Vụ việc xảy
ra sáng 20.4, khi tàu cá Quảng Ngãi đang đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng
Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bà Phạm Thị
Búp khóc nức nở khi nghĩ đến tàu cá của gia đình bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm
20.4
Ảnh: Hiển Cừ
|
Ngày 21.4,
thông tin từ văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn cho biết, vụ việc xảy ra lúc khoảng 8 giờ ngày 20.4 ở vùng biển cách đảo
Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía đông đông nam.
Tàu cá QNg 90440 TS hư hỏng nặng sau
khi bị tàu nước ngoài đâm va trên vùng biển Hoàng Sa ngày 22.3
Ảnh: Hiển Cừ
|
Rượt đuổi và
đâm chìm
Trong khi
đó, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, tàu cá QNg
90332 TS (công suất 340 CV, do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (50 tuổi, xóm Gành Cả,
thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) làm chủ và con trai là Nguyễn Tấn Hòa (30 tuổi)
làm thuyền trưởng bị đâm chìm khi đang hành nghề cùng tàu cá QNg 90592 TS (công
suất 780 CV), trên tàu có 5 lao động, do ngư dân Nguyễn Chính (51 tuổi, ở cùng
địa phương) làm chủ kiêm thuyền trưởng.
Bà Phạm Thị
Búp (vợ ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt) thông tin thêm: thông qua Icom từ tàu cá QNg
90592 TS gọi về cho biết, khi tàu cá của gia đình và tàu cá của ông Chính đang
đánh bắt thì bị 2 tàu Trung Quốc rượt đuổi. Sau nhiều giờ đồng hồ bị buộc phải
chạy để né tránh, hai tàu mất liên lạc với nhau. Mãi đến khi tàu Trung Quốc đâm
chìm tàu QNg 90592 TS và bỏ đi, chiều cùng ngày tàu QNg 90592 TS quay lại tìm
và cứu vớt được 6 ngư dân trên tàu QNg 90332 TS.
“Lúc mới
được tàu ông Chính cứu vớt, thằng Hòa con tui điện về nói ba bị ngất xỉu nên
các bạn chài xúm vô chăm sóc”, bà Búp kể và cho biết thêm: đến chiều 21.4, sức
khỏe 6 ngư dân bị nạn đã dần bình phục, dự kiến ngày hôm nay (22.4) sẽ được tàu
của ông Chính đưa vào bờ.
Chiều 21.4,
rất đông bà con chòm xóm đến thăm, chia sẻ thiệt hại với bà Búp. Đang ngồi lui
cui vá lưới thuê, bà Búp bật khóc khi chúng tôi hỏi han về gia cảnh. “Chồng,
con được cứu sống nhưng gia sản của gia đình là con tàu bị chìm thì bây giờ làm
gì mà kiếm sống, trong khi nợ nần cả gần 1 tỉ đồng chưa trả hết”, bà Búp òa
khóc.
Lấy tay áo
quệt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà Búp kể: Sau nhiều năm tích
cóp được gần 400 triệu đồng, năm 2013 vợ chồng bà quyết định vay mượn người
thân và ngân hàng để mua tàu cá QNg 90332 TS với trị giá gần 1,5 tỉ đồng. Có
tàu vươn ra khơi xa dài ngày ở Hoàng Sa, vợ chồng bà hy vọng cuộc sống gia đình
sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng rồi tháng 8.2016, trong chuyến biển cùng cha ra Hoàng
Sa, ngư dân Nguyễn Tấn Bốn không may tử vong trong lúc lặn tìm hải sản, để lại
đứa con thơ chưa đầy 3 tuổi. Sự cố khiến ngư dân Ngọt quyết định chuyển sang
hành nghề lưới rê. Ngư trường mà ông đưa tàu ra đánh bắt cũng vẫn là vùng biển
Hoàng Sa. “Từ đầu năm 2018 đến giờ mới ra khơi được 2 chuyến, đến chuyến thứ 3
này đi được 20 ngày thì lại bị tàu Trung Quốc tấn công. Ngư trường Hoàng Sa là
của cha ông mình để lại vậy mà Trung Quốc lại ngang ngược rượt đuổi, đâm chìm
tàu cá của ngư dân mình. Thật phi lý!”, bà Búp bức xúc nói và cho biết thêm,
không chỉ bà mà những người vợ, người mẹ ở Bình Châu những tháng qua rất lo
lắng, đứng ngồi không yên khi chồng, con ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản liên tục
bị phía Trung Quốc rượt đuổi, đâm va, cướp sạch tài sản.
Liên tục bị
tấn công
Trao đổi với
PV Thanh Niên chiều qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội
Nghề cá VN, cho biết sẽ yêu cầu Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi tiếp xúc các ngư
dân để nắm thông tin chi tiết, kêu gọi các tổ chức nhân đạo hỗ trợ ngư dân.
“T.Ư Hội Nghề cá VN phản đối và lên án tất cả hành vi sử dụng bạo lực chèn ép,
tấn công ngư dân”, ông Tuấn nói.
Cũng theo
ông Tuấn, trong tháng 3 vừa qua, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã xảy ra 1
vụ tàu cá tỉnh Quảng Nam bị tàu lạ dùng súng tấn công, cướp đi ngư cụ; 2 tàu cá
Quảng Ngãi bị nhóm tàu lạ đâm va gây hư hỏng, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
T.Ư Hội Nghề cá VN đã gửi văn bản tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT kiến
nghị lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển tăng cường các biện pháp bảo vệ ngư dân.
“Sau vụ việc tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa, chúng tôi tiếp tục kiến nghị lực
lượng chức năng phải có phương án, biện pháp bảo vệ ngư dân ngay trong khi họ
đang lao động sản xuất trên biển chứ không chỉ là hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khi
có tình huống xảy ra”, ông Tuấn nói.
Bị chặn, cướp tài sản trên biển
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu
(H.Bình Sơn), cả xã Bình Châu có trên 100 tàu cá thường xuyên hành nghề ở
Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân địa
phương, nuôi sống bao thế hệ ngư dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tàu cá của
ngư dân Bình Châu khi ra Hoàng Sa đánh bắt thường xuyên bị tấn công làm hư
hại tài sản khiến đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Ngoài tàu
cá QNg 90332 TS bị 2 tàu Trung Quốc tông chìm, ngư dân Trần Năm (ở xã Bình
Châu) thông qua Icom từ Hoàng Sa điện về cho biết tàu QNg 90046 TS do ông làm
chủ kiêm thuyền trưởng cũng bị tàu nước ngoài cướp sạch tài sản khi đang hành
nghề ở Hoàng Sa ngày 20.4. Hiện ông Năm đang đưa tàu cá về đất liền.
Hiển Cừ
|