11 avril 2018

Chấn hưng giáo dục: Chỉ mới xoa dầu bên ngoài!


(PL)- Bức tranh giáo dục đang có quá nhiều mảng màu xám, nhìn vào đâu, sờ vào đâu cũng có chuyện tiêu cực. Việc phê phán thì dễ rồi, ai cũng làm được, vấn đề là phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. 



Vẫn biết trong tình cảnh ngổn ngang, việc gỡ rối là không dễ. Bởi những tiêu cực của ngày hôm nay là kết quả tích lũy của một quá trình xuống cấp dần từ những năm 80 thế kỷ trước. Trong khi đó, các giải pháp luôn chỉ là tạm thời, chắp vá, hời hợt theo kiểu xoa dầu nóng bên ngoài, chưa chạm tới được bản chất của một hệ thống bị lỗi.

Tư tưởng nhà nước kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần được các bộ, ngành, trong đó có Bộ GD&ĐT thấu hiểu và hiện thực hóa nó trong lĩnh vực của mình. Điều đó có nghĩa là Bộ GD&ĐT chỉ nên kiến tạo đường lối, chủ trương, xây dựng chính sách, thiết lập quy chế, tiêu chuẩn và hỗ trợ tối đa về pháp lý, vật chất, còn lại các việc khác thì trả lại cho địa phương và các trường.

Các trường ĐH, các trường phổ thông ở các thành phố lớn phải có quyền và phải có trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của mình. Những chuyện như thi cử, số lượng giáo viên trong một trường, mở ngành đào tạo, chương trình đào tạo đến việc phong giáo sư cần phải trả cho các trường. Một khi các trường từ ĐH đến tiểu học được trao quyền tự chủ họ sẽ biết cách làm cho trường mình tốt lên thông qua việc tuyển chọn người tài, xây dựng chương trình, quảng bá hình ảnh và liên kết xã hội.

Sau nữa là việc “dựng lại hình ảnh người thầy”, làm sao để thầy, cô giáo lấy lại vị thế là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” (lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), từ bỏ kiểu tuyển sinh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, để hình thành nên một đội ngũ các thầy, cô giáo thực tài, một khi các thầy cô là người giỏi, tử tế thì xã hội mới nể trọng.

Tuy nhiên, để đưa tư tưởng nhà nước kiến tạo vào đời sống thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm cho được một thuyền trưởng tài ba có khả năng lèo lái con thuyền giáo dục đi đúng hướng. Người lãnh đạo ngành giáo dục trước mắt phải tập hợp được dưới trướng mình những con người ưu tú, biết vạch ra chiến lược đúng và lộ trình hợp lý.

Giá như ông bộ trưởng cúi xuống hỏi học sinh từ tiểu học đến ĐH rằng họ mong muốn điều gì nhất thì chắc chắn câu trả lời trong đại đa số họ sẽ là không muốn trở thành con vẹt học thuộc lòng từ dấu chấm, dấu phẩy trở đi, điều đó đang giết chết sự sáng tạo của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Chả lẽ làm điều đó khó lắm sao?

Ước muốn Việt Nam sớm vươn mình trở thành con hổ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thành công trên nền tảng của giáo dục và đạo đức. Chỉ khi nào những con người Việt Nam được nhận một nền giáo dục đàng hoàng để trở thành những công dân tử tế thì khi đó mới hy vọng về một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore khá lên được đều bắt đầu từ giáo dục. Hãy chấn hưng quốc gia từ giáo dục!


TS NGUYỄN MINH HÒA



http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/chan-hung-giao-duc-chi-moi-xoa-dau-ben-ngoai-763919.html