà ông bố, ông chồng điều hành tất cả mọi việc không ai được
cãi, trong nước có ông vua.
Không mù quáng nghe lời người trên
Nhưng ngày nay, rất nhiều giá trị Nho giáo đã bị xóa
bỏ rồi?
Trong cội rễ chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi văn hóa Nho
giáo cho nên lấy vâng lời làm chính chứ không phải lấy cái sự khẳng định mình
làm chính. Ở nhà, có thể bị bố mẹ xúc phạm bằng roi vọt hay bằng lời nói, nhưng
trẻ con cũng không có phản ứng, coi đấy là chuyện đương nhiên. Cái đấy ngấm vào
cách sống, cách nghĩ của người phương Đông rất nặng nề. Chuyện uống nước giặt
giẻ lau cũng thế thôi, khó có thể tưởng tượng là trẻ con có thể không nghe, nó
quá yếu thế so với cả cô giáo.
Vậy làm thế nào để dạy cho đứa trẻ biết tự bảo vệ
mình?
Từ trong gia đình phải dạy theo hướng, mỗi con người
dù là trẻ con đi nữa đều có lòng tự trọng, có phẩm giá của nó mà không ai được xúc
phạm, kể cả người thân hay cô giáo. Biết tự trọng, biết bảo vệ giá trị của bản
thân mình, biết phân biệt đúng sai, chứ không phải mù quáng nghe theo lời của
người trên. Người trên không phải bao giờ cũng đúng.
Cụ thể trong trường hợp trên, ta phải dạy trẻ phản ứng
lại thế nào?
Phải luôn dạy nó, đừng làm điều gì với người khác mà
mình không muốn người khác làm với mình. Đó là một trong những nguyên tắc xuất
phát điểm của ứng xử. Không muốn người khác đánh mình thì đừng đánh người ta.
Thử hỏi cô có thích uống nước giặt giẻ lau không? Cô không thích sao bắt em
uống. Cô có bắt cũng từ chối vì không ai uống cái thứ nước bẩn như thế. Nếu
việc này lan ra thì cô cũng không dám làm gì đâu vì cô sai quá rõ rồi. Nhưng
đằng này, cô giáo bảo uống thì uống luôn. Mọi đứa khác cũng không có phản ứng
gì vì đều thấy nếu mình bị bắt thì cũng phải uống.
Nhưng trong sự việc cô giáo không giảng bài suốt 3
tháng, chính cô bé nói ra lại phải chuyển trường, bị cả trường tẩy chay, thì
còn ai dám nói nữa?
Đúng là đáng tiếc. Đáng lẽ ra em đó phải được khen vì
sự trung thực, đằng này lại bị bảo là nói không đúng chỗ và làm ảnh hưởng đến
uy tín của trường. 40-50 đứa trẻ và cả những người khác nữa, không phải họ
không biết, mà là không dám nói, vì lo cho mình, động đến cô giáo đứa nào cũng
sợ. Suốt 3 tháng trời mới có một em dám nói thì lại bị đối xử như thế. Điều đó
cho thấy giáo dục của ta đang khủng hoảng thực sự.
Tức là người ta lo bảo vệ bản thân mình trước chứ
không phải phẩm giá của mình?
Người ta im lặng vì nhát gan, sợ hãi. Im lặng, không
làm gì cả, người khác bị làm sao không cần bênh vực… thì cũng không bị bỏ tù,
nhưng dưới quan niệm đạo đức như thế không được, là kém cỏi. Còn nói lên sự
thật, dũng cảm chấp nhận những thiệt thòi, thể hiện nhân phẩm. Giống như chống
tham nhũng, nhiều người bị trù giập nhưng họ vẫn đứng lên tố cáo.
Người lớn không tử tế thì làm sao dạy được con
Thế mới thấy, dạy trẻ con về nhân phẩm trong khi ra
ngoài đời bị đối xử như thế, thật khó quá?
Trước mắt thì khó vì toàn bộ hệ thống giáo dục, đội
thiếu nhi, sao đỏ… đều muốn biến đứa trẻ đó thành người dễ bảo. Tiêu chí số một
để đánh giá con người ở ta đấy. Còn đứa biết cãi, có khi nó sai, nhưng ít nhất
nó có chủ kiến, cái đấy mình phải khuyến khích chứ. Dù rất khó, nhưng không dạy
thì chẳng còn lúc nào nữa. Nếu không có lớp trẻ lớn lên thành những người trung
thực và dũng cảm thì xã hội sẽ lụi bại. Mà tôi vẫn nghĩ xã hội sẽ theo hướng đi
lên, tốt lên, cái thiện sẽ lấn át cái ác. Những đứa trẻ từ bé đã được giáo dục
lòng tự trọng, sự trung thực, dũng cảm trước cái ác thì mới mong có sự thay đổi
tốt.
Ông có tin là chúng ta sẽ dạy được?
Nói thực là tôi cũng chỉ mong muốn là ngay từ gia
đình, nhà trường, mỗi đứa trẻ được giáo dục về phẩm giá của con người, biết tự
trọng, biết đúng sai và dám bảo vệ nó. Mình chỉ mong muốn thế thôi, chứ ngay
người lớn cũng không được tử tế thì làm sao dạy được con tử tế. Bằng những việc
làm của mình chính người lớn nêu gương xấu cho con trẻ. Bố mẹ sợ thầy cô, đưa
phong bì, chạy trường, chạy điểm thì làm sao dạy con về nhân phẩm được.
Xin cảm ơn ông!
Box :
Trong giáo dục, phải để mỗi con người từ khi còn bé
nhận ra cái chân giá trị của mình. Phải thấy mình không phải con tốt đen trên
bàn cờ, không phải con ốc vít. Mà là con người. Đã là con người phải có chủ
kiến, phải có lòng tự trọng và phải biết bảo vệ nó trước mọi sự xúc phạm ở bên
ngoài.
Nhật Minh thực hiện