10 avril 2018

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2)


Xuân Dương
 

 (GDVN) - Nếu cứ ngậm bồ hòn làm ngọt, nếu cứ “chín bỏ làm mười” thì bao giờ giáo dục mới trở thành “quốc sách hàng đầu”, liệu đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ?

Một lớp học thuộc Trường Tiểu học Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai (ảnh Khampha.vn)

                           Tài chính - cơ sở vật chất

 
Xin điểm qua vài sự kiện:

- Một mảng vữa trên trần phòng học bất ngờ sập xuống làm một số học sinh bị thương. Sự việc vừa xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội. (Tuoitre.vn 23/3/2018);
- Xót xa chứng kiến ngôi trường nghèo vách đất, thủng mái ở Lào Cai (Khampha.vn, 2/8/2016);


- Trường học xuống cấp nghiêm trọng, thầy trò kêu cứu (Baophapluat.vn);…





Về quan điểm chỉ đạo


Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.

Tuy nhiên đã có ý kiến “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?”. [5]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:

Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số". [5]

Nội dung công bố trên trang bìa “Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017” do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy, năm 2017 tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo là 215.167 tỷ đồng, trong đó phần dành cho trung ương là 22.194 tỷ đồng. 

Như ý kiến Bộ trưởng Nhạ, “trung ương” ở đây bao gồm nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội (công đoàn, thanh niên, phụ nữ,…) phần Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý (4,8%) khoảng 10.300 tỷ đồng nghĩa là chưa đến 50% phần dành cho “trung ương”.

Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ gián tiếp cho thấy cơ sở vật chất trường học xuống cấp đến mức thầy trò phải kêu cứu là lỗi của địa phương chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để làm sáng tỏ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bức tranh toàn cảnh giáo dục, đặc biệt là việc sử dụng ngân sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia:

"Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam 2011-2017".



Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017 - phần giải trình ngân sách (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bất cập trong thực hiện


Báo Laodong.com.vn trong bài “Sở Giáo dục và Đào tạo "cản" nguồn kinh phí được hỗ trợ?” tường thuật vụ việc tại tỉnh Gia Lai như sau:

Ông Thuận (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh Gia Lai hỏi việc phân bổ số tiền trên để mua sắm trang thiết bị đồ dùng, sửa chữa, xây dựng có đúng nội dung chi và mục đích chi hay không?

Ngày 18-4, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, cùng các bên liên quan đã có buổi họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc phân bổ, triển khai thực hiện dự toán năm 2017.

Sau đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra Văn bản 836/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng là không phân bổ nguồn kinh phí 33,03 tỉ đồng để trang bị đồ dùng dạy học, sửa chữa, xây mới tại các trường lớp…”.

Không chỉ các tỉnh miền núi, ngay tại Hà Nội báo chí đưa tin:

Thầy Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông - cho biết trường đã xuống cấp từ năm 2010 do khu phòng học được xây dựng cách đây vài chục năm.

Đến năm 2013, nhà trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội với nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn chờ được xây dựng lại hệ thống phòng học”. [6]

Muốn có kinh phí xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa trường lớp hoặc là ngành Giáo dục phải “có công văn gửi Sở Tài chính” hoặc là “chờ từ 2013 đến nay (2017)”?

Ngân sách dành cho giáo dục không phải là từ nguồn địa phương mà được lấy từ ngân sách nhà nước, chỉ còn mỗi việc duyệt chi cho hợp lý mà có trường phải chờ tới 5 năm chưa được duyệt, để đến mức vữa trần rơi xuống đầu học sinh thì lỗi thuộc về cơ quan nào?

Hai ví dụ nêu trên liệu đã đủ minh họa những bất cập trong việc sử dụng ngân sách dành cho giáo dục và sự quan tâm của chính quyền địa phương đến công tác xây dựng, tu bổ trường lớp, đặc biệt là đến sự an toàn tính mạng của con em chúng ta?


Nội dung chương trình, sách giáo khoa, mạng lưới giáo dục,…


Đây là mảng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm.

Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành: Khung trình độ quốc gia (18/10/2016); Thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo 2016-2021; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong đó có phần giáo dục tích hợp (27/7/2017),…

Xét về mặt khối lượng, có thể đồng tình rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ này làm được khá nhiều việc mặc dù còn tồn tại không ít câu hỏi về chất lượng, chẳng hạn sách giáo khoa, các môn học tích hợp,…

Khâu yếu nhất, gần như chưa có bất kỳ biến chuyển gì là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Sau bao nhiêu năm, vẫn chưa thấy giải thể, chia tách, sáp nhập được bất kỳ cơ sở giáo dục đại học yếu kém nào trừ Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chuyển giao sang Bộ Công an.

Sự xuất hiện “như nấm sau cơn mưa” một loạt đại học, cao đẳng đã khiến “cuộc chiến” giành sinh viên trở nên quyết liệt.

Sự “ngắc ngoải” của hệ thống trường cao đẳng, nhất là cao đẳng sư phạm địa phương đã trở thành mối lo chung của cả xã hội.  

Người dân than phiền quá nhiều về chuyện năm nào cũng phải bỏ tiến mua sách giáo khoa, kinh doanh sách giáo khoa thu lợi nhuận khủng nhưng lợi ích mang lại có nhằm tái đầu tư cho giáo dục?

Một số lĩnh vực như đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), phong hàm (phó giáo sư, giáo sư), quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp,… là những tồn tại vẫn chưa được giải quyết.

Một trong những tồn tại mà dư luận xã hội quan tâm là công tác thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo trình độ đại học.​

Vì sao “Lò ấp tiến sĩ” hoạt động nhiều năm, báo chí đề cập liên tục nhưng mãi đến năm 2017 mới có kết luận thanh tra?

Những vấn đề nêu trên đã được người viết đề cập trong nhiều bài viết nên xin không đề cập tiếp trong loạt bài này.

Không được quản lý trực tiếp người và tiền, nghĩa là không có “thực” thì làm sao vực được “đạo”?

Cái khó của ngành Giáo dục nằm ở đây và nút thắt này ngành Giáo dục không thể tự tháo gỡ.

Vấn đề là các bộ, ngành liên quan có muốn chung tay cùng ngành Giáo dục hay vì những lý do “khách quan” nào đó mà dẫu có “chung một loài” thì bầu vẫn là bầu, bí vẫn là bí?

Nếu cứ ngậm bồ hòn làm ngọt, nếu cứ “chín bỏ làm mười” thì bao giờ giáo dục mới trở thành “quốc sách hàng đầu”, liệu đã đến lúc không thể im lặng, phải nói cho ra nhẽ?

Nếu phải chỉ ra lỗi thì đó là “lỗi cơ chế” hay lỗi của riêng ngành Giáo dục?


Tài liệu tham khảo:

[5] Vietnamnet: 20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?

[6] Zingnews: 40 trường học ở Hà Nội xuống cấp, chờ sửa chữa


Xuân Dương

http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-da-den-luc-phai-noi-cho-ra-nhe-2-post185068.gd