Muốn chống tham nhũng
thành công thì phải bắt đầu từ “then chốt của then chốt”, nghĩa là phải trả lời
bằng được câu hỏi: “Liệu có tồn tại những “Củi Then, Củi Chốt” và nếu có phải
xử lý những “củi” này thế nào?”.
Xử lý người thoái hóa,
biến chất, phai nhạt lý tưởng, tự chuyển hóa,… chỉ là xử lý phần ngọn, xử lý
chuyện đã rồi.
Xử lý người/cơ quan
giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và những người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát
để xảy ra tham nhũng mới là xử lý phần gốc, mới đúng phương châm: “Phòng hơn
chống”."
Phần mở đầu bộ phim
truyền hình “Tương dạ” theo thể loại “Huyền huyễn” đang chiếu trên màn ảnh nhỏ
đề cập đến lực lượng biên phòng thời nhà Đường bên Trung Quốc.
Những lính biên phòng
ở một tiền đồn phía Bắc tiếp giáp với hoang nguyên (thảo nguyên hoang dã) được
gọi là “Tiều phu”.
“Củi” mà lực lượng
“tiều phu” này đốn không phải là cây rừng mà là bọn trộm cướp hoặc quân binh
ngoại bang thường xuyên quấy nhiễu dân chúng. “Đốn củi” không phải là ngăn
chặn, phòng ngừa, cảm hóa mà là tiêu diệt.
Tuy khác nhau về nhiều
phương diện song người viết có liên tưởng thế này: Có thể nói nước Việt ngày
nay cũng có lực lượng “Tiều phu” với nhiệm vụ thu gom củi cho vào “lò” mà Tổng
Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lửa.
Dân chúng cả nước đều
có chung nhận định, rằng lực lượng “Tiều phu” trong chiến dịch “gom củi” đang
có những hoạt động nổi bật, rất nhiều “củi” đã bị đốt và cũng không ít “củi”
đang để cạnh lò chờ đến lượt.
Tuy nhiên, hoạt động
của lực lượng “Tiều phu” cũng vẫn có chỗ mà dân chúng muốn góp ý, xin cầm đèn
chạy trước các bác “Tiều phu” một tí thế này:
Hình như “Tiều phu”
nhà mình mới dành thời gian phân loại “củi” theo hàm lượng nước chứa trong gỗ,
nghĩa là “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi”, dân chúng chưa thấy sự đa dạng của
“củi”, sự đa dạng muốn nói ở đây là nguồn gốc xuất xứ các chủng loại “củi”.
Sự đa dạng của củi
theo nghĩa đen, chẳng hạn củi vớt từ sông mùa lũ, củi từ rừng ngập mặn, củi từ
phá rừng phòng hộ xây biệt phủ,…
Theo nghĩa bóng thì có
thể là “Củi Gộc, Củi Tướng, Củi Tá, Củi Tổ, Củi Thanh,...”.
Riêng về “Củi tướng”
thì đã có không ít bình luận, tính từ khi cuộc chiến chống xâm lược biên giới
phía Bắc và phía Tây Nam kết thúc, thời gian cũng đã mấy chục năm. Không ngờ
hòa bình mà đất nước lại “mất” nhiều tướng đến thế?
Theo thống kê (có thể
chưa đầy đủ), cho đến nay đã có tới 21 tướng bị kỷ luật, giáng cấp, tước quân
tịch hoặc phạt tù, cụ thể gồm 2 thượng tướng (Phương
Minh Hòa, Trần
Việt Tân), 11 trung tướng, 8 thiếu tướng.
Nhiệm vụ mà các tướng
này được giao phụ trách liên quan đến những lĩnh vực tối quan trọng như tình
báo, an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm,…
Địa bàn làm việc của
những tướng bị kỷ luật trải từ Trung ương xuống địa phương (Trần Quốc Cường -
Đắk Lắk, Hoàng Công Hàm - Quân khu 1, Phan Tấn Tài - Quân khu 7 ) có 2
người đang là thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Lê Đình
Nhường, Đặng Ngọc Nghĩa),…
“Lò nóng” thì băng tất
phải tan, băng tan thì mới lộ ra phần chìm phía dưới. Thế có phải chưa bao giờ
phần chìm của tảng băng tham nhũng trong lực lượng vũ trang lộ rõ như bây giờ?
Nếu đúng là như vậy thì
cũng có nghĩa là chưa bao giờ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng
viên được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt như năm 2018 này.
Tuy nhiên, có lẽ “xót
xa” vì “Củi Tướng” bị đốt nhiều mà ít thấy “Củi Tá, Củi Sở, Củi Vụ,…” bị cho
vào lò nên tác giả Bùi Hoàng Tám báo Dantri.com.vn phải nhắc khéo thế này:
“Rất ngạc nhiên là gần đây, ông Lê Văn
Tam, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng có căn biệt thự trị giá cả 100
tỉ đồng lại bị “bỏ quên” trong bản kê khai tài sản theo qui định để rồi sau đó,
phải (hay là được nhỉ?) nhận hình thức kỷ luật mang tên: Khiển trách!”.
[1]
Được biết cấp hàm đại
tá có hệ số lương 8,0, quy thành tiền khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng, cộng thêm
các khoản phụ cấp có lẽ sẽ vào khoảng 200 triệu đồng một năm.
Con số 100 tỷ đồng mà
Dantri.com.vn nêu trên tương đương với 500 năm thu nhập của đại tá, mà đây mới
chỉ là phần nổi, phần mà giới báo chí có thể quay phim, chụp ảnh.
Vậy nếu cho rằng đang
có sự chọn lọc, phân cấp các loại “củi” cho vào chiếc “lò nóng” mà Tổng Bí thư
- Chủ tịch nước đã nhóm là đúng cao, đúng hay không đúng?
Đặt vấn đề như vậy bởi
Hồ Chủ tịch từng nói: “Cán
bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán
bộ tốt hoặc kém”.
Bài viết trên Tạp chí
Quốc phòng toàn dân: “Góp phần đưa công tác cán bộ thực sự trở thành “then chốt
của then chốt” dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:
“Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha
hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập
cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ,
quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng
cơ chế”. [2]
Vì công
tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, quyết định thành bại của sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nên nếu có điều gì đáng nói thêm, đáng góp ý
thêm với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước và lãnh đạo các cơ quan liên quan trong
việc “chọn củi” chính là lĩnh vực “Công tác cán bộ”.
Liên quan đến việc
giới thiệu, đánh giá năng lực, đạo đức và bổ nhiệm hơn 20 vị tướng cùng những
lãnh đạo từ địa phương đến trung ương đã bị kỷ luật không thể không có vai trò
“then chốt của then chốt”, vậy có bao nhiêu “then” và “chốt” được xem là “củi”?
Ông Trần Văn Minh
(người đã bị khai trừ khỏi Đảng và bị khởi tố, bắt tạm giam) từ 2006 đến 2011
là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, tháng 8/2011 ông được cử giữ
chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho đến khi nghỉ chế độ năm 2016.
Ủy ban Kiểm tra Trung
ương kết luận sai phạm của ông Minh như sau:
“Trong thời gian giữ cương vị Phó Bí
thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần
Văn Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về phòng,
chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai, về quản
lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
"Vi
phạm của ông Trần Văn Minh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của
cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng, gây bức xúc trong xã hội”. [3]
Cần phải đặt ra hai
câu hỏi:
Thứ nhất, “Vi phạm của ông Trần Văn Minh là rất
nghiêm trọng” (trong thời kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng),
vì sao ông Minh lại được đưa về trung ương mà lại làm lãnh đạo cơ quan có vai
trò “then chốt của then chốt”?
Thứ hai, có thật là
ông Minh trong suốt 5 năm làm công tác tổ chức (từ 2011 đến 2016) không phạm
bất kỳ khuyết điểm nào?
Muốn chống tham nhũng
thành công thì phải bắt đầu từ “then chốt của then chốt”, nghĩa là phải trả lời
bằng được câu hỏi: “Liệu có tồn tại những “Củi Then, Củi Chốt” và nếu có phải
xử lý những “củi” này thế nào?”.
Xử lý người thoái hóa,
biến chất, phai nhạt lý tưởng, tự chuyển hóa,… chỉ là xử lý phần ngọn, xử lý
chuyện đã rồi.
Xử lý người/cơ quan
giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và những người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát
để xảy ra tham nhũng mới là xử lý phần gốc, mới đúng phương châm: “Phòng hơn
chống”.
Những lãnh đạo từng
giữ trọng trách khá cao mới bị xử lý như cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng Trần
Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thành
phố Hồ Chí Minh Nguyễn
Hữu Tín, Nguyễn
Thành Tài hay Phó Bí thư Tất
Thành Cang đều phải qua một “quy trình” rất chặt chẽ mới ngồi được vào
chiếc ghế quyền lực ở hai thành phố này.
Vậy chẳng lẽ người/cơ
quan đề cử, bổ nhiệm họ không phải liên đới chịu trách nhiệm?
Góp ý cho Trung ương
trong việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng lần thứ 13, nhiều cán bộ đương nhiệm
và lão thành đã nói đến trách nhiệm của người/cơ quan giới thiệu nhân sự.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy
viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Không trừng trị sẽ cẩu thả trong việc
giới thiệu nhân sự rồi cố ý đưa vây cánh, ruột rà, bán chức, bán tước rồi đặc
biệt đưa cả đệ tử điếu đóm vào. Như vậy chỉ có phá hoại thôi”. [3]
Nhiều vị lãnh đạo cao
cấp đã khẳng định: “Chống tham nhũng không có vùng cấm”.
Vậy năm 2019 tới có
phải là thời điểm các bác “Tiều phu” nên dành thời gian quan tâm đến những loại
“củi” khác, nhất là “Củi Then”, “Củi Chốt”.
Tìm các “củi” này chắc
không khó lắm bởi từ câu châm ngôn: “Chân cột đèn là nơi tối nhất”, báo
Nhandan.com.vn diễn giải:
“Câu nói "khoảng tối dưới chân
đèn" để ám chỉ những chuyện trớ trêu, oái oăm ở đời theo kiểu "nơi
tưởng nhiều ánh sáng nhất hóa ra lại tối nhất" thí dụ như ngay cạnh nhà
máy điện lại không có điện để dùng”.[4]
Tài liệu
tham khảo:
[1]https://dantri.com.vn/blog/thuong-thuong-ong-chu-nha-bang-qua-ngheo-20181216070415988.htm
[2]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/gop-phan-dua-cong-tac-can-bo-thuc-su-tro-thanh-then-chot-cua-then-chot/12492.html
[3]
https://vov.vn/nhan-su/ong-tran-van-minh-cuu-chu-tich-da-nang-bi-de-nghi-khai-tru-dang-812723.vov
[4]
http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/1510202-.html
Xuân Dương