Nguyễn Duy Xuân
Ơ, sao thế nhỉ? Những người dân ấy chăm chỉ cả một đời
bán chổi, chạy xe ôm… sao vẫn nghèo vẫn khó? Thế ra họ vận dụng sai “quy trình”
à?
Có vô số "bí kíp" làm giàu
được các
quan chức,
cán bộ chia sẻ.
Ảnh minh họa
|
Ba
bốn chục năm về trước, nhắc đến cán bộ viên chức nhà nước là nghĩ ngay đến
thành phần làm công ăn lương, ba cọc ba đồng. Thành ngữ này dường như trở thành
biểu tượng của viên chức một thời.
Lúc
bấy giờ, cái nghèo cái khó dường như được phân bổ rất công bằng. Trừ một số ít
cán bộ nhân viên vài ba ngành nắm quyền sinh quyền sống của xã hội như lương
thực, thực phẩm, thương nghiệp, còn lại hầu hết đều thuộc tầng lớp “bần cố
nông”.
Giới
“ba cọc ba đồng” nghèo đến mức, từ cái kim sợi chỉ cho đến áo may ô, săm lốp xe
đạp cũng phải bốc thăm hoặc chờ hàng năm đến lượt mình được phân phối. “Một yêu
anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần/Ba yêu rửa mặt bằng khăn,…” là tiêu
chí “cán bộ giàu” một thời.
Hôm
qua, tình cờ đọc lại “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” của Phùng Gia Lộc mới thấy tội
cho một ông quan cấp huyện lúc bấy giờ. Đường đường là trưởng phòng tổ chức ủy
ban huyện mà để gia đình vợ con thiếu đói, phải lén lút đi buôn sắn kiếm cái
đút vô miệng vì lúa đã vét sạch để nộp sản rồi.
Chẳng
riêng gì anh trưởng phòng tổ chức huyện, nhiều cán bộ viên chức thời ấy đều
phải chấp nhận cảnh chân trong chân ngoài để lo cho bữa ăn của vợ con, gia
đình. Người viết bài này cũng đã từng xoay đủ nghề: Thợ mộc, thợ nề, xe ôm,
nuôi heo,… dù đường đường là một anh giáo “cấp 4”.
Nhưng
buôn bán không chỉ có duyên mà còn phải gặp thời. Anh trưởng phòng tổ chức ủy
ban huyện có lẽ thua thiệt cả hai. Cho nên không chỉ riêng anh là viên chức
nghèo mà nhiều vị lãnh đạo cao hơn anh cũng chỉ có cuộc sống thanh bạch khi
đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu. Đấy là hình ảnh của những thế hệ một thời
“ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Bây
giờ thì đã khác. Không ít cán bộ quan chức thừa thãi vật chất. Có chức, có
quyền, có tiền, có… đủ thứ. Họ ở trong những biệt phủ sang trọng, di chuyển
bằng xe hơi đắt tiền, chơi đồng hồ đeo tay tiền tỉ, uống rượu Tây cả chục cả
trăm triệu trong những bữa tiệc xa xỉ.
Một
số “bí kíp làm giàu” đã được các quan hào phóng chia sẻ.
Này
nhé, có ông giám đốc Sở thổ lộ, nhờ buôn chít (chổi đót) ngược xuôi tất tả mà
có biệt thự nguy nga nơi đại ngàn yên tĩnh, vua Mèo xưa đã là gì.
Rồi
lại có ông Phó ban Nội chính tỉnh, có biệt phủ nghễu nghện trên đất nông nghiệp
khiến dân tình phải trầm trồ, cũng thủ thỉ rằng nhờ những năm tháng đội mưa
hứng gió thâu đêm suốt sáng chạy xe ôm, còn ban ngày thì chăm chỉ việc công,
tâm huyết với ngành giáo dục, điều binh khiển tướng, tuyển dụng, sắp xếp hàng
trăm giáo viên ngoài biên chế.
Trước
đây dăm ba năm thì dư luận từng ồn ào khi một ông nguyên tổng Thanh tra Chính
phủ tâm tư, đời ông phải trải bao vất vả cực nhọc, đào đất đến thối móng tay
mới tậu được dinh thự có bộ cổng giá trị bằng ba bốn nhà dân cùng một ít bất
động sản trên thành phố.
Nóng
hổi nhất gần đây là một vị cựu tướng đang dính dáng đến vụ đánh bạc nghìn tỷ đã
khai trước tòa là bán cây cảnh để mua đồng hồ cả tỷ. Hóa ra cây cảnh không chỉ
là thú chơi sau khi hạ cánh mà còn giúp ông hái ra tiền, đưa ông vào thế giới
thượng lưu, vì thử hỏi bao nhiêu người kể cả kinh tế khá giả dám xài đồng hồ
đeo tay xa xỉ vậy? Chỉ riêng việc ông có cây thế giá 10 tỷ đã khiến bao nghệ
nhân sành sỏi trong giới chơi cây phải ngả mũ bái chào.
V.v
và v.v…
Chắc
chắn còn nhiều những cán bộ, quan chức giàu có với bí kíp làm giàu vô cùng “độc
đáo” khác. Họ cũng như các vị nói trên, nếu ai hỏi đến thì có lẽ cũng chẳng
ngần ngại mà nhỏ nhẹ rằng, của bố mẹ cho (nếu tuổi còn trẻ) hay buôn chổi, chạy
xe (grab bike), v.v…
Trở
lại câu chuyện làm giàu, nhiều cô bác dân nghèo đang kiên trì vận dụng bài học
“làm giàu không khó” của các vị quan chức. Có bà đi bán chổi đót dạo mà số năm
hành nghề có lẽ hơn cả tuổi anh giám đốc Sở nọ. Có bác đi xe ôm gần như trọn
cuộc đời, chỉ đến khi chân tay lóng ngóng mới nghỉ vì sợ té gây tai nạn cho
khách và cả bản thân. Còn như bà con nông dân thì, đào đất hết đời này sang đời
khác. Vất vả, cực nhọc với thâm niên nghề nghiệp là thế mà đồng tiền họ kiếm ra
bằng mồ hôi nước mắt may ra cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống thường ngày.
Ơ,
sao thế nhỉ? Những người dân ấy chăm chỉ cả một đời sao vẫn nghèo vẫn khó? Thế
ra họ vận dụng sai “quy trình” à? Hay thật ra “bí kíp làm giàu” thực sự thì đã
bị mấy cán bộ, quan chức kia giấu nhẹm, họa chăng lúc nào đó “cháy nhà mới ra
mặt chuột”?