11 avril 2018

TUYÊN BỐ VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT NHÂN MỘT NĂM SỰ KIỆN ĐỒNG TÂM


Sự việc



Sự kiện Đồng Tâm xảy ra một năm trước đây đã đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào phản kháng của người dân đối với chính sách đất đai của nhà nước. Nếu trước đó nhiều dân oan mất đất kéo nhau đi khiếu kiện đông người một cách ôn hòa và hợp pháp, thì ở Đồng Tâm lần đầu tiên dân chúng trong một xã đã tổ chức quy củ dùng thế hợp pháp kết hợp dân vận, binh vận, lập làng chiến đấu, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình buộc chính quyền phải nhượng bộ.


Mời quý vị quan tâm ký tên và gửi về địa chỉ: tuyenbodongtam@gmail.com

Ngày 15/4/2018 sẽ công bố trên các mạng với danh sách ký tên đợt 1.





Một năm sau sự kiện Đồng Tâm, tuy sự đối đầu giữa người dân và chính quyền tạm thời lắng dịu, nhưng ngòi nổ của sự phản kháng và bất ổn xã hội vẫn chưa được tháo gỡ. Người dân không chỉ riêng ở Đồng Tâm, mà ở khắp mọi nơi trong cả nước, đều thấy rõ các giải pháp của chính quyền từ trung ương đến địa phương hầu như chỉ nhằm đối phó sự phản kháng một cách tạm thời để răn đe hoặc xoa dịu. Gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết, đó chính là chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.



Vấn nạn



Đất đai luôn được xem là loại tài sản đặc biệt, nên quốc gia nào cũng xem trọng và đặt chính sách đất đai vào vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Tại Việt Nam, theo mô hình xã hội chủ nghĩa từ năm 1955 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam, chế độ sở hữu tư nhân đối với đất đai chấm dứt, và thay vào đó quyền sở hữu loại tài sản đặc biệt này thuộc về “toàn dân”, thông qua vai trò quản lý tập trung của Nhà nước. Đây là một chính sách đất đai hoàn toàn dựa trên nền tảng của học thuyết kinh tế-chính trị Marx-Lenin.



Sau hàng chục năm hiện hữu ở nước ta, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đaiđược cưỡng ép áp dụng vào đời sống xã hội và kinh tế nhằm thực hiện một kế hoạchchính trị hoang tưởng gọi là“xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Kết quả là khủng hoảng kinh tế-xã hội xảy ra nghiêm trọng, khiến Đảng Cộng sản phải tiến hành đổi mới kinh tế theo theo hướng thị trường. Tuy nhiên, từ nhiều năm naychế độ sở hữu toàn dân đối với đất đaitiếp tục gây ra nhiều trở ngại hơn cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế và đe dọa sự ổn định của cả xã hội.



Gắn liền và xuất phát từ quan niệm “sở hữu toàn dân” là định chế “quyền sử dụng đất”, một khái niệm đặc biệt về quyền tài sản chỉ có ở các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ và nay còn tồn tại ở Trung Quốc và Việt Nam. Tuy được luật pháp công nhận đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt (tức là chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, v.v…)tương tự với quyền sở hữu các tài sản thông thường khác, người có quyền sử dụng đất lại không thể định đoạt trọn vẹn mảnh đất của mình, mà trái lại tùy thuộc vào quyết định tối hậu của Nhà nước trong vai tròđại diện toàn dân quản lý toàn bộ đất đai trên lãnh thổ quốc gia.

Người nông dân luôn đối diện nguy cơ bị tước đoạt đất đai bất cứ lúc nào, và giấc mơ người cày có ruộng của họ không bao giờ trở thành sự thật.



Việc quy hoạch sử dụng đất dù trên lý thuyết thuộc về nhà nước, nhưng trên thực tế là do các chủ đầu tư khởi ra và vận động để có sự quyết định của quan chức các cấp, trước nhất là các địa phương. Điều này khiến họtrở thành loại cường hào, ác bá còn đáng sợ hơn cả trong chế độ phong kiến. Họ biến mình thành công cụ của giới đầu tư bất lương khi hỗ trợ các dự án xây dựng địa ốc hoặc công trình hạ tầng bằng cách tước đoạt đất đai của người dân và đền bù với giá rẻ mạt.



Tình trạng lạm dụng quyền hành biến đất công thành đất tư, bồi thường di dời không thỏa đáng để trục lợi, nhận hối lộ để phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong những dự án kinh doanh bất động sản đã và sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng, tạo nên bất mãn xã hội ngày càng sâu rộng. Điều này là nguyên nhân chính của nạn khiếu kiện đông người khắp cả nước, hay còn gọi là nạn dân oan.



Nguyên nhân



Cốt lõi của tất cả những trở ngại nêu trên bắt nguồn từ sự kết hợp khiên cưỡng của hai khái niệm vốn dĩ khác biệt nhau để tạo nên định chế quyền sử dụng đất, đó là khái niệm “quyền sở hữu tài sản” theo tư duy pháp lý và khái niệm “sở hữu toàn dân” theo tư duy chính trị-ý thức hệ.



Về phương diện pháp lý,chủ thể của quyền sở hữu tài sản lẽ ra chỉ là thể nhân hoặc pháp nhân, mà danh tính và lý lịch pháp lý được xác định cụ thể, trong khi “toàn dân” chỉ đơn thuần là một ý tưởng không có khuôn mặt rõ ràng và chưa bao giờ được công nhận là chủ thể pháp lý riêng biệt trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới.



Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung được xây dựng trên nền tảng lý luận Marx-Lenin, tư duy chính trị thắng thế, nên sự tác hại của sở hữu toàn dân đối với đất đai bị bưng bít khiến người ta có cảm giác nó không tạora nhiều vấn đề nan giải cho xã hội. Hơn nữa,do nền kinh tế được hoạch định theo kế hoạch tập trung, nên mọi bất đồng và bất cập đều có thể giải tỏa bằng mệnh lệnh hành chính từ nhà nước.



Tuy nhiên, từ khi chính sách cải cách kinh tế theo hướng thị trường được áp dụng, yếu tố thị trường sẽ ngày càng chi phối sự phát triển, tư duy pháp lý tất yếu trở nên thắng thế và đòi hỏi phải xem xét lại tính phù hợp của quan niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai. Thực tế đã chứng minh rằng việc cưỡng lại yêu cầu này là nguyên nhân khiến động lực phát triển kinh tế bị triệt tiêu và ổn định xã hội bị đe dọa.



Yêu cầu



Trước tình hình nghiêm trọng nêu trên, chúng tôi - các tổ chức xã hội dân sự và người Việt trong và ngoài nước - đồng lòng đưa ra tuyên bố như sau:



Thứ nhất, quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai cần được sớm công nhận. Do đó, cần quy tụ ngay các chuyên gia kinh tế và pháp lý để nghiên cứu một cách khoa học khả năng chấp nhận tư hữu hóa các loại đất được sử dụng vào mục đích kinh doanh để phát triển kinh tế, hơn là tiếp tục duy trì quan niệm sở hữu toàn dân chung chung đối với đất đai như hiện nay.



Thứ hai, cần chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp để công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai, trong đó có sở hữu nhà nước, sở hữu của các tổ chức và sở hữu tư nhân.



Thứ ba, trong khi chờ đợi thay đổi luật lệ và chính sách, cần sớm công nhận quyền sử dụng đất như một loại quyền tài sản mà nhà đầu tư và người sử dụng đất phải thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, dựa trên giá cả thị trường, nếu nhà đầu tư muốn sử dụng cho các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế. Cần chấm dứt ngay nạn cưỡng bức thu hồi đất mà chính quyền ở các địa phương đang thực hiện. Việc giải quyết các tranh chấp đất giữa người dân và giới đầu tư phải dựa trên nguyên tắc công bằng, bảo đảm lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và lợi ích công cộng.



Lập ngày 15 tháng 4 năm 2018



Tổ chức và cá nhân ký tên:

Tổ chức:

1.  Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, do ông Lê Thân đại diện

2.  Diễn đàn Xã hội Dân sự, do TS Nguyễn Quang A đại diện

3. 





Cá nhân:

1.  Lê Thân, cựu tù nhân Côn Đảo, cư trú tại Nha Trang

2.  Nguyễn Quang A, TS khoa học, Hà Nội

3.  Lê Công Định, luật gia, cựu tù nhân lương tâm, Sài Gòn

4.  Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hoá, Hà Nội

5.  Hoàng Hưng, nhà thơ-dịch giả, Sài Gòn

6.  Vũ Trọng Khải, PGS.TS, nhà nghiên cứu kinh tế nông nghiệp, Sài Gòn

7.  Hoàng Dũng, PGS.TS, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, TPHCM

8.  Đào Tiến Thi, Thạc sĩ Ngữ văn, Hà Nội

9.  Trần Bang, kỹ sư, cựu chiến binh, Sài Gòn

10.